Cu Vũ ngã lăn quay rồi nằm úp mặt khóc ré lên. Mẹ nó từ từ lăn bánh xe lăn tới.
- Ôi con trai của mẹ đứng lên đi nào, ngã có tí mà làm nũng như con gái thế à, xấu quá đi!
- Ứ ừ… Hu hu… - Cu Vũ vẫn nằm, tiếng khóc có vẻ thưa dần.
- Thôi nào, tối nay bố về sẽ có cá ngon cho mẹ con mình đấy. Nên bây giờ cu Vũ sẽ cùng mẹ nấu cơm nhé. Phần thưởng cho con sẽ là con cá to nhất, đẹp nhất, ngon nhất chịu không nào? – Người mẹ cười tít mắt.
Cu Vũ thu chân, chổng mông và lồm cồm bò dậy. Mẹ nó kéo nó sát lại. Bà mẹ trẻ xoa đầu, xoa lưng, xoa chân, vén áo, vén quần con xem có trầy xước chỗ nào không. Nhìn từ xa mà trông thì hai mẹ con giống hai chị em hơn. Thằng cu Vũ ngày một lớn trong khi mẹ nó nhỏ thó và như muốn quắt queo lại theo từng mùa bệnh.
Tối tối, tới giờ đi ngủ cu Vũ thường trông thấy đôi tay gầy guộc gân guốc của bố bồng mẹ lên giường. Mỗi lần đặt mẹ vào chỗ ngay ngắn là bố lại hôn lên trán mẹ và cười bảo cu cậu cũng làm như thế để chúc mẹ ngủ ngon. Nó cũng làm y như bố, chỉ khác là mỗi lần rời môi rời mũi ra là tay nó đưa lên xoa mũi, quệt miệng, nhăn mặt khiến bố mẹ cu cậu cứ cười khìn khịt.
Cu Vũ vẽ khá khéo tay. Còn nhớ lúc chưa biết đọc biết viết thì cậu đã biết hý hoáy gạch ngang gạch dọc với hòn sỏi trước sân nhà. Khi vào lớp 1 thì bờ tường nhà trở thành bức bích họa “vĩ đại”. Lúc làm bài kiểm tra tập vẽ về mẹ, cậu vẽ một người lớn dắt một thằng bé đi chơi trong công viên, người lớn quần dài màu hồng, đi dày cao gót màu đỏ. Cô giáo của Vũ trạc tuổi mẹ cậu cũng thường bận bộ đồ màu hồng đi giày cao gót màu đỏ bảo Vũ đừng vẽ cô mà vẽ mẹ cơ. Thằng bé thưa: Em vẽ mẹ đó ạ!
Ngày Vũ lên mười thì người cha bỏ mẹ con nó mà đi trong một chuyến biển dài ngày. Không rõ ông vượt biên hay đã làm mồi cho cá. Mẹ nó không khóc. Cuộc đời một khi nỗi đau đã chất chồng thì cũng chỉ đến thế mà thôi, tất cả cũng chỉ dày làm một, có khi là đã bảo hòa trong sự chịu đựng như đá giữa trời cho dù nó khủng khiếp đến đâu. Người đàn bà dửng dưng khi bà con họ hàng gợi ý cho mẹ con nó đi ăn xin vì mọi sự ủng hộ cũng chỉ có giới hạn.
Học chưa hết lớp 5, Vũ xin mẹ nghỉ học. Mẹ nó không cho. Gắng thêm một lớp nữa nó vẫn xin mẹ cho thôi học. Mẹ nó bắt học tiếp. Nó gân lên:
- Không đánh mới tức chứ!
- Chúng nó… chúng nó… - Vũ ấp úng.
- Có gì thì nói đi chứ? – Mẹ nó hối.
- Chúng nó… nói… nói… mẹ… mẹ làm đĩ! – Thằng Vũ vừa dứt câu thì vụt chạy đi. Người mẹ vừa thoáng thấy con đưa tay lên quệt vội mắt.
Người đàn bà tật nguyền lẳng lặng nhìn ra xa mà như không thấy gì…
… Đêm mưa như xối xả, một người đàn ông cạy cửa nhà mẹ con Vũ. Trên chõng tre Vũ ngủ như chết. Mẹ nó vẫn chong đèn ngồi đan áo. Người đàn ông tự xưng là bạn của người quá cố (tức bố thằng Vũ). Mẹ nó vì thế mà không hét lên. Một hai lần gì đấy đã nhìn thấy người này tới nhà chơi với bố cu Vũ. Cũng đến năm bảy năm rồi còn gì. Sau một hồi ấp úng, loay hoay như thể chẳng biết cất chân tay vào đâu, gã quỳ xuống, miệng nói lắp bắp như một đứa trẻ.
- Hãy… hãy… cho phép… tôi… được chăm sóc em và… thằng Vũ!
Mẹ thằng Vũ trừng mắt lại:
- Vợ con anh chết hết rồi sao?
- Không, nhưng cơ ngơi nhà anh còn có thể… có thể… nuôi thêm mấy hộ… như mẹ con em vẫn được mà. - Gã cười hề hề, quay qua nhìn thằng Vũ đang ngủ say chợt im bặt.
Chỗ nằm của thằng Vũ tự dưng ướt nhẹp, nước mưa nhỏ giọt xuống mặt nó một hồi thì nó tỉnh giấc, ngồi bật dậy. Dưới gầm giường của mẹ nó là gã đàn ông túm tụm, rụt chân nằm co vòi như một con chó. Vũ bảo mẹ: “Nước nhỏ tràn cả mặt con vẫn nằm ngủ mơ, con mơ thấy mẹ nói chuyện với ông nào đó mẹ ạ”. Mẹ nó chỉ cười cười trong khi tay vẫn thoăn thoắt đan. Đồng hồ đã chỉ 12 giờ.
Những ngày sau đó thường thấy người đàn ông đêm qua tới chơi. Vũ ngây ngô khi gã vừa cho kẹo vừa nói: “Ta là bạn của bố con”. Nhiều năm trôi qua như thế, Vũ nhớ lần nào tới lão ta cũng cho kẹo rồi bảo ra bãi biển mà chơi cùng đám bạn…
Vũ đi lang thang mấy ngày mới về nhà. Ngày trở về, đã thấy mẹ nó ngồi ngẩn ngơ ở ngoài sân, dáng tiều tụy, da dẻ xanh xao nhợt nhạt. Trong thấy con, người đàn bà khóc òa lên. Thằng Vũ lẳng lặng đi vào chẳng nói chẳng thưa, nằm vật ra chiếc chõng tre. Mẹ nó quay xe lăn bánh vào nhà. Người đàn bà khuyên nhủ thằng con trai phải tới trường. Mẹ nó đã tới lớp xin cô giáo, mẹ nó hứa đám bạn mất dạy đó sẽ không dám quấy rầy gì nữa đâu. Từ chỗ nằm của Vũ có thể nhìn sang một góc học tập đơn sơ từ ngày bố nó vẫn còn sống. Những quyển sách quyển vở được mẹ nó coi sóc hằng ngày, chưa thấy lộn xộn bao giờ. Những giờ học bài của cu cậu luôn có mẹ ngồi kề bên, người đàn bà ngồi đan len trong tiếng đọc bài ê a của con trai. Đêm đêm, tiếng học bài của Vũ hòa cùng tiếng sóng ngoài xa như một bản hòa tấu đặc sắc mà hiếm có. Nhiều khi hai mẹ con nhìn nhau cười.
Từ khi Vũ xách được thùng nước thì cũng là lúc cậu bồng được mẹ. Tối tối, khi người mẹ muốn đi nằm thì không cần phải nhờ hàng xóm tới giúp nữa, người con trai đã có thể làm được rồi. Vũ nhớ lại cách cha bồng mẹ như thế nào, cậu làm y như thế. Cách cha trải chăn và đặt mẹ lên gối đầu như thế nào, cậu cũng làm như thế. Rồi bất chợt mẹ nó bảo: “Hôn lên trán mẹ và chúc mẹ ngủ ngon nữa chứ?”. Cậu vừa ghé sát người vào thì đột nhiên người mẹ ghì con trai lại, hôn lên bờ trán đẫm mồ hôi của nó và nói: “Hãy tha lỗi cho mẹ, mẹ sẽ không qua lại với người đàn ông đó nữa, con phải đi học trở lại nhé?”. Vũ không nói gì chỉ lẳng lặng giém mùng cho mẹ rồi trở về cái chõng tre quen thuộc.
Sáng sáng, khi người con trai tới trường thì người ta thấy mẹ nó bò lê bò lết dưới bến thuyền. Những vệt dài lê thê ngoặt ngoẹo trên cát xen lẫn những dấu chân người như muốn nói: người đàn bà đẹp mà tật nguyền đã qua đây. Người có nhiều cho nhiều, người có ít cho ít, người không có thì giúp đem cá vào chợ bán giùm.
Tập tành mãi, tập rớm cả máu hai đầu gối thì mẹ thằng Vũ cũng tự leo lên giường được mà chẳng phải nhờ đến ai nữa. Những lúc chợt thấy mẹ như thế Vũ vụt lao vào định giúp mẹ một tay nhưng người đàn bà gạt tay người con trai ra. Những lần như thế mắt Vũ đỏ hoe lên, ầng ậc nước, phải quay mặt đi hoặc nghiến răng lại thì nước mắt mới không trào ra. Một thời gian sau đó, Vũ nhìn mẹ mà mừng muốn ứa nước mắt thêm lần nữa: trông mẹ khỏe hơn, gương mặt mẹ tươi tắn hồng hào trở lại mặc dù đã có nhiều vết chân chim.
Đứng trước biển lúc này là chàng trai có khuôn mặt của cậu bé Vũ ngày nào. Vũ bây giờ đã cao lớn, ra dáng lực lưỡng lắm. Mẹ dặn ngày mai cứ đi thi cho kịp giờ không cần phải lo mẹ ốm. Đêm đêm ánh đèn nơi bàn học của Vũ vẫn tỏa sáng một góc nhà. Lâu lắm rồi không còn thấy bóng dáng người mẹ ngồi đan len và xem con học. Mẹ cậu dạo này ốm nên thường đi nằm sớm. Vũ muốn cõng mẹ lên trạm xá để khám nhưng bà nằng nặc bảo không, bệnh tình cả đời vẫn thế thôi, đừng mất thời gian mà làm gì, cứ học bài đi còn thi cử. Những tiếng rên và ho của bà về đêm khiến lòng Vũ nghẹn lại. Cậu không hề biết rằng trong góc giường mẹ cậu ho ra máu, bà giấu trong chiếc khăn tay.
Vũ không ở ký túc xá đại học, từ nhà lên thành phố hai chục cây số nhưng chàng vẫn đạp xe đi đi về về. Có mấy đứa quan tâm hỏi thì chàng bảo còn phải chăm sóc mẹ. Mẹ Vũ tóc đã điểm bạc, bà càng ngày càng yếu nhưng mỗi lần ngồi trước mặt con trai thì luôn tươi cười động viên con trai này nọ. Lòng Vũ mừng mừng tủi tủi. Càng thương mẹ càng phải phấn đấu.
Thế rồi luận văn tốt nghiệp của Vũ được đánh giá cao. Buổi bảo vệ luận án hôm ấy Vũ đẩy xe lăn đưa mẹ tới tham dự. Ánh mắt bà dù mệt mỏi nhưng đầy vẻ tự hào khi nhìn người con trai mà bà nuôi nấng bao nhiêu năm, bây giờ trưởng thành khôn lớn nên người, rồi đây nó sẽ có việc làm, sẽ lấy vợ sinh con, rồi bà cũng sẽ bế ẵm đứa cháu nội của bà. Cuộc đời con người tưởng dài nhưng hóa ra cũng chỉ là thoáng chốc: thằng bé ngày nào giờ đã lớn và… sẽ còn không xa mình cũng đến bến bờ. Những giọt nước mắt cứ thế trào ra mặc dù bà đang cười: những giọt nước mắt gọi là hạnh phúc là như thế này đây.
Bao nhiêu hoa người ta tặng Vũ, chàng đem xuống tặng mẹ, thấy mẹ cười thật mãn nguyện. Người chủ tọa đề nghị mẹ của sinh viên đạt điểm xuất sắc Cao Quang Vũ phát biểu vài lời. Nhưng bà không còn thở nữa. Linh hồn bà đã thoát xác. Hồn bà nhìn thấy mọi người xúm lại, bà nghe người con trai khóc gào thảm thiết vì chưa báo hiếu được cho mẹ. Bà lại nghe ai đó kêu phải đưa đi cấp cứu ngay. Hồn bà không cần phải theo tốp người ấy vào bệnh viện làm gì nữa. Từ lâu bà đã biết bệnh tình vô phương cứu chữa. Nhưng bà thấy thật nhẹ nhõm vì ít ra bây giờ không cần đến đôi chân mà vẫn bay lên được. Ánh mắt bà mỉm cười nhìn theo người con trai đang khóc nức nở gọi mãi: “Mẹ ơi! Mẹ…”
Tháng 5 - 2013
P.A.X (Quảng Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét