(Đọc tập thơ Vợ Tôi của Trần Bảo Định)
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này” - Đoàn Thị Điểm.
Phải chăng đa số người Việt Nam nhiều thế hệ đều thuộc lòng Chinh Phụ Ngâm (bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm), vì đây là nỗi niềm ray rứt khôn nguôi của người phụ nữ sống trong chiến tranh, với những màn bi kịch triền miên nối tiếp nhau không biết bao giờ kết thúc. Không phải chỉ suốt 10 thế kỷ vừa qua, mà đang rình rập ngay những năm mở màn cho thiên thiên kỷ thứ 3, chiến tranh là thuộc tính của loài người rồi sao?!:
“Những người vợ lính từ hai phía
Đã nghĩ gì nhau cuộc đối đầu
Cùng đợi chờ chồng nơi chiến địa
Hỏi rằng chém giết bởi vì đâu?
……
Những người vợ lính từ hai phía
Rồi cũng như nhau sẽ góa chồng
Giọt nước mắt nào là chính nghĩa?”
……..
(Người vợ lính- trang 23)
Không, dù thế nào không bao giờ chiến tranh là thuộc tính của nhân loại, nó là tàn dư của bản năng động vật, là vũ khí của những tập đoàn tự cho mình sở hữu chân lý. Hoặc làm vỏ bọc cho tham vọng thống trị, sống trên lưng đồng loại, mà người phụ nữ cảm nghiệm sâu sắc: “Hỏi rằng chém giết bởi vì đâu?”
Ngay cả hạnh phúc bình dị cũng không thể hiện hữu trong chinh chiến:
“Nửa năm bặt tín vô âm
Tiếng mưa rơi ngỡ bước chân chồng về
Nỗi buồn xa vắng tái tê
Nỗi thương nhớ đợi trong mê sảng chờ!”
(Thương người vợ trẻ- trang 15)
Và:
“Vợ tôi đẻ rớt tại nhà
Chôn nhau cắt rốn, tội bà ngoại lo
Xóm giềng góp sức giúp cho
Thương em vượt cạn con so một mình”
(Vợ sinh con đầu lòng- trang 16)
Tập thơ Vợ tôi của Trần Bảo Định, theo tôi rất độc đáo trong dòng thơ đương đại kể từ sau phong trào Thơ Mới gữa thế kỷ 20, vì:
- Không ủy mị, khuếch đại lãng mạn khi nói về tình yêu đôi lứa.
- Ngược lại cũng không lên gân chỉ đề cao trách nhiệm công dân của phụ nữ: cầm gươm, cầm súng như nam giới.
- Phản ánh tâm trạng của đa số phụ nữ thương chồng, yêu nước, song trước hết vẫn làm tròn bản năng gốc làm vợ, làm mẹ.
Sai lầm lớn nhất của mọi thời đại là luôn nhấn mạnh một thứ tương tác nào đó, mà lẽ ra phải vận hành một lúc tất cả các tương tác như chúng vốn có trong thiên nhiên, trong xã hội loài người.
Chiến tranh là một thuộc tính của tương tác quyền lực, nó không thể bóp chết tương tác bản năng như lưu truyền nòi giống; như sinh và chăm sóc con, kể cả cảm xúc của yêu thương những mối tình…
“Đạn bay đêm đỏ rực trời
Hỏa châu như muốn ngỏ lời thay trăng
Lòng anh thao thiết băn khoăn
Rằng em có để ý chăng chuyện mình?
………
Chiến tranh vui ít, lo nhiều
Biết còn sống sót mà chiều chuộng nhau?
…….”
(Em nhận lời cầu hôn- trang 8)
Đôi khi nhà thơ cũng thấu cảm luận đề triết học tương tác:
“Khi mình tương tác vào nhau
Sự va chạm nẩy mầm đau phận người
Em về làm vợ cho tôi
Là vun đắp nghĩa, là bồi lắng yêu
……
Chiến tranh tương tác hòa bình
Hạt chồng vợ sẽ tượng hình hài nhi
Trong sum họp có chia ly
Nỗi sầu thương khóc có khi nụ cười.”
(Tương tác- trang 86)
Nỗi niềm chinh phụ vừa ngậm ngùi trước những đồng đội của chồng mình trong chiến đấu: “Dù thiên hạ còn nhớ hay quên/ bạn mãi hùng anh sống chẳng hèn” (Viếng mộ bạn- trang71), đồng thời trân quý bạn đồng môn ở Văn khoa Đà Lạt, không chút phân biệt vì chiến tuyến: “Trân quý tình xưa nghĩa cũ chồng/ những người bạn học thuở long đong/ đạn bom xé toạc bao thân phận/… nắm tay bằng hữu quên thù hận/ nào được gì đâu bới móc nhau” (Bạn đồng môn của chồng- trang 83). Đặc biệt hơn, chinh phụ còn làm chỗ dựa cho chồng giữ tròn đạo lý:
“Khuyên chồng sống trọn nghĩa cùng dân
Quyền lực đôi khi tạo loạn thần
Vận nước thời suy do quỷ lộng
Lòng người tứ tán bởi quan tham!
Thói thường ăn bẩn miệng tanh hôi
Quả báo nhãn tiền sẽ đến thôi
Mình bảo rằng em thà chịu cực
Để anh giữ phẩm chất làm người” (Hoa Tình Yêu- trang 95)
Phẩm chất của người chinh phụ Việt Nam là như vậy! Trần Bảo Định đã phản ánh khá đầy đủ những mặt tương tác khác nhau của phụ nữ trong thế giới nhân sinh, thông qua vai trò người vợ.
Tuy nhiên, sẽ có độc giả cho rằng thơ Trần Bảo Định chưa đổi mới và diễn đạt bình dân, theo tôi nói chung chung như vậy e không thỏa đáng, bởi vì quốc gia nào trên hành tinh cũng tồn tại hai dòng nghệ thuật, hai dòng văn học: văn học bình dân và văn học bác học. Ngay ở Hoa Kỳ nhạc đồng quê được ưa chuộng không kém gì nhạc hiện đại. Với tôi, thơ là dòng năng lượng của tâm linh, nên chân thật là thẩm mỹ hàng đầu, bởi vì hiện nay Việt Nam đang có đủ loại thơ, song tìm thấy thơ xuất phát từ rung cảm, xúc động thật quá hiếm hoi, phần lớn nhân danh đổi mới để viết tùy tiện: làm dáng cộng với rỗng tuếch! Tôi ủng hộ làm mới thơ để hay hơn, làm mới không đồng nghĩa với làm khác một cách cẩu thả.
“Hầm hố giao thông hào tránh pháo
Người đi ngày ấy mấy ai về
Địa hình rải rác bùn hòa máu
Thấm xuống đồng chua nước mặn quê
Này người quyền thế giàu sang hỡi
Quá khứ còn tươi rói máu dân
Nếu nhốt tương lai vào ngục tối
Ngày mai sẽ mất chốn dung thân” (Chiều Thuận Mỹ- trang 79)
Độc giả vui lòng đọc trọn bài thơ “Chiều Thuận Mỹ” (trang 78 và 79), sẽ thấy Trần Bảo Định làm chinh phụ ngâm đương đại ra sao!
Và còn thấy chiến tranh là sự cố phi lý tạm thời của con người.
Cốc Đạ B’lao, tháng 6/2014
Triệu Từ Truyền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét