Bìa: Trần Thuận
(Đọc tập Nụ hôn muộn, truyện ngắn Nguyễn Hữu Duyên)
Nguyễn Hữu Duyên sinh năm Ất Mùi, tính ra trọn sáu mươi năm cuộc đời mới được một Nụ hôn muộn (NXB Hội Nhà văn, 2015). Dẫu muộn, nhưng thật nồng ấm một trái tim yêu khi đọc đến trang cuối cùng: “Trời Sài Gòn đêm ấy mưa nhẹ hạt, bay bay. Đường phố lung linh sắc màu. Hoàng đã đón nhận nụ hôn của tôi trong dịu ngọt đớn đau…” ( Nụ hôn muộn).
Có thể nói chùm truyện ngắn của Nguyễn Hữu Duyên khai thác diễn biến tâm lí nhân vật về tình yêu đôi lứa trong chừng mực đời sống gia đình, xã hội. Nếu như khoảnh khắc không gian quen thuộc là con sông Trường Định bồi đắp tuổi thơ hồn nhiên trong ngày hè, thì nơi đó cũng là dòng chảy của hai mùa mưa nắng của bậc sinh thành nuôi dưỡng và lưu giữ tâm hồn người con làm sao quên được: “Hồi còn học phổ thông, nhất là mấy năm cấp hai, ngoài thời gian đi học, anh thường theo ba thả lưới, cắm câu, bỏ ống trúm… được bao nhiêu chạy ra chợ bán, mua gạo mua mắm” (Chữ tình), Cũng từ dòng nước ấy: “Chiều chiều, hai đứa thường hay ra bờ sông mót củi tre,… hai đứa nắm tay nhau nhảy ùm xuống sông tắm và đùa giỡn thỏa thích mới thôi…” (Mùa xuân đang đến gần), và cái kết của hai truyện đều là vẻ đẹp của tấm lòng người mẹ bao dung nhân hậu luôn chăm chút cho hạnh phúc lứa đôi con mình dù ở lứa tuổi nào. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Hữu Duyên, ta đón nhận tình yêu của Thủy và Tâm thời tuổi trẻ hoạt động Đoàn sôi nổi, náo nức sau những năm bảy lăm của thế kỉ trước, một gã khờ nhút nhát ngày ấy đến ba mươi năm sau nhìn lại thì những cảm xúc dâng đầy mãnh liệt: “Bởi cuộc đời như một dòng sông, cũng êm đềm, hiền hòa, dịu ngọt, nhưng cũng thật khắc nghiệt, sẽ cuốn phăng đi tất cả, nên có mấy ai tìm được sự nguyên vẹn của ngày hôm qua. Phải chi ngày ấy Tâm cảm nhận được sự run rẩy từ trái tim yêu tha thiết, chân thành của Thủy…” (Như một dòng sông). Và dòng đời đâu dừng lại, trước cảnh vật: “Khúc sông Trường Thi bây giờ không còn tiếng gọi đò, không còn con đò chở khách sang sông, thay vào đó là cây cầu bê- tông kiên cố bắt ngang, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh buổi sáng cuối đông tôi kể chuyện và đàn hát cho Diệp nghe bên khúc sông này. Dù đã hơn bốn mươi năm, trong tôi vẫn còn thổn thức một kỉ niệm đẹp, trinh nguyên của tuổi học trò với cành hoa Ngọc Anh mà dịp luôn dành tặng cho tôi” (Hoa Ngọc Anh). Có lúc mở rộng biên độ trái tim, điều thật ấy có tham lam lắm không, hay tính phóng khoáng của đấng mày râu, hay chỉ là dự định: “Có lẽ ngày mai tôi chỉ biết nói rằng: “Tôi cảm ơn Tạo hóa đã mang đến cho tôi hai người phụ nữ, và hai người phụ nữ ấy chỉ có một tình yêu chân thành, không vướng bận những ích kỉ nhỏ nhen – một tình yêu lóng lánh, tinh khôi.” (Chỉ có một tình yêu). Đẹp hơn hết vẫn là tấm lòng của Thủy yêu Tân vô cùng trong sáng mạnh mẽ, người con gái ấy được tạo hóa sinh ra biết nâng niu tình yêu, đủ bản lĩnh làm mẹ, vị tha nhân hậu vô cùng như trong Chuyện tình từ một ván cờ người.
Trong cách kể xưng tôi của một số nhân vật là nhà giáo trăn trở về những va chạm đồng tiền bát gạo cho cái ăn cái mặc thường ngày để rồi cuối cùng cái kết vẫn còn ray rứt: “Hưng ơi, trong cuộc sống này, chỉ nghĩa tình thôi, thì chưa đủ để giúp nhau một cách trọn vẹn, phải không cậu? Đời là thế mà!” (Chuyện về cái truyện không được đăng báo). Sự đồng thuận chỉ có được trong cách giải mã chung đáp số, cùng tín hiệu: “Hai người, một bán heo, một mua heo, cũng đều có một câu hỏi dành cho tôi. Cái anh bán heo vì sĩ diện cho tôi, bởi dù sao tôi cũng là người đã từng làm thầy. Còn anh bạn đồng nghiệp thì cho rằng tôi sẽ thất bại bởi tâm thế của tôi không say mê với cái nghề xách rọ đi mua heo. Riêng tôi, nghề mua heo cũng bình thường như bao nghề khác… “làm quan không lấy làm vinh, làm lính không lấy làm nhục”…Vấn đề là đừng làm điều gì trái với đạo lí ở đời là được. Nếu làm thầy mà cứ tìm cách trù dập, moi tiền của học trò, cứ chạy sô như ca sĩ thì có đáng được tôn trọng không?” (Ước mơ bên đời), để rồi nhận ra một chân lí sống về sự hoàn thiện làm người chính là “đừng làm điều gì trái với đạo lí ở đời là được”. Còn Chuyện của muôn đời phải đâu là muôn đời khi bên cạnh vẫn tồn tại những hạn chế: “Tú nói: - Học giỏi thì có điểm mười, nhưng điểm mười thì chưa chắc đã học giỏi”. Rồi bên cạnh vẫn có một “hắn” sĩ diện, cô đơn trong Chuyện của hắn phải dẫn đến cái chết cũng là bi kịch cuộc đời khó tránh khỏi. Riêng truyện ngắn Lan man thì nhân vật tôi giàu suy tư từ thực tế đến giấc mơ giúp con người hoàn thiện hơn về tình yêu loài vật: "Tôi nghĩ ở một góc nào đó của cuộc sống, con vật không những không đáng sợ mà còn là một thực thể đáng yêu bởi sự hi sinh của nó như là một nét đẹp bản năng phúc vụ hết mực cho con người”.
Đọc Nụ hôn muộn ta tìm được sự đồng cảm rất mực chân tình mà tác giả gởi vào trong mười ba câu chuyện, riêng chuyện thứ mười hai: Xin gởi đến em một lời xin lỗi thiên về tản văn, giàu trữ tình: “Tình yêu như một phương thuốc thần diệu, chống lại sự bào mòn nghiệt ngã của thời gian đối với kí ức con người… Vân ơi, tuy có muộn màng, nhưng anh gởi đến em một lời xin lỗi chân thành về tình yêu của em... anh càng hiểu là anh đã đánh mất một cuộc tình đẹp nhất của đời mình”.
Nụ hôn muộn cứ đọng lại trên từng trang viết, cách khai thác diễn biến tâm lí nhân vật ở nhiều cung bậc khác nhau, nhưng nhẹ nhàng chưa có sự cọ xác mạnh mẽ những tình huống bất ngờ, những tồn tại chỉ thoáng qua trong từng hơi thở của nhân vật, thể như bài học chiêm nghiệm về tình người với cuộc đời là bóng mát vậy. Cái mênh mang của đất trời không xa lắm, gần gũi gắn bó, là nơi ăn chốn ở của mỗi nhân vật đầy vơi yêu thương biết chừng nào./.
01.4.2015
N.T.P (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét