Cây bút trẻ Lê Hứa Huyền Trân
Từ khi ra trường bước vào công ty mới, nhiều thứ đã đổi thay tôi. Vì nhiều lẽ, giống như là khi con người ta chạm ngạch cuộc đời, dẫu cho muốn mình mãi là con trẻ cũng không thể nào được như xưa nữa. Lớp bụi thời gian cứ phủ lên cuộc đời của tôi khiến cho đôi khi tôi muốn mình thôi nhận thức, bớt vu vơ, nghĩ suy toan tính, nhận ra nhiều điều nhưng cứ mãi hoài không được. Tôi làm ở công ty có cái thú vui thích tiệc tùng, chẳng phải họ giàu sang, nhưng họ muốn họp mặt nên hầu như cuối tuần nào họ cũng góp tiền lại kiếm quán ăn rẻ mà tụ tập, tám chuyện, đàn ông thì lai rai bia bọt còn phụ nữ thì cứ thức ăn mà “chén”. Ấy thế mà cũng có quán quen. Và cứ mỗi lần tới đây, tôi lại gặp chị, người bán vé số đã mất một tay.
Chẳng phải cố tình nhưng cánh tay bị mất của chị thu hút ánh nhìn của nhiều người. Khi họ nhìn thấy chị, thể nào họ cũng sẽ nhìn cánh tay của chị đầu tiên, cánh tay đã mất ấy tạo một “mảng mất” tới tận bả vai. Tôi cũng thế, khi chị tới bàn chúng tôi ngồi, tôi đã vô tình lướt ánh mắt vào chỗ tay ấy, và ngay lập tức tôi nhìn lên gương mặt chị, ánh mắt chị đã bắt gặp ánh mắt tôi trước khi tôi kịp quay đi nhìn chỗ khác và ngay lập tức cái cảm giác hối hận kinh khủng lan tỏa trong tôi. Bàn tôi mua vài tờ rồi chị đi, leo lên xe, tiếp tục những guồng quay của đời mình. Suốt cả buổi hôm ấy sẽ chẳng bao giờ tôi quên được ánh mắt ấy, cứ như ánh nhìn xen lẫn thương hại và tò mò của tôi đã làm đau lòng một kiếp người nào đó vậy. Nhưng thực, tôi chẳng thể lí giải nổi sự vô tình của mình lúc ấy.
Lần thứ hai tôi gặp chị tôi đi cùng với cô. Cô là mẹ của sếp, cô có cái quyền, cái hách dịch của một người giàu. Bữa ăn cô bao, nhân viên cô tuyển dụng, quán cô chọn và mọi quyết định dường như đều ở nơi cô. Cô cứ hay bắt đầu câu chuyện bằng những lời mà chúng tôi thuộc đến chán phèo: “Muốn được người ta tôn trọng thì trước hết là phải giàu. Vì nghèo là đi đôi với hèn…”. Nhiều khi cô nhìn đám nhân viên lố nhố chúng tôi cười tặc lưỡi: “Tụi mày không muốn người ta khinh thì ráng mà làm, còn không thì cứ mãi là đám dân đen như thế này…” hay “tao chẳng bao giờ gả con tao cho mấy đứa dân đen tỉnh lẻ nên tụi con dâu tao phải học đỗ trường này trường nọ mới dám tới chỗ tao hỏi chồng…”. Tụi tôi lí nhí vâng dạ. Chị tới chào mời bàn tôi đứng ngay bên cạnh cô, xấp vé số vừa chìa ra, chị chào mời:
- Cô mua giùm con mấy tờ vé số với cô!
Cô không nhìn chị và nói bằng giọng khinh khỉnh:
- Xin lỗi cô, tôi không có biết chữ!
Chị cười cười và vẫn chìa xấp vé số về phía cô vì cứ nghĩ đó là lời bông đùa. Cô quắt đầu thật mạnh:
- Tôi không biết chữ, không biết cả đếm số thì mua làm cái gì!
Chị cười cười rồi quay đi. Bộ dạng chị trở nên tập tễnh khó khăn hơn hẳn. Lúc này cô mới nhìn đám tôi và bảo:
- Tao rất ghét những đứa bán vé số dạo. Sao cái chỗ này người ta cho những người như thế vào nhỉ? Chẳng còn gì là văn mình…
Rồi cô thao thao bất tuyệt về văn minh nước ngoài nào đó không cho những kẻ bần cùng như thế vào quán… Còn chúng tôi, chúng tôi nhìn nhau không nói nên lời. Trong chúng tôi lúc ấy, sẽ chẳng ai là anh hùng trong truyện cổ tích có thể đứng ra can ngăn cô bảo cô hãy dừng lại. Cũng chẳng ai đủ can đảm như trong câu chuyện về lòng người mà tôi đã từng đọc, có thể phản đối lại sếp của mình dù có thể là bị mất việc. Tôi cũng thế, tôi cũng chỉ ngồi im, cái phán xét dữ dội tôi có thể làm được chỉ là cái phán xét trong lòng và sự khinh bỉ dẫu có cao cỡ nào cũng chẳng thể nào bật ra, không một ai- trong số chúng tôi- đứng ra nói dẫu chỉ một câu thương cảm cho người phụ nữ ấy. Chúng tôi im bặt. Cuộc sống, chưa bao giờ dễ dàng như tôi đã nghĩ, có đôi lúc sự lương thiện chẳng thể nào lên ngôi vì nhiều thứ. Người ta có thể kiềm chế cảm xúc của mình lại cũng bởi nhiều thứ trong cuộc sống. Khi ra đời, tôi học được chữ nhẫn, chữ nhịn, dù tôi biết không lên tiếng là tôi yếu hèn, chẳng thể nào làm được gì hơn ngoài sự im lặng, hoặc cũng có thể tôi đang bao biện cho chính mình- nhưng thế giới mà tôi đang sống, nó khắc nghiệt quá nên tôi phải học im lặng ở thật nhiều. Và tình thương của tôi dẫu có bao la cách mấy cũng không thể nuôi nổi miệng tôi. Ý tôi là thế…
Lần gặp sau tôi cố gắng nán lại bắt chuyện với chị. Vì ý nhị, tôi như kẻ theo dõi đi theo chị suốt con đường chị bán cho tới khi khuya về thì mới xin gặp chị nói chuyện riêng. Dường như thấy được sự đồng cảm nào đó, và bằng một sức mạnh thần kì nào đó, hai người đàn bà đã ngồi nói chuyện đời mình. Chị còn trẻ, độ chừng đôi tám, cánh tay chị mất trong một lần tai nạn, tai nạn ấy không chỉ cướp của chị cánh tay mà còn cướp luôn đấng sinh thành. Họ hàng chị không ai mặn mà việc nuôi thêm một người tàn tật… Tôi ngẩng lên nhìn chị. Tôi muốn mình sẽ bờ vai dựa cho chị lúc này nhưng tôi thấy trên môi ấy là cả một nụ cười. Chị cười rất tươi: “Nhưng giờ chị đã có một gia đình, một gia đình yêu thương chị hết mực”. Có lẽ tôi đã nhầm tưởng chị yếu đuối, và có lẽ giờ cạnh chị đã có những thứ bù đắp những cánh tay chăng? Dẫu thế, trong tôi, mỗi khi nhìn về phía khoảng tay để trống ấy, vẫn dẫy lên niềm thương cảm, vì điều gì hẳn ai cũng rõ. Cái tình thương giữa người và người.
Rồi tôi không gặp lại chị nữa, rồi cũng mấy năm trôi qua, tôi sống tiếp cuộc đời mình với kí ức về những người phi thường tôi đã gặp. Và trong một lần tôi đi ngang đường, bất giác phía xa tôi thấy chị. Chẳng phải là câu chuyện cổ tích rằng chị lấy được người chồng giàu có nào đó, và trở thành một nàng công chúa. Chị vẫn bán vé số, vẫn rảo bước khắp mọi nẻo đường, nhưng lúc này đi bên chị có một đứa trẻ và chị đang vui đùa cùng nó. Và cũng thật vô tình, như là phép nhiệm màu duy nhất trong câu chuyện mà tôi đã kể, chị bỗng nhiên nhìn thấy tôi, nụ cười tươi rói như đêm hôm ấy. Nụ cười làm cho tôi thấy hạnh phúc mà chị đang có xóa mờ cảm giác tội lỗi mà tôi đã từng. Có lẽ giờ bên chị đã có một cánh tay, à mà không, nhiều cánh tay khác thay thế cánh tay đã mất ấy. “Giờ chị đã có nhiều cánh tay bù đắp một cánh tay”.
L.H.H.T (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét