“Chiều nhớ” bắt đầu bằng những dòng tự bạch thân thương, trìu mến rất dễ được bạn đọc chia sẻ. Đó là những dòng ký ức về một tuổi thơ gian khó, nhưng đầy niềm ham sống và vươn lên với những mơ ước chính trực, tỏa sáng:
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
_____
NHỮNG TIẾNG VỌNG CỦA TÂM HỒN
(Đọc “Chiều nhớ” Nxb Thanh Hóa-2015 của Vũ Duy Hòa)
“Chiều nhớ” bắt đầu bằng những dòng tự bạch thân thương, trìu mến rất dễ được bạn đọc chia sẻ. Đó là những dòng ký ức về một tuổi thơ gian khó, nhưng đầy niềm ham sống và vươn lên với những mơ ước chính trực, tỏa sáng:
Tôi sinh ra từ cánh đồng chiêm trũng
Chân lấm bùn mẹ lam lũ quanh năm
Củ khoai lang chia cho ngày giáp hạt
Cháo húp quanh bên bếp lửa lập lòe
(Ao ước)
May thay, cái đói, cái nghèo của thân phận nơi làng quê Việt Nam một thời không giết nổi tinh thần lạc quan yêu đời nơi tâm hồn cậu bé, cho dù đó đích thực là những năm tháng rất dễ làm cho lòng ta nghiêng ngả:
Tôi lớn lên từ cánh diều bay bổng
Ước mơ dài theo suốt dọc triền đê
Xâu hạt bưởi thắp đèn chong ánh lửa
Áo vá vai chạy chân đất đến trường
(Ao ước)
Ta nhận ra đất nước và quê hương được bắt đầu từ những Đêm chong đèn. Không biết đất nước này đã có biết bao những đêm chong đèn như thế. Người ta chong đèn để soi rõ lòng mình, gặp lại nỗi nhớ, gặp lại khối tình của mình với người thân yêu, với những kỷ niệm luôn bùng cháy trong trái tim ân tình, nhân hậu của bao bà mẹ Việt. Đó là những bà mẹ đã nuôi đất nước lớn lên, làm cho kẻ thù phải run sợ, cảm hóa và biến đất nước thành một bài ca bất tử về sự dịu dàng, nhẫn nại, hy sinh vô bờ bến:
Đêm chong đèn thao thức
Ru con chờ đón tin chồng
…
Chong đèn đêm đêm mẹ đợi
Ngóng tin về những đứa con
Lửa đèn đêm đêm rực sáng
Bùng lên thiêu cháy kẻ thù
Lặng im mẹ ngồi hóa đá
Nước non ghi tạc tượng đài
(Đêm chong đèn)
Tôi cho rằng viết về mẹ, không những trong tập thơ này mà trước đó anh cũng khắc họa được hình tượng người mẹ khá thành công. Thành công ấy không phải tự dưng mà có, nó chắc chắn phải xuất phát từ tấm lòng trân trọng và yêu thương hết mực của tác giả đối với mẹ. Cao hơn đó là sự biết ơn, một sự biết ơn tưởng như không có gì bù đắp nổi. Đó mãi mãi là cái đạo để ta làm người, cái đạo của người làm thơ.
Ký ức về một thời đạn lửa là sự dạn dày của tác giả với tư cách là một người cầm súng nơi hòn tên mũi đạn, một nhân chứng của lịch sử đau thương và anh hùng. Người ta có quyền kiêu hãnh, tự hào xen lẫn bi tráng mỗi khi nhớ lại hình ảnh và tiếng vọng của quá khứ:
Đường hành quân qua ngã ba lửa đạn
Mặc bom rơi vẫn rộn tiếng em cười
Ngày chiến thắng anh trở về chốn cũ
Đứng lặng nhìn bia mộ khắc tên em
Đông Trường Sơn mặc tầng tầng bom đạn
Những đoàn xe lao tới mọi ngã đường
Tây Trường Sơn bước quân hành hối hả
Vượt non ngàn phơi phới tuổi hai mươi
(Ký ức thời đạn lửa)
Để đến được dinh Độc Lập ngày 30/04/1975, người ta buộc phải đi qua những con đường máu xương như thế với tất cả tinh thần của tuổi thanh xuân và niềm tin sắt đá vào thắng lợi của ngày mai. Phải chăng đó là tiếng vọng của quá khứ, là cái phần hồn của một nhân cách, là con người như ta vẫn thấy bằng da bằng thịt của Vũ Duy Hòa. Vâng! Khi đồng cảm với anh nghĩa là ta đã hòa vào lịch sử, hòa vào tinh thần Việt để có thể đọc tiếp những tiếng vọng khác lúc ẩn, lúc hiện, lúc lại trải lòng một cách thật thà trong sâu lắng và khiêm nhường của tập thơ này.
Đọc chùm thơ Chiều ta bắt gặp một sự đa thanh, đa tình, đa cảnh, đa cung bậc của xúc cảm và tấm lòng tác giả. Ở đó có những hội ngộ bất ngờ, gây hiệu ứng thảng thốt, buồn tái tê, ngạc nhiên xen lẫn sự thích thú, khám phá như muốn tìm ra đâu là căn nguyên mâu thuẫn và không mâu thuẫn của lòng người. Nhưng tôi cam đoan rằng Vũ Duy Hòa không phải là hạng người vô tình và hoặc dửng dưng, vô cảm một cách thái quá. Nếu thế thì Chiều nhớ, Chiều xa, Chiều mưa phố núi sẽ chết oan mất. Ngược lại, người ta thấy rất rõ sự dịu dàng hết mực của tác giả khi anh trải lòng ra đón nhận, thao thiết và bâng khuâng mãi không thôi về cái giới hạn tồn tại hay không tồn tại, có hay không có cái cõi nhớ thương, ly biệt của đời người:
Em ơi sao lại thế
Để mắt buồn xa xăm
Lặng im chiều nhung nhớ
Mưa ướt nhòe ước mong
(Chiều nhớ)
Anh đến chiều mưa phố lặng thầm
Ngóng chờ gió lặng để tìm em
Bâng khuâng giọt mưa lăn trên má
Chảy vào sâu thẳm một chiều mưa
(Chiều mưa phố núi)
Xa nhau chiều tiễn biệt
Nhớ giọng hò thiết tha
Gửi tình em ở lại
Cho thêm dài nhớ mong
(Chiều xa)
Thơ hay thường đa cảm. Có lý lắm. Đa cảm làm nên cái lạ của cái nhìn, cách nghĩ, cả ngôn ngữ nữa. Không đa cảm e rằng thơ dễ đóng băng lắm. Mà đóng băng thì thơ sẽ chết cóng. Ở đời chỉ có người dại mới không đa cảm. Vũ Duy Hòa có nhiều bài thơ rơi vào vào sự đa cảm cũng không có gì là lạ (Mưa bóng mây, Mưa bụi, Nông nổi…), để cuối cùng cái được của nhà thơ là Ngọn lửa. Và cũng chỉ cần thế thôi là lòng ta đủ ấm. Và cũng chỉ cần thế thôi là ta có thể vượt qua được những cạm bẫy, gió bụi cuộc đời, để đối mặt và chiến thắng quỷ sứ, để thanh sạch và hiến dâng không mặc cả:
Cảm ơn người đã gửi lửa cho tôi
Sao ấm nóng mà lạ kỳ xao xuyến
Có phải lửa từ con tim rực đỏ
Sưởi ấm lòng đêm giá lạnh đầy vơi
…
Ơi ngọn lửa bùng lên từ thao thức
Mà lung linh rực rỡ đến diệu kỳ
Lửa đã cháy từ ước ao khao khát
Những bông hồng mơ ước tặng cho nhau
(Ngọn lửa)
Chiều nhớ không phải là tuyên ngôn cho sự trống rỗng của cuộc sống, mà ở đó đã neo đậu một tấm lòng bao dung, ân tình, biết ơn đối với quá khứ, với lịch sử, với đất nước, quê hương và xóm mạc. Tôi đã nhận ra sự mất ngủ từ những câu thơ bình dị đến ngạc nhiên, những câu thơ tồn tại như vốn nó phải thế, để tạo nên sự kết nối cái thông điệp giữa người với người, giữa bạn và tôi, giữa quá khứ và hiện tại hay đó là những tiếng vọng của tâm hồn sáng lên trên những con chữ biết nói của nhà thơ.
Thanh Hóa, đêm cuối xuân 2015
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 16.7.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại. _______________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét