Võ Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1995 tại Đà Nẵng, hiện là sinh viên trường Đại học Đà Nẵng
- Hò ơ……….. (chớ) Buồn thay số kiếp con người… Cơm ăn không đủ... (ờ). Hò ơ…. (chớ) cơm ăn không đủ nụ cười ốm nhom.
Ba cất giọng hò nằm đu đưa trên cái chõng sau hè, dưới mấy gốc dừa mát rượi. Mùa hè mà nằm đây thì hết sảy, lại gần cái chum nước, gió làm hơi nước tỏa ra còn mát hơn cả mấy cái điều hòa trên thành phố mà mấy đứa nhóc ở đây vẫn hay nói mà lại chưa hình dung được hình thù của nó như thế nào. Vừa nhóm bếp tôi vừa nghe ba hò, lời của câu hò khiến tôi ho sặc sụa vì vừa cười vừa hít phải khói bếp.
Ba đặc biệt thích hò, tôi cũng lớn dần theo năm tháng cùng những câu hò của ba mà không phải là những lời ru êm diệu của mẹ. Tôi chưa từng có cơ hội được gặp mẹ và sẽ không bao giờ có nữa. Bà ngoại kể lại cho tôi nghe cái ngày tôi ra đời cũng là ngày giỗ mẹ. Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là ngày sinh nhưng trên đường đi chợ mẹ không may bị người ta va phải và thế là bác sĩ bảo phải giữ lại một trong hai mẹ con. Ngoại bảo lúc đó ba đã khóc khi phải đưa ra quyết định khó khăn là giữ tôi lại nhưng cũng một phần không nỡ để mẹ đi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ nắm chặt tay ba rồi chỉ kịp thều thào: “Hãy chăm sóc con thay tôi”. Rồi ba một mình gà trống nuôi con tới bây giờ, hằng ngày ngoại cũng phụ với ba chăm sóc tôi. Ngoại nói: “Để nuôi nấng được mày lớn đến bây giờ cha mày đã rất khổ con ạ! Mày cứ khóc mãi vì không có sữa bú, ngoại với cha mày phải chạy đôn chạy đáo khắp xóm để xin sữa của mấy dì cho mày mớm”. Nói đến đó tôi thấy nước mắt chảy dài xuống hai gò má trên gương mặt đã nhăn nheo vì sương gió tần tảo của ngoại. Ngoại lau nước mắt rồi hai bà cháu lại nhìn nhau cười, một nụ cười nhẹ có chút cay đắng, xót xa. Nụ cười của ngoại như để động viên tôi rằng tất cả cũng đã qua cuộc sống vẫn phải tiếp tục và tôi phải sống tốt cho hiện tại, tương lai, phải sống cho thật xứng đáng với những gì mà ba đã làm mà mẹ đã hy sinh cho tôi.
- Hò ơ… (chớ) Nghiêng bình mở hộp nút ra… con ơi con bú... (ờ). Hò ơ… (chớ) con ơi con bú cho cha yên lòng.
Ngoại rất hay hò câu đó rồi kể mỗi lần tôi không chịu bú sữa bình là ba lại hò câu đó để dỗ dành tôi. Ngoại cười rồi cốc yêu lên đầu tôi nói: “Cái thằng cha bây cứ mỗi lần hò dzậy là y như rằng mày lại ngoan ngoãn mớm hết bình sữa”. Cái máu nghệ sĩ hát hò cũng là do bà ngoại truyền lại cho ba. Rồi tới tôi nó cứ như là một phần không thể thiếu trong kí ức tuổi thơ của mình. Lớn thêm chút nữa tôi vẫn cứ vòi ba hò ru cho bằng được rồi mới chịu đi ngủ.
*
Rồi cũng tới ngày tôi phải xa nơi đây để lên thành phố học đại học trở thành một cô sinh viên. Tạm rời xa những mái ngói nhà tranh, những con đường làng quen thuộc không đông đúc, không điện đèn nhấp nháy như trên thành phố. Mùa nắng thì gay gắt, bụi đất bay mù mịt rồi lại nhaafy nhụa, lũng bũng nước mỗi khi tới mùa mưa dai dẳng. Cả những hàng dừa mát rượi sau hè, giọng hò thương thương, nụ cười hiền dịu của ngoại của ba.
Ba đưa tôi ra bến xe vào một buổi chiều tháng tám nắng nhẹ, không quá gắt gao như nắng đầu hè. Hai cha con khệ nệ với mấy túi đồ rồi ngồi chờ để mua vé. Ba mắng nhẹ sao mang đồ nhiều thế, vận chuyển sẽ khá vất vả. Tôi từ tốn đáp lại: “Không sao đâu, con gái ba thế này bẻ gãy sừng trâu ở quê mình còn được, có mấy túi đồ thì nhằm nhò gì”. Rồi tôi nhìn ba nhe răng cười hì hì. Như chợt sực nhớ ra điều gì, ba quýnh quíu sờ sờ hai bên túi chiếc quần tây đã cũ kĩ, bạc màu rút ra một bọc tiền đưa cho tôi. Ba dặn dò: “Cất kĩ nha con, để dành lên đó mà xài có thiếu thì gọi về nhà dì năm nói ba nghe con”. Tôi cầm bọc tiền mà rưng rưng, nhớ lại cái cảnh mà tôi tình cờ thấy được mấy hôm trước, nước mắt như sắp muốn chực trào ra ngoài nhưng cố kìm nén để không phải ôm chầm lấy ba mà khóc. Tôi nghẹn ngào: “Ba có thể hò cho con nghe bây giờ hông ba”. Ba chau mày ra vẻ khổ sở nói: “Sao thế con đây là chỗ công cộng làm sao ba hò ở đây được”. Tôi lây lây áo ba mặt hơi lấm lét ngó quanh: “Không sao đâu, ba hò nhỏ nhỏ đủ cho mình con nghe là được rồi”. Cuối cùng ba cũng xiêu lòng vì lời năn nỉ, ỉ ôi của tôi. Ba tằng hắng một tiếng ra bộ nghiêm chỉnh rồi cất giọng.
- Hò ơ… (chớ) lớn lên con phải học hành, học là học đạo làm người… (ờ). Con đừng lêu lỏng chớ kẻ người cười chê. Hò ơ… (chớ) vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền, chỉ phiền một nỗi… (ờ). Chớ chỉ phiền một nỗi nợ với duyên không tròn…
*
Đã 3 giờ sáng, ngoài trời vẫn còn tối om như mực. Ba rón rén ngồi dậy động tác nhẹ nhàng như sợ tôi thức giấc, nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân rồi ra khỏi nhà. Hai hôm nay đã như vậy, ba ra khỏi nhà lúc gà chưa gáy nhưng tới tối mịt mới về. Có hôm tôi còn thấy trên tay ba còn có nhiều vết trầy xước nữa, cái bệnh đau lưng lâu nay hành hạ ba cũng tái phát trở lại. Tôi lo lắng nên hỏi ba nhưng ba chỉ nói ba ra đồng thăm ruộng sớm cho người ta bất cẩn ngã nên trầy xước là điều đương nhiên rồi bảo tôi đừng lo lắng cho ông. Nhưng rõ ràng là mấy hôm trước vừa mới gặt xong chưa gieo mạ thì ba ra đồng làm gì?
- Ơ...ba...
- Thôi không có gì đâu con gái, nam nhi như ba trầy xước tí thì ăn thua gì… Ba cắt ngang lời tôi rồi đẩy tôi đi nấu cơm, thấy ba không muốn trả lời nên tôi cũng thôi không hỏi gì thêm nữa.
*
Tôi đi chợ hí hửng vui vì mua được mớ bông súng, bình thường thì hiếm khi có bông súng nên thấy là tôi mua ngay, đó là món khoái khẩu của ba. Bông súng luộc chấm với mấm nêm thì ngon phải biết, chỉ mới nghĩ thôi mà tôi đã thấy thèm rồi tự cười một mình. Hôm nay trời hơi nắng, xách cái giỏ đồ mà cũng thấy mỏi tay, thế là tôi ghé lại dưới bóng dừa ngay trước mặt cho đỡ mệt. Lại gần sông nữa hơi nước thoang thoảng làm cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Có tiếng ồn ào, thúc giục của mấy cô chú công nhân trong lò gạch ngay trước mặt, người thì vác gạch xuống thuyền người thì chạy lên. Ở đây có rất nhiều xưởng gạch có tới khoảng vài chục cái nên cảnh như vậy cũng không phải là xa lạ gì.
Vừa nhìn thoáng qua một lượt rồi mắt tôi đột nhiên dừng lại bởi một dáng người gầy gầy quen thuộc. Mồ hôi nhễ nhại trên trán lăn dài từng hột xuống cổ, lưng còng xuống vì phải vác vài chục viên gạch, áo ướt đẫm, bàn tay trầy xước vài chỗ đã rướm máu vì bị gạch cắt. tôi mở to mắt nhìn thật kĩ. Là ba, đúng là ba thật rồi nhưng ba đang làm gì ở đây? Sao ba lại nói dối tôi?
… Rất nhiều rất nhiều thắc mắc đang hiện ra trong đầu tôi lúc này. Nhưng nhìn cái cảnh trước mắt đây thì tôi đã hiểu, tôi sắp phải lên thành phố để thực hiện ước mơ trở thành một nhà báo tương lai và để làm được điều đó thì cần phải có học phí cho mỗi học kì. Hôm trước tôi có xin ba, ba ập ừ nói để từ từ ba tính. Đáng lẽ ba không nên giấu tôi điều này, đáng lẽ tôi phải quan tâm ba hơn khi thấy những vết trầy xước không rõ nguyên nhân xất hiện, đáng lẽ… quá nhiều cái mà tôi muốn tự trách bản thân mình. Nhưng rồi cũng chỉ biết đứng nhìn ba từ xa, nhìn ba cực khổ gian lao vì tôi mà lòng xót xa, thương ba quá đỗi. Nước mắt cứ tuôn ra như tôi chưa bao giờ được khóc lần nào.
*
Cảnh vật hai bên đường cứ lùi dần về phía sau, gió lùa vào trong xe khiến tóc tôi cũng bị thổi bay phất phới. Mắt nhìn về xa xăm vô định tôi nghĩ về cuộc đời của ba, dãi nắng dầm mưa mà không có sự chăm sóc hay phụ giúp của người vợ. Ba cũng chưa lần nào than vãn hay trách móc nó, suốt 18 năm ba luôn dành hết yêu thương, quan tâm để hôm nay nó được hiện diện trên cõi đời này. Nó tự dặn lòng phải học thật tốt, lên đó nhất định nó sẽ đi làm phụ thêm với ba, sẽ mua cho ba cái áo mới. Cứ theo dòng suy nghĩ miên man nó mơ màng đi vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Trong giấc mơ ngắn ngủi nó được thấy mẹ về thật hiền hòa, mẹ ngồi cạnh ba vừa vá áo vừa đẩy võng ru nó ngủ. Mẹ hát:
- “Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng….”
Ở đời ai cũng sẽ trải qua một lần làm cha làm mẹ, chúng ta mới biết được hết công sinh thành lớn lao mà không cần điều kiện hay đáp trả là như thế nào. Những ai may mắn còn cha còn mẹ xin hãy hết lòng vì họ. Vì còn cha còn mẹ tức là ta đã là người hạnh phúc nhất trên đời.
Nhân ngày của cha, xin chúc cho những người cha, người bố luôn khỏe mạnh, vui tươi để chăm sóc những mầm non tương lai của đất nước và chúng ta những người con hãy luôn nhớ rằng:
Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như lời trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa.
V.T.T.T (Đà Nẵng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét