Làm sao qua khỏi trùng-dương-đêm-ngày
Xa nhau một nửa vòng quay
Là xa của kiếp đọa đày chia phân (Bước Chân)
Thơ và người đều “hiền” như… đất! Tôi tin rằng bất kỳ ai biết Huỳnh Minh Lệ và khi đọc tập thơ “Chia Nhau” đều có chung một cảm nghĩ như tôi vậy. Cái ngạc nhiên - có chăng - là ở chỗ sao Lệ có thể mang cả một không gian sống, một vùng đất rất đỗi bình thường vào trong thơ dễ và nhẹ nhàng đến lạ! Như lý do giản đơn này chẳng hạn:
Có người thích nằm giường tre
Cho nên đã ở nhà quê suốt đời (Cây Cỏ Trong Lành)
Nó hiển nhiên như một thứ hẹn hò sắp sẵn.
Nó xô đẩy và buộc chặt Huỳnh Minh Lệ thành một gã nhà quê từ thời trai trẻ. Và gã nhà quê mang thêm cái tâm hồn thi sĩ đó, khi về hành nghề dạy học ở vùng Kinh tế mới Xuyên Mộc, thơ đã đi theo như một người bạn đồng hành thân thiết, nó đeo bám không rời!... Nếu hành trình của những câu thơ được khởi đầu bằng cách nói chuyện với chính mình như phần lớn những người làm thơ khác, thì gã nhà quê Huỳnh Minh Lệ đã gieo vần lên giấy như gieo những hạt mầm cho đất, dù đôi lúc nhìn lại, cũng đã phải ngồi bệt xuống đất mà dỗ dành mình:
Tay thư sinh đã u nần
Cầm viên phấn thấy muôn phần khó khăn
Mồ hôi đổi lấy miếng ăn
Có khi nước mắt của thằng đàn ông (Sầu Riêng)
Có lẽ vì bắt gặp những câu thơ rất thật như vậy, mà tôi đã tự hứa dành cho mình một ngày để lang thang, để ru mình vào trong tập thơ “Chia Nhau” mà Lệ vừa gửi tặng! Bắt đầu ngay từ buổi sáng dậy sớm, theo cái nghĩa thời gian tương đối của một cư dân thành thị. Sớm là khi chưa có mặt trời, khi cảnh vật còn chập chờn thức ngủ… Sớm là khi cây cỏ còn thở những hơi sương khoan khoái, chỉ có tiếng xào xạc của lá và những con dơi ăn đêm… Sớm là khi tiếng ồn ào của xe cộ, của những sinh hoạt thường ngày không nhiều lắm, và tôi còn được thấy tôi ở trong:
Anh chạy miết trên cánh đồng tuổi nhỏ,
Đuổi chuồn chuồn, châu chấu buổi chiều quê,
Đêm nằm mộng còn nghe con nghé ngọ,
Gọi tên anh tóc trắng hãy quay về. (Cánh Đồng Tuổi Nhỏ)
Sớm để tìm cái tĩnh lặng hiếm hoi, để khi nhóm lửa còn ngồi nghe tiếng nước sôi, chưa kịp lẫn vào trong những âm thanh uế tạp của tiếng nhạc xập xình nhà hàng xóm… Sớm để tự pha cho mình một ly cà phê, thứ cà phê chỉ có ba phần, còn bẩy phần còn lại là bắp và đậu nành, thứ cà phê “dỏm” như những thứ vay mượn ở một sớm mai ngắn ngủi, uống riết rồi quen mùi vị, và chợt thấy ganh tị với Huỳnh Minh Lệ vì những thứ có được:
Đêm qua mưa bất chợt
Gió xào xạc quanh vườn
Với tay đóng cánh cửa
Đón mấy giọt hân hoan (Đỏ Lòng Người Ơi)
Khi những ngọn đèn đường vụt tắt nhường chỗ cho những tia nắng tia nắng đầu tiên trong ngày, tôi vẫn cứ muốn mang theo cuộc dạo chơi dở dang trong ký ức mà lao đầu vào với mưu sinh thường nhật, mà thấy nhẹ lòng với những tìm kiếm thi vị quanh quẩn trong câu thơ của Lệ:
Ta về mùa gió nam non,
Đi ngang trường cũ nghe giòn tiếng ve,
Không ai đón đợi ta về,
Ta đi cũng chắc không hề ai hay. (Ta Về Mùa Gió Nam Non)
Buổi trưa trở về nhà, dưới cái nắng cháy da, và khô khốc trên mấy con đường ngang qua những ngôi nhà cao ngất bằng kính chói chang, chỉ vài mươi giây khi dừng xe ở một ngã tư đèn đỏ nào đó, người ta cũng phải chen chúc nhau dành lấy chỗ dưới bóng mát của môt vài tán cây nhỏ thưa thớt, chợt thèm những giọt mưa rào
hay tiếng võng kẽo kịt dưới bóng mát của một vườn cây, rồi bất chợt bật cười với tiếng than của thi sĩ:
Tôi đứng lơ ngơ trời đổ lửa
Trên đầu không có một chút mây
Gió mát qua vườn ba bốn bữa
Rồi đi mất biệt mấy ngàn ngày (Ngã Xuống Bên Hiên)
Cũng chưa chắc nó là một tiếng than, cũng không hẳn là một câu hỏi, biết đâu nó chỉ là câu buột miệng do bản tính hiền hòa cố hữu của một nhà giáo, với lối sống quen thuộc khép kín ở một miền xa thành phố, những câu thơ hình thành như một an ủi, một sự tha thứ, bao dung cho những nghiệt ngã chung quanh, những câu thơ đã ăn vào đất, làm đất cũng trở nên hiền hòa và mọc lên những mộng mơ nhưng rất thật, rất đời thường:
Ta ngồi khơi đống lửa
Những cột khói lên trời
Lá xanh rồi lá úa
Cháy một lần rồi thôi (Dọn Vườn Cuối Năm)
Cỏ cây trong thơ Lệ “lớn lên” không cần có những ồn ào bụi khói, không cần có ánh đèn rực sáng… Nó “lớn lên” với mùi rơm rạ, với hương thơm nguyệt quế:
Tôi vun lại khu vườn,
Trồng một cây nguyệt quế.
Nở trắng đêm thiên đường,
Nồng nàn hương trần thế. (Khu Vườn Tôi)
Thơ đó, in hệt như những mẫu đối thoại với kỷ niệm, mặc kệ những khốn khó vây quanh, mặc kệ cái đeo đẳng của căn bệnh quái ác, thơ vẫn cứ là thơ, vẫn cứ là những vỗ về cho cuộc sống, không cầu kỳ, không hoa mỹ, không làm dáng bằng những ngôn từ trúc trắc, thơ Huỳnh Minh Lệ như một chốn trở về bình yên, như những tự sự thân tình, nó như Lệ đang “chia” cho bạn bè những gì mình có:
Về đây tôi và em,
Một chiều vàng quê cũ.
Cây ngọc lan trong vườn,
Vừa hé thêm mấy nụ.(Về Đây Đi Bên Nhau)
Thơ trút xuống đất khô cằn, thơ làm cho đất mềm rũ:
Lại sắp một mùa mưa,
Đất oi nồng thao thức,
Bao nhiêu hạt mong chờ,
Người nửa đêm trở giấc. (Lại Sắp Một Mùa Mưa)
Bầy sáo đen trở về kêu tha thiết
Khói sóng mù khơi, giọt lệ lăn
Đôi má nóng, bờ môi ấm cúng
Người xưa, người xưa, chiều mưa giăng (Chiều Gió Lớn)
Tôi xa quê từ bé, nỗi nhớ đó trống rỗng, không may mắn như Lệ, có chỗ để đi, có chốn để về và có nơi để nhớ… Có những giây phút không yên lòng khi những chiều gió lớn mang nhớ thương dai dẳng về một miền quê đã xa:
Quê mình độ rày dẫy mả
Không về tôi thắp nén nhang
Đất trời cúi đầu lạy tạ
Một mùa bão lũ tan hoang (Những Chiều Gió Bấc)
Hai bên bờ con kênh gần nơi tôi ở đã có con đường tráng nhựa. Buổi chiều đi làm về, nước đã bớt cạn đen và những mái nhà lụp xụp không còn nhô ra chen lấn, nó làm cho lối về rộng và những nghĩ suy thênh thang hơn, một vài đứa trẻ “gan lì” lặn hụp trong đó, tự nhiên lại thấy “bất nhẫn” và thương cho cái thiếu thốn, cái thèm muốn tạm bợ của trẻ con thành phố, mà nhớ về tuổi thơ của mình, nhớ về một dòng sông, mang chở một buổi chiều yên ả với những nhánh lục bình mặc nhiên tự tại trên dòng nước… Huỳnh Minh Lệ thì khác, vẫn không quên những mong ngóng, khắc khoải của một dòng sông quê xa tít:
Tôi chờ em bên bến sông Trà Khúc
Mẹ nhớ cha ngóng bóng dãy Bình Đê
Chuyến xe đò ra đi không về nữa
Đạn bom cày ngăn cách giữa hai quê (Tôi Chờ Em)
Hình như khi gần với thiên nhiên, cái nhớ dễ lan rộng và con người trở nên đa cảm hơn thì phải? Gã nhà quê một buổi mai nào, tự dưng thấy hụt hẫng vì cây sầu riêng trong vườn đổ xuống sau cơn bão, mất mát nào cũng đáng buồn, nhưng cái nuối tiếc của Lệ nó nặng tình, nó gần gũi làm quay quắt như vừa đánh mất thứ gì đó lớn lao hơn nhiều:
Mày cao quá phải không?
Nổi tiếng khắp một vùng
Mày gãy ai cũng tiếc
Ông Trời thật bất công! (Bài Cho Cây Sầu Riêng)
Nhà thơ Ngu Yên nói “Làm thơ cần cô đơn nên cô độc”, nghe cay nghiệt quá! Nếu như ở một lúc nào đó tự nhiên bạn thèm được nói chuyện, thèm được chia sẻ mà không có ai bên cạnh, sao không thử tìm tới “Chia Nhau” của Huỳnh Minh Lệ, để thấy gã nhà quê đã cuốc đất bằng thơ như thế nào, để thấy những lời tình tự, khẽ khàng như gửi gắm chút vui, chút buồn, chút hương vị ngọt ngào của những giọt nước mưa đầu mùa, đủ làm mát lòng người, và xin hãy “Chia Nhau” thật nhiều bạn nhé!
Chia nhau rực rỡ ráng chiều
Trần gian mưa nắng bao nhiêu nghẹn ngào
Chia nhau trời mộng trăng sao
Chia nhau sóng vỗ lao xao đôi bờ
Chia nhau như những ngày thơ
Trước sân trường nữ ta chờ gặp nhau
Chia nhau tóc trắng như lau
Đôi chân đã mỏi vẫn đau đáu tìm (Chia Nhau)…
Sài Gòn những ngày cuối tháng 5/ 2014
N.Đ.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét