Từ khi lên phố, tôi sống trọ. Cái kiếp sống trọ thì phải nói thiếu thốn đủ thứ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tự do, thiếu cả sự quan tâm vốn có của cha mẹ khi thân cô thế cô ở chốn quê người. Đã mang cái kiếp sống trọ thì phải đủ chuyện nương nhờ, có khi là gói mì tôm của thằng bạn dại gái phòng bên cạnh, có khi là tí nước sôi cầm hơi của nhỏ tầng dưới, nhưng trên cả là phải nương nhờ cái quyền uy của cô chủ nhà. Mà cô chủ nhà của tôi thì khỏi phải nói, lắm chuyện để kể.
Ngày tôi mới vào xin đã bị cô phủ đầu:
- Ở thì ở, nhưng ở cho ra hồn, gái quê mà lên phố thì không xong đâu nhá.
- Không xong là không xong như nào cô?
- Tao là tao chả ưa gái quê, nhiều cô cứ tinh tướng cả lên, học đòi lấy chồng thành phố, nửa não cả lũ.
- Con lên đây làm cô ơi, chẳng nghĩ tới chuyện chồng thành phố chi cho mệt.
- Ai biết đâu lũ chúng mày. Thương là thương cái lũ học thì ít mà mơ thì nhiều.
Ban đâu thì tôi cũng tự ái nhưng sau dần thì tôi quen, mà thậm chí tôi cũng chẳng buồn phản bác lại cô. Chị cùng phòng hay bảo:
- Đừng có quan tâm chi lời của bà ấy, lúc nào cũng tỏ ra là hơn người khác. Gớm, gái quê cả lũ đấy.
- Thế cơ ạ? Thế sao mà lúc nào cô ấy cũng chê gái quê thế chị?
- Chung một nguồn cả em ơi. Đấy là em vào sau, khối người trong cái khu trọ này biết cái điển tích của "cô nàng". Con trai bà chủ nhà mình bị từ mặt ngay đám cưới đó nhé.
- To chứ, bé sao được. Lỗi cũng tại cái mồm. Phỉ phui thế nào đám cưới anh con, chị mẹ lại bảo: "Con anh chị hên lắm mới lấy được con tôi. Trước tôi đã bảo nó đừng bao giờ lấy gái quê, chỉ lấy gái Sài Gòn thôi, còn phải có học". Nói thế thôi chứ mẹ nào mà cho con lấy nữa. Từ hôn ngay.
- Chị cứ đùa. Thế mà bay mất một đời người à?
- Ớ, mày không tin, đi hỏi ngay, thành giai thoại cả rồi em ạ.
Tôi ú ớ nhưng cũng ra chiều tin lắm. Tự lúc nào tôi lại có thêm một cái thói quen theo dõi cô Mới (cô chủ nhà), hay để ý cô làm gì, với cả nghe cô nói cũng có đôi điều lý thú lắm. Dạo này cô hay đi chơi khuya, (ấy là cô bảo thế), mỗi khi thấy cô xúng xính váy áo là cả lũ lại ghẹo:
- Cô Mới đi đâu đấy? Lại đi nhảy đầm à?
- Chứ sao tụi bây. Tao dạo này ăn chơi lắm, người ta rủ đi sáng ngày thôi. Khổ, vắng mặt bữa nào là không được.
- Thế cô Mới chưa đi làm mặt à? Cô Mới làm rồi cho tụi con chụp hình ké, đăng phây bút miếng chớ.
Tôi chẳng hiểu sao mấy chị lại cười một tràng khi cô đi, chỉ bảo, "đợi hai tiếng xem mĩ nhân về". Úy trời, nào ngờ mĩ nhân thiệt. Hai gò má cao cao nay đính thêm hai quả cà chua cái màu thời thượng, nhìn cặp mắt thì ôi thôi đích thị là fan ruột của chèo với tuồng. Những sợi lông mi cứ chực rớt ra nếu không phải nói nó lại đứng hiên ngang mà tôi tìm mãi chẳng có cái bệ đỡ vô hình nào. Chắc là công của cái gò má cao. Tôi không rõ là mụ chủ vô tình nào cố tình trêu cô hay đó là phong cách thời trang kiểu mới mà tuyệt nhiên tôi sẽ không bao giờ dám đụng vào. Mấy chị khen tấm tắc:
- Chuyện. Tụi mày khi nào mà đi làm mặt thì nói tao, tao tư vấn cho. Đáng lẽ mấy người khác thì nó lấy năm chục, tao nó lấy ba chục thôi. Đố dám lấy hơn, tao quét cho không còn một mống.
Nghe cô nói tôi cũng thấy cô kinh thật. Một nách nuôi hai con trưởng thành, nuôi thế nào mà chả con nào rước về nuôi, cứ cuối tháng là lại tay xách nách mang ra bến xe gửi đồ cho tụi nó, thế mà lúc nào cũng đứa xài iphone, đứa mới mua BMW. Tôi cũng chẳng hiểu những bộ quần áo mà cô đang mặc, nó mang phong cách của cái tương lai nào đó mà người ta chắc tạm thời chưa nghĩ đến. Bữa có bận cô hỏi ý tôi về hai cái áo tối cô mặc đi đám cưới. Một cái màu đen, cái mảng lưng bị ai ăn cắp mà rách toang một miếng to chà bá. Còn cái dây thì khỏi phái nói, cứ gọi là mỏng dính như cái làn môi cô, tưởng chừng ai chạm vào là đứt ngay tắp lự.Cái làn lưng cô lộ ra ôi thôi đầy những sẹo, cả cái cặp chân nhìn ngoài nắng cũng không trắng nổi thế kia. Còn chiếc còn lại là màu hồng cứ như váy công chúa, kim sa đính đầy, nếu phải lựa chọn thi thà lấy váy "Tuyết ngây thơ" màu đen còn hơn. Hiến kế thế rồi cô cũng õng ẹo đứng cho tôi chụp hình, phải tội cái máy chụp hình, cũng ngại với cô hay sao mà chớp nhá rồi tắt ngúm.
Nói phải tội cái lần khác, cả khu trọ kéo nhau đi ăn, gặp chị bán vé số tới chào mời. Nhìn chị ai cũng chỉ thiếu những giọt nước mắt rơi ra mà cô Mới lại cứ đưa tay ra xua đẩy:
- Không mua, không mua, có biết chữ đâu mà dò với không.
- Cô mua làm phúc cho con với, cái này dò số không cô ơi.
- Cô này buồn cười nhỉ? Chữ còn không biết lấy gì mà biết số.
Tôi chợt lạ, làm thợ như cô mà không biết chữ, biết số thì lấy gì mà ghi, mà lưu số liệu đo may? Cô phì cười:
- Tao là tao ghét hàng vé số, đi đâu cũng gặp. Sao cái nhà hàng to chà bá thế này mà lại để bán buôn vô tội vạ thế nhỉ?
- Con thấy chị ấy tội thật cô ơi, mất một tay rồi, lừa người thế nào được?
- Bây cứ cả tin, trá hình cả lũ đấy.
Chuyện này thì không đùa được, thấy chị bán vé đi xiêu vẹo rồi cánh tay đã mất tạo thành một khoảng trống thì cả bàn ai nấy đều im lặng. Chỉ có cái lẩu một người của cô chủ thì bớt dần những thức ăn.
Thi thoảng tôi cũng thấy cô chủ tôi khá vui tính, thi thoảng cô cũng để cho bữa ăn chúng tôi tươm tất như có bánh kẹo cô cũng nhường, miếng xoài chua, cốc ổi vài trái cũng giành phần nhưng phải tội cô đáo để quá. Trước khi lên phố tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ gặp người như cô, bởi vì một lẽ nào đó tôi sống ở cái miền quê chân chất quá, cái nơi mà "bom pháo" không tới nổi thì lấy gì cho người ta bốc phét, người ta khinh người. Có khi tôi lại khâm phục cô bởi cô quá tự tin, tự tin mà sống trên đời này đôi khi cũng là cái tính tốt ấy chứ. Cô sống một mình giữa xứ lạ, chồng con đều không bên cạnh. Nói tới chồng con thì xém tí lại quên chuyện về đức ông chồng. Cô hay bảo:
- Chồng tao con trưởng, đẹp trai lại sinh ra trong gia đình quyền quý. Phải cái tội ngày đó tao gái quê, ổng bỏ theo tao thế là cả gia định từ mặt. Rồi hai tao lấy nhau, chắt bóp mua được cái nhà này, thế mà lũ em chồng cứ kiện cáo đòi lấy lại nhà cho bằng được, bảo của ba mẹ chúng nó. Thể có tức không?
- Ơ, vô lý, giờ đứng tên cô mà lo gì?
- Hễ kiện cáo là phát mệt con ạ.
Có lẽ đó là phút giây cô trải lòng duy nhất. Tôi vừa cả tin thì chị Hâm nhà tôi lại cười ầm lên:
- Đáo để thật mà gái cũng tin. Ngây thế! Con trưởng gì? Tranh chấp gì? Bỏ nhà theo gái rồi kia kìa. Nhà này đức ông chồng đang tranh giành đó chứ. Em chồng nào?
- Ơ thế là lại lừa em à? Nhưng lừa làm gì hả chị?
- Chẳng phải lừa mà bởi sĩ. Sống thì cứ chua ngoa nhường đó sao nổi được chồng bỏ? Mà cứ nhẽ không phải bỏ sao không thấy ông chồng đâu vậy nhỉ?
Nói về cô chủ nhà bây giờ tôi nghi trong bụng cứ như nói xấu sếp ấy. Hệt cái lẽ đám nhân viên trong công ty thì chắc chắn sẽ phải nói xấu sếp, còn cái đám ở nhờ trong khu trọ thì phải nói xấu cô chủ nhà. Mà cái lẽ thường những người như vậy thì chẳng bao giờ hết đề tài mới ác. Hổm rày cô chủ lại sinh ra cái trò tập hát, thôi thì cả khu trọ được dịp nghe miễn phí giọng hát oanh tạc, ý nhầm oanh vàng của cô chủ. Tôi cứ tự hỏi sao ngày xưa cô không làm diễn viên đóng trong mấy phim kinh dị, chắc cú sẽ đạt lắm. Ngày nào tôi cũng nghe cô "đồ rê mi pha son la si đố... ố... ố". Thà cô đừng hỏi chứ tôi phải cái tội hay nói thật:
- Cô thích hát sao không mướn người dạy? Cho nó tròn giọng chứ?
Tưởng cô sẽ mắng cho một trận nào ngờ hôm sau cô mướn người dạy thật, đã thế còn tặng cho tôi một cái vỗ vai rõ đau:
- Mày được. Hiến kế tốt, giảm hai chục tiền nhà.
Tôi được cái lòng của cô Mới thì ôi thôi đám chị Hâm phạt tôi cho ra nhẽ. Vì giờ cái giờ luyện thanh của cô đã được cho vào "khung giờ vàng" nghỉ ngơi của xóm trọ. Đùng một cái sau cả tháng cô cho họp khu trọ lại bảo:
- Mai cô diễn ở phòng trà bà Ba Hiếu. Tụi mày nhịn bữa mua vé tới xem nha bây.
Lệnh của cô chủ cứ như chỉ thị của sếp mà cái nòi của sếp thì chẳng ai dám cãi. Cả đám cứ phải nói là tạm biệt một ngày ăn, hẹn hò với mì gói để có tiền mua cái vé vip xem cô Mới diễn. Cái khung cảnh ấy thật là thần tiên: cô Mới xuát hiện trong chiếc váy ngắn cũn, nhìn chẳng ai biết đã U60, khói tỏa ra từ cái bếp lò mà đám con trai khu trọ đang quạt lấy quạt để. Thế mà cũng có cái lợi, khói lắm thì mắt cay xè, mắt cô cay đúng giai đoạn cao trào, cần khóc thế là nó cứ tuôn ra, khán giả vỗ tay rần rần. Phải tội cái giọng cô yếu quá nghe mic hát chứ cô thều thào cứ như quên bữa cơm chiều. Hôm sau gặp, cô cứ nài:
- Bây thấy tao hát hay không?
- Được là được thế nào? Hay dở? Vậy thôi.
- Ơ, yếu là yếu như nào? Vớ vẩn. Tại cái mic, thế ra giờ là lỗi tại cái mic. Cô tập được một tháng mà nghe cô phân tích cũng rõ ràng lắm:
- Hát thì phải hát dường này. Phải cái giọng cô thì trong, lại rõ dễ luyến láy nên bài nào cũng hợp. Chứ cái nòi mới tập chẳng thế nào bằng được.
Ngẫm lại thì ô hay, một tháng chắc nhiều kinh nhỉ? Nói thế thôi chứ ở non mấy tháng tôi dọn đi, ngày tôi dọn cô cũng làm tình làm tội tôi dữ lắm, với cái nhẽ:
- Mày ở mấy tháng mày đi đùng đùng thế mà được à? Ở trọ nhưng cũng hợp đồng này kia đó chứ. Mày phá hợp đồng thì đền gấp đôi nhé?
Ôi trời cái hợp đồng miệng sao? Mà nhà đang tranh chấp thì ai mà xử cho? Cô cho thuê đã phá ra lẽ. Nhưng mà thôi tôi chấp nhận mất trắng cả tháng tiền nhà vì phải chuyển đi gấp, cứ coi như của đi thay người. Tôi bận rộn với công việc mới, giờ thì mọi trung tâm đều là sếp, dần dần cũng quên cô, thi thoảng nhớ cô tôi lại ghé thăm và thấy tụi chị Hâm đang mù đầu đánh vật với mì tôm cho những cái vé xem ca nhạc.
L.H.H.T (Gia đình Áo Trắng Quy Nhơn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét