Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người yêu mến văn chương cùng nhau đề xuất chọn thể loại thơ lục bát là Quốc Thi. Từ xa xưa, thơ lục bát đã quen thuộc với đời sống quảng đại quần chúng.
Hình thức tiên khởi của thơ lục bát chính là những bài ca dao trữ tình. Thật khó phủ nhận thành tựu thơ lục bát ngay trong chính nguồn cội ca dao với những tác phẩm được ra đời từ chính cuộc sống lao động của người Việt bao đời:
Đếm sông mấy khúc, đếm mây mấy tầng
Để tôi khuyên gió: gió đừng rung cây!
Trên nền tảng bền vững của ca dao, thơ lục bát phát triển theo chiều dài lịch sử dân tộc chúng ta, mà đỉnh cao là tác phẩm Truyện Kiều trứ danh. Là người Việt, ai cũng xao xuyến xen lẫn tự hào khi ngâm ngợi những câu lục bát vừa đẹp đẽ vừa sâu lắng của Nguyễn Du
Người mà đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Hậu nhân của cụ Tiên Điền lần lượt thử bút với thể loại thơ lục bát, và không ít người trong số họ đã đạt được thành tựu đáng kể. Lục bát Nguyễn Bính thì dân dã: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”, còn lục bát Huy Cận thì thâm thúy “Tai nương nước dột mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”.
Câu hỏi đặt ra: thơ lục bát có thay đổi theo thời gian không? Có chứ! Thơ lục bát tuy vẫn giữ niêm luật, vẫn giữ vần điệu nhưng cái không khí của xã hội ùa vào làm nên những sắc thái mới mẻ.
Ví dụ, Nguyễn Duy có cách tếu táo: “Chân mây hơi bị cuối trời/ Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu”, còn Đồng Đức Bốn có cách bông lơn: “Bao nhiêu là thứ bùa mê/ Cũng không bằng được nhà quê của mình”.
Không chỉ thay đổi về nội dung, thơ lục bát dường như cũng đang cố thay đổi về hình thức. Bằng cách nào? Cái được mệnh danh sáng tạo đôi khi chỉ là… ngắt dòng. Câu lục và câu bát được chia ra thành nhiều câu ngắn, theo nhịp điệp và ý nghĩa của bài thơ. Thậm chí chỉ một bài thơ với một cặp lục bát cũng được chia ra thành nhiều câu ngắt xuống dòng liên tu bất tận. Sự thật mất lòng, nhiều tác giả cố tình ngắt câu lục và câu bát giống như một thao tác kỹ thuật, chứ chẳng có khái niệm nghệ thuật gì! Hành vi này tuy có vẻ mang lại cho thơ lục bát một hình thức khác, nhưng lợi bất cập hại, khiến thơ lục bát trúc trắc hơn, ngô nghê hơn!
Vậy, người làm thơ và người yêu thơ phải chú trọng điều gì để gìn giữ giá trị của thơ lục bát trong nhịp điệu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nguyên tắc cũ kỹ nhất nhưng chưa bao giờ lạc hậu: hãy để cái tình tràn lên thơ lục bát. Bình cũ rượu mới chính là tiêu chí của thơ lục bát hôm nay!
B.Đ.A (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét