Nguyễn Thúy Ngân
Chị đi lang thang trong đêm của tiết trời đang chuyển mùa cuối xuân sang hạ. Mùa xuân chỉ mới thay áo hôm qua chưa kịp làm lấm bẩn những búp non xanh. Mai trên cành vẫn còn nấn ná xòe những cánh vàng ươm cuối cùng chưa muốn rời. Nửa như tiếc nuối, nửa như hy vọng tình xuân sẽ kéo dài mãi mãi. Những cơn gió se lạnh. Chiếc áo thun sát cánh không làm chị đủ ấm. Đêm càng về khuya càng lạnh hơn, gió mạnh hơn thốc thẳng vào mặt gai gai sống lưng. Chị rùng mình co người lại, hai tay vòng qua ôm lấy bờ ngực không còn trinh trắng. Trong những cơn gió mang kèm theo hơi mặn của muối biển và thoang thoảng mùi tanh tanh của các loài cá vào mùa sanh đẻ. Đồng thời mang luôn cả nỗi mặn đắng thẫm đẫm bờ môi. Chị nghe đâu đó lời quở trách, giễu cợt của kẻ vô hình rất gần, rất gần bên tai chị: “Mi chỉ là người vô tích sự, một dây leo tầm gửi sống dựa vào một loài khác mới tồn tại. Tại sao mi không tự đi trên đôi chân của mình và làm những việc mà trời đã ưu ái ban cho đôi tay để chăm chỉ, để biết ôm ấp yêu thương. Vậy mà mi đã đã mù lòa tận hưởng. Mi cười cợt nỗi đau kẻ khác, mi chê bai đứa này keo kẹt, người kia nghèo rớt mồng tơi… (!) Để rồi hôm nay mi ra nông nỗi này ư? Và đương nhiên giậu đổ bìm chắc gì đã sống…!? Nhưng ta là con người chứ đâu phải vật vô tri vô giác. Ta thấy tim ta đau nhói mỗi lần nghe tiếng bấc câu chì. Trong lòng ta quặn thắt từng cơn khi nhìn thấy sự chán chường, ánh mắt lạnh lùng giả tạo của ai kia…? Lòng ta đau như thế thì chắc chắn người khác cũng đau đớn như ta. Thế mà dạo thưở trước ta đã cố tình dẫm lên, đi qua mà chẳng bao giờ thương xót. Ta sai rồi”. Chị không biết đi đâu, về đâu. “Ta đang ở đâu trên thế gian này – Chị hỏi chình mình - Dương gian hay địa ngục” Chị mỉm cười chua chát vô thưởng, vô phạt, nụ cười ngờ nghệch. Có lẽ, trời đã thu lại tất cả những gì đã ban cho ta, vì ta đã không biết nâng niu gìn giữ. Ta đã chìm đắm trong hạnh phúc của tình yêu chiếm hữu, của sắc đẹp đang thời kỳ viên mãn nhất của người đàn bà, của tiền tài no đủ. Ta chỉ biết hưởng thụ mà vô tâm bỏ qua nhiều thứ, nhiều thứ quý giá của đời người. Đây có phải là nghiệp báo chăng?. Chị bước những bước chân vô định với cái đầu trống rỗng không định hướng, đến nỗi giật bắn người khi tiếng phanh của chiếc xe khách chạy đêm thắng cái “két” sát bên hông, rồi tiếng hét thất thanh của người tài xế chị mới choàng tỉnh. Chị nhảy lui vào lề đường nhớn nhác nhìn quanh, chẳng trả lời hay xin lỗi cứ thế bước tiếp. Nhưng chị vẫn hiểu được tiếng chửi thề tục tằn của người tài xế: “Đ. Mẹ mấy con mẹ khùng này nhiều khi nó làm mình mang họa không chừng” – “Ta điên ư…???”
“Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”
Nguyễn Công Trứ (Chữnhàn)
Chị đọc được câu thơ trên internet hay ở một bức thư mà người bạn xa đã viết cho chị dạo trước. Lúc đó chị không quan tâm đến thâm ý của bạn bè. Chị còn trách bạn sao rỗi việc viết lung tung cho mất thời gian. Gần đây ngồi đọc lại mới thấy nó thực tế và ý nghĩa của câu thơ trên với riêng chị hiểu là: “Giá trị vật chất và tinh thần luôn có những mâu thuẫn. Muốn NHÀN thì phải ĐỦ, nhưng để “đủ” thì khó “nhàn” lắm – Tức là: “Có làm thì mới có ăn…”. Điều quan trọng là ta biết dung hòa nó trong chính cuộc sống của ta”* Chị nghĩ rất nhiều và không tìm được nguyên nhân dẫn đến tình trạng như bị “khủng hoảng” này. Tại sao từ một cô gái sắc nước hương trời một thời, chị đã làm bao nhiêu trái tim trông ngóng, chờ đợi, hy vọng đến si tình. Rồi sau đó là một người đàn bà hạnh phúc viên mãn. Hạnh phúc ánh lên trong cả ánh mắt, nụ cười. Chị đã được vị Hoàng tử lòng mình rước về dinh với tất cả tình yêu, tiền tài, danh vọng. Một con đường đầy hoa thơm… lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu hiện tại. Chỉ chỉ mường tượng có một sự thay đổi vô cùng mâu thuẫn đã âm ỉ cháy từ lâu. Chính chị cũng công nhận là chị đã hãnh diện tận hưởng tất cả những gì đã có mà không phải đổ một giọt mồ hôi, thành quả vật chất không do chị làm ra, phúc đức không do chị tạo lập. Vậy nếu có mất đi thì cũng là chuyện bình thường. Thế thì tại sao ta…? Tiếc nuối ư? Có chứ…! Mọi sự đã muộn màng.
- Bà đưa tui chút tiền coi – Tiếng cậu quý tử hằn học nói với chị
- Tiền đâu mà mày xin hoài vậy. Bộ tiền là lá mít sao mà nay vài triệu, mai vài triệu. Mày còn đi học chứ đã làm ra tiền đâu mà xài hoang cỡ đó – Tiếng chị mắng con.
- Vậy bà để tiền làm gì. Chết bà mang theo hả. Mà tiền đó cũng đâu phải do bà làm ra mà giữ - Tiếng cậu con trả treo.
- Mày hỗn quá nha Hùng, mày đi mà xin ba mày, tao không có - Chị gằn lên.
- Phải rồi, bà cũng đâu làm ra tiền, nhưng bà cũng xài thoải mái đó, sao bà không mắng bản thân bà. Tiền bà đi cắt mắt, chống mũi, mua sắm quần áo vậy tiền đó ở đâu? Toàn tiền của ông già làm ra thôi đúng không? Bà không đưa, tui đi mượn đám bạn tối nay đua xe có chuyện gì bà đừng ân hận nha – Nó hăm dọa.
- Trời ơi con với cái. Đi, đi cho khuất mắt tao – Chị tức tối hét lên.
- Đi thì đi – Cậu con nhảy ba bậc cầu thang xuống lầu, tiện chân nó đá cái bình lọc nước bằng gốm vỡ cái “Choang”. Chị thảng thốt nhìn theo bóng nó phóng xe cái “vút” ra cổng mất hút. Cậu con vừa khuất chị lo lắng lẩm bẩm: “Trời ơi, liệu có chuyện gì xảy ra không. Nếu lỡ có chuyện gì thì sao đây. Biết lúc nãy mình đưa cho nó cho rồi. Con với cái toàn là đồ nghịch tử. Chị đi tới đi lui nóng hết cả ruột. Chị biết tính thằng con ngang ngược. Đó là hậu quả của sự nuông chiều. Từ nhỏ nó đòi cái gì chị đều đáp ứng theo yêu cầu vô điều kiện, vô chừng đã tạo cho nó một thói quen xấu không còn sửa được nữa. Chị bấm máy gọi cho chồng cầu cứu.
- Anh ơi, thằng Hùng lại đòi tiền, nó còn hù tối nay đua xe. Giờ làm sao anh?
- Hừ! Mẹ con bà sao giống của nợ quá vậy – Tiếng đầu dây bên kia gằn lên rin rít giữa hai hàm răng nghe lành lạnh, tiếp đến là tiếng dập máy cái “Rầm”. Chị giật mình buông thõng điện thoại xuống bàn.
***
- Lâu quá sao không thấy ghé chị chơi Nga? - Vừa trông thấy Nga (cô em họ) thập thò bên cánh cổng chị chạy ra đon đả nói.
- Dạ, dạo này em cũng bận tối mắt tối mũi, đi làm về rồi còn nhà cửa, cơm nước, đón cháu. Vừa thư thả được ít ngày lại cong lưng thổi lửa nuôi cháu ngoại mới sanh. Mệt ơi là mệt – Cô em dông dài một hơi lý do
- Thôi vào đi, chị lấy nước cho uống – chị kéo tay Nga dí ngồi xuống bộ sa- lon, rồi chị khuất sau tấm rèm cửa. Lát sau ra với khay nước và ít trái cây. “Ăn đi” – chị dịu dàng mời.
- Chị thế nào, sức khỏe đã ổn chưa? Sau đợt mổ vừa rồi em thấy chị xuống sắc thấy rõ. Ráng bồi dưỡng thêm vào – Cô em dặn dò nhìn chị đầy thương cảm.
- Ừ, chị cũng đang cố lấy lại tinh thần… - chị không nói tiếp mà thở dài thườn thượt.
- Có chuyện gì nói em nghe coi? Nga quan tâm hỏi
- Biết nói với em thế nào nhỉ… - Chị chưa dứt lời ánh mắt như bị hút về miền ảo ảnh. Chị rơi vào vô thức và không còn biết cô em đang ngồi sát bên chị chờ nghe. Ngồi bên chị một lúc lâu rồi Nga lẳng lặng ra về. Chị vẫn nhìn Nga cười cười như người mới gặp, không tiễn.
Tiếng kèn xe bóp inh inh trước cổng chị mới choàng tỉnh. Chị luýnh quýnh ra mở cửa. Cánh cổng khô dầu kêu lên rin rít, chị liên tưởng tiếng kêu của nó giống như những câu nói không thoát ra được giữa hai hàm răng của anh. Chờ anh dắt xe vào chị khép cổng đi theo. Chị vào thẳng bếp rót ly nước lọc mang lên rồi lẳng lặng đặt xuống bàn trước mặt anh không nói – chị lui vào nhà sau chờ đợi…
Bữa cơm tối chỉ có hai người mà không ai nói với ai câu nào. Anh lùa vội chén cơm rồi buông đũa đứng dậy, không nhìn chị hay chị không tồn tại trong mắt anh nữa. Chị uể oải nhai từng hạt cơm như nhai trấu, trệu trạo, tắc nghẽn. Chị nhớ về kỷ niệm xưa cũ. “Ngày ấy… anh cưng chị như trứng vàng, đến pha cho chị ly nước chanh anh cũng thử trước rồi còn hỏi chị như thế đã vừa chưa. Chị nũng nịu đòi – Cho thêm chút đường nữa đi anh - Ừ! Đợị anh một chút. Anh luôn quan tâm - Mai em thích ăn gì để tiện đường anh đi chợ luôn. Những ngày mang thai thằng Hùng anh tất bật lo từng miếng ăn, giấc ngủ đến từng thang thuốc tẩm bổ. Đến lúc sinh thằng bé anh càng bận hơn, anh sút đi mấy ký. Chị thương anh nói để chị làm. Nhưng anh dành tất cả công việc, còn nói: "Để anh làm cho, em còn yếu nghỉ ngơi đi…”. Hồi ấy, ai cũng nói chị khéo đường tu, cộng thêm phước đức ông bà cha mẹ để lại cho riêng chị hưởng trọn. Bởi chỉ có chị là toàn vẹn chứ chị Hai, thằng Út có được như vậy đâu. Theo một số nhận xét - người thì bảo tại chị trẻ đẹp nên mới được chồng yêu chiều như thế. Người thì nói đàn ông yêu bằng mắt mà đôi mắt khi yêu thì hoàn toàn mù màu. Thực tế cuộc sống lại là vạt màu loang lổ, đôi khi còn nham nhở là đằng khác. Có lẽ hạnh phúc của chị tỷ lệ thuận với sắc đẹp trời ban cho. Chị hãnh diện lắm lắm. Cứ như thế chị bơi trong tình yêu của anh và chị đã quen với nếp sống nhung lụa một thời gian khá dài. Chính anh đã tạo cho chị một cuộc sống biếng nhác, ỉ lại, thụ hưởng. Đúng là chị chẳng có làm việc gì ra hồn từ khi lấy anh. Thế mà anh giờ đây như kẻ xa lạ chung nhà. Đôi mắt anh lạnh lùng như ân hận, bất mãn cùng cực. Ôi! Đôi mắt và ký ức đưa chị về xa hơn, xa hơn một chút nữa. Nhắc chị nhớ về đứa con gái chị để lại cho ông bà nội nó nuôi khi nó tròn 3 tuổi. Đứa con gái bé bỏng có nhiều nét giống mẹ và nụ cười thiên thần. Bé là kết quả cuộc hôn nhân đầu tiên ngắn ngủi của chị. Chia tay, chị đi với hai bàn tay trắng đúng nghĩa. Vì có người mẹ nào để lại con mình khi nó rất cần bàn tay người mẹ ẵm bồng nâng niu. Bố nó ư? Ông bà nội nó ư? Họ là đàn ông, người già cả, liệu có bằng chị không? Vậy mà chị ra đi không vướng bận gì, không mảy may nhớ đến nó. Nó sống với bố và dì kế tốt bụng – Chị yên tâm, vì dì kế đã nuôi nấng nó như một người mẹ hiền - Thức đêm khi nó đau ốm, dắt nó bước đầu tiên tới trường, chỉ dạy nó những thứ cần thiết khi nó trở thành một thiếu nữ. rồi dựng vợ gả chồng, lo cho nó có một cuộc sống đôi lứa yên ổn. Đứa con ấy hoàn toàn không cần chị. Nó quên bẵng luôn người mẹ đã sanh ra nó. Còn chị vui duyên mới, cũng quên luôn giọt máu đào của mình rơi lại trên cõi đời này. Rồi, từ khi chị phát hiện trong cơ thể có khối u tử cung kèm theo nhiều cơn đau dữ dội, chị mới có dịp nhìn lại bản thân. Anh bận công việc liên miên, không còn nhìn chị si mê hay hỏi han như trước. Anh đi biền biệt với đủ lý do làm ăn. Chị ngày càng thấy cô đơn, trống vắng. Ngôi nhà không một tiếng nói – bởi ngoài chị ra có ai nữa đâu mà trò chuyện. Chị có thời gian rảnh rỗi thì chỉ biết làm đẹp mà mua sắm. Đã có lần anh tức chị vì chuyện gì đó chị không nhớ rõ, lời anh nói đã làm chị đau lòng: “Cô chỉ là bình hoa di động không còn hương sắc, một người đàn bà vô tích sự” và còn rất nhiều lý do khiến chị sợ. Sợ bóng tối của đêm, sợ từ thực tế đến hoang đường. Trong đầu chị hình như có tiếng nói dai dẳng của ai đó. Chị cố xua nó đi nhưng chỉ được một lúc rồi lại như cũ. Chị đã khóc hết nước mắt. Chị thèm một vòng tay ôm, một lời an ủi chân tình nhưng hoàn toàn không có. Chị không dám kể cho bạn bè nghe những ức chế trong lòng chị. Chị lại sợ tụi nó bàn tán và biết đâu chúng chẳng nói: “Ai biểu hồi xưa bà chê bai người ta cho lắm vào, bà cho bà là tốt đẹp lắm sao. Sắc đẹp có nghĩa lý gì khi tình yêu đã hết. Trời đã cho bà hưởng nhiêu đó đủ rồi, phần còn lại dành cho người khác… Đời vốn đã vô thường mà... v.v.” Chị sợ thật sự những lời bình phẩm ấy của moị người. Bởi chị là người gieo lời trước mà. Còn cậu con trai còn nhỏ lại có tính hoang đàng, vô tâm. Chị ước được nghe tiếng gọi “mẹ ơi” của nó. Thay vào đó cậu quý tử lại gọi chị bằng “bà” một cách xấc xược. Chị nghĩ miên man bên mâm cơm dang dở. Đã có nhiều bữa cơm thẫn thờ như hôm nay. Quá khứ trở về dày vò trái tim chị từng giây từng phút, nhắc nhở những sai lầm cuả chị từng ngày từng tháng, giễu cợt chị một cách cay đắng năm này qua năm khác. Nước mắt chị nhòe đi. Mọi vật trước mắt chị nhảy múa, réo gọi, cười cợt, khinh khỉnh. Đầu óc chị kêu o o như một đàn ong vỡ tổ. Chị ôm đầu hét lên: “Các người đi đi” chị khóc hu... hu... như một đứa trẻ. Chị luôn miệng nói: “Xin lỗi con, mẹ sai rồi, tôi sai rồi…”. Nghe tiếng khóc anh giận dữ đi xuống, thấy chị vẫn ngồi bên bàn ăn với mọi thứ ngổn ngang. Anh gầm gừ: “Ăn lẹ đi mà dọn dẹp, bộ muốn làm bà hoàng hay sao. Sao hồi ấy tôi lại lấy cô không biết nữa. Không lẽ trời bắt tôi trả nợ cô đến hết đời sao, hả?”. Chưa dứt lời, anh bực dọc xô bàn ăn đổ cái “ầm” mọi thứ tung tóe. Chị choàng tỉnh cơn mơ.
Tin chị đi lạc đã 24 giờ đồng hồ ngày đầu xuân do chồng chị hỏi han, tìm kiếm, thông báo làm mọi người ngỡ ngàng, buồn rầu. Chị đang ở đâu, có nhớ đường về không? Cầu mong mọi việc an lành.
N.T.N (Bình Thuận)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét