Mấy ngày nay, trời không rơi xuống một hạt mưa lại thêm bị cúp điện thường xuyên, cái nóng hầm hập khiến ông Thịnh khó chịu. Bây giờ cái quạt trần chạy rề rà chậm chạp càng làm tâm trạng ông chùng xuống và bực bội. Ông đứng dậy mở cánh cửa sổ ở phía sau lưng. Ánh nắng chiều xiên vào cùng với cái nóng hừng hực. Một ý tưởng chợt lóe lên trong suy nghĩ của ông Thịnh… sao không lắp máy điều hòa nhiệt độ! Ông có tốn gì đâu, chỉ gợi ý và…ký! Ông thấy lòng dịu lại. Điều hòa nhiệt độ! Ừ, rồi đây ông cũng sẽ thường xuyên lắp điều hòa nhiệt độ cho những cuộc họp thường gay gắt đòi quyền lợi của cán bộ, công nhân, nhất là những cuộc họp xét thi đua khen thưởng. Ông tự thưởng cho phát kiến của mình bằng một ngụm trà và tiếp tục dán mắt vào máy tính chơi trò chơi điện tử…
Ông Thịnh không thể nào tập trung chơi những trò chơi điện tử đơn giản, chậm chạp. Ông cứ nghĩ đến cuộc họp vừa qua…
Nhiều năm lãnh đạo cơ quan này, ông hiểu rõ công việc, tính tình từng con người. Mỗi người mỗi vẻ, nhưng tựu trung ông có thể chia thành hai hạng người. Một hạng dễ bảo, không bao giờ có ý kiến trái ngược với ông nhưng hiệu quả công tác không cao. Gần gũi với những người này thật dễ chịu, họ ngoan ngoãn như những con cừu, họ lặng lẽ như cái bóng, họ có thể thiệt thòi một ít mà không hề kêu ca. Mà thật ra họ có thiệt thòi gì đâu, họ được hưởng quyền lợi của một đơn vị tiên tiến, họ đâu cần gì hơn nữa. Còn có một hạng người nữa có năng lực thật sự. Sự đi lên của cơ quan là nhờ vào họ. Họ năng động, xông xáo, nhiệt tình… Tuy nhiên, họ là những kẻ ương bướng, sẵn sàng tung hê tất cả, hay cãi lại và đòi hỏi quyền lợi cũng rất chính đáng nhưng trơ tráo phát ghét. Như trong cuộc họp xét thi đua nhân dịp sơ kết giữa năm vừa qua, ai đời, thằng Trận nó dám ý kiến giữa cuộc họp rằng đưa ban lãnh đạo ra để so sánh với từng thành viên. Sau khi so sánh hiệu quả công việc của nó với từng cá nhân trong ban lãnh đạo, nó khẳng định, nó xứng đáng đứng ở ngôi đầu bảng xếp loại và các vị trong ban lãnh đạo không một ai xứng đáng! Nó còn chỉ ra những sai lầm quản lí của ông nữa chứ! Và, có tức không, nó tuyên bố rút khỏi danh sách đề cử khen thưởng để nhường cho một vị nào xứng đáng. Thật là không thể tưởng tượng nổi. Một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt ông. Ông vẫn biết nó nói đúng, ông thường đi trễ về sớm, làm việc lớt quớt, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chỉ hô hào khẩu hiệu chung chung… Nhưng là nhân viên thì không thể ngang hàng… cái thằng…!
Như thế là thằng Trận đã tự bỏ cuộc trước cuộc thi đua thành tích. Ông Thịnh biết nó xứng đáng nhưng vì lòng đố kỵ hèn hạ, ông nhanh chóng để Trận ngoài danh sách khen thưởng. Nhưng giữa cuộc họp này, ông không thể thay tên ông vào chỗ thằng Trận khi khuyết điểm của ông đã được nó chỉ ra, phân tích rõ ràng vừa xong. Ông chợt nhớ đến trò chơi đá cỏ gà lúc nhỏ. Bọn trẻ trong làng thường thơ thẩn ngoài bãi bồi tìm những cộng cỏ gà vạm vỡ, cứng cáp để chơi trò chơi đá gà. Ông thì thường chỉ tìm được những cộng cỏ còi cọc, yếu ớt mà lũ trẻ không thèm chọn và cùng với những “con gà còi cọc” ấy, ông chen vào cổ vũ những cặp “gà chiến” đấu với nhau. Bọn trẻ reo hò ầm ỉ, tuyên dương những kẻ chiến thắng. Và thường khi, sau chiến thắng của những dũng sĩ “gà chọi” lại biến thành nỗi cô đơn khủng khiếp khi kẻ chiến thắng hết đối thủ dũng mãnh. Lúc này ông mới rụt rè đưa những con gà nhép của ông ra xin thi đấu. Chúng mềm oặt nhưng dẻo dai đã khiến những kẻ vừa chiến thắng đành chịu thất bại! Đấy là bài học đầu tiên trong cuộc đời của ông: lấy yếu chống mạnh, lấy nhu thắng cương. Bây giờ, thằng Trận đang hùng hổ xin rút khỏi danh sách đề nghị khen thưởng… và ông cũng… xin rút! Có một vài ý kiến xầm xì khen ông… Ông chốt danh sách, đưa cho bộ phận văn phòng đánh máy để trình cho cuộc họp xét tiếp theo ở cuộc họp cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Ông cầm chắc cuộc họp sau, tên ông lại xuất hiện cùng với những người xuất sắc…
Một sự việc khác làm ông Thịnh cân não không kém. Đó là việc thằng Tùng, một nhân vật tròn trịa, gọi tốt cũng đúng, gọi xấu cũng không sai; nói nhiệt tình cũng đúng, nói ù lì, trì trệ cũng được… Nói chung, đó là người đứng tốp giữa, trung bình. Mấy lần cơ quan cử đi học đều kiếm cớ từ chối… Thỉnh thoảng có say rượu đến cơ quan lờ đờ, mệt mỏi, cáo đau xin nghỉ! Biết rõ thế nhưng nó đã đến, đã xin… thành khẩn một cách dối trá nên cũng cho qua. Một người như thế cần phải nhắc nhở mới đúng! Ngay hôm lãnh đạo chủ chốt cơ quan họp để chốt danh sách thi đua lần cuối cùng, ông Thịnh đang tìm cách đưa tên mình vào thì chuông điện thoại di động của ông reo. Người gọi cho ông là một vị lãnh đạo đáng kính của huyện. Đó là cuộc nói chuyện bình thường nhưng ẩn phía sau là lời gởi gắm, ông biết! Sau khi hỏi thăm về sức khỏe, công việc chung, riêng của ông, vị lãnh đạo đáng kính kia nhắc đến tên thằng Tùng và chê trách nó không tiến bộ! Ông hiểu khi nói Tùng không tiến bộ đồng nghĩa với việc ông không chú ý cất nhắc… Cái thâm thúy của người bề trên là thế!
Trở lại với cuộc họp, ông Thịnh thấy người nóng lên, ông lại nghĩ đến cái máy điều hòa nhiệt độ! Ông nhìn chằm chằm lần lượt từng thành viên trong ban thi đua của đơn vị như nhắc nhở cho họ biết rằng ông là thuyền trưởng của con tàu đơn vị này. Sự thành bại đều xuất phát từ mỗi quyết định của ông. Ông biết đôi khi những ý kiến ngoài lề lại gợi ý cho những quyết định sáng suốt nội dung cuộc họp, nên ông giả lả gợi ý:
- Thời gian gần đây cậu Tùng ít rượu chè và làm tốt công việc đấy chứ.
Một câu nói lạc lõng nhưng khiến mọi người đưa mắt nhìn nhau ngầm hiểu đến sự gợi ý của thủ trưởng. Ông Thung nhanh nhẩu khúm núm:
- Dạ, thủ trưởng thật khách quan… Nếu so sự cống hiến của Tùng với chúng ta thì…
Ông Cường chợt tằng hắng một cái rõ to làm cắt đứt câu nói của ông Thung. Ông Thịnh cười khơ khớ như đang ngồi ở bàn nhậu:
- Không nên so sánh như thế, nhưng so với chính cậu Tùng thì đang có hướng đi lên… Cần thấy điều ấy để xem xét nhằm động viên… Chốc nữa, vào cuộc họp chính, chúng ta có thể bàn bạc kỹ mà…
Mọi người thầm hiểu kết quả thi đua của Tùng đã được quyết.
Cậu Giang, chủ tịch công đoàn chủ trì cuộc họp. Sau khi thông qua danh sách những người đề cử được khen thưởng kỳ này, Giang thăm dò:
- Đơn vị ta đạt được nhiều thành tích xuất sắc và có nhiều cá nhân được đề nghị khen thưởng kỳ này… Nhưng tôi thấy vẫn chưa ổn… đề nghị cuộc họp có ý kiến….
- Xét thi đua là để động viên, nên ta phải cân nhắc đừng bỏ sót nhân tố tích cực…
Ông Thung vẫn là người nhanh nhất:
- Tôi thấy nên đưa thêm vào danh sách khen thưởng kỳ này hai người nữa. Đó là xếp Thịnh và cậu Tùng, bởi vì…
Rồi ông Thung giải thích tràng giang đại hải, khi thì nói về ông Thịnh một chút rồi lại nói đên Tùng một chút, rối rắm, dài dòng bằng cái giọng ề à, nặng nề.
Ông Cường mấy lần muốn chen ngang mà không được. Còn ông Thịnh và Giang biết rằng ông Thung càng nói dài thì đường đi đến đích của họ càng ngắn. Mọi người đều chán ngán cái kiểu họp xét thi đua này lắm rồi. Thường thì lãnh đạo đưa ra một danh sách đủ tiêu chuẩn theo đề án thi đua nêu ra ở đầu năm để bàn xét. Nhưng ai cũng biết gần trăm phần trăm cái tên trong danh sách sẽ được quyết định. Sự điều chỉnh rất ít ỏi nếu có một vài ý kiến mạnh mẽ nào đấy phẩn đối!...
Cái giọng ề à của ông Thung vẫn đều đều, hình như ông đang so sánh những công việc của mọi người bằng một câu chuyện kể của ông. Bỗng cậu Hoàng cắt ngang:
- Thôi đi! Dài dòng quá! Tôi ý kiến là anh Tùng có thể thêm vào danh sách nhưng xếp Thịnh thì không nên, bởi xếp đã tự rút như anh Trận.
Thật là một gáo nước lạnh dội vào cuộc họp. Ông Thung ngơ ngác rồi ngừng bài diễn văn lê thê… Giang giật mình như chưa kịp hiểu chuyện gì đã xãy ra. Ông Thịnh cảm thấy bất ngờ với Hoàng, người thường chỉ biết nghe theo. Ông lại tỏ ra khéo dàn xếp:
- Cuộc họp này do cậu Giang, chủ tịch công đoàn chủ trì, mọi ý kiến phải được chủ trì chỉ định, cho phép mới hợp lệ, ghi nhận.
Câu nói đúng lúc của ông Thịnh làm mọi người hiểu ra ông đã loại ý kiến của Hoàng nên lặng thinh. Hoàng cũng chẳng nói thêm gì nữa!
Giang đã hiểu được ý của xếp Thịnh và bắt đầu phân tích. Đại khái, ông Thịnh xin rút ra khỏi danh sách khen thưởng nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân chứ không phải do tập thể quyết định. Mà cuộc họp này mới là cuộc họp để thống nhất cao và quyết định. Tùng là nhân tố tự vượt lên chính mình đáng khích lệ… Mọi người nhanh chóng quên danh sách đề cử trong cuộc họp mở rộng đã xét gồm những ai và cũng nhanh chóng nhất trí thêm vào danh sách hai người đã phân tích.
Ông Thịnh thấy cần phải nói mấy lời về việc ông chấp nhận kết quả này là vì ông đặt quyền lợi đơn vị, danh dự tập thể lên trên quyền lợi, danh dự cá nhân ông, là thủ trưởng của một đơn vị tiên tiến không thể ở ngoài danh sách… Nhưng ông im lặng!
Bàn nhậu cho sự thành công của cuộc họp đã chuẩn bị sẵn.
Bây giờ ông Thịnh lại dán mắt vào màn hình vi tính tiếp tục chơi trò chơi điện tử, một trò chơi không biết khoan nhượng một ai. Rồi đột nhiên ông muốn bộc lộ cảm xúc nhẹ nhàng của mình bằng ngôn ngữ ẩn dụ đầy chất thơ. Ông chuyển màn hình sang chế độ đánh văn bản và ông gõ vào bàn phím:
Đời người như nước của sông
Khi ra tới biển thì không trở về
Dẫu lòng còn nhớ sơn khê…
Ba câu thơ ông vừa nghĩ ra là ông ám chỉ thằng Trận cứ trôi tuột như giọt nước ra biển khơi chẳng chộp lấy cơ hội ở lại với dòng sông. Những câu tiếp theo sẽ nói về ông nhưng phải thật kín đáo... Ông đang tìm từ để diễn đạt ý tưởng của mình thì Giang đến. Trong cơn hưng phấn, ông Thịnh quên mất cái nóng và phòng ông vẫn chưa lắp máy điều hòa nhiệt độ, ông hào hứng đưa ý tưởng bài thơ cho cậu Giang góp ý. Ông Thịnh làm như môn nghệ thuật này cũng có thể thực hiện được bằng trí tuệ tập thể khiến Giang bối rối, ậm ừ… Thái độ thờ ơ của Giang làm ông Thịnh thấy người nóng ran, ông chuyển đề tài:
- Này cậu Giang, hổm rày, trời nóng quá, hay là ta lắp máy điều hòa nhiệt độ cho các phòng làm việc…
Ông Thịnh nhận thấy sự bất thường khi Giang đến gặp ông, ông lại chuyển đề tài:
- À, mà cậu tìm gặp tôi có việc gì?
Giang ngập ngừng, trân trọng:
- Thưa thủ trưởng, danh sách đề cử khen thưởng của đơn vị ta bị cấp trên cắt bớt…
Giang nêu tên những người bị loại không được khen thưởng kì này. Cũng đúng thôi, nhưng họ là người của ông, ông phải bảo vệ, khen thưởng để họ khỏi bất mãn…
Ông lại rơi vào tình huống oái ăm. Tâm hồn thơ bay bổng của ông đã bay đi phương trời nào rồi, cái dự định khoa học lắp máy điều hòa nhiệt độ cũng không còn là mối bận tâm của ông nữa. Bây giờ ông phải giải quyết cuộc sống đời thường trần trụi vì danh, vì lợi này. Ông nói với Giang:
- Cậu sắp xếp cho chúng ta (ông nhấn mạnh từ “chúng ta”) gặp riêng từng người bị cấp trên cắt khen thưởng nhé. Nhớ là chỉ gặp từng người để họ dễ thông cảm…
Giang đi ra khỏi phòng. Ông Thịnh ngả người trên ghế lơ mơ nghĩ đến công việc của mình. Hình như việc gì ông làm cũng còn dang dở…. Trò chơi điện tử thì bị xóa nửa chừng, bài thơ viết chưa xong, máy điều hòa nhiệt độ chưa lắp, danh sách thi đua chưa thỏa ý… Nhưng ông không vội vã. Chắc chắn tương lai những ý tưởng của ông sẽ được hoàn thành…
Ông Thịnh khép cửa phòng làm việc, ra xe đến một nơi đã hẹn trước!
Lúc này trời đã về chiều!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét