Ninh vừa đi vừa cài nút áo. Chợt trông thấy Lụa, anh có vẻ bối rối nhưng trấn tĩnh được ngay. Hất hàm, Ninh vênh mặt:- Tao đi có chút chuyện. Chiều nay, không về kịp đâu, đừng chờ cơm!- Đi đâu vậy hả? Nhậu nhẹt chớ chuyện gì mà làm bộ làm tịch, hứ…N.T.M (Trà Vinh)
Khác với lệ thường, Ninh không trả lời vợ, cứ lầm lũi đi nhanh ra con hẻm ngập nắng trưa.
Lụa bươn bả vào nhà. Chị kéo cái nón lá bung vành xuống, mái tóc rối bù lộ ra, xơ xác như một mớ dây quắn quéo nằm chễm chệ trên khuôn mặt rám nắng, héo hắt. Lụa cảm thấy mệt mỏi, xen lẫn bực tức. Chị đá tung mấy cái ghế đẩu đứng án ngũ giữa nhà, vây quanh cái bàn cáu bẩn. Nhưng chị đã hết hơi, hết sức vì lặn lội từ lúc gà chưa gáy sáng đến giờ mới bán hết xửng bánh bò, bánh tiêu. Vậy mà chỉ kiếm được ba lít gạo, vài con khô cá mối, một bó rau muống. Tạm đủ lưng lửng bụng cho hai vợ chồng và một đứa con.
Số Lụa vất vả, truân chuyên vô cùng. Trời đã định rồi. Lão thầy bói mù nói vậy. Lúc còn bé, có lần Lụa theo mẹ đi chợ làng, thấy người ta vây quanh ông thầy bói, mẹ chị cũng chen vào rồi xin bói một quẻ. Ông ta bảo sau này lớn lên sẽ có hai đời chồng. Bây giờ ngẫm lại cũng có lý. Dẫu biết một phần lỗi cũng tại mình nhưng lỡ rồi, chồng chị là người háo sắc, bội bạc. Anh ta bỏ chị đi theo đứa con gái trẻ măng. Giận quá, mất khôn. Chị cũng lấy trai. Ông ăn chả, dại gì bà chẳng ăn nem.
Người chồng sau nhỏ hơn chị gần mười tuổi. Anh ta được cái mã đẹp trai nhưng lười biếng chẩy thây, không chịu làm, chỉ thích tụ tập bè bạn nhậu nhẹt, không kể gì đến vợ con, mặc kệ họ no đói. Hôm nay chắc cũng vậy, kiếm chuyện đi nhậu đây mà. Thấy nhà cửa trống hoét, Lụa cất tiếng gọi: “Gấm à, Gấm…!”
Có tiếng khóc văng vẳng, yếu ớt vọng ra từ trong buồng ngủ của hai vợ chồng chị. Lụa hoảng kinh, hớt hải đi vào, bắt gặp Gấm còn trần truồng nằm trong mùng. Vừa trông thấy mẹ, con bé bật dậy, òa khóc.
Lụa cảm thấy trời đất chao nghiêng, cây cỏ như muốn đổ nhào, vùi lấp mẹ con chị. Phải gắng hết sức, chị mới kêu lên được: “Gấm… Mầy… làm sao vậy hả?”
Gấm nghẹn ngào: “Con bị dượng…”
Chỉ nói được có bấy nhiêu, con bé lại òa khóc. Lụa chạy tới, tốc mùng, nhìn những dấu vết còn lại trên giường, ở thân thể con gái, đứa bé mới mười ba tuổi, Lụa suýt ngất. Chị gào lên: “Trời ơi! Thằng khốn nạn!”
Hai mẹ con ôm chầm nhau, khóc nức nở. Còn gì đời con gái một trẻ thơ vô tội. Đứa con mà ngày xưa Lụa yêu quý hơn cả bản thân. Bị chồng phụ bạc, chị bỏ nhà ra đi vẫn mang nó theo. Lụa tưởng mình có thể bảo bọc con khỏi cảnh mẹ ghẻ con chồng. Gấm sẽ được đến trường, sống hồn nhiên, sung sướng như bao trẻ khác và chị đã tuyên bố trước tòa, khi giành nuôi con: “Tôi sẽ nuôi dạy con mình nên người, nó sẽ trở thành một người có địa vị và giàu có.”
Những người đứng xem đều có vẻ không tin chị tạo nên phép mầu đó. Họ bảo nhau: Nói dễ nhưng làm thì khó!
Chị bĩu môi khinh bỉ và bỏ ngoài tai những lời lẽ ra phải lưu ý. Chị hăm hở bỏ đi vào cuộc sống mới với ý nghĩ, đó chính là khung trời hạnh phúc của mình. Còn Ninh, chị cho rằng đấy là người canh giữ thiên đường.
So với người chồng trước của chị, Ninh có phần hơn về sắc vóc. Đôi mắt anh lúng liếng, tình tứ. Mỗi lần Ninh nhìn chằm chằm vào chị, chị run lên với một cảm xúc khác thường. Lụa trở nên yếu mềm, cần được che chở. Nụ cười của Ninh, ai cũng bảo trông đểu cáng, vô duyên nhưng đối với Lụa, đó là cái nhếch mép độc đáo, khinh mạn, đáng yêu. Vì vậy, chị đã ngã vào vòng tay gã trai dù biết hắn vô gia cư, nghề nghiệp. Chị dựng một mái lá và lãng mạn cho là “Túp lều lý tưởng, hai quả tim vàng”. Chị đồn sức xây dựng, vun quén tổ ấm mới.
Nhưng, Lụa đã lầm. Cái lầm tai hại nhất trong đời chị. Lụa thả mồi, bắt bóng. Lụa chê chồng cũ ngu dốt, làm ăn chẳng nên nổi, để mình thua kém chị em. Chị kinh thường chồng. Tình yêu đôi lứa hao mòn. Những ngày chung sống là sự nối tiếp chuỗi khổ đau, chịu đựng lẫn nhau. Lụa chụp lấy Ninh như vớ vào chiếc phao giữa biển đời sóng vùi gió dập. Nhưng, đó lại là ảo tưởng của hạnh phúc.
Chiếc phao rệu rã từ lâu, Lụa phải tự bơi để thoát hiểm và cưu mang thêm gánh nặng. Ninh, một thằng đàn ông bất tài, ích kỉ, tham lam và vô liêm sỉ. Ở hắn, hội tụ nhiều tật xấu được che đậy khéo léo. Đến gần mới bật ngửa. Đúng là thức khuya mới biết đêm dài. Ninh chẳng những không kiếm ra tiền mà hắn còn tự xem mình có đặc quyền được cung phụng, tự do an hưởng dù hắn còn tràn đầy sức lực. Hắn thản nhiên ăn, ngủ, bài bạc, nhậu nhẹt để cho Lụa, một người đàn bà và Gấm, một đứa bé phải cung phụng hắn.
Cuộc đời bé Gấm thay đổi từ đó. Ngoài giờ học, Gấm phải đi bán vé số. Ninh giao chỉ tiêu cụ thể cho Gấm là mỗi ngày phải có ít nhất bảy ngàn đồng. Nếu thiếu, phải nhịn đói và được… ăn đòn. Để có đủ số, đôi khi Gấm phải trốn học. Dù nó rất thông minh. Tiếp thu lời giảng của cô nhanh hơn các bạn. Nhưng gấm không có giờ học thuộc lý thuyết và thực hành qua khâu làm bài tập ở nhà nên thứ hạng cứ tụt dốc. Cô giáo chủ nhiệm nhiều lần đến nhà gặp Ninh xin dành thời gian cho Gấm học hành. Hắn cứ ậm ờ rồi thôi. Gấm cứ phải lê bàn chân nhỏ đi rảo khắp phố để bán cho hết vé số trong ngày. Lụa xót ruột lắm nhưng không dám nói. Vì mỗi lần hé môi là có chuyện cãi vả hoặc đánh đấm. Lụa đành tự an ủi. Biết đâu sự bươn chải hàng ngày sẽ trui rèn Gấm thành một bé ngoan có nghị lực, giỏi chịu đựng…
Đúng như dự đoán của chị, bé Gấm rất ngoan. Nó cắm cúi kiếm tiền, lặng lẽ dâng nộp chứ chẳng hé môi cãi vả như chị. Vì thế, nó đứng ngoài lề những cuộc “đấu võ mồm” của Ninh và chị. Con bé chỉ biết khóc. Nó chăm chỉ nộp đủ số tiền qui định như một nô lệ trung thành tuân theo lệnh chủ.
Như thế còn chưa vừa dạ gã vô liêm sĩ. Hắn nỡ nhẫn tâm chà đạp sự trong trắng, thơ ngây của một đứa bé, giẫm nát lòng tin vào con người, vào cuộc sống, tương lai Gấm bỗng chốc mịt mù, không lối thoát.
Lụa gục xuống ôm lấy đầu. Nguyên nhân gây nên thảm cảnh này là do chị, chỉ vì cách chọn lựa của chị, quan niệm về hạnh phúc của chi. Lụa muốn được chết ngay để xóa sạch nổi ân hận đang dày xéo lòng chị. Nếu chị ly dị mà vẫn ở vậy thì… Nếu có chồng khác mà chị khôn khéo, biết uốn nắn chồng, quan tâm đến con thì… Ôi, nếu chị nhận ra tất cả những điều nầy thì…
Những điều “Nếu… thì” nầy thật là khủng khiếp, đáng sợ.
Dù có ra sao đi nữa, Lụa cũng quyết rời khỏi nơi đây. Chị phải tự cứu lấy mình và rửa sạch vết nhơ bám riết bé Gấm, con chị. Lụa không đưa Ninh ra tòa, chịu tội trước pháp luật và hành vi đồi bại của hắn mà chị là kẻ vô tình tạo cơ hội. Lụa để cho tòa án lương tâm phán xét hắn.
Lụa lại mang bé Gấm rời cái “thiên đường” một thời gian làm chị u mê, ngu muội. Chị bỏ lại tất cả mọi thứ, giữ lại bài học về ảo tưởng hạnh phúc mà chị phải trả giá bằng tiết trinh của đứa con yêu quí.
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét