Xuân về. Tôi nhận được tín hiệu ấy tràn ngập trong khí trời, sắc hoa và môi mắt của người đời. Vẫn là cái rét kéo dài từ cuối mùa đông nhưng đã bắt đầu cảm thấy ấm áp hơn từ những quầy bán quần áo tết, bay phất phơ đỏ rực một màu tươi mới. Từ cảnh các bà, các mẹ giặt giũ chăn chiếu vào một ngày nắng ấm phơi dọc rặng rào. Từ cái cảnh nội ngồi bóc vỏ hành ngoài hiên mà cay sè mắt, lũ nhỏ cứ tưởng đâu nội lại nhớ ông. Nội cười bảo: “Tết này nữa là nội bảy mươi rồi, còn nước mắt để mà nhớ nhung ư?”. Con cháu thẫn thờ nhắc nhau “Năm nay làm lễ mừng thọ cho nội thôi, con cháu đứa nào cũng phải về cho đủ”. Ở ngoài hiên nội không nghe thấy mấy lời đó, nhưng bỗng buông lơi củ hành trên tay giật mình hỏi con dâu “Thế tết này con đã xem ai hợp tuổi để nhờ xông đất hay chưa?”. Câu chuyện tết của gia đình tôi bắt đầu rôm rả từ lúc ấy…
Đối với tôi mà nói, thời khắc giao thừa thực sự rất linh thiêng bởi khi ấy đất trời giao hoà, tâm hồn thanh thoát, vạn vật bừng lên sức sống. Cảm giác như chỉ cần nhắm chặt mắt, hít căng lồng ngực bầu không khí mùa xuân là bao nhiêu lo toan, bề bộn cũng lắng lại trong lòng. Theo phong tục của người Việt Nam từ cổ xưa, nhà nào cũng đều có lễ cúng giao thừa. Tối ba mươi mẹ ngâm gạo đổ xôi, bố lo luộc gà, còn mấy anh em tôi thì bày biện lại bàn thờ lần cuối rồi tính chuyện sẽ đi hái lộc hướng nào. Mùi nước lá tắm tất niên còn thơm mát trên da thịt, mùi bồ kết gội đầu còn thoang thoảng trên từng sợi tóc. Chúng tôi ngồi đó nhìn nội đang tha thẩn ngóng ra ngoài ngõ. Những vị khách được nội mời đến xông đất bao giờ cũng thật đặc biệt với gia đình. Dường như việc xông đất chỉ là cái cớ cho một cuộc gặp mặt đầu xuân, để cùng nâng ly chúc phúc, cùng ôn lại những câu chuyện từ thuở cơ hàn, cùng im lặng vài ba phút giây ngắn ngủi để hướng mọi ý nghĩ về nhau…
Nhà người ta thường xem năm, xem tuổi để chọn người đến xông đất mong cả năm mạnh khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt. Nhưng nội tôi thì không, khách quý trong đêm giao thừa thường là những người lao động vất vả quanh chợ thị xã, bên bến đò hay những người đơn chiếc vừa tan ca tối trong nhà máy xi măng. Nội bảo những người ăn ở hiền lành bao giờ cũng dễ vía, họ như bóng cây như hương lúa, đi đến đâu cũng thấy bình yên, no ấm. Thực tình thì ngoại đâu có mong muốn nhiều nhặn từng ấy cho một năm dài. Nội già rồi, thứ tín ngưỡng trong tâm hồn những con người đã trải qua mấy mươi năm dãi dầu mưa nắng là thứ tín ngưỡng thuộc về tình người và lòng trắc ẩn. Chứ hên xui, no ấm, buồn đau đâu phải cứ cầu là nhận được cứ xua là tránh khỏi, người tính đâu có bằng trời tính…
Năm thì nội mời vợ chồng bác lao công kiêm bảo vệ trông coi cả khu chợ lớn trong thị xã về xông đất. Chợ cách nhà tôi không xa, đêm ba mươi đứng trên tầng hai có thể nhìn thấy bóng hai vợ chồng bác len lỏi giữa các gian hàng để che đậy lại. Chiếc lán cuối chợ, nơi vợ chồng bác ngủ nghỉ, sinh hoạt dường như chẳng có dấu hiệu nào của tết. Chợ tết đông đúc, chen chúc, hàng hóa bầy chật chội khắp nơi là vậy nhưng trong chiếc lán của hai phận người ấy vẫn chỉ là vài chiếc xong, cái giàn bát xiêu vẹo, mấy bộ quần áo vắt ngang dọc mà không có lấy một cành hoa. Nên nội muốn mời họ đến đón tết cùng gia đình tôi vì nội nghĩ họ là dân ngụ cư, năm mới chắc cũng vì nhớ thương cố hương mà quạnh quẽ. Năm thì nội mời người lái đò bên bến sông Hồng. Gió sông lạnh lắm, năm mới không dám xin nối nhờ dây điện thắp bóng đèn vì sợ mất dông nên cô lái đò treo ngọn đèn bão lập lòe. Nhìn từ xa thấy ngọn đèn leo lét cô đơn trong gió. Đò không dám nghỉ vì sợ nhỡ có ai đó bận bịu việc gì sẽ vội vã sang sông để về nhà kịp đón giao thừa. Mấy năm nay con đò đã nghỉ, mấy trai tráng khỏe mạnh bên chiếc phà rẽ sóng chạy rì rì. Nghe đâu cô lái đò năm xưa đã theo anh thợ mộc về bên kia sông mở hẳn cửa hàng đồ gỗ. Người cũ lâu không gặp nhưng mỗi khi nghe ai đó từ bên kia sông sang là nội lại lân la hỏi chuyện. Niềm vui của nội đơn giản chỉ có vậy, như là giao thừa năm nay thấy nội nóng lòng chờ tốp thợ bên nhà máy xi măng sớm tan ca. Đó là mấy cậu thanh niên ngày nào cũng ghé qua quán tạp hóa của nội, khi thì mua mấy gói mì, khi thì dây dầu gội. Nội bảo “mấy đứa nó xa quê, tết không được về với gia đình. Tội nghiệp”.
Những vị khách xông đất nhà chúng tôi chân chất, bình dị đến mức đôi khi một lời chúc tết cũng ngập ngừng, ngượng nghịu. Đôi khi chưa kịp thay chiếc áo công nhân, hai bàn chân bác lao công vẫn còn dính đất. Nhưng đó mới chính là sự thân tình, gần gũi đầy ấm áp mà họ đã mang đến cho gia đình tôi trong thời khắc giao thừa. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau nhón từng nhúp xôi nếp nhỏ, nhâm nhi ly rượu xuân, và ai cũng được nhận lì xì từ tay nội. Những bao lì xì đỏ chói, hoa đào thì thắm lại, còn trong môi mắt mỗi người không biết có phải vì rượu nồng không mà mà lâng lâng hạnh phúc…
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét