KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ - Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang
Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Tôi đưa ngoại ra Trạm y tế xã từ rất sớm. Ngày hôm kia nhận được thư mời khám bệnh miễn phí, ngoại vui ra mặt bởi chứng cao máu và thần kinh tọa lại hành hạ ngoại, mà chỉ có uống thuốc từ thiện mới chịu lui. Trạm y tế vắng hoe. Thư mời bảy giờ ba mươi mà sáu giờ rưỡi ngoại đã trùm khăn mặc áo biểu con cháu đưa ra đây. Sương sớm với những cơn mưa lay phay theo chiều gió hắt mạnh vào tận bậc thềm nơi ngoại ngồi. Dãy ghế đá ướt nhòe ướt nhoẹt. Tôi kéo chiếc ghế nhựa khập khiễng một chân rồi chêm bằng chiếc dép của mình cho ngoại ngồi. Chiếc ghế mẻ chân này chắc do chú bé nào đó hôm bữa chích ngừa trèo nghịch nên bị hư ra vậy. Trời vẫn mù mịt màn mưa. Hai cánh bướm ni lông vàng đỏ đang xùm xụp bước vào cửa Trạm y tế. À... đó là chú Chín Lanh và dì Ba Bầu. Hai người này có họ hàng xa với ngoại tôi, gọi ngoại bằng mợ. Tấm thân già gầy nhom như cây sậy của ngoại nép hẳn vào một gốc cột của trạm nên chú Chín và dì Ba không thấy. Mưa vẫn lay phay bay. Mà trời xám xịt thế này, mưa biết bao giờ hết? Chú Chín đưa tay xem đồng hồ. Dì Ba cũng đưa tay lên ngang tầm mắt. “Trời ơi là trời, tám giờ đoàn người ta tới. Bây giờ bảy giờ mà các ông các bà còn chưa có mống nào là sao hả trời?”. Dì Ba nói rồi xoay qua chú Chín- Anh Chín, anh cho mời mấy giờ?- Bảy rưỡi, chị Ba!- Sao giờ chưa thấy ai? Hay mấy thằng đệ tử của anh hổng đi mời?- Đệ tử nào? Tự mình tôi xách cái thân già đi chứ biểu được ai? Với lại… - ông Chín nhỏ giọng- … mời các cụ như cha như mẹ mình mà sao lại biểu mấy thằng nhỏ đi? Thất kính, thất kính quá!- Rồi lỡ người ta không tới?- Úy trời! Thời buổi vật giá leo thang, các cụ già rồi, muốn ăn trầu cũng phải chờ con cháu mua thì khám bệnh miễn phí sao lại không đi?- Mấy ổng bả mà hổng đi, tôi với anh có nước chui xuống đất trốn công ty họ đó!- Ủa mà… tình chị em tôi hỏi thiệt, họ phong bì cho chị được bao nhiêu hả chị Ba?- Làm việc từ thiện mà tiền bạc gì!- Ủa, tội nghiệp chị hôn? Chứ tôi đi mời một cụ là được công ty họ trả mười ngàn đó đa!- Mười ngàn… ng... àn... mà cũng khoe. Dì Ba dài giọng- Vậy là chị hơn tôi nhiều lắm phải không? Tôi biết mà… chứ mưa gió như vầy, ai lại nhiệt tình vậy…- Suỵt…- Mình có làm có hưởng chứ gì mà ngại hả chị Ba? Công ty họ lớn vậy, làm từ thiện là đúng thôi. Đôi khi làm từ thiện là để quảng cáo thương hiệu đó chứ!- Trời ơi! Anh nói nhỏ nhỏ giùm có được không? Hôm qua ăn canh môn chưa chín hay sao mà nói quá trời vậy cha nội? Dì Ba Bầu ra vẻ phật ý. Ngoại tôi trở tiếng ho khan. Chắc ngoại lạnh. Mà lạnh thì dễ ho lắm, người già mà. Tôi cuống cuồng hết vuốt ngực rồi xoa lưng cho ngoại. Chú Chín lanh lảnh hét: - Con nhỏ kia! Con cái nhà ai mà rình người lớn nói chuyện vậy? Đồ mất dạy!- Cháu… cháu… Tôi vẫn còn vuốt ngực ngoại.- Con bé Bi nó… hổng có rình… bà cháu tao… tao tới trước thằng... thằng Chín mày. Ngoại cố nén tiếng ho phân trần. Chú Chín bước lại gốc cột nhìn người vừa phát ra tiếng nói. Chú lúng túng: - À… mợ Sáu hả? Cháu… xin lỗi. Mà con nhỏ này là ai mà coi bộ lạ hoắc vậy mợ?
- Nó là… là con gái lớn của con Bé Ba. Nó làm trên tỉnh… lâu lâu mới về.- Vậy à? Cho anh… xin lỗi nghen cưng. Chị Ba ơi! Lại đây mừng cháu mình nó làm trên tỉnh nè!
Dì Ba ào đến bên tôi nắm tay bóp chặt ra chiều thân thiện lắm: - Trời ơi… mẹ cháu là Bé Ba thì dì biết lâu rồi. Còn cháu mau lớn quá làm sao dì nhớ được? Làm trên tỉnh mà cơ quan nào vậy con?- Dạ… Sở X.- Úy trời! Chết … chết… anh Chín à… Thái độ của dì Ba khác hẳn lúc hùng hồn thuyết giảm về việc làm “từ thiện”. Nét mặt chú Chín cũng căng thẳng như đang mắc mứu bài diễn văn bị cử tọa chất vấn. “Không có gì đâu ạ!”. Tôi cười cười. Trong vòng mười lăm phút đã có những chục cụ già chộn rộn kéo tới. Áo mưa xanh, đỏ, vàng, tím… rợp cả góc sân. Mưa gió nhưng cụ vẫn dắt theo cháu nhỏ, cụ kèm thêm cái giỏ đi chợ trên xe. Gặp nhau tay bắt mặt mừng rồi ai cũng thanh minh lý do tới trễ. Cụ bà thì bận đan cho xong mấy mê nan bồ để đứa cháu đủ chục tấm mà giao cho lái. Cụ ông bận năn nỉ thằng cháu nhỏ nuốt hết dĩa cơm sườn. Sốt ruột thí mồ, vì hôm nay được khám chữa bệnh miễn phí mà! Những bảy chục cụ già mà ai cũng muốn mình được về sơm sớm mà phụ hợ con cháu. Mấy lại tuổi cao rồi, ngồi lâu oải lắm, chứng cao huyết áp mà nổi lên thì khổ. Chú Chín Lanh vốn là Chủ tịch “Hội người rảnh việc”, dì Ba Bầu là “Trưởng ban phòng chống ôi thiu”, bây giờ cả hai đều tất tả đi lấy ghế mời các cụ ngồi. Mấy chiếc ghế sứt giò gãy gọng trong phòng khám của trạm y tế đều được lôi ra hết, có cụ ngồi còn phải kèm thêm ghế gác chân tốn ghế quá. Tám giờ bốn mươi lăm. Mưa vẫn lất phất bay. Vậy mà đã có những năm chục cụ áo nón xùm xụp ngồi chờ tràn ra cả ngoài sân. Mùi nước cốt trầu, mùi dầu gió, mùi thuốc lá đặc quánh đan xen vào nhau hòa trong mùi mồ hôi buồn nôn quá. Vài nét chán nản đã hiện dần lên bao khuôn mặt già nua thì chiếc xe bảy chỗ láng cóng cũng bắt đầu từ từ dừng lại. “Kìa! Đoàn tới kìa! Chà… hổng biết kẹt xe kẹt cộ gì mà trễ dữ vậy?”. Ông chủ tịch “Hội người rảnh việc” vừa nói như phân bua với các cụ già vừa chạy ào ra cổng trạm để đón đoàn. Năm người thanh niên trẻ, nhanh chóng mang khỏi xe những vật dụng lỉnh kỉnh. Nào máy tính xách tay, loa tay, hai ba thùng xốp to sầm và một tấm gì đó to như tấm bản đồ nhưng có ba chân bằng inox trắng ởn. Cử tọa nhốn nháo. Ai cũng muốn mình được khám trước vì đã quá mệt mỏi rồi. Mọi người tranh nhau bước tới bàn đo huyết áp ồn ào như chợ vỡ. Người thanh niên trẻ măng mặc áo bờ-lu trắng như bất lực trước dòng người. Không còn thứ tự gì nữa. Ai chen ngồi được xuống ghế thì anh bắt đầu đo. Tay kia ghi ghi chép chép, hỏi thăm tên tuổi, tiền sử bệnh trạng… Bà “Trưởng ban phòng chống ôi thiu” cũng xắn tay ngồi vào bàn ghi tên bệnh nhân- công việc mà lúc bình thường chỉ có các em tập sự làm. Về phía đoàn khám bệnh, sau khi nói ngắn gọn vài câu “tuyên bố lý do” thì họ cũng mời các cụ “trật tự cho” rồi nói một cách huề tiền “Dạ, xin mời cụ ngồi thoáng thoáng ra ngoài cho dễ thở, chốc nữa chúng cháu sẽ tư vấn sau cho cụ!”. Hàng chục cụ đã được đo huyết áp và kể bệnh dài nhằng như tóc rối và tất cả đều được mời ra ngoài ngồi cho thóang. Phía trên, lại một anh tre trẻ mắc bờ-lu trắng đang nhì nhằng cắm, móc dây điện vào các thiết bị. Xong lại quay ra phàn nàn Ban tổ chức “Điện đóm gì mà cà giựt cà chọt, hư thiết bị của chúng tôi hết, ai đền?”. Kêu than thì vậy nhưng anh bắt đầu lấy máy quay phim ra, quay bên trái rồi bên phải, chính diện rồi sau lưng gần trăm cụ già với nhiều màu áo, nước tóc, sắc mặt bạc thời gian. Lại lóe thêm chục ánh đèn “láp”, nói là để làm “tư liệu”. Mấy khóe miệng ám nước cổ trầu, dăm hàm răng vàng bệch khói thuốc lá cứ hân hoan cười cho họ ghi hình. Chưa thấy ở đâu có buổi khám bệnh nhốn nháo như ở đây. Phía dưới các cụ già được đo huyết áp, hỏi thăm bệnh sử, ghi chép vô sổ… Phía trên thì thuyết giảng: rằng tuổi già thì sức yếu, các cơ quan nội tạng qua nhiều thời gian dầm mưa dãi nắng ắt sẽ “rung rinh”. Vì thế nên nếu bị sạn thận ắt có bà con với chứng đau bao tử; nếu bị cao huyết áp ắt họ hàng gần với đột quị; nếu gan nhiễm mỡ thì chắc chắn là anh em thân tộc với tiểu đường… Vì thế cho nên công ty chúng tôi khuyên bà con nên dùng thực phẩm chức năng XYZ… Các thực phẩm này hỗ trợ điều hòa tốt cho cơ quan tim mạch, mạnh bao tử, dễ dàng hấp thu qua gan, và sạn thận, sạn bàng quang gì cũng được đào thải tuốt tuồn tuột… Cử tọa nhao nhao. Có người kêu sao không thấy phát thuốc như mọi lần. Rằng già cả rồi, miếng ăn miếng uống đều nhờ con cháu thì tiền đâu mà mua mấy cái hũ chức năng giá bạc trăm, bạc triệu đó? Tiểu đường thì uống trà dây khổ qua, cao máu thì ăn canh mồng tơi, bồ ngót, sạn thận thì uống nước dừa rau má, cỏ râu mèo… Chỉ có mấy chứng cảm sốt đau nhức là đêm hôm khó kiếm thuốc nên ráng lê cái thân già tới chầu chực xin mớ thuốc cho đỡ tiền con cháu thôi. Mấy vị Ban tổ chức hình như bối rối. Vài cậu áo trắng mở miệng ra là “Xin các cụ trật tự giùm! Có trật tự mới làm việc được. Có phải vậy không ạ?” như nói với trẻ mẫu giáo mà quên rằng mình đối diện với các cụ già bảy, tám chục tuổi khiến mấy ông bà già cự nự. “Cái thằng áo trắng cao cao kia làm như qua là bạn của nó không bằng! Hổng chừng thằng cha nó đáng tuổi con qua chứ mấy! Vậy mà nó biểu trật tự là sao?”. “Cái thằng lùn cầm cuốn sổ kia, miệng xoèn xoẹt hỏi như ống nhổ vậy đó! Nó biểu qua khai tùm lum bệnh rồi cho ra góc sân ngồi mà hổng thấy nói gì tới thuốc men gì hết là sao?”. Cuối buổi, không có cụ già nào được phát một viên thuốc làm… thuốc. Ban tổ chức xin lỗi rối rít, rằng họ không biết rõ lịch trình làm việc của công ty dược, họ cũng cứ tưởng như nhiều đoàn từ thiện khác. Đại diện công ty thì bảo rằng trong thư mời họ đã ghi nội dung đầy đủ, rằng đây là buổi khám bệnh miễn phí, chỉ khám thôi chứ không có cho thuốc. Chứ không phải tất cả các cụ đều được khám không mất tiền đó sao?
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Tags:
Đào Phạm Thuỳ Trang,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét