Cao Thị Thu Hà
Tôi bâng khuâng nhìn trời cao, tôi nén lòng chào đón kí ức ùa về. Đã xa rồi một thời áo trắng, xa rồi những trưa hè tháng năm, xa rồi mái trường thân thương, xa rồi tiếng thầy cô giảng bài, cũng xa rồi người thầy đầu tiên. Hết mấy năm tiểu học bỡ ngỡ, tôi lại bước vào một chân trời mới, một nơi xa hơn, lạ lẫm hơn và mọi thứ cũng thật khác hơn. Đến trường buổi đầu tiên, tôi như con chim lạc mẹ, thấy điều gì cũng lạ, cũng sợ. Bạn mới, thầy cô mới, trường lớp mới, kiến thức mới, giờ tôi đã là học sinh THCS. Ôi, tôi đã lớn rồi, tôi đã thoát khỏi nơi tôi sinh ra và mấy năm ấy tôi chỉ biết mỗi cái địa điểm ấy – thôn 2 Tiền Phong. Tôi tự nghĩ chắc mình sẽ được đi nhiều nơi, được biết nhiều thứ mà trước mẹ không bao giờ nói cho tôi biết.
Tôi được phân công vào lớp C nếu như bây giờ là lớp yếu nhất, nhưng ngày ấy không như bây giờ, trộn lẫn vào nhau, lớp nào cũng như lớp nào. Tôi được thầy chủ nhiệm, một “ông” thầy khó tính và đáng sợ, lúc đó ngây thơ lắm, thấy thầy khó là chỉ măm me miệng "ông thầy khó tính".
Ba năm THCS, tôi chỉ có thầy chủ nhiệm mà không đổi giáo viên nào khác, và tôi cũng tự hào vì điều đó. Mỗi ngày đến trường, gặp thầy lại nhe răng, cúi đầu chào thầy. Tôi cũng được thầy gọi là học trò cưng của thầy, không biết là vì sao, tôi nghĩ có lẽ ngày ấy hay giặt quần áo, rửa chén, nấu ăn cho thầy mà thầy nịnh thế thôi. Thời gian thắm thoắt trôi, cũng đến lúc thầy trò xa nhau. Tôi lên lớp 10, thầy phải chuyển trường, khoảng cách thầy trò xa hơn chỉ hay gọi điện, nhắn tin hỏi thăm thầy. Tôi nhớ, khi tôi học lớp 12, vào một giờ nghỉ giải lao, hôm đó trời mưa mùa đông, cũng lạnh lắm, tôi đứng trước hành lang cửa lớp, đưa mắt nhìn ra xa. Tôi không định hình được tôi đang nhìn gì và nghĩ gì, tôi thấy hình ảnh lớp học ngày xưa, buổi học thể dục, thầy mang roi đánh mấy đứa không chịu học, tôi thấy dáng thầy đi trong mưa, tôi thấy bộ quần áo ấy, bước chân ấy, nhớ tiếng nói ấy, tôi nhớ đến từng chi tiết. Và...tự nhiên nước mắt tôi rơi, sao hôm đó Đoàn trường lại mở ngay bài hát “người thầy năm xưa”, đây là chất xúc tác làm tôi phải khóc. Tôi còn nhớ như in lời thầy dạy với riêng tôi, khi thầy nói mà tôi không nghe: “Ở nhà có cha mẹ, lên lớp thầy là cha thứ hai của mi, nói không nghe tao đập chết”, cái giọng Quảng Bình đặc sệt ấy làm tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi yêu thầy nhiều hơn, tôi cũng ngoan ngoãn hơn. Có lần họp phụ huynh mẹ tôi hỏi thầy: “Thầy ơi! Trên lớp Hà học được không thầy, nhờ thầy uốn nắn, dạy bảo tui với, ở nhà hắn lì lắm, không chịu học bài mô thầy nờ”... Trời ơi, mẹ tôi nói xấu tôi với thầy, và mẹ tôi nhận được câu trả lời của thầy: “Hắn học cũng được mà hắn bướng lắm chị ạ, em nói không lại hắn”. Về nhà nghe mẹ kể lại tôi vừa buồn cười vừa thấy yêu thầy nhiều hơn. Tôi nghĩ lại, nhiều lúc tôi thật nghịch, hay trêu thầy, nói không chịu nghe, có hôm vì ghét thầy mà giặt quần áo đổ hết nước xả vải một lần vì cái tội sai tôi giặt đồ, nấu cơm ít nước để cơm không chín... và hôm đó thầy lại kêu trời, đi ăn ké thầy bên cạnh. Kể đến những kỉ niệm đáng nhớ của tôi, nhiều hôm mùa đông rét cóng, tôi đi học về muộn mà chiều phải thi, thầy nấu cơm sẵn, để phần cơm cho tôi, bắt tôi ở lại ăn cơm và ôn bài, tôi là học trò cưng của thầy nên không sợ những điều tai tiếng, chỉ ngại với mấy đứa bạn, thầy thì không nghĩ nhiều như mấy đứa ranh con tụi tôi. Tuổi của thầy cũng gần bằng bố tôi, tôi coi thầy như bố nên tôi không suy nghĩ nhiều. Hôm sinh nhật lần thứ 15 của tôi, giấy mời phát đi, tôi không quên người cha thứ hai của mình, đến tối, tôi ngồi đợi mãi, các bạn đã đến đông đủ chỉ thiếu mỗi thầy, bắt đầu để vào tiệc, tôi ngồi mặt buồn thiu, thấy có tiếng xe ngoài cổng vào, tôi nhảy ra khỏi bàn, đó là thầy. Tôi chạy tới và ôm thầy cùng hộp quà trên tay thầy nói: “Quà mi đây, hay ăn chóng lớn nghe, học giỏi vô, đừng có bướng nữa”. Lấy quà ngay và không quên nói: “Em xin, cảm ơn thầy, răng thầy đến muộn rứa? Tí nữa là vô tiệc rồi”. Cả buổi tối đó, thầy trò chúng tôi hòa chung một nhịp, hát hò, nhảy múa... ba mẹ tôi không quên trao đổi, hỏi thăm tôi ở thầy. Đúng là ngày tôi hạnh phúc nhất, có gia đình, bạn bè, thầy cô. Hình như lúc đó tôi còn trẻ con lắm, ngốc nghếch lắm, tôi không nghĩ được nhiều, tôi chỉ biết vui khi thầy khen, hạnh phúc khi được điểm cao và được thầy tin tưởng giao cho mọi nhiệm vụ trong lớp. Tôi thấy ghét thầy khi thầy cầm roi đánh tôi, đánh các bạn, tôi ghét thầy khi thầy nổi nóng và chửi hết tất cả không chừa một ai. Về sau, tôi mới thấm thía lời nói của thầy, tôi mới cảm nhận được tình yêu thương của thầy dành cho tôi, dành cho học trò của thầy.
Tôi bước vào giảng đường đại học, tôi không quên gọi điện thông báo tin vui cho thầy, dù đã sáu năm, tôi vẫn nhớ vẫn yêu thầy như ngày đầu tiên. Ở đất Sài thành tấp nập, bon chen, chật chội này vẫn là nơi để tôi nhớ lại những kỉ niệm ấm ấp, ngây thơ ấy. Hết năm nhất, tôi đi làm hè, tình cờ thầy vào Sài Gòn đi chơi, thầy gọi điện và hai thầy trò gặp nhau, vẫn là dáng dấp đó, con người đó, giọng nói đó, ánh mắt đó nhưng hình như tóc thầy đã bạc hơn, trán thầy đã có nhiều nếp nhăn hơn. Nhưng, vẫn là sự quan tâm đó, vẫn là những câu nói bất hủ ấy: “Lo học hành cho tốt vô nghe, mai mốt về dạy con thầy, mi chừ sắp làm cô giáo rồi có nhớ thầy mô nựa...”. Tôi thấy ấm áp vô cùng, tôi được sống lại những ngày còn ở trường được học với thầy. Tôi tự hào vì tôi là đứa học trò ngoan nhất của thầy, cũng là đứa hay nhớ thầy nhất.
Hôm nay, Sài Gòn trời mưa, tuy mưa không lớn để làm dịu đi cái nóng nực thường nhật, mưa không đủ lâu để xoa dịu, làm tan đi nỗi nhớ, kí ức nhưng mưa đủ để đưa tôi về với kỉ niệm. Mưa rả rích, hạt mưa lâm thâm, len qua từng kẽ lá, kỉ niệm lại len lỏi, nhen nhóm ở trong tim. Tôi nhớ người thầy đầu tiên của tôi. Ngước mắt nhìn lên cao, cố nén lòng mình, nuốt ngược những dòng cảm xúc, giữ lại ở một góc riêng, cầm điện thoại trên tay ấn số của thầy, nhắn một tin nhắn: “Em nhớ thầy, học trò cũ của thầy đây ạ!”.
C.T.T.H (Quảng Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét