Có một thời, người ta chỉ biết sống ru mình trong sự tự mãn hay thích hờn ghen, đố kị nhọc đời. Ở một khía cạnh nào đó, nó cũng là một thứ gia vị của cuộc sống, mặc dù chẳng hề dễ nuốt.
Kiều Liên năm nay tròn 20 tuổi, thân hình gầy gò, nước da vàng vọt không giống một đóa sen đang đến độ rộ mùa. Mọi cử chỉ đều trở nên yếu nhát. Ở cái thôn hẻo lánh này, đám choai choai làng chọc cô là “hình nhân thế mạng”, khiến cô càng sống thu mình như một con sên thân nhũn. Từ thuở lọt lòng đã không biết đến mặt cha, lên tám tuổi mẹ bỏ đi biệt xứ. Không hiểu vì lý do gì mà người đàn bà này nỡ lừa đứa bé say ngủ lặng lẽ ra đi, bỏ lại cho người mẹ già. Đứa bé mới tám tuổi dường như đã hiểu mọi chuyện, câm lặng níu vai bà, mắt ráo hoảnh.
Bà Nụ hàng sáng ra chợ bán bánh đúc lạc và mắm tôm khô. Cuộc mưu sinh của hai bà cháu gói gọn trên mỗi gánh hàng. Cho đến tận bây giờ, kí ức và hiện tại của Liên vẫn nghe dai dẳng, đau đáu câu rao của bà trong sương sớm:
- Ai bánh đúc lạc, mắm tôm đơi… ơi!!!
Bao năm rồi vẫn vậy. Một vòng luẩn quẩn, tắc nghẹn trong cuống họng.
- Bánh đúc ơi. Cho vài đồng.
- Mua thêm đi cô. Bánh nay ngon, chắc lắm.
- Cần ngon lành gì hả bà già! Thời buổi này bánh đúc mua về nhét cổ gà vịt cho cân nặng chứ mấy ai ăn. Hô hô hô…
Thế mà thứ hàng ít giá trị ấy đã nuôi sống cả hai bà cháu bao năm qua. Dù phải tằn tiện, dè xẻn từng chút nhưng cũng đủ cơm cháo qua ngày. Thương bà, Kiều Liên cũng hay tẩn mẩn ra đồng lần con rạm, con ốc, bó bồng khoai đem bán. Cả năm chẳng có lấy bộ quần áo mới, đến tuổi thiếu nữ vẫn toàn bộ xám xịt nhau nhúm bà lượm cho từ mấy hàng quần áo đống. Ở cái làng nghèo này, không có việc gì làm thuê. Người ta chủ yếu dựa vào nghề nông, hay dạt đi nơi khác kiếm việc mưu sinh. Bà Nụ thoáng lo cho tương lai cô cháu gái. Hai mắt trũng sâu, gò má sạm đen đã báo trước giới hạn của tuổi già…
- Bà, bà ơi! Cắt cho con một chặp bánh đúc. Lâu lâu về quê lại nhớ món này quá.
Bà Nụ giật mình ngước lên. Một người đàn bà ăn mặc lịch thiệp, khuôn mặt phúc hậu sà quán. Người này từ trên Hà Nội về thăm quê, có ý dò hỏi tìm người giúp việc. Thấy người đàn bà vẻ hiền từ, bà Nụ chợt mừng nghĩ đến Liên. Con bé tuy yếu ớt không làm được việc nặng nhưng quẩn quanh việc nhà lại rất đảm đang. Nhiều khi thương cháu quặn lòng, phải chịu thiệt thòi từ nhỏ nhưng bà phải vội lo cho Liên công việc làm trước mắt để sau này cô có thể tự nuôi được bản thân, đối mặt với nỗi cô đơn tận cùng. Nghĩ vậy bà vội cho người kia một cái hẹn.
- Không!!! - Tiếng Liên hét lớn - Từ nhỏ cháu đã ở với bà, bà cháu có rau ăn rau, mắm ăn mắm, sao giờ bà nỡ… Bà ơi!!!!
Từng tảng băng cảm xúc nén chặt từ rất lâu trong trái tim đầy trầy xước của cô bé tuổi 20 dường như đang vỡ vụn, những giọt nước mắt khô khốc thi nhau rớt xuống nền đất nứt rạn. Lần đầu tiên Liên cất tiếng hét giữa cuộc đời…
- Bà thương mày lắm, Liên ơi! Nhưng bây giờ bà bất lực rồi. Già yếu còn sống được bao lâu nữa. Một mình mày biết đối diện thế nào con ơi!!!
- Bà không còn thương cháu nữa… Cháu đi làm osin cho người khác… bà nỡ… Từ trước bà coi cháu chỉ ăn bám bà - Liên khóc nghẹn.
Bà Nụ ngồi sụp xuống, đôi tay gầy guộc buông thõng, tiếng thở dài nghe não nuột. Giọng bà rắn lại:
Cuộc sống sẽ luôn vận hành theo cách của nó mà con người không thể đoán định được. Kiều Liên lặng lẽ rời ngôi nhà nhỏ, rời bà, miệng đắng ngắt không cất nổi câu nói. Muốn ôm bà, nhưng lòng giận đã đẩy cô cách xa…
Người đàn bà nhận Liên làm giúp việc là chủ một tiệm bánh ngọt có tiếng ở Hà Nội. Hai vợ chồng bận rộn nhưng gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Họ chăm chút từng li từng tí cho cô con gái 6 tuổi người mảnh khảnh. Công việc của Liên cũng nhẹ nhàng, chủ yếu dọn dẹp nhà cửa với ngày ba bữa cho con cún Bông ăn uống. Cuộc sống trước mắt Liên sao rực rỡ, sáng sủa, nhưng cô chỉ im lìm như một chiếc bóng, như giọt mưa rơi vô định dưới gốc hoa.
Liên không thích chuyện trò, ai hỏi gì đáp nấy. Cô sống trong căn nhà, làm việc như được mặc định. Những đêm trăng sáng ngồi trên sân thượng, cảm giác cô đơn ùa về, cô thèm khát được sống dưới một mái ấm gia đình, thèm được nâng niu vỗ về những ngày thơ bé. Ước mơ giản dị với bao người nhưng lại xa xỉ nhất với Liên. Nhìn chùm sao nhấp nháy sáng rực trên cao, Liên không còn cảm nhận chúng là những vì tinh tú, mà là những ánh mắt trêu ngươi chọc xoáy tận tâm can. Màn đêm như khò khè hơi thở của một kiếp người, nó chất nặng những suy tư chẳng khi nào được hóa giải. Liên muốn buông thõng mình cho con đêm nuốt chửng, dịu đi ánh mắt người bà đơn độc phương xa.
Đã làm được một tuần nhưng Liên vẫn cảm giác nơi này thật xa lạ. Bà chủ luôn tươi cười đon đả chưa một lời trách mắng cũng không đủ khỏa lấp khoảng cách lòng trong Liên, cô chai cứng không muốn chia sẻ và cũng không muốn nghe ai chia sẻ điều gì, vì với Liên, cô đang ở một vị trí không bao giờ được xác định. Nhiều khi cô khát khao tưởng tượng ở vị trí của đứa bé kia. Nó có một gia đình đầy đủ mẹ cha, được cưng chiều hết mực. Càng nhìn nó Liên càng cảm thấy mình bị đẩy xa ra một thế cực khác, càng soi rõ những thảm thương trên tấm thân suy kiệt sức sống. Con bé ấy được sống trong nhung lụa có vẻ khó chiều. Nó động tí là khóc và chẳng bao giờ nói gì, chỉ “ư ư” nũng nịu. Liên dần cảm thấy ghét và khó chịu ra mặt với nó.
Con Bông được Liên cho ăn hằng ngày cũng dần quen với cô chủ mới. Nó thè chiếc lưỡi hồng hồng nhỏ xíu liếm yêu tay cô, dụi dụi đầu muốn cô vỗ về. Liên thấy yên bình nhất khi bên cạnh nó. Nhưng những khay cơm đầy giò lụa, thịt hộp thơm phức chăm con Bông lại chợt khiến cô thêm tủi phận. Cuộc sống của một chú chó nhỏ sao cũng quá đỗi an nhiên. Ngày ba bữa có người chăm sóc, được ngủ trên chiếc “giường” trải chăn nhỏ nhắn, được bao người đến nựng yêu, ve vuốt. Đôi mắt nó thật vô ưu ánh lên niềm thích thú. Phải chăng có những thứ cuộc sống ru ngọt con người ta đến vậy?
Dạo gần đây có một mụ điên thường lảng vảng trước cổng nhà bà chủ, tay ôm con búp bê bẩn nhọ giả bồng con. Mụ thường hát những khúc ru không rõ đầu cuối, lúc mệt quá thì ngồi khóc rưng rức hay cười hềnh hệch. Cảnh tượng ấy đã như mũi dao xuyên thấu tim Liên, khiến ký ức rệu rã của cô bỗng dưng òa tuôn hình ảnh người mẹ, bà ấy còn sống hay đã chết, có một lần nhớ đến cô? Trái tim bấy lâu đã chai sần của Liên nay lại nổi rộp những vết đau trong quá khứ. Hình ảnh mụ điên bồng búp bê nhọ nhem đứng trước cổng nhà mỗi buổi chiều tà như một cơn ác mộng đều đặn đến với Liên. Trái ngược với cuộc sống sung túc thịnh soạn trong này, ngoài kia… cả cuộc đời tăm tối bất định của một mụ điên! Kiều Liên thương cảm lấy cho mụ vài lát bánh mỳ, lòng chợt rát lại khi thấy đôi mắt đờ đẫn và đôi môi bợt bạt vì đói của mụ. Mụ vồ lấy tấm bánh như nhận một sự hậu đãi duy nhất trên đời từ trước đến nay, rồi bất thần ném hết chúng vào thùng rác, bới móc những thứ bẩn tưởi trong đó nhai nhồm nhoàm, cười khành khạch. Mà không rõ là mụ cười hay khóc? Liên đứng nhìn theo vô hồn, đôi chân như muốn ngã quỵ… Hôm sau, mới tinh mơ Liên đã bị đánh thức bởi tiếng ồn ào, xì xầm ngoài ngõ. Mụ điên nằm co quắp trên vỉa hè, tay khư khư ôm con búp bê đen đúa mắt mở trợn. Mụ chết rồi! Liên rùng mình, muốn vùi mình trong cơn đêm mãi mãi, thoát khỏi sự ám ảnh đến tột độ này.
Kiều Liên nằm sốt mê man. Những ngày cô ốm, không có người phụ việc, mọi chuyện trong nhà bà chủ rối tinh lên. Cơm nước không ai sắp, đứa bé 6 tuổi suốt ngày “ư ư” dỗi khóc, con Bông nằm rệp buồn bã không người chăm sóc, phải ăn qua loa từng bữa. Bụi hoa trước nhà héo rũ không ai vun tưới, một con cá đầu bò đã chết nổi khi mấy ngày không có người thay nước cho bể cá cảnh. Gượng dậy thấy những cảnh tượng đó, Kiều Liên nhếch mép cười cay đắng. Thì ra, mọi thứ tươi đẹp ngày qua trêu diễu trước mắt cô là do một tay cô sắp đặt, mà chính Liên cũng không hề hay biết vì cô chỉ làm như một cỗ máy vô hồn. Liên chợt dấy lên lòng tự mãn và khinh đời. Không có cô, cảnh quan, cuộc sống trước mắt chắc sẽ dần héo rũ vì nó quá lụy người. Cô bật lên một tiếng cười lạnh lẽo. Cả cuộc đời Liên, có lẽ chưa bao giờ cô lại được khinh bạc cuộc sống đến thế này!
Liên mệt nhọc cầm cây chổi huơ những đám bụi bám dầy đặc trên bồn hoa. Cô làm như vô thức. Con Bông cất tiếng ư ử thèm ăn, thèm vuốt ve cưng nựng. Sẵn cơn chán mệt, Liên đâm cáu, tự dưng thấy ghen tức với con Bông, với tất cả mọi thứ xung quanh. Dù là người hay vật thì chúng đều được những bàn tay chăm sóc, còn cô, chỉ là kẻ đi chăm sóc vô thời hạn. Cô chợt nhận ra mỗi ngày mình càng trở nên chai lạnh. Thấy trên căn bếp còn vài mẩu bánh mỳ khô khốc với pate đã chảy nước, có lẽ đã để đó mấy hôm rồi, cô vứt xuống khay cho con Bông. Thường ngày thì Liên chẳng bao giờ làm thế, con Bông luôn được ăn đồ tươi quen rồi. Thấy thức ăn nó chạy nhào đến vui thích, nhưng hít hít tiu nghỉu vì bánh mỳ dai nhách và pate thiu, nó lại ư ử dỗi hờn không chịu ăn. Liên quát:
- Chó ở quê vẫn phải ăn cả chất thải mày biết không? Mày mà bị tống về đó chắc chỉ có nước chết đói. Không ăn thì thôi. Xem mày thi gan đến bao giờ?
Con Bông giương mắt nhìn Liên, đôi mắt như ậc nước, khuôn mặt biểu cảm của nó như hiểu được lời cô. Toàn thân nó cũng nhũn mệt vì đói, nó chúi đầu vào khay ăn nấy ăn để, đã không còn vẻ tinh nghịch và thích thú như ngày nào nữa. Liên cũng chẳng còn hứng trí làm việc gì. Những ngày sống ở ngôi nhà này, Liên thường lấy công việc làm niềm an ủi, vùi đầu vào làm cho xua tan những nỗi quằn quại đeo bám mãi trong lòng. Nhưng giờ mỗi công việc lại gợi nhắc đền từng nỗi ám ảnh không cất thành lời. Thi thoảng trong Liên ngập tràn hình ảnh bà, nhưng cô lại để màn đêm cuốn nó đi thật xa…
Đứa bé 6 tuổi bữa nay bỗng lọ mọ dậy sớm, nó chạy ra chỗ con Bông rồi lại “ư ư” như lúc dỗi hờn.
- Chuyện gì thế? – Liên đang sắp bữa giọng hơi gắt.
Con bé lại “ư ư” làm Liên càng thêm bực. Ông bà chủ vẫn còn chưa dậy, con bé hôm nay dậy sớm lạ thường. Liên kéo mạnh tay nó:
- Tóm lại là có chuyện gì? Đừng “ư ư” nữa. Nẫu ruột!
Con bé vẫn “ư ư”, tay chỉ về phía con Bông đang nằm. Đột nhiên, tim Liên thắt lại. Thì ra con bé bị câm! Liên chợt thấy rần rật trên từng thớ thịt, nỗi bẽ bàng đang xâm lấn. Giúp việc ở đây một thời gian rồi, Liên không một lần quan tâm đến cuộc sống của mỗi thành viên. Cô bị những thứ hoa lệ trước mắt kia làm mờ mịt, khiến cô muốn chống phá mọi thứ. Liên chỉ luôn thấy ganh tị và khó chịu với con bé, khi được bố mẹ chăm hết mực, khi nó chẳng bao giờ nói gì mà chỉ “ư ư”! Đôi chân run rẩy chạy về phía con Bông, Liên bàng hoàng khi nó đang nằm co rúm, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Nó rên những tiếng ngắc ngứ rất nhỏ, từ miệng tiết ra chất dịch màu vàng mùi rất khó chịu. Con Bông cố mở đôi mắt đục mờ, nhìn vào vô định, như muốn thu nạp tất cả những tươi đẹp rộn rã trên cuộc đời vào đôi mắt nó.
- Bông ơi!!! Bông! – Liên nấc lên, không thể rơi lệ thêm nữa.
Đứa bé khóc gào thảm thiết. Nước mắt nó ướt trôi cả những vết chân nhỏ xíu của con Bông giỡn nghịch trên sân. Con Bông nằm bất động, mắt nó không kịp nhìn Liên…
Bi kịch cuộc đời nhiều khi không phải do không hiểu nhau, mà là không yêu thương nhau. Không yêu thương nên sẽ không bao giờ hiểu được. Mà khi hiểu ra mới yêu thương đã quá muộn rồi. Chưa lúc nào Liên thèm khát vị bình yên đến mức này. Nỗi khắc khoải trở về với bà lại dấy lên trong Liên, như một vị cứu cánh sau cùng. Liên muốn thiêu rụi những ngày tháng qua, cầu xin một sự cứu rỗi tinh thần đã ọp ẹp tan chảy trong cô. Liên quyết định về quê, sống cùng bà trong căn nhà nhỏ, có câu rao bánh đúc mỗi sớm tinh mơ trong lành.
Bước chân về đến ngõ nhà, lòng Liên thấy chộn rộn, hơi thân quen tràn ngập đâu đây. Gánh bánh đúc của bà vẫn vắt vẻo trước hiên nhà, Liên kinh ngạc vì giờ đã trưa, hay hôm nay chợ ế? Muốn bà bất ngờ, cô rón rén bước vào nhà, không lên tiếng. Bà Nụ nằm trên giường. Giờ này mà bà vẫn ngủ sao? Liên sà vào giường run run khẽ lay bà:
Liên thất thần khi thấy toàn thân bà đã lạnh toát, khuôn mặt hốc hác của bà xanh ngắt, đôi mắt nửa hờ nửa khép. Gánh bánh đúc hãy còn bỏ ngõ… bà đã tắt tiếng thở từ khi nào? Liên cảm giác nghẹt thở và chua xót tột độ. Ảo ảnh muôn con mắt đời đang săm soi, giễu cợt cô, nghe đất dưới chân rung chuyển rầm rập. Liên sợ hãi, tuyệt vọng, bấn loạn chạy miết… Cô muốn chạy thật nhanh, thật xa, mọi ám ảnh hãi hùng như níu riết bước chân cô. Đôi bàn chân rỉ máu chạy như không biết mỏi cuồng, muốn quăng đạp lên mọi thứ đã đi qua…
Bất giác Kiều Liên nghe tiếng chuông chùa trong gió xa. Cô muốn tĩnh lòng chạy ùa vào nơi cửa Phật. Chốn thanh nghiêm như mở lòng đón cô. Liên nghe lòng dịu lại, sụp quỳ trước ban thờ Phật. Mọi ám ảnh, kinh sợ như tạm lùi xa, chỉ còn nghe thấy chuông ngân trong, mõ gõ đều và hương hoa thơm ngát. Chợt nghe thấy tiếng thút thít bên cạnh. Một người phụ nữ trung niên tóc rối xòa, đang lầm rầm khấn vái, đôi tay gân guốc run run chắp lạy. Trên khuôn mặt đượm buồn có một vết chàm to bên gò má phải. Liên bủn rủn chân tay, một cảm giác khó tả chạy dọc xương sống, bóp nghẹn trái tim không ngủ yên. Một chút gì thân thuộc quá đỗi, lại xa lạ vô cùng. Cô chợt gào lên:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét