Chuyện này dài dòng mà hay ho lắm, với riêng anh.
Xóm anh rất nghèo, tưởng khó có thể có một xóm ấp nào nghèo hơn thế: ở thị trấn mà đường hẹp khó chen chân, ngập nước bùn sình, cỏ dại tứ tung… Điện thì mới có, hầu hết cư dân thuộc dạng cận nghèo và... nghèo, trừ dăm ba hộ có ăn có mặc hoặc do có việc làm tốt hay có tiền nước ngoài nước trong. Có lẽ ít ở đâu có nhà tình thương tình nghĩa dày như ở đây, và ngày đi lĩnh mấy trăm nghìn trợ cấp xã hội cứ đông vui như cảnh công nhân lĩnh lương, vì hình như nhà nào cũng có!
Nghèo vậy nên đa phần trẻ nghỉ học sớm, ở cái thời lạm phát bằng cấp mà xóm này trình độ biết đọc biết viết ít ỏi trên đầu ngón tay, trẻ lớn đi hoang, trẻ nhỏ không được học mẫu giáo. Khái quát như thế.
Bé Heo dễ thương vô phúc ở lọt trong xóm ấy. Bé xinh xắn, kháu khỉnh, cho dù hơi ốm o một chút. So với trẻ nhỏ cùng lứa, bé nổi bật ở sự xinh và không ngoan lanh lợi, có nét thiên thần ngay trong ánh mắt. Vậy mà, tất nhiên, bé không được đi học mẫu giáo, như mọi bạn đồng lứa trong xóm. Thanh niên trai gái trong con hẻm nhỏ thay nhau bồng bế hôn hít bé Heo theo cách riêng, dạy nó theo cách riêng nốt, nhìn tội và tiếc lắm.
Anh về xóm nghèo với hai tay trắng, hợp người hợp cảnh, sau mấy năm cầm phấn trắng đứng trước bảng đen gõ đầu tụi nhóc ở xứ xa. Viết lách chút đỉnh đủ tiền gạo, còn thời giờ đi lang thang trong xóm, và kết thân với bé heo như một sự hợp lý nhất có thể có. Những gì anh có ở khóa học sư phạm và kinh nghiệm đứng lớp ít ỏi, anh dành cho bé để cố gắng bù đắp khoảng trống của một lớp học mẫu giáo mà bé heo đáng được hưởng. Cho bé chơi với đồ chơi chữ cái, bồng bé đi chơi, hướng dẫn bé phát âm chỉ các sự vật hiện tượng sống động xung quanh… Riết bé Heo chiếm của anh gần hết thời gian rảnh, và lấp đầy khoảng trống tâm hồn anh bởi sự trong trẻo, thơ ngây con trẻ. Heo ngoan lên, ai cũng thương, cha mẹ bé thì hài lòng với “tình bạn” giữa anh và bé.
Sống một mình, dù nghèo, song anh có điều kiện dành cho bé những gì có thể: một chiếc nón, mấy viên kẹo, bong bóng đủ sắc màu... Và có khi là một chầu cà phê với một ly đen, một lý sữa nóng! Ai nhìn cũng cười và thích thú vì lạ. Anh sống vui hơn với bé, còn Heo thì mến anh theo cách riêng.
Rồi một lần được mời lên thành phố nhận giải thưởng một cuộc thi viết ngắn, người ta tặng anh – lần đầu tiên- một lẵng hoa tươi. Anh mang theo về nhà, để trên giường, sáng ra mang tặng cho bé Heo, vẫn tươi xinh cho dù... heo héo một chút (nghe mâu thuẫn!). Lẵng hoa hồng…
Thế đấy, vậy mà nên chuyện. Không biết ý tưởng từ đâu, cha mẹ bé Hoa Bướm đặt tên “trường hoa hồng” cho ngôi nhà đơn sơ của mình, mà anh là giáo viên, cha mẹ Heo làm nhân viên, để cho bé một thời mẫu giáo như chúng bạn ngoài phố. Bé được ăn mặc đẹp hơn, mua thêm đồ chơi, và cả gia đình bé heo hợp tác với anh trong việc “giáo huấn” con cháu của họ, một cục cưng. Bé được cho ăn uống đúng cách với những gì có thể, người cha cố gắng kiếm tiền hơn nữa để có quà cho con, cả những chuyến đi công viên xa với nhiều trò chơi, và họ giúp anh thực hiện các “buổi dạy” hiệu quả hơn.
Đấy, có một trường hoa hồng trong tưởng tượng và trong thực tế, ở trong xóm nhỏ nghèo cùng ngay cả điện cũng mới có và đường thì vừa hẹp vừa bẩn thỉu. Vậy mà có cả một ngôi trường tư dạy mẫu giáo cho bé Heo đáng yêu tồn tại cả năm nay rồi. Và xin đoan chắc: đây là chuyện có thật.
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét