
Cây bút trẻ Nguyễn Văn Thảo
Ngày tôi về quê, cũng là cái ngày định mệnh tôi nghe tin má thằng bạn thân nhập viện.
Tôi với nó học chung với nhau hồi cấp II. Nó mất ba từ khi còn nhỏ, tới nhà nó chơi riết rồi má nó biết tôi luôn. Nó là con một trong nhà nên nhiều lúc má nó nói nhỏ tôi:
- Nam này, cháu thường xuyên ghé chơi với thằng Kha nha, đừng có ngại.
Nhiều lúc gọi cô, nhưng có lúc lỡ miệng kêu má, cái cô giật mình nhìn tôi mỉm cười. Tôi thấy ánh mắt cô chợt buồn.
Thời gian làm nếp nhăn trên trán cô nhiều hơn. Việc đồng áng đè nặng trên đôi vai cô từ ngày chú nhà mất. Mấy công ruộng giờ đây một mình cô lo không xuể. Có mấy hôm đang ngồi học trên trường, có người chạy vào lớp báo:
- Kha, má con ngất ở ngoài ruộng, chú Tư đưa vào trạm xá rồi...
Nó chưa nghe hết câu thì lật đật chạy ra ngoài lớp, mặc kệ lớp đang có chủ đề để bàn tán. Tôi ngồi thấp thỏm, không biết má nó có chuyện gì.
Chuyện xảy ra năm sáu lần, bác sĩ bảo do má nó làm việc quá sức, trời nắng nên bị tụt huyết áp, cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý là sẽ khỏi.
Cứ nghĩ bệnh tình nhẹ nên cô không đi lên phố khám, sợ khám lòi ra nhiều bệnh rồi thằng Kha nó lo, không học hành gì được. Tôi biết, cô từng là giáo viên dạy hóa cấp II. Có lần tôi hỏi cô:
- Sao cô không đi dạy nữa ạ?
- Thôi, lương giáo viên được mấy đồng. Làm ruộng trồng ba thứ linh tinh thấy nó vui cháu ạ!
- Sao cô không dạy trên trường với dạy thêm ở nhà?
- Dạy học rồi ruộng để đó ai lo hở con.
Tôi thấy đôi mắt cô thoáng buồn. Cũng may là thằng Kha nó học giỏi, lại ngoan nên cô không phải lo nhiều.
Có lần tôi với thằng Kha ra thăm ruộng, thấy cô đang ngồi dưới gốc cây nghỉ mệt, vừa phe phẩy cái nón vừa cầm cuốn tập. Tôi thắc mắc hỏi, thì cô bảo:
- Nãy thằng Lợi con bác Sáu đưa cô bài tập hóa thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cô tranh thủ nghĩ cách giải nhanh rồi hướng dẫn lại nó ấy mà.
Tôi biết cô vẫn con yêu cái nghề dạy học của mình lắm. Cô còn yêu chiếc bảng xanh phấn trắng, yêu cả những đứa trẻ chăm chú nhìn cô với cặp mắt tròn xoe ngơ ngác.
Nhiều lúc tôi thấy Kha hạnh phúc khi có được người má như vậy. Kha được má uốn nắn từ khi còn nhỏ nên mọi việc đều tự giác làm không đợi má nhắc. Cô xem tôi như con đẻ vậy, tôi như có thêm người má thứ hai. Cô dạy nhiều thứ lắm, có những bài học theo tôi suốt cả cuộc đời.
Kha xem tôi là bạn, người anh của nó. Cô dặn nó là phải nghe lời tôi. Cô cho tôi cái quyền được đánh nó, nhưng chả khi nào đánh nó vì nó quá ngoan. Tôi nhớ nhất là khi biết kết quả thi chuyển cấp. Đó là lúc tôi bi quan nhiều thứ. Tôi không tới nhà cô chơi nữa vì thấy mình không xứng đáng để đến gặp cô, để chơi với thằng Kha. Cô đã thức trắng nhiều đêm để giải những bài khó, hướng dẫn giải đề thi cho hai đứa tôi. Tôi biết cả ngày cô ngoài đồng làm mệt, tối tranh thủ giảng giúp chúng tôi các bài tập, tôi thấy cô ôm đầu thở dài mấy phút. Ngày thi, cô đã đưa hai đứa đến tận hội đồng thi, là người tiếp thêm động lực cho hai đứa tôi. Làm bài xong, tôi ra cổng thì thấy cô đã đứng đợi, tay cầm hai bì chè, mồ hôi còn lăn dài trên hai gò má sạm đi vì nắng. Cô đặt niềm tin vào tôi nhiều lắm. Nhưng kết quả bây giờ không như ý muốn của cô. Tôi không dám gặp cô, vì đã làm làm cô thất vọng. Không thấy tôi đến, cô đã đến nhà gặp và mắng tôi một cách nhẹ nhàng. Cô bảo:
- Thua keo này, ta bày keo khác. Hà cớ gì mà phải buồn. Con đã cố gắng hết sức mình rồi, đó không phải lỗi của con. Chiều nay ghé nhà cô chơi nghen. Cô có nấu chè đậu xanh mà con thích đó. Nhớ ghé nghen, cô chạy ra thăm ruộng tí.
Cô như là người đi guốc trong bụng tôi vậy. Thấy mặt tôi buồn là cô lại đoán trúng phóc ra tôi đang gặp phải chuyện gì.
Có lần tôi đóng tiền học thêm trễ, thì thầy bảo tôi đã đóng rồi. Tôi nhất quyết là tháng này tôi chưa đóng, năm lần bảy lượt tôi nhờ thầy kiểm tra sổ giùm xem có đánh dấu nhầm bạn nào không. Thằng Kha kéo tôi xuống, bảo:
- Thấy Kha nói thầy nhắc tiền học phí của con mấy bữa nay. Cô đưa cho nó đóng giùm rồi. Sau này có kẹt thì nói cô tiếng, cô đưa tiền mà cho đóng. Đừng có ngại.
Tôi biết gia cảnh nhà cô cũng không khá giả gì mấy. Tiền bán dưa, cà chỉ đủ tiền đi chợ hằng ngày. Ba vụ lúa chỉ đủ đóng tiền học phí cho thằng Kha. Tết năm lớp 10, cô còn mua tặng cho tôi chiếc áo sơ mi màu xanh dương. Cô bảo:
- Lớn rồi, phải ăn diện để còn đi chơi với mấy bạn chớ. Lúa hoài đâu có được.
Tôi mặc chiếc áo rồi xoay vòng cho cô ngắm. Tôi thấy mắt cô rưng rưng, vết chân chim nhiều hơn năm ngoái.
Không chỉ vậy, cô còn biết ngày sinh nhật của tôi. Cô nấu những món tôi thích, tuy không có bánh kem nhưng bánh ngọt thì không thể thiếu. Sinh nhật tôi có cô và thằng Kha.
Lần thi đại học, cô là người lựa chọn trường cho tôi và cũng là người đưa hai đứa tôi đi thi. Cô truyền cho tôi động lực rất lớn, giúp tôi vượt qua Vũ Môn để hóa rồng.
Bao năm qua, tôi thấy tóc cô điểm bạc, vết chân chim nhiều hơn. Sức khỏe cô ngày càng yếu, nhưng cô cố tỏ ra mình mạnh mẽ để cho thằng Kha yên chí học hành. Cô dặn:
- Hai anh em ở gần nhớ chăm sóc lẫn nhau, ở đất khách quê người nhớ phải yêu thương, dựa nhau mà sống.
Thấm thoát đã 2 năm trôi qua, chiều nay tôi đón xe về quê nghỉ Tết. Về đến nhà thì hay tin cô đang nằm viện. Tôi vội chạy vào thì thấy Kha đang nắm tay má mà khóc. Cô nắm lấy tay tôi mà thều thào nói:
Tôi lặng người chưa biết có chuyện gì. Tôi nhìn da mặt cô tái nhợt. Tôi dạ một tiếng, rồi hai tiếng.
- Con cố gắng học tập, chăm sóc Kha giùm cô. Hai anh em nhớ chăm sóc lẫn nhau. Cô thương con.
Hai hàng nước mắt tôi chảy giàn giụa. Thằng Kha thì khóc nấc lên thành tiếng, nắm chặt lấy tay má nó hơn. Má nó dặn:
- Nhớ nghe lời anh Nam, nhớ sống tốt nhé con. Má nợ hai con...
Tôi cảm nhận được tay cô dần buông tôi. Thằng Kha khóc to hơn làm tôi cũng khóc theo.
Tôi xin phép Kha được chịu tang cô, rồi nó chợt ôm tôi khóc, khóc như một đứa trẻ.
Ngày giáp tết, cái se lạnh làm ngày tang cô lạnh lẽo, hiu quạnh hơn. Bên bàn thờ, thằng Kha vẫn quỳ đó. Nó bảo:
- Tao thèm nồi bánh tét đêm giao thừa có má.
Nó làm tôi nấc lên lỗi nhịp...
N.V.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét