Trịnh Huyền Đào – người ở đất Thọ Trường, Thọ Xuân. Miền quê có con sông Chu trải ra đôi bờ phù sa mía dâu, ngô bãi, khoai mật, bánh gai, nem chua có tiếng trong Nam ngoài Bắc của xứ Thanh. Từ nhà ông vào hương Lam Sơn không mấy xa. Dư âm trận mạc, hội thề Lũng Nhai thuở nào của Bình Định Vương Lê Lợi và các bề tôi còn nôn nao, ngây ngất và tự hào, vang vọng nơi hồn thơ của ông.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
_____
MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “HƯƠNG THỜI GIAN”
CỦA TRỊNH HUYỀN ĐÀO
Trịnh Huyền Đào – người ở đất Thọ Trường, Thọ Xuân. Miền quê có con sông Chu trải ra đôi bờ phù sa mía dâu, ngô bãi, khoai mật, bánh gai, nem chua có tiếng trong Nam ngoài Bắc của xứ Thanh. Từ nhà ông vào hương Lam Sơn không mấy xa. Dư âm trận mạc, hội thề Lũng Nhai thuở nào của Bình Định Vương Lê Lợi và các bề tôi còn nôn nao, ngây ngất và tự hào, vang vọng nơi hồn thơ của ông. Trịnh Huyền Đào là bạn vong niên, tôi thường hay ghé nhà chơi cờ và đàm đạo. Đều là những người du học ở nước ngoài, ông ở Trung Quốc, tôi ở Nga nên dễ thành tri kỷ cũng là lẽ thường ở đời. Trước khi sang Trung Quốc học đại học ông đã có nhiều năm lăn lộn, xông pha nơi hòn tên mũi đạn ở chiến trường Miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bên Trung Quốc ông học cơ khí đóng tàu, về làm kỹ sư nhiều năm ở các nhà máy đóng tàu từ Thái Nguyên đến Sông Cấm, cuối đời về cảng Lễ Môn – Thanh Hóa. Cứ tưởng trong đầu ông chỉ có bản vẽ kỹ thuật, những con số liên miên ma trận, những dự án; cái thành công, cái xếp xó, cái cho vào sọt rác về các con tàu trên sông ngoài biển…nào ngờ ông còn có thứ vũ khí bí mật… đó là…Thơ! Thơ của Trịnh Huyền Đào câu chữ không làm duyên làm dáng, lòe loẹt, màu mè, đồng bóng, nhạt nhẽo như thói đời thường có. Đó là một thứ thơ được viết ra từ những trải nghiệm miên man, thao thiết của đời người. Sự từng trải và chiêm nghiệm nhiều khi đã vắt kiệt ngữ nghĩa, hồn vía câu chữ trong thơ ông.Thơ ấy đương nhiên là thơ đáng đọc và được bạn bè trong văn giới tôn trọng. Vừa mới đây, bạn bè động viên mãi ông mới cho công bố tập thơ “Hương thời gian” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Tôi nhận thấy ở “Hương thời gian” có miền ký ức thao thiết như sóng lòng những nhớ thương, những trăn trở, khuôn mặt người thân yêu, câu ca dao, dòng sông, bến nước, con đò…nơi tác giả đã lớn lên, ra đi và trở về khi mái đầu đã bạc với biết bao buồn vui, hạnh phúc, cay đắng và cả những mất mát, khổ đau. “Hương thời gian” như một định mệnh nghiệt ngã của số phận, ở đó người làm thơ thấy mình nhân hậu hơn, trách nhiệm hơn với cuộc đời này. Bằng cách ấy và không thể khác được, tác giả đã trình bày quan niệm nhân sinh của mình qua những con chữ lặng lẽ, thâm trầm, những tứ thơ đẹp có sức lay động, hàm chứa sự quan sát tinh tế, tươi tắn như chưa hề biết đến tuổi tác của đời người. Thơ vốn không có tuổi. Hồn thơ neo đậu vào cuộc sống như chưa bao giờ chán nản. Có lẽ cũng từ nguyên cớ này mà thơ của Trịnh Huyền Đào rất trẻ; ngôn ngữ dẫn đường cho ý tưởng mọc mầm, bài thơ gọn gàng như khuôn nhạc ru tình là vậy.
“Hương thời gian” là tập thơ thứ hai sau “Tình lặng” của Trịnh Huyền Đào. Bút lực như vậy là không xoàng. In được hai tập thơ vào cái buổi tóc đã hoa cà, hoa cải là cả một sự cố gắng như không thể cố gắng hơn được nữa. Hình như Trịnh Huyền Đào phó thác phận mình, tình yêu của mình cho thơ vậy:
Nghiệp thơ một chút đa mang
Vui buồn thơ vẫn tình tang tang tình.
(Với thơ)
Chỗ khác, ông lại có cách nói về thơ hóm hỉnh và dễ thương:
Chuồn chuồn chao theo gió
Anh mãi gọi… Thơ… Thơ.
(Mãi gọi Thơ Thơ)
Đa mang thì khổ. Thơ không đa mang là thơ nhạt. Người làm thơ đau đời, đau cho phận người khác, đau cái nhiều khi không phải của mình đâu phải là sự lạ. Nếu có lạ đó là sự vô cảm của cái không thiện tâm, của cái ác. Trịnh Huyền Đào có hẳn một chân trời quê hương yêu dấu trong thơ. Đây là nguyên cốt của thơ ông. Hình ảnh người mẹ tần tảo, một đời gian khó ; người dì nhan sắc, dịu hiền nhưng bạc phận; cây cầu Hạnh Phúc nơi đầu huyện; người bạn hy sinh nơi chiến trận không về; những cô thanh niên xung phong ở Truông Bồn…là những chấm phá, đoản khúc, lát cắt đẹp của đời sống có hồn, ru người ở lại với niềm thương cảm, biết ơn:
Mẹ vẫn đứng mặc gió trời chải tóc
Bạc mây chiều thức dậy tuổi đôi mươi
(Mẹ)
Dòng sông thác lũ cồn lên
Dì gieo mình trả nợ duyên cho người
(Dì tôi).
Trịnh Huyền Đào có những bài thơ thấm đẫm kỷ niệm yêu thương, dẫn ta về với miền quê bên bờ sông Chu trong dịu ngọt đợi chờ. “Người ấy” xứng đáng được tôn vinh là bài thơ hay trong dòng thơ tình đương đại.
Người ấy ra sông gánh nước
Lối mòn nghiêng theo triền đê
Người ấy màu da bánh mật
Ngang vai đợi mái tóc thề
Người ấy nhà ở ven đê
Mùa về giăng giăng hoa vải
Ngày xuân tôi sang bên ấy
Hương thơm, thơm cả lối về
Gửi người ở bến sông quê
Tôi đi lỡ hẹn ngày về
Người ấy lên đê đứng đợi
Gió tung rối mái tóc thề
Nhặt vội thời gian thăm quê
Vườn nhà vải vừa độ chín
Người ấy cùng tôi qua đê
Đường về rắc đầy hoa tím
Tôi không biết nàng là ai. Và ông cũng không chịu kể cho tôi nghe về lai lịch của nàng. Tôi chỉ biết một điều chắc chắn rằng, nàng sẽ trẻ mãi, trong trắng mãi, đợi chờ mãi…từ buổi ông còn là chàng trai trẻ với khát vọng yêu đương bùng cháy cho đến tận hôm nay mái đầu của nhà thơ đã bạc. Và tôi cũng dám chắc rằng, cái người có mái tóc thề ở bến sông quê ấy, cùng với hoa vải, hương vải, vườn vải sẽ là khúc niệm tình day dứt khôn nguôi, không lụi tàn nơi tâm hồn luôn mất ngủ của ông về một thời đáng sống!
Là kẻ đầu xanh, kém ông đến hàng chục tuổi. Gặp nhau một chén cười vang phố. Thơ thành món nhắm những lúc nhạt lòng. Viết đôi lời cho tập thơ, mừng cho ông, chúc ông như ý và viết khỏe.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Thanh Hóa ngày 21.8.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét