Nằm ngay chợ Châu Long - một địa chỉ nổi tiếng kinh doanh đồ cũ ở thành phố Châu Đốc, nhưng căn nhà khang trang của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài lại không buôn bán gì. Tầng một dành cho con trai mở tiệm internet, còn hai tầng bên trên chủ yếu để nhà thơ Trịnh Bửu Hoài chứa… sách! Khách đến thăm, được chủ nhân bệ vệ dắt đi dòm hết tủ sách nọ đến ngắm kệ sách kia, mà cứ ngỡ lạc bước vào một thư viện! Với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, hơn 25 ngàn cuốn sách là tài sản tích cóp suốt cả cuộc đời ông!
Trước hết, Trịnh Bửu Hoài là một nhà thơ, một gương mặt cầm bút tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Cha mẹ quanh năm gắn bó với ruộng đồng thấm đẫm phù sa sông Hậu, nhưng từ nhỏ Trịnh Bửu Hoài đã đam mê văn chương. Tuổi 14, Trịnh Bửu Hoài đã có thơ đăng báo. Những năm trọ học ở Long Xuyên và Cần Thơ, phần lớn số tiền gia đình cấp dưỡng đều được Trịnh Bửu Hoài dùng để mua sách. Lâu lâu về thăm nhà, cũng chỉ mang theo… sách. Mẹ của Trịnh Bửu Hoài thương con, nhường luôn cái rương quần áo duy nhất trong nhà cho đứa con trai đựng sách để khỏi ướt mỗi mùa mưa phương Nam.
Mấy bận nước lớn nước ròng, khi học xong phổ thông, Trịnh Bửu Hoài mang thành tích cá nhân báo cáo với cha mẹ, gồm một tấm bằng Tú tài và… hơn hai ngàn cuốn sách chủ yếu là triết học và thi ca. Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bom đạn diễn biến rất ác liệt, căn nhà ngoại ô đô thị sát biên giới dẫu đơn sơ thông thốc tứ bề, thì bao nhiêu sách của Trịnh Bửu Hoài vẫn được song thân gìn giữ cẩn thận và nguyên vẹn. Còn Trịnh Bửu Hoài chí trai vẫy vùng khắp các chuyến phà ngang dọc miền Tây, thỉnh thoảng ngoái lại chốn chôn nhau cắt rốn mà rưng rưng: “Ngước mặt về tây Thất Sơn sừng sững. Áo giang hồ cuồn cuộn gió phương đông”.
Sau năm 1975, Trịnh Bửu Hoài về làm phóng viên cho Đài phát thanh Châu Đốc, rồi làm Chủ tịch Hội văn nghệ thành phố Châu Đốc, rồi làm Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh An Giang. Sự nghiệp thăng tiến đến đâu thì… số lượng sách của Trịnh Bửu Hoài tăng trưởng lên đến đấy. Vốn bản chất một tài tử Nam bộ chân thành, hào hoa và phóng khoáng, Trịnh Bửu Hoài kết giao bạn bè mọi miền Tổ quốc. Ngoài những cuốn sách tự mua, Trịnh Bửu Hoài có khoảng 10 ngàn cuốn sách có chữ ký tác giả với lời đề tặng trìu mến.
Thế nhưng, được tri âm tặng sách thì khoái, mà bị tri kỷ mượn sách thì… uất. Mỗi lần thấy vẻ mặt Trịnh Bửu Hoài có chút muộn phiền, là người vợ biết ngay chồng mình trót cho ai đó mượn sách nhưng họ quên… trả. Thấu hiểu và thông cảm cho chồng, người vợ gợi ý: “Bạn nào muốn đọc sách, thì anh cứ mời đến nhà mình mà đọc thoải mái. Thậm chí, bạn nào cần nghiên cứu lâu dài, thì mình nuôi ăn ở dăm bữa nửa tháng cũng không sao!”. Đàn bà độ lượng quả thật có mưu cao kế đẹp, Trịnh Bửu Hoài từ đó làm theo phương pháp của người vợ, không còn nỗi buồn mất sách nữa. Và từ đó phòng khách của Trịnh Bửu Hoài thường xuyên tấp nập khách văn chương, mà nhân vật lui tới nhiều nhất là Sơn Nam. Muốn biên khảo về núi Sam, kênh Vĩnh Tế hay hành trình mở đất của Thoại Ngọc Hầu, thì Sơn Nam từ Sài Gòn bắt xe đò xuống Châu Đốc, tha hồ ngụp lặn trong kho tư liệu khổng lồ của Trịnh Bửu Hoài, mà không lo canh khuya bụng đói vì lúc nào cũng có sẵn cơm bưng rượu rót. Có lẽ vì tình nghĩa ấy, nhiều tác phẩm in thuở nảo thuở nao chỉ còn một bản, cũng được Sơn Nam ân cần trao lại cho Trịnh Bửu Hoài!
Phòng làm việc của Trịnh Bửu Hoài luôn tràn ngập sách, nên mỗi khi thay đổi công tác là rắc rối vì sách. Nhận quyết định làm Chủ tịch Hội văn nghệ An Giang rồi, không lẽ còn chiếm dụng căn phòng ở Hội văn nghệ Châu Đốc để chứa sách sao, Trịnh Bửu Hoài cân nhắc mãi vẫn không có cách giải quyết hữu hiệu, đành ngỏ ý nhờ cậy mẹ ruột. Nghe Trịnh Bửu Hoài lễ phép thưa: “Má à, con sắp lên Long Xuyên nhận nhiệm vụ mới…”, bà mẹ đã sinh ra con không lẽ không rành tâm tính con, liền chốt hạ: “Cái nhà của mày có chút xíu, mày chở sách về thì vợ con mày ngủ ở đâu. Cứ đem qua đây, tao ngó chừng dùm cho!”. Trịnh Bửu Hoài mừng rỡ vâng dạ rối rít, và gửi sách đến nhà mẹ ruột, bằng… một chiếc xe tải!
Vừa mới gỡ được một bàn thua gay cấn, nhưng vừa ngồi chưa nóng cái ghế Chủ tịch Hội văn nghệ An Giang thì thú chơi sách của Trịnh Bửu Hoài lại nổi dậy. Sách dày sách mỏng, sách Tây sách Tàu được Trịnh Bửu Hoài nâng niu, đã bủa vây Trịnh Bửu Hoài. Phòng ở riêng mà Nhà nước cấp cho cán bộ xa nhà, được Trịnh Bửu Hoài trưng dụng làm phòng chứa sách. Mỗi tối, Trịnh Bửu Hoài vác mùng mền sang ngủ ké phòng họp của cơ quan. Hoàn cảnh bi tráng ấy kéo dài suốt nhiều năm, mà ông Chủ tịch Hội văn nghệ An Giang vẫn cảm giác sung sướng râm ran!
Khi mở tiệc tiễn Trịnh Bửu Hoài nghỉ hưu, lãnh đạo tỉnh An Giang không ngần ngại đưa ra một đối đãi đặc biệt: cấp xăng xe cho Trịnh Bửu Hoài chở sách về quê. Xăng đổ đầy bình, xe chạy liên tục bảy chuyến Long Xuyên – Châu Đốc có khoảng cách 50 cây số, mới hoàn thành sứ mệnh luân chuyển sách ngoạn mục!
Trịnh Bửu Hoài nói về căn nhà ba tầng khang trang ở ngay chợ Châu Long của mình: “Vợ con tui đều sống giản dị, đâu có ham hố gì tường xây với cửa rộng. Tui dành dụm làm cái nhà thật to, là để có nơi trưng bày sách!”. Thật sự, những kệ sách ở nhà Trịnh Bửu Hoài rất trang trọng và ngay ngắn. Trịnh Bửu Hoài sắp xếp sách theo từng thể loại, theo từng tác giả, theo từng cột mốc thời gian ấn hành. Mỗi ngày thong dong và đắm đuối giữa thế giới sách mênh mông, Trịnh Bửu Hoài giống như một thủ thư tận tụy và nghiêm túc. Có nhiều người chỉ thích ngắm sách, chứ chẳng mấy khi đọc sách. Trịnh Bửu Hoài thì khác, ông thẳng thắn: “Trong số sách mình sở hữu, tui đã đọc trọn vẹn hơn 15 ngàn cuốn, còn 10 ngàn cuốn kia thì đọc kiểu trích lục để viết bài!”. Nói vậy là đàng hoàng và sòng phẳng!
Tuy nhiên, khẳng định Trịnh Bửu Hoài nhiều sách nhất miền Tây, thì không chỉ đề cập đến sách do ông sưu tầm, mà còn tính luôn sách do ông sáng tác. Trịnh Bửu Hoài không chỉ thao thức trong những câu thơ phiêu lãng: “Đã mấy năm dư không về nữa. Cuối nẻo trời quê mây trắng bay. Đời ta như một hòn bi nhỏ. Cứ lăn đi trên những dốc dài”, mà ông đã in hơn 50 đầu sách đủ các thể loại.
Ngoài những cuốn sách viết về văn hóa dân gian vùng tứ giác Long Xuyên, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài từng có nhiều tiểu thuyết làm mưu làm gió trên thị trường. Những năm đất nước bắt đầu đổi mới, Trịnh Bửu Hoài nghĩ ngay đến một dòng sách trữ tình đáp ứng nhu cầu của độc giả đương thời. Năm 1987, Trịnh Bửu Hoài viết tiểu thuyết “Tình yêu đâu phải là trò chơi”. Khởi điểm in ba ngàn bản, bán hết vèo ở An Giang. Đầu nậu sách ở Cần Thơ đặt hàng in tiếp 20 ngàn bản, cũng bán hết vèo. Đầu nậu sách ở Sài Gòn ngửi được mùi lợi nhuận, liền ôm một cục tiền xuống tận nhà Trịnh Bửu Hoài xin in thêm 50 ngàn bản. Tổng thu nhập chắc cũng nặng túi nhỉ? Trịnh Bửu Hoài cười khì khì: “Vợ chồng nghèo tụi tui muốn hoa mắt khi có nhiều tiền cỡ đó. Tụi tui nửa tin nửa ngờ, hay là người ta đưa cho mình… tiền giả? Đêm nằm không ngủ được, nửa khuya hai vợ chồng trở dậy, thắp ngọn đèn dầu ngồi đếm lại tiền và ngồi soi lại tiền. Cũng không yên tâm, sáng sớm tui đạp xe chở vợ ra ngân hàng để xem có đổi được… vàng không! Bỗng dưng cầm được tám cây vàng, tụi tui lâng lâng như đi trên mây. Vợ chồng bàn bạc và nhất trí mua luôn một chiếc honda, khỏi phải còng lưng đạp xe cực nhọc nữa!”.
Nhờ văn chương, Trịnh Bửu Hoài trở thành một trong những viên chức có xe máy sớm nhất ở Châu Đốc. Khổ, thớt tanh tao thì ắt có ruồi đậu đến. Thấy cuốn “Tình yêu đâu phải là trò chơi” của Trịnh Bửu Hoài bán đắt chạy như tôm tươi, một kẻ đã nhái theo viết cuốn “Tình yêu đâu phải là trò đùa” ký tên Trịnh Vũ Hoài. Bị phỗng tay trên thành quả sáng tạo, Trịnh Bửu Hoài đâm đơn đi kiện. Cuối cùng, Cục xuất bản ra lệnh thu hồi cuốn “Tình yêu đâu phải là trò đùa” của Trịnh Vũ Hoài.
Qua cơn lận đận, Trịnh Bửu Hoài trở thành tiểu thuyết gia được các đầu nậu săn đón nồng nhiệt. Thậm chí, quan sát vợ chồng Trịnh Bửu Hoài đi chung một chiếc honda, đầu nậu sách đã chạy một chiếc xe máy khác đến nhà Trịnh Bửu Hoài và để lại… xem như ứng trước nhuận bút. Thế nhưng, Trịnh Bửu Hoài vẫn có nguyên tắc nghề nghiệp của ông, kiên quyết không viết bừa viết ẩu. Mỗi năm Trịnh Bửu Hoài chỉ nhận đơn đặt hàng viết ba tiểu thuyết. Trung bình mỗi cuốn, Trịnh Bửu Hoài kiếm được khoảng 5 cây vàng, do đó kinh tế gia đình ông cải thiện đáng kể.
Sau 10 năm viết tiểu thuyết, với hơn 30 cuốn được in và đều tái bản, năm 1997 Trịnh Bửu Hoài tuyên bố giã từ thể loại này để quay lại làm thơ. Và hôm nay, người nhiều sách nhất miền Tây đã 63 tuổi, vẫn hồn nhiên mỗi ngày theo đuổi chữ nghĩa với đau đáu nhân sinh “không còn ai bên máy chữ gọi thơ về”.
Châu Đốc – Sài Gòn, 7-2015
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét