Tôi nhận được lá thư của chị vào một buổi sáng chớm thu, người phát thư nhìn tôi rồi mỉm cười, nói như trêu đùa.
- Chắc ở thế kỷ này, chỉ có cô còn sót lại.
- Vì sao vậy anh?
- Thì thời đại bây giờ, người ta dùng thư điện tử, hay điện thoại nói cái ào là xong, vừa nhanh vừa gọn, ai đâu rảnh rỗi mà ngồi viết thư như thế này.
Tôi mỉm cười, cúi đầu chào bác đưa thư rồi đi vào nhà. Tay run run xé lá thư, dòng đầu tiên với nét chữ nghiêng nghiêng nhưng đều tăm tắp và được viết bằng bút mực tím của học trò.
Vĩnh Phúc ngày… tháng… năm…
Phương Namthương nhớ
Phương Bắc đã bước một chân vào mùa thu, gió mùa đang
chuyển, ngồi nhìn lá rơi ngoài sân, chị nhớ Phương Nam kinh
khủng, không biết giờ này nơi ấy ra sao. Em của chị học hành
thế nào rồi, nhớ viết thư và chụp hình gửi ra cho chị nhé…
Chị viết nhiều lắm, viết đi viết lại cũng là nỗi nhớ về nơi chị đã từng sống, từng gắn với chị như máu với thịt. Mà chị tôi cũng lạ, khi ở miền Nam thì đau đáu ra miền Bắc, lúc ra đất Bắc lại mong về phương Nam, có lẽ chị là con người đa đoan nên không yên với nơi chốn của mình, lúc nào cũng mơ về một nơi xa lắm ấy…
Gia đình tôi là người Vĩnh Phúc, cách Hà Nội không xa mấy. Năm chị lên mười một tuổi thì bố sinh thêm tôi, nghe bố kể thời đó khó khăn, ông phải chạy xe đạp ra đồng mua bắp cải rồi chở ra chợ cho mẹ bán, chị một mình ở nhà chăm tôi lúc tôi mới hơn ba tháng.
Đến năm chị lên mười ba tuổi, mẹ tôi sinh thêm một thằng em nữa, thế là năm miệng ăn chỉ trông chờ vào mớ bắp cải mẹ trồng ngoài vườn. Tôi khó nuôi nên phải uống thuốc, ba lại là thương binh 2/4 nên sức khỏe của ông không ổn định, mỗi khi làm việc nặng là ba rất mệt.
Mẹ thương ba nên cắn răng làm mọi việc, nhưng khi tôi và đứa em út càng lớn, nhu cầu ăn uống sinh hoạt càng nhiều, quá bức bách không còn đường xoay xở nên bố đã đưa chị Lan vào phương Nam và gửi nhờ một người bác họ.
Trong ký ức của tôi vẫn còn lờ mờ nhớ cái đêm chị sắp phải đi, hai chị em tôi ôm nhau trong phòng, tôi là cô bé mới năm tuổi, tôi cầm con búp bê và đưa cho chị rồi nói.
- Nhà mình có một con búp bê này, để em chia ra cho chị nha.
Chị cười nhìn tôi hỏi.
- Em muốn chia như thế nào.
Tôi cầm con búp bê rồi bẻ cái chân của nó ra, nhưng chưa kịp bẻ thì chị ngăn lại.
- Thôi, bẻ ra tội nghiệp nó lắm, em cứ giữ đi.
Không biết chị có thích chơi búp bê hay không, nhưng tôi thấy chị hay may áo quần cho con búp bê đó lắm, chỉ là những mảnh giấy vụn thôi nhưng chị khéo léo từng mũi chỉ luồn lách thế nào mà con búp bê của tôi được rất nhiều áo quần đẹp. Đêm đó chị ôm tôi thật chặt rồi ngủ, mẹ đi ra đi vào, chắc trong lòng đang lo lắng quay quắt, nên cứ thở dài, tôi nghe tiếng bước chân của mẹ cứ nằng nặng trong đêm…
o0o
Trong thư chị kể…
Cồn Ông Trang thuộc tỉnh Cà Mau đón chị và bố tôi với bạt ngàn dừa nước, cây mắm và rừng đước. Bố đưa chị đến nhà một người thân là bác Quế, gửi gắm dăm ba lời rồi loay hoay ra về ngay trong ngày, bố không dám nấn ná lại lâu thêm vì sợ sẽ yếu lòng mà thay đổi ý định… Kể từ đó, cuộc đời của chị thay đổi. Chị bắt đầu những tháng ngày vất vả đấu tranh để vươn lên và đôi lúc là bảo vệ chính bản thân mình.
Bác Quế lúc ấy đang là Viện trưởng kiểm lâm của huyện Ngọc Hiển, bản chất ông sống cần kiệm liêm chính, nên được lòng nhiều người nhưng kẻ thù thì cũng không ít. Chị được bác đưa vào lâm trường để phụ việc cơm nước cho công nhân cán bộ ở đây.
Thân gái một mình, chị vừa cô đơn vừa lo lắng, những ngày đầu mới đến, đêm xuống nghe tiếng lá rừng xào xạc, cộng với tiếng côn trùng ngày đêm rỉ rả, chị đã tuôn rơi nước mắt nhớ về bố mẹ và các em, nhưng bản thân chị luôn tự nhủ mình phải vượt lên để còn giúp gia đình.
Mấy anh cán bộ hợp sức làm cho chị cái lán ở cạnh lâm trường, đêm xuống chị vào đó mà ngủ, mặc dù biết cán bộ là những người nghiêm túc, nhưng đâu đó chị vẫn lo sợ cái việc mơ hồ, mỗi đêm chị thủ sẵn bên mình một con dao nhỏ để phòng thân.
Khi lớn hơn một chút đi học và biết chữ cũng là lúc tôi tập tành viết thư cho chị, từ phương Bắc gửi đến phương Namnhững nét chữ run rẩy học trò. Bố và mẹ tôi không biết chữ nhưng mỗi lần nhận được thư thì như có linh cảm, mẹ biết ngay đó là thư của chị và thế là sau bữa ăn tối, cả nhà tôi xúm lại đọc thư chị.
o0o
Lâm trường kết hợp với phòng giáo dục huyện mở lớp dạy để bổ túc văn hóa cho các cán bộ, chị thấy các anh đi học vào mỗi buổi tối, thế là xin ông Quế cho được học cùng. Ban đầu có khó khăn cho chị một chút trong việc làm quen lại với sách vở, mỗi đêm xuống, ngọn đèn vàng cứ sáng cho đến khi trời tờ mờ sương sớm chị mới tắt đèn đi ngủ. Mấy anh cán bộ thấy thương, không làm khó, có người để ý thương chị nhưng trong lòng chị lúc ấy chẳng nghĩ đến chuyện tình cảm, mối quan tâm lớn nhất của chị lúc này là làm sao để thay đổi cuộc sống của gia đình.
Buổi trưa, khi chị đang loay hoay dọn mớ chén bát thì anh Quân, một cán bộ ở lâm trường đã để ý chị từ lâu, anh lân la lại gần rồi lúng túng gọi chị.
- Lan!
Chị quay người, ngạc nhiên khi thấy anh đứng cạnh mình từ lúc nào.
- Dạ! Anh gọi em có gì không ạ?
Anh xòe bàn tay ra và trong đó có một cái kẹp tóc màu trắng, hình bông cúc rồi anh mỉm cười.
- Tặng Lan nè.
Chị tần ngần một lúc, không dám nhận, chị nhìn anh bối rối.
- Sao vậy, không thích hả?
Chị có mái tóc dài chấm mông lúc nào cũng búi cao gọn gàng để lộ cái cổ trắng tinh của con gái xứ Bắc. Cái kẹp của anh là món quà xa xỉ đối với chị vì từ bé đến lớn chị chưa bao giờ mua một món đồ trang điểm nào cho bản thân mình, đơn giản vì ăn còn không có lấy gì để làm đẹp.
- Sao tự nhiên anh lại tặng cho em vậy?
- Anh đi lên thị xã công tác, thấy nó đẹp anh lỡ mua rồi, giờ em không nhận thì anh quăng nó xuống sông.
Chị bật cười và đưa tay cầm lái cái kẹp xỉa ngang trên tóc mái của mình. Mấy ngày sau đó anh cũng mon men lại gần, nhiều lúc muốn trao cho chị tình cảm nhưng cứ thấy chị dửng dưng, nên anh cũng ngại. Sau này, anh phát hiện dường như chị lảng tránh cái ánh nhìn của anh, không nỡ làm chị khó xử, anh đành im lặng chờ đợi, và cái sự im lặng đó kéo dài, kéo dài như cánh rừng đước mênh mông này…
Hết lớp bổ túc 12, chị xin ông Quế cho chị lên tỉnh Bạc Liêu thi cao đẳng sư phạm, ban đầu ông cũng lo lắng, nhưng sau nhiều đêm đắn đo, thì ông Quế nghĩ nên giúp chị thực hiện những hoài bão của mình và thế là chị khăn gói lên tỉnh.
Những năm đó, sư phạm là một ngành không phải tốn tiền học mà còn lại có lương cho giáo sinh hàng tháng nên chị quyết định thi vào trường này, nhưng sợ sức học của mình không bằng người khác, nên chị chọn ngành mà ít người nộp hồ sơ là Anh văn, may mắn đã mỉm cười với chị. Hình như đất phương Nam luôn mở rộng lòng đón chị.
Tôi thấy cánh thư của chị gửi về đã có nhiều màu sắc, lấp lánh những niềm vui. Chị kể về khoảng thời gian chị vào được cao đẳng, những niềm vui và những trăn trở. Ở phương Bắc, bố mẹ tôi cũng vui mừng, bố tôi thường khuyên chị cố gắng học ở nhà mọi việc vẫn ổn.
Rồi một ngày kia, tôi thấy thư của chị viết về dài hơn, chị khoe chị có người yêu, một người đã từng có vợ và đã ly hôn. Tôi đọc thư cho bố mẹ nghe mà lòng lo lắng, đến chữ cuối cùng của bức thư, chị xin bố mẹ hãy chấp nhận việc đó. Mấy hôm sau, tôi thấy bố cứ dùng dằng đòi vào miền Nam nhưng mẹ lại cản, thư đi thư lại, biết bao lời khuyên nhủ của bố mẹ nhưng chị vẫn cương quyết, bất lực, bố tuyên bố từ con.
Thư về tôi thấy dòng chữ chị nhòe nhòe trong nước mắt, bố quát tôi.
- Từ nay tao cấm mày không được đọc thư của con Lan nữa…
Thế là từ công khai, hai chị em tôi chuyển sang “thư mật”, tôi âm thầm kể về tình hình của bố mẹ cho chị nghe. Chị ra trường, xin về huyện Trần Văn Thời dạy, tháng lương đầu tiên chị mua cho tôi một chiếc áo dài trắng tinh, mua cho mẹ một cái áo ấm, thuốc bổ cho bố và đủ thứ…
Đến hôm không thấy thư của chị nữa mà thấy một chiếc thiệp hồng, chị báo là sẽ lấy chồng dù bố có ngăn cản. Tôi đem tấm thiệp đưa bố, dù sao tôi cũng phải nói cho bố biết. Đêm đó bố ngồi giữa sân hút thuốc lào, lâu lắm rồi tôi mới thấy bố hút thuốc và trầm ngâm suy nghĩ nhiều như vậy, sáng hôm sau, bố bắt tuyến xe Bắc Nam vào để để mừng đám cưới của chị…
o0o
Chị khóc, khóc rất nhiều trong ngày cưới. Quà mừng con gái đi lấy chồng chỉ vỏn vẹn một trăm ngàn, nhưng chị khóc không vì điều đó mà vì dẫu con gái có làm gì đi nữa, thì chị hiểu tình thương của người cha vẫn dành cho con trọn vẹn. Bố tôi vẫn thế, vẫn đi và về ngay trong ngày như cái hôm ông bỏ lại chị tôi ở nhà bác Quế.
Tôi thông báo với chị qua thư: “Em đậu đại học rồi, em sẽ vào Sài Gòn học…”. Chị hớn hở gửi tiền ra cho tôi mua vé tàu vào miền Nam, và cứ hàng tháng, chị thay cha mẹ gửi cho tôi tiền ăn học, khi có thời gian rảnh là tôi đón xe đò về Cà Mau thăm vợ chồng chị.
Tôi vào Sài Gòn học, thằng Út cũng đòi vào theo, bố mẹ tôi càng ngày càng già yếu, chị lại lo bố mẹ sống một mình không người chăm sóc, chị xin chồng chuyển về quê hương, cũng may anh gốc ở Vĩnh Phúc nên việc cả anh và chị chuyển công tác về quê không có gì khó khăn, vậy là một lần nữa chị lại bước đi, bỏ lại miền Nam trong nỗi nhớ…
o0o
Gấp bức thư của chị lại, mắt tôi cay cay, có lẽ tôi đang là chị những ngày xưa ấy, nhưng tôi may mắn hơn là không phải bôn ba, vất vả như chị Lan. Anh chị đã có đứa con đầu lòng, hai người đặt tên cháu là Phương Nam, để nhắc nhở con về nơi mà cha mẹ đã gặp và cưới nhau với bao kỷ niệm.
Chị vẫn viết thư dặn tôi thỉnh thoảng hãy xuống Cà Mau thăm nhà ông Quế giúp chị, và hãy chụp lại cho chị cảnh vật nơi ấy để chị đỡ nhớ miền Nam.
Tôi lục xấp giấy tập, cầm cây bút mực và bắt đầu từng nét chữ gửi chị.
Phương Namgửi miền Bắc chút nắng vàng ấm áp…
Em mới đi xe máy cùng bạn bè về Cà Mau, tuy vất vả và khá xa,
nhưng được ngắm cảnh đẹp và chân quê thật thích chị ạ.
Phương Nam ngày nay đã có nhiều thay đổi, cầu Cần Thơ đã
bắc nhịp qua sông Hậu, những con đường trải nhựa đã nối qua
cánh rừng đước chạy đến tận Đất Mũi, như đón chào những
người thân yêu trở về…
M.V (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét