Trời sinh tôi và Trâm là để yêu. Không phải hai đứa yêu nhau mà cùng yêu… nghệ sĩ.
Nếu xếp loại “Năng khiếu yêu” thì hai đứa đạt danh hiệu xuất sắc. Từ lúc hỉ mũi chưa sạch, còn bé tí đã yêu. Yêu say đắm, mê mệt và kỳ cục.
Ở chốn khỉ ho cò gáy như quê tôi, đào kép có giá trị lắm. Họ xuất hiện trên sân khấu cũng tương đương như thành hoàng. Dân chúng quí yêu họ không thua gì những hạt giống hiếm lạ gieo trồng đem lại năng suất cao. Họ trân trọng nghệ sĩ còn hơn vợ hoặc chồng. Riêng đối với tôi và Trâm còn hơn thế nữa. Tôi yêu đào, còn Trâm yêu kép. Chúng tôi chết mê, chết mệt những vũ đạo uyển chuyển hoặc oai phong, giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn… Say đôi chân mày vòng nguyệt, cánh môi hồng mọng, ngon như trái cà chua chín tới. Những bộ quần áo thời xa xưa, lấp loáng ánh bạc, tôn tạo nét quí phái, lãng mạn giữa chốn đời thường, quê kệch. Khiến họ vừa xa cách, vừa quyến rũ khó gần.
Đoàn nào về làng, tôi liền yêu ngay cô đào chánh. Dĩ nhiên Trâm cũng chọn anh kép hát hay nhất. Tôi rình rập, theo dõi hoặc bám sát “người yêu”. Sẵn sàng cho phép họ gọi bằng “bé” hay “em” và sai bảo như đầy tớ. Khi thì mua nước đá. Lúc mua thức ăn điểm tâm… Thậm chí, xách dép giùm khi người ta qua cầu khỉ. Tôi sung sướng bị sai khiến và… được coi thường, miễn gần họ chút đỉnh. Để rồi đêm nào vãn hát về, tôi mệt mỏi, ngủ như chết. Nhưng vẫn nằm mơ thấy cưới được đào chánh làm vợ. Trâm cũng thế. Nhưng kín đáo hơn. Trâm yêu anh kép chánh như điếu đổ. Tình yêu của Trâm ngộ nghĩnh, thay dổi tùy theo thời kỳ. Tính từ lúc biết yêu tới giờ thì có khoảng một chục nghệ sĩ được Trâm yêu. Có năm, Trâm yêu một lúc hai người. Nghĩa là tình cũ vẫn còn, tình mới đã bén. Nồng nhiệt hơn. Cứ thế, Trâm không dám đến gần ai hết. Nó ở nhà yêu một mình. Công phu và cảm động. Có bao nhiêu tiền Trâm dành cho việc mua kẹo me. Chẳng phải vì thích vị ngòn ngọt, chua chua của kẹo me mà vì tấm ảnh kèm theo đựng trong cái bọc ny-long thu nhỏ. Trâm sưu tầm ảnh nghệ sĩ mình yêu như người ta tập hợp tem các loại. Sau khi giải quyết viên kẹo, Trâm cho tấm ảnh vào một bọc ny-long lớn hơn. Trong đó chứa đựng tất cả dáng vẻ phong lưu, hào hoa của mấy anh kép mà Trâm mê mẩn. Tất cả những tờ báo có đăng ảnh nghệ sĩ dù đã dơ hay bị rách, Trâm vẫn cắt ra, dán chỗ rách bằng một ít cơm nguội. Xong, cô bé lại dán tấm ảnh lên một tấm mo cau rồi treo lủng lẳng trong nhà. Trâm thường khoe với tôi là luôn luôn nhìn “Mấy ảnh” trên vách cũng đỡ khổ. Trâm quí bộ sưu tập ảnh của mình lắm. Cô bé xem đó như một gia tài.
Nhà Trâm cách nhà tôi một con mương nhỏ. Cây cầu khỉ lắc lẻo là phương tiện giao thông cho hai nhà.Chúng tôi rất thân với nhau. Vì nếu không thì cũng chẳng biết chơi với ai. Mấy căn nhà khác khá xa, phải vòng qua hàng dừa nước rậm rịt, quẹo một đỗi đồng sình lầy mới gặp được mấy đứa nhỏ trạc tuổi tôi. Mỏi chân và mất thời gian lắm. Chọn Trâm làm bạn cho xong. Vả lại, Trâm cũng mê nghệ sĩ như tôi. Hai đứa thích nhau là phải. Đồng bệnh tương liên mà! Chúng tôi thường thổ lộ tâm tình cho nhau nghe. Trâm bảo nếu lớn lên không được làm vợ của nghệ sĩ TS hoặc MC thì nó sẽ cạo trọc đầu, đi tu. Đôi khi Trâm còn quả quyết nếu không lấy được TĐ nó sẽ uống thuốc chuột quyên sinh. Tôi cũng đâu kém, thường ba hoa: "Nếu không cưới được BT làm vợ, tôi sẽ bỏ nhà đi biệt xứ”.
Vì còn quá bé, chúng tôi chưa hiểu thế nào là tình yêu, không biết đó chỉ là tình cảm phát sinh từ lòng say mê, khâm phục trước tài năng diễn xuất. Chúng tôi choáng ngợp trước những thần tượng sân khấu mà tưởng lầm là tình yêu. Những nghệ sĩ này đã bằng diễn xuất và giọng ca ngọt ngào chi phối tình cảm lẫn những sinh hoạt bình thường của dân chúng khi họ ghé thăm thôn xóm. Họ làm nụ cười vang lên từng chặp, nước mắt tự do tuôn chảy, cảm giác hồi hộp, lo lắng trổi dậy và sự thỏa mãn, hài lòng mênh mang kéo dài. Đôi khi, nghệ sĩ còn tác động mạnh mẽ đến tâm lý người xem, cuốn hút, trộn lẫn đời thường khiến khán giả thản nhiên giận dữ, phẩn nộ và có biểu hiện cụ thể. Thỉnh thoảng, một “Tào Thị” bị lãnh đủ một lon cổ trầu đỏ quạch từ dưới ném lên khi mụ hành hạ Nghi Xuân, Tấn Lực. Hay những cái vỏ chuối , hột cóc, viên sỏi ném rào rào lên sân khấu khi gã Bàng Quyên xảo quyệt hãm hại bạn hiền. Sau đó, “thủ phạm” tỉnh ngộ, mắc cỡ bỏ về trước dù buổi hát chưa kết thúc. Còn nạn nhân thì rơi nước mắt vì mừng buổi diễn thành công tốt đẹp thấy rõ.
Ở quê tôi, gánh hát ghé qua như mùa xuân trở lại. Cái vui tươi, nhộn nhịp cựa mình thức giấc. Mọi người tạm quên vất vả vụ mùa mà đến tới nghệ sĩ, những con én mang tín hiệu mùa xuân đến nơi đồng khô cỏ cháy, ban phát hạnh phúc nhỏ nhoi, hiếm quí. Tôi và Trâm đón nhận như lúa trổ đòng, há miệng đón sương, ngậm sữa.
Tuổi nhỏ qua đi, tóc Trâm dài và mượt, thoang thoảng hương cau. Nét dậy thì thầm lặng điểm trang cho cô gái quê vẻ xinh tươi duyên dáng. Bây giờ, Trâm không còn một mình thương nhớ người ta, mà người ta cũng yêu Trâm tha thiết. Anh kép chánh tên Tiến Hùng đi chợ quê gặp Trâm mang mấy buồng cau đi bán. Anh mua mấy nhánh cau Tầm Dung rồi giữ luôn trái tim cô gái. Không có đêm nào Trâm không đi xem hát và không có buổi sáng nào hai người không tìm cách gặp nhau. Và tôi chính là người giao liên kiêm luôn việc canh gác cho họ trò chuyện.
Gánh hát đi, Trâm trốn nhà theo. Dù không có ai yêu tôi, tôi cũng cuốn gói theo luôn. Trong đoàn, người ta tổ chức bữa tiệc nhỏ cho Trâm và Hùng thành chồng vợ. Không có áo cưới, pháo vu quy, họ hàng hai bên rộn rịp, Trâm và Hùng vẫn hạnh phúc. Chính lúc đó, tôi nhận ra mình yêu Trâm. Yêu thật sự chứ không nhầm lẫn như bấy lâu nay. Từ vô thức, tôi đã biểu lộ tình yêu bằng sự say mê những gì Trâm đắm đuối. Tôi không biết mình sống bằng hơi thở của Trâm, đi theo con đường Trâm bước. Bây giờ, Trâm thuộc về người khác, tôi bàng hoàng nhận ra mình yêu, hiểu rõ lòng mình thì đã muộn. Tôi chỉ còn nép bên lề trông theo hạnh phúc và những chuyển biến cuộc đời Trâm, không phải ai cũng có được. Tiến Hùng đã dìu dắt vợ bước vào sân khấu. Trâm mau chóng hòa nhập cuộc sống mới. Trâm tập tành hát xướng và được khán giả tiếp đón khá nồng hậu. Tuy mới nhận vai phụ nhưng Trâm vẫn làm người xem phải chú ý. Sau một thời gian cố gắng, Trâm đã thành công. Mọi người đã nhìn nhận vai đào lẳng rất hợp với Trâm. Trâm nổi tiếng dần. Hào quang rực rỡ hơn cả chồng. Hai người hình như đã có những bất đồng.khi chung sống. Hạnh phúc lung lay. Nguy cơ sụp đổ không còn xa lắm.
Tất nhiên khoảng cách giữa tôi và Trâm ngày càng dài hơn. Tôi giấu kín tình yêu tận đáy lòng, âm thầm khổ đau và tha hồ mơ tưởng. Dưới mắt Trâm, tôi chỉ là một người cùng quê tội nghiệp. Theo đoàn đã nhiều năm mà không tiến được chút nào. Mùi phèn hình như còn phảng phất nơi tôi. Vẻ quê mùa mộc mạc vẫn cắm rễ trong con người tôi. Gạo chợ, nước máy không làm thay đổi cá tính và năng lực. Ngày xưa, tôi chạy việc, khuân vác, nấu nướng giỏi. Bây giờ vẫn thế! Ông bầu cho tôi lo toan những phần hành ấy. Thỉnh thoảng, trong kịch bản có nhân vật quê kệch thì tôi được dịp lên sân khấu. Ở đó, tôi chỉ cần làm những động tác bình thường của mình rồi ca một hai câu gì đó là xong, đạt yêu cầu. Khán giả tha hồ cười thoải mái, xen lẫn thương hại gã ngớ ngẩn. Có lẽ Trâm cũng có cảm giác đó. Trâm thương hại tôi, một người bạn cũ không thành đạt và để giúp đỡ tôi, Trâm sai tôi đi mua nước giải khát, thức ăn hoặc xách giày, lấy nón… rồi cho tôi dăm ba ngàn lẻ. Hôm nào vui, Trâm mua luôn cho tôi một tô phở. Trâm muốn tỏ ra là một đào chánh hiệu ban bố sự thừa thãi của mình đến người thấp kém. Tôi chua xót, đau đớn nhận lấy.
Tôi nào quên thời thơ ấu với những kỷ niệm và câu nói ngô nghê: "Nếu không cưới được người mình yêu, tôi sẽ bỏ xứ ra đi”. Trâm đã lấy chồng lâu rồi mà tôi vẫn không sao bỏ đi được. Tôi đuổi theo Trâm như cái bóng luôn ngã về phía sau, sẫm đen và nhỏ bé. Trâm, người tôi yêu, thản nhiên quay mặt. Và tôi, một thằng khờ cứ lặng thầm đuổi theo. Tôi chờ, tôi đợi, tôi mong một ngày nào Trâm ngừng lại, đoái nhìn. Đôi khi, tôi còn độc ác cầu nguyện cho Trâm vấp ngã để tôi được dịp đỡ nâng.
Điều đó đã xảy ra. Trâm bệnh. Một chứng bệnh lạ lùng. Nóng sốt li bì. Trâm nằm vùi mê man. Vài ngày sau, Trâm ngồi dậy được nhưng đi đứng không bình thường. Một tay, một chân phải gần như bị liệt. Chúng không tuân theo mệnh lệnh của Trâm nữa. Trâm không tự xê dịch được. Cả việc ăn uống cũng phải có người phục vụ. Tiến Hùng thuê một cô bé phục vụ vợ. Dù Tiến Hùng tận tình lo việc chữa trị cho Trâm nhưng căn bệnh quái ác không chịu từ bỏ cô. Cuối cùng, họ đành bó tay. Ông bầu đành phải phân vai đào lẳng cho kẻ khác. Trâm rời sân khấu vĩnh viễn.
Sau một thời gian, Tiến Hùng có những biểu hiện chán nãn , thiếu tế nhị. Anh đi sớm về khuya và việc chăm sóc Trâm, anh phó mặc cho người làm thuê. Còn tình yêu Trâm anh nhường lại cho tôi. Có lẽ, anh biết tôi yêu Trâm từ lâu lắm. Anh hiểu hết nhưng giả đò làm lơ. Bấy giờ anh ta chú ý. Anh ta khơi lại mớ tro âm ỉ cháy bùng rồi ra sức quạt ngọn lửa chỉ bằng một cách duy nhất là hắt hủi vợ, chê bai vợ với... tôi. Anh thường xuyên vắng nhà để tôi đến thăm hỏi. Dù biết bị lợi dụng, nhưng tôi vẫn hân hoan làm người thua thiệt.
Mỗi ngày, sau khi hoàn tất công việc của đoàn hát giao cho, tôi ghé thăm cô bạn cũ. Ngôi nhà nhỏ bé có giàn hoa tigôn nở tím khung cửa sổ. Nơi đó, Trâm ngồi lặng yên nhìn về phía chân trời. Không có giọt nước mắt nào rơi trên đôi má hóp. Nỗi buồn hình như đã chảy ngược vào tim. Rồi theo máu lan ra khắp cơ thể. Thỉnh thoảng, Trâm kêu lên những tiếng gì không rõ, cô gục xuống như một cánh hoa đã héo tàn. Tôi không dám đến gần an ủi vì biết mình không đủ sức làm giảm nhẹ cơn đau mà chỉ làm Trâm nóng nảy, gào thét. Đã có lần cô lớn tiếng đuổi tôi ra khỏi nhà vì tôi lỡ buột miệng: "Tội nghiệp Trâm quá!” Những lúc như vậy, tôi van vái cho mình chết đi để không nhìn thấy Trâm oằn oại khổ đau. Nhưng tôi vẫn sống khỏe mạnh và người chết lại là Trâm.
Trâm tự tử bằng thuốc ngủ. Mỗi ngày, Trâm đã giấu đi một ít dưới gối. Cho đến khi lượng thuốc đủ để Trâm có một giấc nghìn thu. Tôi là người nhìn thấy trước tiên. Chồng Trâm đi vắng đã mấy hôm. Anh bảo là theo đoàn hát lưu diễn ở xa. Còn cô bé người làm Trâm cho về nhà từ hôm trước.
Tôi là người thân duy nhất của Trâm và cũng là người duy nhất lo việc ma chay, tống tang.
Giờ động quan, tôi xin người đạo tỳ trưởng cho mình thay vai một lần. Tôi mặc chiếc áo đen viền trắng của ông. Đầu quấn khăn tang, lưng buộc đai oai vệ. Tôi bắt chước đạo tỳ múa khúc gọi hồn. Tôi gọi hồn người yêu. Tôi gào lên kinh dị. Tôi khóc rưng rức như quỉ dậy ban ngày. Tôi chỉ tay ra đường và ca những câu gì không nhớ nữa. Chỉ biết người hiếu kỳ đứng xem cũng khóc rộ. Họ thì thầm: "Gã đạo tỳ nầy điên điên làm sao ấy! Tội nghiệp quá!”. Tôi đập cái đèn trước áo quan rồi gọi: "Quân sĩ”, “Dạ” “Bọn bây hãy theo lệnh ta! Hãy đưa nàng về cõi chết!”. Tôi chạy lăng quăng phía trước, người ta khiên hàng theo sau. Trâm được đưa lên “xe hoa”. Chiếc xe tang có kết mấy vòng hoa trắng, lặng lẽ, chầm chậm rời khỏi căn nhà có giàn hoa tím nở đầy khung cửa sổ. Tôi đi sau. Chỉ có mình tôi theo sau. Và những ánh mắt ngỡ ngàng của người qua đường ngoái nhìn một thoáng. Một đáng tang buồn thê thiết!
Không thể nào diễn tả được tâm trạng tôi lúc đó. Một xúc cảm lạ lẫm, kỳ hoặc. Chua xót, thương cảm, sung sướng một cách điên khùng. Tôi tưởng tượng mình đang đưa vợ về nơi an nghỉ đời đời.
Khi Trâm còn sống, tôi chỉ là chiếc bóng của em. Bây giờ, cuối cùng, em trở lại làm cái bóng của tôi. Cái bóng to lớn đổ về phía trước.
N.T.M (Trà Vinh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét