Lạ quá! Sao giữa chốn đồng chua nước mặn lại có một ngôi nhà lớn và đẹp như thế? Nó không giống một biệt thự. Có lẽ, nó mang dáng dấp một lâu đài trong truyện cổ tích. Mái vòm tròn, đỉnh nhọn như tháp, mầu trắng toát, nổi bật giữa màu trời và sắc lá. Những cánh cửa sổ nâu bóng đóng im ỉm, cao quá đầu người như gìn giữ bí mật, ngăn tầm nhìn từ ngoài vào trong. Con đường tráng xi măng láng lẩy nằm giữa hai hàng cây lặng lẽ tỏa bóng.
Phương ngửa mặt, hít thật sâu làn không khí trong lành:
- Đẹp quá hả anh!
Quốc gật đầu giọng chua chát:
- Không đẹp sao được. Biết bao mồ hôi, nước mắt của dân làng đổ xuống để xây dựng nó.
- Anh có vẻ không vui?
Phương đứng lại, nhìn chằm chằm vào mắt Quốc. Không lẫn tránh, anh nhìn thẳng vào mắt Phương. Nắm lấy hai bàn tay người yêu, anh thấp giọng:
- Phương! Bây giờ, mình quay lại vẫn còn kịp. Anh sẽ xin ông bầu cho ghe lui ngay. Nước lớn, thuận buồm xuôi gió, mình thoát khỏi đây dễ dàng.
Phương ngúng nguẩy:
- Trời ơi! Anh làm sao vậy? Có gì đâu mà sợ, mình là đào hát, người ta biết tiếng, mời đến tận nhà biểu diễn, sao lại trốn. Họ giàu thì trả tiền nhiều. Biết đâu, bữa nay em kiếm gấp mười lần ngày khác.
- Nhưng anh không muốn em gặp rắc rối. Tại sao họ không mời cả đoàn mà chỉ gọi có mình em? Em có biết tên Ba Nhơn nầy nổi tiếng ác ôn không? Biết bao ngươi đàn bà, con gái bị hắn hại…
- Em không thể làm ngơ khi anh em trong đoàn gặp khó khăn. Cơn bão vừa qua đã ngốn hết số tiền để dành của đoàn hát. Ngày mai, anh em sẽ ăn gì? Em cũng không muốn bị đói. Anh có cách gì khác không?
Quốc lắc đầu, tuyệt vọng khiến anh không còn đủ sức đứng nữa. Anh ngồi bệt xuống mặt đường, hai tay ôm lấy đầu, anh muốn kể cho Thủy Phương nghe câu chuyện ngày xưa:
Bấy giờ, gia đình anh hạnh phúc lắm, dù chỉ là hạng bần nông ở Cửu Long. Từ lúc gà chưa gáy sáng, ba anh đã trở dậy, ra đồng. Suốt ngày, ông cắm mặt xuống đất, chỉ ngước lên khi đến bữa ăn. Còn mẹ anh vừa làm việc nhà, vừa lãnh cấy thuê, gặt mướn. Ai mướn gì, bà làm nấy. Vậy mà vẫn không đủ no. Trong nhà, sung sướng nhất là Quốc. Anh được cha mẹ cho đi học. Cả xã nầy, chỉ có mấy đứa được đi học, nhất là lên trên trường huyện. Quốc học giỏi nhất lớp, cộng với thói kiêu hãnh đã làm thằng con địa chủ ghét thêm. Có lẽ đó là nguyên nhân của sự bất hạnh phủ lên đầu ba má Quốc.
Một hôm, trên đường đến trường, Quốc bị chị ba Bảnh, người hầu của cậu hai Quới chặn đường :
- Hí hí… Quốc đây hả cưng…! Chèn ơi, bữa nay đi thi phải không?
Vốn không ưa chị từ lâu, Quốc nguýt ngang:
- Ừ, rồi sao?
Xáp lại gần, chị vỗ vai Quốc:
- Nghe nói em ngồi gần cậu hai Quới phải không? Chị vâng lệnh bà Hội đồng Lê đến gặp em để…
- Cho nó copy chứ gì?
Trợn mắt, chị kêu lên như ngồi phải lửa:
- Trời đất! Sao dám kêu cậu hai là nó. Bà Hội đồng nghe được là chết đó!
- Làm sao nghe được? Ở đây chỉ có mình tôi với chị, trừ khi chị nói lại cho bả nghe.
- Ờ, ờ…, mà cũng phải cung kính bề trên chứ. Em dại quá!
- Dại cái khỉ mốc! Nó học dở bẹt hạng, lười biếng còn hơn trâu. Gần mọc râu mà bắt chị cõng vô lớp. Thấy phát ghét. Vậy mà chị cũng vâng lời.
Thẹn quá, chị sinh quạu:
- Ừ, tao vậy đó! Làm cho chủ thì phải trung thành với chủ. Mầy thấy vùng nầy có ai được như tao không? Má mầy tu mười đời còn chưa được rờ gót chân người ta nữa là.
Bĩu môi, Quốc nghênh mặt:
- Ai thèm làm thân… Nó kịp nén nhưng chị ba Bảnh hiểu rõ Quốc muốn mắng: "Làm thân trâu ngựa”. Tức giận, chị buông lời đe dọa:
- Nếu mày không cho cậu hai coi bài thì đừng trách!
Không phải sợ oai nhà giàu, nhưng Quốc nghĩ lại cũng tội nghiệp một thằng bạn học. Thầy thường dặn phải giúp đỡ lẫn nhau. Nó định bụng chút nữa cho Quới chép quách đi. Đúng lúc đó, Quới xuất hiện, nó vênh khuôn mặt bự thịt:
- Nè, một lát đọc cho tao chép nghe chưa!
Tính kiêu ngạo cũng trổi dậy trong lòng Quốc:
- Nếu không?
- Mầy sẽ biết tay ông của mầy.
Câu nói khiến Quốc nổi nóng, nó cương quyết không cho Quới coi bài. Mặc cho Quới ngồi cạnh cứ lấy bút chọt vào hông, gõ lên đầu.
Quốc nhích ra phía trước, cắm cúi làm bài. Tiếng kẻng báo hết giờ thi vang lên. Giám thị đến thu bài mà Quới chưa ghi được chữ nào. Ra khỏi cổng trường, nó đuổi theo Quốc, giơ nấm đấm:
- Thằng chó đẻ, rồi mầy sẽ biết tay ông. Ông không làm bài được ông vẫn đậu như thường. Má tao bảo có tiền mua tiên còn được.
Chưa có kết quả kì thi, gia đình của Quốc đã tan nát. Ông hội đồng cho gọi ba má Quốc tới nhà đòi lúa ruộng còn thiếu. Ba Quốc hẹn đến mùa sau nhưng ông không chịu, cho người đánh ba Quốc tàn nhẫn rồi tuyên bố đòi ruộng lại, không cho thuê nữa. Còn mẹ Quốc có chút nhan sắc nên bà lọt vào mắt xanh của tên hội đồng dâm ác. Sau khi cưỡng hiếp người đàn bà cô thế, hắn cho bộ hạ thay phiên làm nhục bà cho tới chết. Quốc thì bị lùng kiếm, may là nó trốn thoát. Nửa đêm, ông Hội đồng cho người mang xác mẹ Quốc về nhà, giao cho ba Quốc bảo bà bị trúng gió. Khôn hồn thì mau đem chôn và câm miệng.
Ba Quốc chết đi sống lại mấy phen. Chú Ba Ngươn, em ruột của ba Quốc thấy tình thế không an. Chú lật đật thu dọn quần áo, ít đồ đạc xuống chiếc xuồng ba lá rồi cùng ba và Quốc mang xác mẹ Quốc ra đi khi đêm chưa tàn.
Lúc chôn cất vợ trên cánh đồng hoang, ba Quốc cắt tay lấy máu nhỏ giọt xuống bia mộ thề sẽ trả thù. Nhưng chưa đầy tháng sau, ông chết vì quá đau buồn. Quốc chỉ còn biết bám vào người chú thân thiết. Hai chú cháu lưu lạc khắp nơi. Cuộc sống tha hương cầu thực ném hai chú cháu xuống tận cùng nỗi khổ. Có đêm, trời mưa dông, họ phải neo ghe, chạy tìm mái hiên hoặc miếu hoang để ngủ qua đêm Nhờ đó mà họ gặp được đoàn hát: "Phong Lan”. Anh em trong đoàn cũng chạy “Bão” Họ túm tụm quanh mâm cơm. Thấy hai chú cháu ùa vào miếu, sẵn bữa, họ mời. Đang đói gặp may, hai chú cháu không từ chối. Khi biết tình cảnh của Quốc, họ động lòng thương, cho gia nhập đoàn hát dù hai chú cháu chẳng biết chút gì về đờn ca.
Từ đó, họ sống trôi nổi trên sông. Chiếc ghe bầu cũng là phương tiện di chuyển của gánh hát. Trong đoàn, mọi người yêu thương hầu như ruột thịt. Hột muối còn cắn đôi. Người giỏi dạy người dở. Lâu dần, Quốc cũng hát được. Anh diễn khá, nhưng chất giọng thô nên chỉ đóng vai già hoặc ác. Ông bầu rất trọng dụng Quốc vì anh biết tính toán., giữ tiền kỹ lưỡng còn hơn… bà bầu.
Cách đây không lâu, trong đoàn có thêm một thành viên. Đó là Thủy Phương, một cô gái quê mồ côi cha mẹ. Cô bé rất xinh, lại có chất giọng ngọt ngào. Nhờ anh em trong đoàn hướng dẫn, Phương tiến bộ vượt bậc, trở thành đào chánh. Thủy Phương đẹp người còn đẹp nết nên ai cũng mến. Chưa bao giờ Phương cau có với ai. Những hôm gặp bão, không hát được, đoàn gặp khó khăn. Người ta cứ thấy Phương rầu rầu. Mấy hôm rày lại bão. Cơn dông bất ngờ đã lôi chiếc thuyền lướt như bay trên mặt nước. May là có chú ba Ngươn. Chú là một tay chèo chống, uốn lái nên ghe không lật. Tan gió, ghe tấp vào bến lạ. Nhưng khi vào xóm, chú ba Ngươn mới bật ngửa. Thì ra đây là làng cũ của mình. Hàng dừa vẫn đứng nghiêng nghiêng soi bóng bên dòng. Phía xa, cuối lối mòn là mảnh đất có ngôi nhà thân thương thuở nào. Chú không muốn đến đó. Chú sợ nhìn lại cảnh cũ. Biết đâu, nơi ấy đã thành một chốn hoang lạnh, tiêu điều. Chú Ba Ngươn ghé vào chợ, hỏi thăm vài điều rồi rảo chân về chỗ neo ghe. Nghe chú bảo đây là quê cũ, Quốc chưng hửng, lòng bàng hoàng xúc động. Nỗi căm giận trào dâng trong lòng anh. Quốc thét lên;
- Con sẽ trả thù cho cha mẹ con!
Chú ba ôm đầu rên rỉ:
- Không được đâu con. Mình cô thế. Còn họ ngày càng có thế lực hơn. Chú nghe nói bây giờ họ giàu hơn nữa. Họ mới xây một dinh cơ đồ sộ. Thằng Hai Quới chết rồi. Nó bị Cách mạng kêu án “Tử hình”. Họ chưa kịp bắn thì nó trốn lên thành phố. Quen thói hống hách, nó bị anh chị trong chợ lớn thanh toán. Bây giờ, thằng Ba Nhơn, em nó còn ác hơn. Nghe nói nó cấu kết với bọn sĩ quan và bọn Mỹ để hà hiếp dân lành. Chưa ai làm gì được nó. Vì thằng nầy có súng, lại xảo quyệt. Thôi, bỏ đi con. Nó ở ác sẽ có ngày bị đền tội.
Ông bầu biết được chuyện cũng phát sợ. Lỡ dựng rạp rồi, ông thở dài:
- Thôi, hát một đêm kiếm chút đỉnh rồi nhổ neo cho xong.
Nhưng, trời cao, chạy sao cho khỏi nắng? Khi hay có gánh hát dựng trại, chuẩn bị diễn dân làng mừng rỡ, họ bàn tán xôn xao, rủ ren nhau đi xem. Làng quê bỗng bừng lên niềm vui lạ. Như Tết trái mùa. Mọi người chờ tối để đi xem. Sự náo động của những người vốn rụt rè, câm lặng đã khiến người trong dinh để ý. Ba Nhơn cho người dò la. Biết được đoàn có cô đào hát hay và đẹp, Ba Nhơn liền cho người mời cô tới dinh, bảo là nhân tiệc mừng thượng thọ của mẹ, cần một người hát phục vụ quan khách trong đêm tiệc. Quốc kinh hoảng ngăn cản nhưng Thủy Phương không chịu nghe theo. Cô gái cứ đòi đi hát. Cô muốn kiếm một số tiền lớn cho đoàn hát. Phương bảo rằng phong màn đã cũ, sắp rệu rã. Y phục lại sờn rách khá nhiều, không thừa cơ hội nầy kiếm tiền sắm sửa còn chờ đến bao giờ? Quốc đành phải chìu theo. Để an lòng, anh đi theo Phương vào Dinh.
Cả hai không ngờ bên trong lại sang trọng đến thế. Người ra kẻ vào tấp nập. Bà hội đồng già khụ. béo múp míp đến ngạt thở. Cặp mắt ti hí như đang ngủ gật. Toàn bộ khuôn mặt như một bị thịt nhăn nheo trùm lơ thơ những sợi tóc bạc xoăn tít. Bà ngồi bật ngữa trên chiếc ghế bành. Chiếc áo dài nhung đỏ quạch khiến bà vừa mang vẻ nặng nề vừa kệch cỡm, lố bịch hơn. Bà đặt hai bàn tay óng ánh vì mớ nhẫn vàng đeo gần kín một lóng mỗi ngón tay. Thấy Quốc nhìn, bà cất giọng trầm đục:
- Bọn bây là ai vậy? Ngồi đó chờ đi. Cậu Ba Nhơn sắp ra rồi.
Vừa lúc đó, một gã đàn ông bước ra. Quốc đoán là Ba Nhơn vì hắn xấu “Ma ghen, quỷ hờn”. Nhờ ăn mặc bảnh tỏn nên cũng ra vẻ quí phái. Để thị oai, hắn làm bộ rút cây súng lục ra ngắm nghía:
- Hừ, chỉ còn năm viên đạn. Chẳng biết bắn ai đây để thay băng mới vào?
Lắc lắc cái đầu nặng nề, bà Hội đồng bật cười:
- Hè… hè… thằng này thiệt. Ngày vui của tao mày lấy súng ống ra làm chi vậy hả? Tính hù mụ già này hả con?
Nhướng mắt nhìn về phía mẹ, bắt gặp Phương, hắn lặng đi giây lâu. Bỏ cây súng vào túi. Ba Nhơn nhìn từ đầu xuống chân Thủy Phương. Hắn cười khoái trá khi ngắm những đường cong tuyệt mỹ trên người cô gái. Quốc giật nẩy mình. Anh rên thầm: "Vậy là chết!”. Phượng cũng nhận ra điều đó, mặt tái mét và sợ hãi hiện rõ trong ánh mắt nàng.
Quay lại Quốc, hắn hất hàm:
- Ủa, thằng nầy là thằng nào? Tao đâu có gọi mầy tới. Ở đây chỉ thích… đào mà thôi.
Sợ sinh chuyện, Phương chen vào:
- Dạ, bài em định hát là bài phải hát đôi. Có nam lẫn nữ.
- Hì hì… lo gì, để anh hát cặp với em cũng được mà. Cần gì nó.
Quốc đứng lên, kéo tay Thủy Phương:
- Mình về em!
Ba Nhơn bật dậy, rút súng ra và quát:
- Đứng lại…!
Thủy Phương chợt nhoẻn cười, nụ cười rất kịch khiến Quốc liên tưởng đến một vai diễn:
- Nếu anh muốn về thì về trước. Em ở lại hầu cậu ba.
Khoái trá, Ba Nhơn cười hềnh hệch. Hắn bật ngửa ra ghế, đút súng vào túi, gác tay lên thành ghế:
- Khá lắm! Cô em này ngoan! Xong việc, ta thưởng cho.
Thản nhiên đến ngồi đối diện cậu ba, Phương nghiêng đầu làm dáng:
- Cậu nói thì phải giữ lời đó nghen!
Quốc thét lên:
- Phương! Em sao vậy?
- Trời ơi! Anh nầy kì quá, cản ngăn hoài. Cậu ba đuổi ảnh về cho rồi đi, bực quá!
Ba Nhơn thích thú ra lệnh cho bọn tay chân đuổi Quốc ra sân. Như bị ma đuổi, Quốc lao ra đường. Thấy Quốc, anh em trong đoàn túa ra hỏi dồn:
- Ủa, sao về giờ nầy. Còn Thủy Phương đâu?
Mãi một lúc lâu, anh mới kể lại câu chuyện . Người nào cũng ngỡ ngàng, trách móc: "Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người” . Anh em xúm lại khuyên lơn Quốc. Anh bỏ đi nằm sớm. Đêm đã khuya mà anh không sao chợp mắt được. Giờ nầy chắc Phương đang nằm trong vòng tay của gã dâm ác. Quốc muốn gào khóc nhưng rồi anh chỉ thở dài não nuột.
- Mầy còn thức hả Quốc? Ra đây coi!
Nghe chú ba Ngươn gọi, Quốc đi ra. Hai người ngồi trước mũi thuyền, nhìn trăng đầu tháng nhạt nhòa, bàng bạc trên mặt sông. Đưa cho Quốc điếu thuốc giồng vấn, chú thì thầm:
- Tao nghi chắc có uẩn khúc gì đây. Lẽ nào tao nhìn lầm người, nó đâu phải hạng gái dó.
- Có lẽ cảnh sang giàu trong dinh đã làm cho nó thay đổi. Nó muốn làm mợ ba chứ gì.
- Mầy nói vậy chứ thằng đó xấu xí, gian ác, ai mà thèm.
- Nhưng thằng đó có tiền, có thế lực.
Chú ba vỗ đùi đánh bốp:
- Phải rồi. Tao dám chắc nó muốn cứu mầy khỏi họng súng của thằng quỉ sống ấy. Nó giả bộ chứ gì. Trời ơi, tội nghiệp…
Quốc giật thót người. Đúng rồi. Ánh mắt đăm đăm đắm của nàng lúc đó. Vậy mà… Anh tát vào mặt mình, gào lên:
- Trời ơi! Sao mà con ngu quá trời. Chú ơi, con phải cứu Phương!
- Í, không dược đâu. Phải bàn kế, họa may. Lớ quớ chết cả đám. Uổng công con nhỏ hy sinh.
- Dù chết, con cũng phải cứu Thủy Phương.
Quốc nhảy lên bờ, anh chạy ào trong bóng đêm. Chú ba hoảng hồn, chẳng biết tính sao, chú cũng đuổi theo.
- Chờ tao với Quốc!
Đã trễ. Đúng lúc đó, tiếng nổ long trời lỡ đất vọng lại, từ phía ngôi nhà lớn. Hai chú cháu giật mình, đứng lại. Họ kinh hoàng khi thấy lửa bốc cao ở một góc nhà. Những ánh đuốc rực đỏ di động liên tục rồi tiếng reo hò ầm ĩ vang lên: "Thành công rồi, bà con ơi!” Chú ba lầm bầm: "Gì vậy kìa?”Ánh đuốc di chuyển lần ra ngã chợ xã, tiếng hô dậy đất: "Cách mạng muôn năm…!” Dân chúng từ các ngõ ngách túa ra, nhập cuộc. Một cuộc biểu tình, biểu dương thành tích trong đêm trăng. Hai chú cháu cũng chạy tới mới hay người dân xã lợi dụng đêm tiệc mừng thượng thọ của bà hội đồng mà ra tay. Du kích đã trà trộn trong đám thực khách để gài mìn. Kết quả như ý là giết chết hai tên Mỹ ác ôn, mấy gã sĩ quan và một số cường hào ác bá. Một thắng lợi lớn. Chỉ tiếc phe ta hy sinh hai người: Một là nữ anh hùng du kích dũng cảm gài mìn và một cô đào xinh đẹp. Đó là Thủy Phương. Người ta kể rằng cô du kích đã được Thủy Phương tiếp sức nên mang được mìn vào đúng chỗ trọng yếu. và để chúng không nghi ngờ, hai người không một phút rời bàn tiệc, lo chuốc rượu và đã hy sinh .
… Mọi người bồi hồi, xúc động Có ai đó nấc nghẹn. Một nữ nghệ sĩ bật khóc, cô chỉ tay vào nấm mồ kế bên:
- Còn đây là mộ của anh Trần Minh Quốc nào vậy chú Ba Ngươn.
Người kể chuyện lấy khăn lau mặt, để che giấu dòng nước mắt:
- Đó là nơi yên nghỉ của thằng Quốc, người yêu của Thủy Phương mà cũng là thằng cháu của tôi. Sau khi Thủy Phương chết, Quốc rời đoàn hát xung vào du kích Cái Ngang. Nhưng sau đó ít lâu, nó đã hy sinh. Người làng biết chuyện mới an táng Quốc cạnh mộ Thủy Phương . Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, người ta mang cả ba người liệt sĩ về đây, một nghĩa trang dành cho những người vì nước quên mình.
Trầm ngâm giây lâu, chú ba tiếp:
- Vì vậy, các cháu mới thấy hằng năm chú tới nghĩa trang nầy. Chú chỉ lo là chú già rồi, chẳng biết ai sẽ nhang khói cho ba đứa nó.
Mọi người nhao nhao:
- Có chúng cháu nè chú. Chú đừng lo. Còn biết bao người chăm lo, giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc. Chú thấy không, kia là hàng chữ “Đời đời Tổ quốc ghi công” dưới tượng đài liệt sĩ.
Chú Ba Ngươn nheo nheo mắt nhìn về phía ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới. Nắng chiều tô đậm màu cờ, hắt những tia vàng óng ánh lên dãy mồ yên lặng. Những sợi khói hương mỏng mảnh bay lên, hòa quyện hương hoa ngọc lan đây đó, lan tỏa khắp không gian. Chú lại rút khăm lau nước mắt, nói một mình: “Phải rồi, ba đứa nó không cô đơn!”
N.T.M (Trà Vinh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét