Mới đó mà đã 40 năm. Một hôm tôi được người bạn đưa đọc bản thảo tập thơ “Dấu Chân Ngược Gió” của Lê Phương Châu, một nữ thi sĩ có quê gốc Diên Khánh. Chị từng là nữ sinh áo trắng của trường Nữ trung học Nha Trang, sau đó theo gia đình lên sinh sống trên miền cao nguyên Pleiku. Từ nơi sinh ra, về sau nhiều lúc ngó nhìn lên, chị đã quay cuồng với những cơn gió ngược.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
Sinh năm 1945, tại Vạn Ninh (Vạn Giã), tỉnh Khánh Hòa
Trước 1975, Chủ trương tạp chí Nhân Sinh
Và sau năm 1975, phóng viên báo Khánh Hòa
_____
CÕI RIÊNG CỦA GIÓ
Gần cuối năm 1975, chốn kinh tế mới Đất Sét, vùng đất phía tây thành cổ Diên Khánh. Từ giã ngọn gió nồm nam, tôi đi ngược những cơn gió đại ngàn trùng trùng âm vang bên những đồi nương ngun ngút. Gió có lúc thét gào, lúc dịu lắng, chỉ “u - u” trong nỗi đời chật hẹp. Và khi không nghe tiếng, có thể lại là lúc nó cất lời ra nhiều nhất!
Mới đó mà đã 40 năm. Một hôm tôi được người bạn đưa đọc bản thảo tập thơ “Dấu Chân Ngược Gió” của Lê Phương Châu, một nữ thi sĩ có quê gốc Diên Khánh. Chị từng là nữ sinh áo trắng của trường Nữ trung học Nha Trang, sau đó theo gia đình lên sinh sống trên miền cao nguyên Pleiku. Từ nơi sinh ra, về sau nhiều lúc ngó nhìn lên, chị đã quay cuồng với những cơn gió ngược.
Thành cổ Diên Khánh liền kề với thành phố Nha Trang. Từ nơi này, những văn nhân đã sống: Tương Phố, Quách Tấn, Cung Giũ Nguyên, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Võ Hồng, Giang Nam..., và thế hệ làm văn chương sau này có CDT, TVG, NAH, NHT, TH, LVT, Lê Phương Châu.
Người cầm bút đều mang nhiều khát vọng. Nhưng những cơn gió ngược vùng cao mà Lê Phương Châu cảm nhận, xem ra lại chứa nhiều cung bậc. Không chỉ lật tung quá khứ êm ả hay những năm tháng trắc trở. Lắm khi nó lại mời gọi, lôi kéo hồn thơ Lê Phương Châu về chốn thanh tịnh vô biên của cõi vĩnh hằng:
Và rong rêu cõi u tình
Tôi đi vào chốn vô hình - một tôi
Có âm vọng, có sông bồi
Phù sa cát lở dạo chơi tương phùng
Lên cao dốc thở mây lùng
Hồi chuông mọc cánh bủa trùng bốn phương
Bờ tôi da nõn mù sương
Dòng tôi khát giọt mưa buồn giao ca.
(Một tôi)
Lê Phương Châu diễn tả “Dấu chân ngược gió” không theo lối tả chân thô thiển, mà quyến rủ người đọc bằng những âm điệu miên man bất tận từ tâm thức và tâm cảnh. Hình như người phụ nữ này, dù trải qua những cảm nhận hạnh phúc của tình yêu, rồi phải gánh chịu những sự bất hạnh từ thế sự, nhưng tâm hồn chị vẫn yên ả nhờ sự cứu rỗi của cái đẹp! Cái đẹp ấy có thể là “nhi nhiên”, như trong một tiếng nói cười đón chào ngày mới:
Lời như đã gió bay xa
Là tôi với tiếng cười oà sáng nay
(Bờ gió bay xa)
Lại có thể như bao người khi nhận ra được sự hữu hạn của một kiếp người:
bài ca với tôi - thời gian
là bản chúc thư thượng tuần trăng tóc liễu
thơ lại về miên man
bên dòng sông nhạt màu năm tháng
(Đôi bờ hư thực)
Sự vi diệu của thơ, của cái đẹp hình như mỗi người đều phải tự đi, tự tìm. Và Lê Phương Châu bằng con đường riêng của mình, đã bắt gặp, chỉ trong một “khoảnh khắc”. Như tựa đề của bài thơ lục bát dưới đây:
đi về cõi tận không tên
câu thơ xếp xó - mực nghiên tịt ngòi
đời người thức giấc chao ôi!
mắt dơi, mắt cú ngọn roi vô chừng
thời gian không có điểm dừng
thì thôi đi nốt đoạn đường dưới chân!
Đọc Lê Phương Châu, từ 2 tập in trước 1975 là “Tình khúc mưa tháng Năm” (1969) và “Thơ Lê Phương Châu” (1972), đến 5 tập mới xuất bản từ 2006 đến 2013 (sau 30 năm ngưng đọng), người ta thấy chị ngày càng vững vàng trên con đường riêng của mình. Bản lĩnh ấy hôm nay càng thể hiện rõ hơn qua “Dấu chân ngược gió”, tập thơ thứ 8 của tác giả. Nên qua những dòng văn cảm nhận này, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc đến Lê Phương Châu. Nhà thơ nữ độc đáo này đã giúp người đọc mở ra được cánh cửa về cõi yên bình sau những cơn gió ngược. Cõi riêng của gió, của thơ Lê Phương Châu bền lâu trong lòng người đọc, như hình tượng chị đã đưa vào câu kết ở bài thơ “Khởi đầu”:
… “Bão chết bờ kè không tan”
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 02.8.2015
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại. _______________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét