Tôi may mắn được chị Cẩm Tú Cầu gởi tập bản thảo bút ký “Dòng sông tuổi thơ” để đọc và cảm nhận. Tôi nghĩ chị Cẩm Tú Cầu đã tặng cho cuộc đời mình bằng những trang viết về ký ức và nỗi nhớ.... bởi cuộc đời này chị đã có một quê hương bình yên trong trái tim mình, một ký ức tuổi thơ đáng yêu, một thời hoa mộng với những nỗi nhớ mong manh xưa cũ, một hạnh phúc ngọt ngào và một gia đình - nơi chất đầy ngút ngàn những yêu thương.
Tình yêu - nụ cười - nước mắt và ngay cả những nỗi đau cùng tận... tất cả đã được chị hóa giải thành lòng yêu thương qua gần 300 trang sách với 40 tản văn và bút ký, như muốn chuyển tải đến bạn đọc một thông điệp “chúng ta cũng phải biết trân trọng cuộc sống và hãy yêu thương nhau nhiều hơn”.
Trang bìa sách màu sắc nhẹ nhàng, trang nhã. Hình ảnh con thuyền tình được minh họa bằng hai chiếc lá lặng lẽ trôi trên dòng sông như thầm hỏi: Dòng sông có bao giờ ngừng chảy? Sóng biển có bao giờ thôi ào ạt? Chỉ có tình yêu anh và chị dành cho nhau, lòng yêu thương giữa người và người mới giúp chị và con thuyền tình vượt qua cơn giông bão của cuộc đời.
“Dòng sông tuổi thơ” là những lời tự sự đậm chất trữ trình, được chị chắt lọc bởi những ngôn từ hết sức dung dị, chân tình, chị viết bằng cảm xúc từ trái tim của con người giàu lòng nhân ái, vị tha về một nơi chôn nhau cắt rún, về một quá khứ đã ngủ yên... về những vị ngọt, chát , đắng, cay trong cuộc đời mình mà chị đã từng trải qua, đã từng yêu thương tha thiết nhất.... Và rồi một góc tâm tư của chị, từng cung bậc cảm xúc của Cẩm Tú Cầu... bỗng chốc đã trở thành cảm xúc của người đọc “Dòng sông tuổi thơ”.
Tôi nghĩ Cẩm Tú Cầu không phải viết để người thân và bạn bè biết là chị đã sống như thế nào trong những tháng ngày đã qua - mà chị chỉ ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên được trong cuộc đời mình; chị ghép lại những mảng ký ức, lúc rõ nét, lúc nhạt nhòa... để nâng niu, để trân trọng, để yêu thương, để chia sẻ và được chia sẻ. Nên chị đã viết một cách thành thật, sâu lắng, không hoa mỹ, không trau chuốt và rất dễ đi vào lòng người đọc.
Chị Cẩm Tú Cầu viết “Dòng sông tuổi thơ” còn như một lời tri ân công sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ, như một lời cám ơn tình yêu của Ba Mẹ và các em đã dành cho chị cũng như tình yêu của anh chị đã dành cho các con; như một lời cám ơn tình yêu của anh Đào Thương, người đã dành cho chị trọn vẹn những yêu thương và hạnh phúc vô cùng ngọt ngào, và cũng nhờ tình yêu của anh, chị đã gom hết mọi niềm đau, nỗi buồn trong cõi nhân gian này và biến nó thành tình yêu thương để chia sẻ đến các con, các cháu, những người thân xung quanh chị, những mảnh đời bất hạnh đang cần lòng nhân ái và cùng bạn bè yêu thích văn chương, yêu mến kỷ niệm xưa.
“Dòng sông tuổi thơ” có lẽ được chị Cẩm Tú Cầu viết bằng nhiều ngày từ nỗi nhớ, từ những hạnh phúc ngọt ngào, từ những niềm vui ăm ắp và từ những giọt nước mắt trong nỗi buồn đau cùng tận. Tôi xin chúc mừng chị và chúc cho buổi ra mắt tác phẩm “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” thành công tốt đẹp.
Pleiku, ngày 11/01/2015
Kim Đức
DƯ ÂM BUỔI RA MẮT TÁC PHẨM “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ”
Tôi đến Pleiku với nhóm Hương Xưa - Qui nhơn để dự buổi giao lưu ra mắt tác phẩm đầu tay “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” của chị Cẩm Tú Cầu. Lần đầu đến với phố núi Pleiku, tôi háo hức với cái lạnh cao nguyên. Vừa xuống xe, bước vào sân nhà anh chị Đào Thương - Cẩm Tú Cầu, khói từ lò sưởi trong vườn nhà anh chị tỏa ra cuộn lấy một góc sân, thích quá! Chúng tôi được vợ chồng anh chị đưa vào nhà cất đồ đạc xong là vội vã ra ngay lò sưởi, thay nhau chụp hình để ghi lại những khoảnh khắc thật ấm cúng này. Ngọn lửa trong lò sưởi cháy bùng lên như vui mừng chào đón chúng tôi. Tiếng cười nói, hỏi thăm nhau rộn rã với gia đình chị Cẩm Tú Cầu, trong lòng tôi bất chợt dâng lên một cảm giác thật hạnh phúc và bình yên.
Đến với phố núi Pleiku, tôi thích cái cảm giác co ro trong chiếc áo ấm vào buổi sáng sớm mù sương, thọc hai tay vào túi áo, đi lên, đi xuống trên con đường triền dốc quanh co uốn lượn. Và thích cả con đường vào quán café Tri Âm với hàng thông xanh thẳng tắp (nhà của vợ chồng chị Lan Hương). Cái lạnh ở cao nguyên làm tôi thèm một ly café buổi sáng, vợ chồng anh Thái - chị Lan Hương mời nhóm chúng tôi đến uống café. Ngồi chờ từng giọt café nhỏ xuống, tôi chợt nhớ những ngày còn đi học, thuở 13, 14 tuổi hồi đó, ai cũng thuộc làu bài hát “Còn chút gì để nhớ”, và cũng chính bài hát này mà từ thời hoa mộng ấy, tôi đã có một ước mơ về phố núi. Tôi mơ được lên Pleiku để chiêm ngưỡng “phố núi trời gần”, để được đắm mình trong cái “buổi chiều quanh năm mùa đông”, để được thấy “Em Pleiku má đỏ môi hồng” và thả hồn với ”mây chiều trong” như nhà thơ Vũ Hữu Định tả.
Vậy mà hôm nay, “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” của chị Cẩm tú Cầu đã đưa tôi về với “phố núi đầy sương”. Tôi không có cái cảm xúc của một người “ hôm nay tình cờ/ đi lại đường xưa, đường xưa....”(Phạm Thiên Thư), nhưng thật sự, lần đầu tiên tôi đã bị níu chân bởi con người Pleiku thân thiện, dễ gần, bởi những hàng thông xanh mát đầy quyến rũ, bởi những con đường dốc quanh co như ôm giữ lấy chân người “khách lạ”, và đặc biệt là lời mời gọi tha thiết, sâu lắng đến lay động lòng người của “Pleiku thân yêu”: “Em ơi có yêu anh/Hãy về cùng phố núi/ Nơi tình yêu vẫy gọi/ Và em có yêu anh/ Hãy về yêu buôn rừng/ Dệt xanh đồng mênh mang”, một bản nhạc rất trữ tình của anh Ngọc Tượng mà mới nghe lần đầu tôi đã yêu nó vô cùng (Ngọc Tượng là một nhạc sĩ nổi tiếng ở thành phố Pleiku, bạn của anh chị Đào thương - Cẩm Tú Cầu).
Nắng và gió ở đây cũng lạ lắm! gió lạnh nhưng không giá buốt, khi nắng lên lòng tôi lại ấm áp đến lạ lùng. Nhóm chúng tôi thả bộ trên con đường thoai thoải dốc từ quán café Tri Âm đến 215 Lý Thái Tổ, nơi tổ chức buổi ra mắt tác phẩm “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” (cũng là nhà riêng của Gio Linh, con gái của chị Cẩm Tú Cầu). Không khí buổi ra mắt thật là ngọt ngào và nhộn nhịp, chị trân trọng ký tên vào sách để thân tặng đến từng bạn bè cuốn “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” trong giai điệu trữ tình, lãng mạn và sâu lắng từ tiếng đàn organ do cháu ngoại chị đàn làm cho cảm xúc của người đến dự càng thăng hoa.
Tôi say sưa ngắm nhìn chị Cẩm Tú Cầu dịu dàng trong chiếc áo dài sẫm màu với cành hoa lả tả rơi trên tà áo, bên cạnh người đàn ông của chị với nét mặt hân hoan, rạng rỡ, vì sự ra đời đứa con tinh thần mà chị ấp ủ lâu nay. Những lẵng hoa đủ sắc màu được bạn bè và người thân mang đến để cùng chung vui với chị, cùng chia sẻ niềm yêu thích, đam mê thơ , văn, nhạc, họa... Tôi thích nhìn ổ bánh của gia đình Tuấn Anh (con trai chị) gởi đến chúc mừng Mẹ thật đẹp, thật ngọt ngào như tình yêu của các con dành cho anh chị. Nhưng sao tôi vẫn không quên được hình ảnh anh Đào Thương, người đàn ông của cuộc đời chị đã thầm lặng lo lắng, giúp đỡ chị về mọi mặt để có buổi ra mắt đứa con tinh thần của chị trong không khí ngọt ngào và hạnh phúc như thế này. Chị Cẩm Tú Cầu quả là người hạnh phúc nhất.
Điều khiển chương trình buổi ra mắt tác phẩm là nhà thơ Văn Châu (Pleiku), sau đó là lời tâm tình của anh Đào Thương về tác giả, về người phụ nữ của đời anh và lời cám ơn đến bạn bè, thân hữu đến dự buổi ra mắt, đến những người đã giúp vợ anh trong việc xuất bản, viết lời tựa, và phát hành ấn phẩm. Tôi vẫn thích cái nét đằm thắm, dịu dàng, giọng nói nhỏ nhẻ xứ Huế của chị khi chị đứng lên cám ơn bạn bè, thân hữu. Ánh mắt còn như cám ơn người chồng tuyệt vời và những đứa con ngoan của mình thật là xúc động. Đáp lại sự nhiệt tình, mến mộ và yêu thương của bạn bè, độc giả, anh chị cùng gia đình đã tổ chức bữa tiệc trưa để lại nhiều dấu ấn trong lòng chúng tôi. Những ly rượu vang đỏ được nâng lên trong lời chúc tụng đầy tình thân, tiếng hát của bạn bè cất lên như để chúc mừng tác giả, tạo không khí vui nhộn và để lại những dư âm của buổi ra mắt tác phẩm khó phai trong lòng bạn bè.
Con đường Lý Thái Tổ càng về trưa càng rực rỡ nắng, buổi ra mắt tác phẩm trong không khí vừa trang trọng, vừa ấm cúng, ngọt ngào, vui vẻ. “DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” của Cẩm Tú Cầu có lẽ ngay bây giờ chưa đi vào lòng bạn bè và độc giả bởi họ đều mới có trong tay tác phẩm trong buổi ra mắt sách, nhưng tôi nghĩ cảm xúc của Cẩm Tú Cầu trong “Dòng sông tuổi thơ” sẽ chạm nhanh đến cảm xúc người đọc bởi chị viết từ trái tim yêu thương và lòng nhân ái: "Nhìn triền đồi thoai thoải cách trại khoảng cây số, nơi an táng những người bỏ mạng ở trại tâm thần này, nếu không có thân nhân đem về mai táng. Những nấm đất đơn sơ, thấp lè tè, với tấm bia bằng cây gỗ dựng lên như để làm dấu, cho một kiếp người đã ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại, sao quá nhỏ nhoi, quá đơn giản, lòng tôi bỗng dưng chùng xuống nghẹn ngào. Tôi nghĩ đến kiếp người ngắn ngủi, mà trên cõi đời này mấy ai được hạnh phúc trọn vẹn, mấy ai được thoả mãn với ước vọng của mình” (Trích Thăm trại tâm thần - trang 241).
Là người yêu thích văn chương, tôi nghĩ “Dòng sông tuổi thơ” của chị Cẩm Tú Cầu sẽ tiếp tục lặng lẽ chảy len lỏi vào tận ngóc ngách tâm hồn người thân, bạn bè và độc giả yêu mến chị.
Chúc mừng tác phẩm đầu tay của chị Cẩm Tú Cầu!
Chúc mừng buổi ra mắt sách rất thành công!
Tạm biệt phố núi mộng mơ và dễ thương chi lạ!
Tạm biệt “Một Pleiku chưa xa đã nhớ / Một Pleiku lần đầu mà yêu” (nhạc sĩ Ngọc Tượng).
Kỷ niệm một ngày đến với phố núi Pleiku
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét