Nhà nghiên cứu, biên khảo Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (bên phải), và nhà văn Mang Viên Long
Đem tinh hoa hiến dâng đời,
Lấy tình chân thật gởi người tri âm.
Tôn Nữ Hỷ Khương
Từ mùa thu năm 2012 đến mùa thu năm 2014, tôi được nhà văn Mang Viên Long gởi tặng liên tiếp mỗi năm mỗi tập “Như Những Giọt Sương” mà anh là tác giả.
Ba tập Tiểu luận - Tạp bút “Như Những Giọt Sương” (1, 2 và 3) đều do nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép, khổ 14,5 cm x 15,5 cm - gồm có ba phần (Đạo Phật và Tôi - VHNT và Tôi - Đời Sống và Tôi); tổng cọng dày 1347 trang; đó là chưa kể cuối mỗi tập còn có phần phụ lục, trong đó đăng bài nhận xét tác phẩm của bạn đọc, hay các văn thi hữu chia sẻ.
Bộ sách đến với tôi giữa lúc tôi đang dồn trí lực biên soạn cho xong bộ “Văn Thi Liệu Tầm Nguyên Tự Điển” (Tự điển tìm tận gốc từ ngữ, thành ngữ, điển cố bằng chữ Hán mà văn chương cổ của Trung Quốc và Việt Nam thường dẫn dụng) nên chưa đọc tới. Tự nguyện khi soạn xong bộ tự điển tôi sẽ đọc “Như Những Giọt Sương” và sẽ có ý kiến để đáp lễ tác giả.
Cách đây ba tháng, tôi đang soạn tới Tứ Đức (trang 3815 khổ lớn bản thảo viết tay) thì chính quyền Trung Quốc đem giàn khoan đến đặt trên thềm lục địa Việt Nam, ngày đêm luôn có tàu chiến và máy bay yểm trợ (…) Trong mấy chục năm qua, phần lớn sách của tôi đã hoặc chưa xuất bản, kể cả bộ từ điển đang soạn dở dang là để bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa cổ của Việt Nam và của Trung Quốc. Nay chính quyền Trung Quốc lại làm cái việc phản văn hóa là ngang nhiên đem giàn khoan đến đặt trên biển của Việt Nam thì tôi còn thích thú gì mà làm cái việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của tổ tiên họ? Tôi mất hướng và mất hứng, không cầm nổi cây bút được nữa.
Cùng lúc ấy, Giám đốc một nhà xuất bản lớn ở thành phố Hồ Chí Minh gọi điện báo tôi biết: “Với tình hình hiện nay, NXB không thể xuất bản bộ sách dịch của tôi có tên là “Cố Sự Quỳnh Lâm” như đã dự định vì sợ in ra không bán được thì lỗ vốn”. (“Cố Sự Quỳnh Lâm” gọi tắt tên “Ấu học cố sự Quỳnh Lâm” là một bách khoa thư bao quát nhiều mặt về văn hóa cổ. Được dùng làm sách giáo khoa ở Trung Quốc và ở Việt Namdưới thời Hán học thịnh hành. Bộ sách dịch gồm 4 tập bản thảo dày gần ba ngàn trang). Tôi đã nản càng thêm chán nản!
Không biết làm gì cho hết 24 giờ một ngày. Tôi bèn đem bộ “Như Những Giọt Sượng” của Mang Viên Long ra đọc. Đọc tập III trước rồi lần lượt đến tập II, tập I.
Tôi thật sự vui mừng vì bạn tôi, Mang Viên Long đã cống hiến cho đời một công trình đồ sộ về lượng, có giá trí về phẩm. Tôi nhất trí với các bạn văn và độc giả của Mang Viên Long về nhiều điều nhận xét tác phẩm trong phần “phụ lục”. Tôi có viết gì thêm cũng chỉ là khen “phò mã tốt áo” mà thôi. Dù vậy cũng phải vắn tắt đôi dòng để chia vui cùng anh…
Ở bộ sách I, II, III, phần “Đạo Phật và tôi”, tác giả đã khéo léo dùng nhiều thủ thuật để miêu tả hoặc thuật sự khiến người đọc thâm nhập vào những lời dạy của bậc Đạo sư tối thượng là đức Phật lúc nào không hay. Tác giả khỏi mang tiếng là “người giảng đạo”, là “ông thầy đời ” là những từ ít gây thiện cảm cho người nghe hiện nay.
Phần “Văn học nghệ thuật và tôi” trong ba tập, tác giả đã từng có 47 năm cầm bút viết truyện, viết tiểu luận, tạp bút (tính từ tác phẩm đầu tiên là tập truyện “Trên Đỉnh Sa Mù” XB năm 1967) - có hai mươi tác phẩm trình bày (tính đến thời điểm tháng 8 năm 2014), đã cộng tác cho trên hai mươi tờ tuần báo, tạp chí VHNT (trước và sau 75) - thì tác giả có đủ tư cách bàn về Văn học nghệ thuật xưa và nay của Việt Nam. Bạn đọc từng là độc giả của Mang Viên Long, từng theo dõi bước đi của tác giả thì càng tin tưởng những gì anh đã viết trong phần này. Sự tin tưởng không nhầm chỗ bởi tác giả là một nhà văn chân chính, đặt Chân, Thiện, Mỹ làm tiêu chuẩn để sáng tác, rồi cũng dùng Chân, Thiện, Mỹ làm lăng kính để nhận định, phê bình tác phẩm văn học. Bao giờ anh cũng phân tích kỹ càng rồi mới nói tới khen chê cho nên giữ được tính công bình. Gặp lúc cần biện bác để tẩy trừ uế khí làm ô nhiễm sự trong sáng của năng lực sáng tạo dòng thơ hiện đại (…) thì lời văn đanh thép như Nguyễn Công Trứ “Phù chính đạo, tịch tà, cự bí” ( Phò đạo chính, trừ bỏ tà kiến, chống lại sự bí hiểm!). Lập luận của anh ở phần II của ba tập đã đưa anh lên địa vị một nhà lý luận văn học sáng giá, một nhà phê bình công tâm của Văn Thi đàn hôm nay. Ở lãnh vực này, giữa bình nguyên văn học hiện nay, có được một cây bút như Mang Viên Long quả là rất đáng quí.
Ở phần III: “Đời sống và tôi ”, Mang Viên Long cho ta biết cảnh ngộ của ông từ thuở đầu xanh đến nay đầu bạc, biết bao gian khổ trải qua nhưng vẫn kiên tâm trì chí theo đuổi nghiệp văn chương khiến ta không khỏi thán phục. Suối nguồn sáng tạo trong hầu hết tác phẩm của Mang Viên Long là lấy Tình Yêu Thương làm nền tảng. Tôi rất tâm đắc với nhà báo Huỳnh Văn Mỹ đã viết về anh (trong tạp chí KTNN số 858 - tháng 4 năm 2014) là “(…) Đồng hành với cuộc sống, không cường điệu những tiêu cực, không bi thảm hóa nỗi đau, lấy Yêu Thương nhân bản làm đầu; đặt niềm tin trọn vẹn vào lẽ Yêu Thuong (…) - Liền Mạch Yêu Thương". Lập chí như ông, quả thật xưa nay hiếm.
Tóm lại, “Như Những Giọt Sương” của Mang Viên Long cả ý lẫn lời đều đẹp, trong sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Cách nay một tháng, tôi đọc gần hết tập II thì Trung Quốc rút hết giàn khoản, tàu chiến, máy bay ra khỏi vùng biển vùng trời Việt Nam (…) Sau đó nửa tháng, anh Trần Hữu Ích - một bạn đọc đồng hương của tôi, sau khi đọc xong tập “Tấc Lòng” của tôi ( tập sách có hơn 50 bài biên khảo về lịch sử, văn học, phong tục của tỉnh Bình Định) đã rất thích, bèn gởi “biếu” cho tôi một khoản tiền với tôi là khá lớn, với lời dặn là tôi hãy dùng số tiền đó để bồi dưỡng cho có sức khỏe mà hoàn tất các công trình văn hóa còn dang dở. Tôi vui lắm vì thấy còn có người biết đến giá trị những công trình văn hóa mà tôi đã và đang làm. Tôi đọc trong tập II “Như Những Giọt Sương” - Mang Viên Long đã viết: “Hãy an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm, để có niềm hy vọng mà sống tiếp… ” (trang 386). Tôi nghĩ, tôi đã nhờ “Như Những Giọt Sương” của Mang Viên Long và lòng ưu ái của độc giả Trần Hữu Ích, giúp tôi kiên định hướng đi, hưng phấn trở lại tiếp tục biên soạn cho xong bộ “Văn Thi Liệu Tầm Nguyên Tự Điển”, bởi tôi biết đã là tinh hoa văn hóa thì vượt không gian, không còn nằm trong biên giới quốc gia mà thành của chung của nhân loại; vượt thời gian vì sẽ sống mãi mãi bên đời. Bộ tự điển soạn xong tôi xin dâng tặng người đời, có xuất bản để phổ biến rộng được hay không cũng xin phó thác cho người đời vậy.
Không quên cảm ơn hai anh Trần Hữu Ích và Mang Viên Long.
Bồng Sơn, ngày 18 tháng 8 năm 2014
Đ. Q. Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét