Chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm rồi.
Buổi học sáng hôm đó, lớp chúng tôi như có thêm làn sinh khí mới bởi sự có mặt của một cô giáo mới ra trường - cô Mai: duyên dáng, xinh xắn, nói năng thật nhẹ nhàng và dễ nghe. Thằng Kiên ngồi cạnh tôi thì không nghĩ thế, nó bảo chẳng qua là mới ra trường nên muốn lấy lòng học trò thế thôi chứ nói toẹt ra thì chẳng tốt đẹp gì đâu. Nó cố tình nói to cho cô Mai nghe thấy. Ngay lập tức nó bị xách cổ lên bảng.
- Em vừa nói cái gì, nói lại tôi nghe xem? – Cô Mai trừng mắt.
Nó vẫn ngậm tăm nhưng mặt ngoảnh đi nơi khác. Tôi cũng không hình dung ra đó là một cử chỉ mất dạy hay là lo sợ cô trách phạt nữa. Thật lấc cấc đến là khó chịu, không giống với tính cách của nó trước đây, hay là nó dậy thì muộn nên đâm ra tính khí thất thường khó hiểu?
- Miệng em đâu rồi, sao…
Cô Mai chưa kịp nói xong câu thì thằng Kiên quay phắt lại nhổ toẹt một đám nước bọt vào mặt cô, chỉ chệch đi một tí nữa thôi là trúng ngay con mắt bên phải của cô giáo đáng kính. Cả cô lẫn cả lớp không tin vào mắt mình chuyện gì vừa xảy ra. Cô Mai tiến lại định bạt tai thằng Kiên thì nó đã thoắt chạy khỏi lớp, cứ thế bỏ về nhà.
Chuyện nhanh chóng lan ra toàn trường. Ai cũng không ngờ thằng Kiên hiền khô như thế tự dưng trở chứng là ra làm sao chứ? Tôi cũng không thể nào hiểu được vì sao nó lại làm thế. Cha mẹ nó mới vài tháng trước đây trước khi đi vào Nam làm ăn đã dặn dò nó phải gắng chăm ngoan học giỏi và nó cũng đã hứa hết nước hết cái không những với hai người sinh thành ra nó mà còn với dì ruột của nó nữa. Nhà nó nghèo lắm, bù lại Kiên học hành cũng không đến nỗi nào, giỏi là khác. Gia đình cũng rất hy vọng vào nó nên mấy anh em nhà nó còn mỗi mình Kiên là được theo học đến cấp 3. Đang vào đầu cấp chưa đâu vào đâu thì nó lại sinh sự thế này. Chết nỗi là thời gian gần đây nó ít nói hẳn, lại lầm lì, chuyện trò với nhau thì nó chỉ lắc lắc hoặc gật gật. Tôi thỉnh thoảng cũng ghé chỗ nó ở nhưng ít khi gặp lắm chỉ có mỗi dì nó cặm cụi ở nhà với bầy lợn, đàn gà. Hỏi thì bà bảo nó đi vào rừng kiếm củi. Cũng may cho nó dù lam lũ vừa học vừa làm nhưng nó cường tráng vạm vỡ, đám con gái trong lớp nhiều đứa má cứ đỏ lựng lên mỗi khi bắt chuyện nó. Tiếc thay, Kiên không quan tâm tới. Mỗi lần tụi nó đến nhà tìm thằng Kiên là không hiểu sao nó lủi đâu mất dép, dù rằng đã căn cơ chắc chắn là kiểu gì giờ này nó phải ở nhà. Từ dạo đó nó được đám con gái đặt thêm cho một biệt hiệu: Kiên nhát gái.
Gia cảnh nhà bà dì của Kiên cũng chẳng khác gì nhà nó, có điều là nhà dì nó neo người nên ít ra cũng có chỗ học chỗ ngủ đâu ra đó vì thế mà cha mẹ nó đã gửi gắm nó cho bà. Nhưng bây giờ thì cơ sự xảy ra như thế kia thì không biết nó còn có thể theo học được nữa không. Cả trường xôn xao bàn tàn sự vụ của thằng Kiên, chắc như đinh đóng cột cu cậu sẽ bị đuổi học. Kẻ giận. Người thương.
Cô Mai quyết định gọi bà dì của Kiên lên để chuyện trò trước khi đưa hành động bất đạo của Kiên ra hội đồng kỷ luật. Nhìn điệu bộ khắc khổ của dì thằng Kiên ai cũng xót. Đến nước này bà cũng đành thổ lộ hết tâm can.
- Tháng trước nó bảo với tôi là sẽ bỏ học để đi vào Nam cùng làm ăn đỡ đần với cha mẹ nó. Nhưng bỏ học theo kiểu mấy lần trước thì không tài nào đi được vì thấy nó học hành cũng khá nên hết thầy cô đến bạn bè cứ động viên rồi làm căng không cho bỏ, cha mẹ nó càng không cho bỏ, phải gắng học sau này đỡ khổ…
Cô Mai vẫn kiên nhẫn lắng nghe, nghe cả tiếng thở dài mệt nhọc của người đàn bà hiền lương chất phác.
- Dạo này tôi thấy nó bỏ bê sách vở, chẳng miệt mài như lúc trước nữa. Ngày nào cũng như ngày nào, sau giờ lên lớp về nhà ăn vội bát cơm là nó đi vào rừng kiếm củi. Tôi chưa hề bắt nó làm gì ngoài việc học vì tiền ăn học của cháu đã có cha mẹ nó gửi về. Lúc rảnh rỗi chỉ thấy thằng cháu đăm chiêu nghĩ ngợi điều gì đó. Mải lo công việc nhà nên hai dì cháu cũng ít khi chuyện trò cùng nhau. Trong bữa cơm thì hỏi han dăm bảy tiếng rồi thôi. Sự thể vừa rồi chắc nó nghĩ kiểu gì cũng bị đuổi nên ngay hôm nó từ trường trở về mà không mang theo cặp sách rồi liền sau đó nó thu dọn hành lý để sẵn đấy. Sinh nghi tôi hỏi thì nó lại hằm hằm bảo cháu sẽ vào Nam làm ăn cùng cha mẹ cháu. Tôi cũng đành thất hứa với cha mẹ nó vì không bảo ban được nó. Trăm sự cũng tùy nhà trường, tùy cô giáo xử lý vậy. Hành động đó có khác gì là kẻ nghịch tử vô đạo. Thôi thì con dại cái mang, tôi cũng xin thay mặt cha mẹ nó nhận một phần trách nhiệm về mình và vô cùng xin lỗi cô giáo, xin lỗi nhà trường.
Nói xong thì hai hàng nước mắt của dì thằng Kiên tự dưng trào ra ròng rã. Bà chẳng nói thêm gì nữa, đứng dậy ra về để lại một mình cô giáo Mai suy tư oằn nặng tâm can. Ngay từ đầu sau hành động bất đạo của Kiên thì ai cũng hiểu cô vô cùng căm phẫn, chỉ tiếc là chưa cho thằng học trò mất dạy mấy cái bạt tai. Nhưng cô Mai vốn là người sâu sắc. Ngay từ hồi học phổ thông cô đã được bạn bè kính nể vì có cá tính khác người thích khám phá mọi điều. Và giờ đây cô biết rằng sự thể vừa rồi âu cũng có nguyên do. Sau cuộc gặp vừa rồi vời dì của Kiên thì cô bắt đầu hiểu ý định của cậu học trò ngang ngược. Cô định sẽ tới nhà gặp Kiên.
***
Căn nhà lá đơn sơ của bà dì thằng Kiên nằm khuất trong một khu vườn thơm mùi hoa trái. Ánh trời chiều rọi xiên qua kẽ lá xuống mặt đất đầy những hoa nắng. Hương bưởi đượm mùi thơm khiến cô dễ chịu và khẽ mỉm cười. Dì của Kiên không có nhà, chỉ nghe tiếng lợn kêu eng éc ngoài chuồng, đàn gà có vẻ thấy người lạ bèn dướn những chiếc cổ lên: những con mắt lóc lách lơ láo, chốc lát phát hiện ra rằng cũng chẳng có gì lạ và lại chúi đầu dò dẫm tìm mồi dưới gốc cây. Cô giáo đưa mắt vào nhà, trong nhà chẳng hề chốt cửa cài then như ở thành phố khi chủ vắng nhà. Không khí thoải mái và dễ chịu.
Cơn gió ùa vào khiến những tiếng sột soạt phát ra từ một góc nào đó trong căn nhà nhỏ nghe như là tiếng những trang sách đang lật giở. Cô Mai tò mò bước theo. Hóa ra là cơn gió đang đùa giỡn cùng những trang sách cạnh cửa sổ. Góc học tập của Kiên thật gọn gàng, sạch sẽ và thoáng mát. Ánh sáng chiếu vào khiến bàn học của cu cậu lúc nào cũng sáng sủa, không gian như rộng rãi thêm. Sách vở xếp đặt đâu ra đó cho thấy chủ nhân của nó chắc chắn không phải là người cẩu thả. Chiếc ba lô treo sát giá sách chất đầy quần áo như thể đang chờ chủ của nó xuất hành cho một chuyến đi xa. Một quyển sổ nhỏ với màu bìa thật lạ và khá bắt mắt chỉ lồi ra một góc trong chiếc túi dẹp một bên nách chiếc ba lô khiến cô Mai chú ý. Cô chẳng ngần ngại rút ra. Đúng là một quyển sổ đẹp, không một vết xước hay cào cấu chứng tỏ người cất giữ nó phải là người kín đáo và khá cẩn thận. Một quyển nhật ký. Những trang đầu tiên lật ra khiến cô chẳng nhịn được cười. Những hình vẽ thật ngộ nghĩnh lẫn những câu chữ vừa tinh nghịch vừa triết lý y như những bài tập đọc vừa học vừa chơi vậy. Những trang phía sau càng khiến cô không thể không đọc tiếp, đó là những trang viết với những nét chữ khoáng đạt và mềm mại bày tỏ những tâm trạng của lứa tuổi đang bước vào ngưỡng cửa của những dự định, những phấn đấu, những dằn vặt, suy tư về những ước mơ to tát nhưng lại túng quẫn với gia cảnh khốn khó, những bài thơ bộc bạch tâm trạng, những tản văn kín mít những nỗi niềm…
Cô Mai đã đọc đến những dòng này:
“Ngày đáng quên nhưng buộc phải nhớ:
Hôm nay mình đã làm một chuyện tày trời, dù trời đánh thánh vật mình chết cũng đáng lắm. Mình là một đứa học trò tồi tệ nhất thế gian khi nhổ nước bọt vào mặt một cô giáo đáng kính. Mình có nên làm như thế để chắc chắn được đuổi học? Đúng là vô giáo dục hết chỗ nói, mình sẽ nhận hết mọi hình phạt miễn sao là được rời khỏi trường. Bị đuổi học vào lúc này là điều mình mong muốn nhưng rõ ràng là mình đã để lại một vết nhơ quá lớn trong đời học sinh đẹp đẽ, trong đời một con người. Liệu mình còn mặt mũi nào mà dám gặp lại người giáo viên ấy nữa? Mình chỉ ước thời gian trôi thật nhanh và nếu sau này gặp cô thì chỉ mong cô không còn nhận ra mình nữa. Nhưng giá như mình nói được một câu xin lỗi trước khi ra đi thì đỡ áy náy biết nhường nào…”.
Cô Mai chưa đọc hết thì Kiên đã đứng trước mặt tự bao giờ. Cậu giật vội quyển nhật ký trên tay cô và nhét vào ba lô.
- Giờ thì em nên nói lời xin lỗi tôi rồi đấy! – Cô Mai nói cứng giọng.
- Sao hội đồng kỷ luật chưa làm việc vậy? – Kiên hỏi trống không và vẫn lầm lì không thèm cất một lời xin lỗi.
- Dì em đâu?
- Cô nên về sớm đi kẻo trời sắp tối rồi đấy!
- Em không mời tôi uống một hớp nước sao?
Nó bỏ đi không thèm trả lời. Cô Mai đứng nấn ná một lát rồi cũng lủi thủi ra về.
***
Hội đồng kỷ luật rồi cũng nhanh chóng được lập nhưng kết quả đã làm toàn trường bất ngờ và xốn xang với nhiều tâm trạng. Kiên không bị đuổi học. Đó là nhờ sự tha thứ và vận động của cô giáo Mai. Khi thầy hiệu trưởng hỏi tại sao cô lại tha cho một đứa không xứng đáng là học trò, thì cô bảo cô nhận thấy cái gì đó thật đặc biệt trong cậu học trò ấy và cô tin ở quyết định của mình. Khi biết chuyện, Kiên chỉ lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, chỉ thấy trong mắt nó đã bắt đầu đỏ hoe lên, nó ngoảnh đi và nhặt dao rồi lại vào rừng.
Một tuần sau mới thấy Kiên đi học trở lại. Nó tránh nhìn thẳng mặt cô Mai nhưng chưa hề bỏ một tiết Toán nào của cô. Trong giờ học, cô bảo Kiên còn nợ cô một lời xin lỗi nhưng cô chẳng cần nữa, cô cần một kết quả học tập thật tốt của Kiên.
Kiên vẫn lầm lũi vừa học vừa kiếm củi giúp dì nó. Nhưng học lực của nó càng về cuối cấp càng vượt trội khiến bọn tôi dù rảnh rang để cày bở cả hơi tai cũng chẳng kịp. Những giờ giải bài tập Toán ở lớp, nó vẫn không dám nhìn vào mắt cô Mai nhưng phương pháp làm bài của cậu ta thường được cô đem ra để cả lớp coi đó là cách làm hay và sáng tạo, đề nghị cả lớp học tập. Thú thực tôi vừa giận, vừa thương, vừa nể thằng Kiên. Nó có tinh thần “thép” chứ chẳng phải vừa. Sau vụ đó, vài đứa con gái chẳng dám tới gần Kiên nữa, nó càng mừng. Nhưng phải nói là cách học chắc chắn và sáng tạo của cu cậu làm tôi phải xem lại cách học của mình.
Ngày thi tốt nghiệp cận kề làm bọn tôi lo sốt vó nhưng Kiên vẫn đi rừng kiếm củi đến tận sát ngày thi. Môn Toán vẫn là môn thi làm bọn con gái và mấy đứa học kém sợ chết khiếp. Nhưng cuối cùng tụi nó cũng thở phào nhẹ nhõm vì thằng Kiên sau khi làm xong bài thì tranh thủ một nửa thời gian còn lại “giải cứu” chúng nó. Cứ tưởng nó lầm lì nhưng đến lúc cần ra tay nghĩa hiệp thì nó cũng nghĩa hiệp ra trò chứ chẳng phải chơi. Bọn con gái lại thêm một phen phục sát đất thằng Kiên vừa đẹp trai vừa tài giỏi.
Trước ngày lên đường đi thi đại học, bọn tôi đều đến chào tạm biệt cô Mai, còn thằng Kiên thì không. Nó bảo bận. Người ta vẫn thấy nó vào rừng kiếm củi giúp dì nó. Tôi cũng đem chuyện đó kể cho cô Mai, cô bảo Kiên là người hiếu thảo, lại có tư chất thông minh và lanh lợi nên chắc chắn sau này sẽ thành đạt.
***
Hai mươi năm sau. Kiên đã là một bác sĩ nổi tiếng ở một bệnh viện lớn của thành phố. Thỉnh thoảng bọn tôi mới liên lạc với nhau qua điện thoại. Một hôm tôi nhận được tin nhắn của nó nhắn rằng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 này nó sẽ dẫn vợ con về thăm các thầy cô giáo cũ, đặc biệt là cô giáo Mai. Thật sự là tôi cũng giật mình vì lâu lắm rồi có thăm nom gì thầy cô giáo đâu. Bạn bè thường rủ rê nhau nhậu nhẹt, cà phê cà pháo, chơi bời cả mấy tăng mà chẳng mấy ai để tâm tới thăm thầy cô chủ nhiệm, nhiều khi công việc trôi tuột khiến ngày Hiến chương các nhà giáo cũng tuột trôi đi cùng sự tiếc rẻ sau đó rằng sao mình không nhớ. Thế đấy, mấy ai còn nhớ tới người đưa đò ngày xưa… Thậm chí có đứa còn bảo ai cũng nhớ như mày rồi kéo bầy kéo lũ đến nhà thầy nhà cô cả thì lấy chỗ đâu mà ngồi? Đi thăm cô thầy là việc thiêng liêng, là tôn sư trọng đạo sao lại nói kéo bầy kéo lũ ở đây, sao mà chua, sao mà cay?
Với sự vận động của Kiên nên ngày 20 – 11 lần ấy cả lớp tôi đều tề tựu đông đủ và hướng đến nhà cô Mai. Những món quà, những bông hoa được bọn con gái chọn lựa khá kỹ càng. Riêng Kiên thì đã tự tay chọn sẵn ở thành phố, gói ghém khá cẩn thận. Đức tính này của nó rõ ràng là không hề thay đổi, dù rằng phong thái của nó đã khác trước khá nhiều: lịch lãm, già dặn và cởi mở hơn.
Cô Mai mừng vui khôn tả xiết trong ngày hôm đó. Một bữa tiệc thịnh soạn được Kiên đặt sẵn ở nhà hàng mang tới làm không khí rôm rả hơn. Trước khi cụng ly, sau khi nói lời chúc mừng nó bỗng ngớ người ra, nhìn cô giáo Mai với mái tóc muối tiêu và làn da đã nhăn nheo nhiều hơn, nó cười không ra cười, khóc cũng chẳng ra khóc, cứ mếu máo thật thiểu não.
- Em chưa bao giờ quên chuyện ngày ấy, em còn nợ cô một lời xin lỗi cũng như nợ cô cả một cuộc đời. Em vô cùng đội ơn cô đã cho em một cuộc đời mới. Sự nghiệp của em ngày hôm nay chính là từ cô mà ra. Nếu ngày ấy em bị đuổi học đúng như mong mỏi của em thì không hiểu bây giờ em sẽ như thế nào nữa. Em dặn lòng rằng phần đời còn lại em phải sống xứng đáng là người học trò của cô, với sự bao dung độ lượng của cô. – Vừa nói, Kiên vừa kéo vợ con mình lại cùng ôm siết lấy cô Mai. Tất cả đều rơm rớm nước mắt. Chỉ mỗi cô là cười xòa và vỗ vai mọi người. Tôi nhận ra niềm xúc động và tự hào trong ánh mắt của cô giáo yêu quý.
Niềm hạnh phúc hân hoan cứ thế rạo rực lên trong lòng mỗi người trong một ngày đáng nhớ ấy.
Cuộc vui sẽ chẳng bao giờ tàn nổi nếu như không có cuộc điện thoại của bệnh viện yêu cầu sự có mặt khẩn cấp của bác sĩ Kiên cho một ca cấp cứu nan giải. Trước khi chia tay, cô Mai nhìn tất cả mọi người một cách âu yếm rồi bảo: “Trong ngành nghề nào cũng vậy, cần phải có lòng bao dung độ lượng, con người sẽ gần nhau hơn chứ không phải trở nên xa cách hay căm thù nhau. Những trang sách thời tuổi trẻ đã dạy cô như thế, và cô đã thấm tháp một cách tự nhiên như thế. Cô đã lớn thêm nhờ những trang sách hay. Cô hy vọng các em dù có bận bịu đến mấy cũng đừng bỏ thói quen đọc sách.”. Đến ngần này tuổi rồi mà tôi mới nhận thấy giá trị của việc đọc sách là như thế. Và từ đó tôi cũng đã hướng con cái mình tìm đến với những quyển sách bổ ích, coi đó là nếp sống suốt cả cuộc đời.
***
Một đêm đang ngủ thì bỗng giật thót người bởi tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng nói của Kiên, nó bảo cô Mai đang cấp cứu ở bệnh viện. Tôi vội đi ngay.
Cô Mai đang nằm thở với sự trợ giúp của bình ôxy. Cô Mai bị hở van tim cấp độ nặng cần phải phẩu thuật ngay.
Ngay ngày hôm sau, chúng tôi – đám học trò được coi là thành đạt nhất trong các thế hệ học trò của cô bắt liên lạc cho nhau để báo tin về bệnh tình của cô. Cô Mai cần phải được phẫu thuật gấp nhưng chi phí cho cuộc mổ không hề nhỏ. Kiên làm đầu trò trong cuộc quyên góp, và là người đóng góp tiền nhiều nhất. Cũng chính bác sĩ Kiên là người thực hiện ca mổ đó. Cả bọn tôi trực ngoài phòng đợi và cầu nguyện. Ơn trời, với tài năng của mình, Kiên đã thành công với ca mổ. Người học trò năm xưa nhổ nước bọt vào mặt cô giáo với ý định sẽ được đuổi học nay lại là người phục hồi cho cô một trái tim khỏe mạnh để cô tiếp tục truyền nghị lực học hành vươn tới những chân trời mới cho nhiều thế hệ học trò nữa.
***
Chuyện của cậu học trò Kiên năm xưa là một chuyện hy hữu và hy vọng sẽ không có một chuyện tương tự như thế được lặp lại ở đâu đó trong học đường. Sự bao dung độ lượng của cô Mai cũng là chuyện hiếm. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng chính sự bao dung và tình yêu cùng sự am hiểu học trò của người thầy, người cô đã làm nên sự vĩ đại của người nhà giáo, nghề nhà giáo.
Cuối tháng 5 – 2012
P.A.X (Quảng Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét