Tôi có nhiều kỷ niệm với Đà Lạt qua nhiều lần đến thăm. Bà vợ tôi vốn là cô giáo xuất thân từ Viện ĐH Đà Lạt, nên lúc cô ấy còn là sinh viên (trước 1975) tôi thường lên đó thăm chơi. Sau này khi thì đi tham quan, dự Trại sáng tác VHNT, có khi đi thăm người thân, đi họ cho đám cưới của đứa cháu… Nói chung tôi biết nhiều về Đà Lạt, nên cũng thích tìm thơ của các tác giả ở Đà Lạt để đọc, vì thế mà biết Nước Mắt Ngọc qua blog nổi tiếng được nhiều người mến mộ của cô.
Nước Mắt Ngọc tên thật là Lê Thị Ngọc Lệ, hiện đang công tác tại trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng). Đó là một phụ nữ Huế còn trẻ (sinh 1967 – Vỹ Dạ) duyên dáng, có trình độ học vấn khá cao. Có thể hình dung Nước Mắt Ngọc qua bài thơ “O gái Huế” mà cô tự vẽ chân dung:
Kìa o gái Huế mộng mơ
Đến Đà Lạt xứ nên thơ văn đànLàm duyên, làm dáng, làm tàngLàm cho tím cả thiên đàng mới thôi
Giọng Huế ngon ngọt ru hời
Đà Lạt mến khách nói lời dịu êm
Trong o pha lẫn hai miền
Ai nghe cũng thích cũng mềm lòng say!?
Bài thơ tự trào khá dễ thương. Có chút tinh nghịch của cô gái Huế, nay là một phụ nữ thành đạt, có bản lĩnh, có thể hiểu mình, biết người, nói thật xen chút lời vui, nên đọc thơ, nhìn người chắc không ai nỡ bảo cô kiêu ngạo.
Nước Mắt Ngọc làm thơ đã ba năm (Ba mươi sáu tháng tập làm thơ / Hai trăm hai sáu bài viết chờ – NMN) và ít ra nửa khoảng thời gian đó, tôi thường vô blog của cô để đọc thơ. Mỗi bài đều có rất nhiều cảm nhận với lời lẽ tán thưởng và cô đối đáp thông minh linh hoạt, đôi khi tếu táo một cách thi vị, dễ thương. Nước Mắt Ngọc thường đăng thơ ở mục “Nhật ký – Ghi lại cảm xúc”. Thì đúng rồi: Thơ là tiếng nói của tâm hồn... Hơn thế nữa, Thơ là cái làm cho lòng người “sống được những phút đổi khác, khác thường, chếnh choáng, say mê” (Chế Lan Viên). Trong “ Hơn mười bốn nghìn ghi cảm nhận / Gần bốn tám nghìn lượt bạn xem” tôi đọc được rất nhiều lời khen.
Nước Mắt Ngọc làm thơ như ghi nhật ký. Đối diện với hiện thực ở một thời điểm nào đó, cô thấy xúc động và ghi lại cảm xúc bằng câu chữ nghệ thuật, thế là thành bài thơ. Thơ cô ghi lại chuyện thường ngày của đời sống với cảm xúc sâu sắc, ngôn ngữ bình dị, tạo được những âm vang nhất định.
Nước Mắt Ngọc viết về Đà Lạt, thành phố hoa nơi cô đang sống. Cảnh “Dalat lập đông” có những đường nét quen thuộc nhưng qua cái nhìn của NMN thấm đấm cảm xúc. Đó là những cảm xúc thực của một người sống gắn bó với thành phố yêu thương của mình:
.................................................
Hoàng lan hương tỏa ngất ngây lòng
Dã quỳ rực vàng trong nắng sớm
Một màu nhức nhối giữa thinh không
Tự khi nào mặt trời mùa đông
Đỏm dáng đỏng đảnh với nắng hồngLướt qua vội vàng như người lạ…Bỏ mặc con đường đứng ngóng trông
Thông già co ro chiều đông lạnh
Gió cuộn xô chen lối em về…
Sương mù bảng lảng trên triền dốc
.................................................
Đi thực tế tốt nghiệp chương trình cao học tại các tỉnh miền Trung, cô cũng có thơ ghi lại cảnh và người những nơi đi qua: Sông Trà, Bà Nà Hill, Hội An... bằng cái nhìn sắc sảo và nói bằng ngôn ngữ nghệ thuật rất riêng của mình:
Xin gửi
em tôi vào lòng phố cổĐường phố
sẽ vui và rạng rỡ hơnTôi cứ mơ hoài
dáng em trên phố
Mà ngỡ thiên thần lạc bước trần gian(Hội An ơi!)
Nơi thành phố có trường đại học Nước Mắt Ngọc đến làm thạc sỹ, cô ngắm "Biển Quy Nhơn" với những cảm xúc tinh tế và mới lạ.
Em dịu êm
sóng cồn cào rát cháyGió thôi đùa
sóng len nhẹ vào nhau
Lao xao…
Lời thơ chứa đầy hình tượng, gợi nhiều liên tưởng. Đó là một sự rung động tế vi trong tâm hồn. Tình yêu thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau.
Cảm hứng chủ đạo trong thơ Nước Mắt Ngọc là tình yêu. Thơ tình của cô sôi nổi, nồng nàn như tiêng nói thốt ra từ con tim của một cô gái trẻ đang yêu:
Vâng
Em muốn mình là ngọn lửacháy bừng lên
trong rực rỡ huy hoàng.
Không
Em không muốn làm ngọn nếnle lói buồn
trong bổn phận xót xa.
(Ngọn lửa)
Hay:
Khi anh bị nhốt
vào tim.Chớ cắn thành mạch
mà tìm lối ra.
“Chung thân”
suốt đời chưa tha.
Không khoan nhượng,
đừng dziết dza
van nài.
(Khi anh bị nhốt)
Xin nói nhiều hơn về một bài thơ tôi thích: “Bấu víu”. Cảm xúc thể hiện trong bài thơ sâu sắc, nhưng có thật không, thì khó biết được. Thôi thì cứ coi chủ thể trữ tình ở đây là một người đàn bà nào đó đang trong nỗi nhớ người yêu. Tôi thích cái tứ của bài thơ (và cũng là tên bài thơ): bấu víu. Từ thì cũ, nhưng tứ rất mới. Cách diễn đạt có vẻ khuôn sáo như thơ ca cổ điển, nhưng vẫn có một cái gì đó rất riêng, mới lạ.
Nhớ ai
rải chiếu, buông mành.Xóa son phấn, thôi cũng đành
trong mơ.
Cơn mơ
sao vẫn hững hờ
Tơ tình dài mãi... thành thơ tỏ bày.
NMN dùng những câu cắt khúc, một chữ, hai chữ, bốn chữ… rơi xuống, tạo những câu thơ ngắn để nói nỗi nhớ đoài đoạn tâm can:
… thôi cũng đành
Trong mơ
Cơn mơ sao vẫn hững hờKhổ thơ đầu ngắn gọn nhưng khá thành công trong việc “tỏ bày” nỗi nhớ da diết. Khổ hai là hoài niệm, nhớ lại những kỷ niệm đã thành dấu ấn khó phai. Những câu thơ chứa đầy hình tượng, cụ thể nhưng vẫn mơ hồ, có sức gợi rất sâu một mối tình nồng thắm, để giờ nhớ mãi.
Đã dâng hiến
trọn tim say.
Bếp hồng khơi lại hây hây má đào.
Vô thường
khúc nhạc đêm nao.
Rượu nồng
sóng sánh thấm vào môi ai.
Cuối cùng nỗi nhớ đọng lại thành nỗi niềm “khắc khoải van nài”. Khắc khoải nhớ những ngày bên nhau, chia sẻ nỗi vui cùng “Hoa, cầm, nguyệt, tửu “; và “van nài” được có niềm hạnh phúc tột cùng, như ở chốn “bồng lai” tiên cảnh. Bản thân “tiếng quyên” đã là nỗi niềm khắc khoải đang “Chạy quanh nỗi nhớ”. Nhưng “nỗi nhớ ngọc huyền” thì sao đây, tôi không hiểu lắm, đành để lửng lơ, lung linh như sắc đen của ngọc vậy thôi!.
Ba câu thơ cuối hay. Hai câu thơ hai chữ, một câu bốn chữ, nói chủ đề bài thơ. Cô đọng mà lan tỏa, có sức dư ba:
Bàn tay
bấu víuđêm miền tịch liêu...
Bài thơ dùng nhiều từ Hán Việt quen thuộc tạo dáng vẻ sang trọng cho bài thơ, như dáng nét quý phái của nhà thơ.
Thực chất đây là một bài thơ lục bát đã đổi mới bằng lối ngắt câu sang hàng. Tôi không thích thú với kiểu đổi mới thơ lục bát thế này của NMN và của nhiều người viết khác, nên tạm xem đây là một bài thơ viết theo thể tự do. Và vẫn coi đây là một trong những (không nhiều) bài thơ khá hay của NMN.
Thơ Nước Mắt Ngọc ở cái ngưỡng của thơ ca đích thực. Có nhiều blogger dễ dàng khen thơ Nước Mắt Ngọc bài nào cũng hay, nhưng thực tế để có một bài thơ hay khó lắm, cần phải chắt chiu ý tứ, rèn luyện công phu. Ba năm “tập làm thơ” được như vậy là tốt lắm rồi, mong rồi Nước Mắt Ngọc sẽ có thơ hay!
14.10.14
H.N (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét