- Anh là anh Hai, anh Hai y tá, trung sĩ nhất Trương Văn Hai.
Phúc nhìn người đối diện, nói một mạch về anh Hai, sau khi Hoàng Sang (chủ nhà) giới thiệu, anh Hai có vẻ ngạc nhiên nhìn Phúc hỏi:
- Dường như hôm nay tôi mới gặp chú lần đầu.
- A ha! Hôm nay em mới gặp anh Hai, nhưng em nghe biết anh Hai đã lâu rồi, anh Hai có cứu một chị nữ chiến binh bị thương ngoài mặt trận Tân Rai, Minh Rồng, chị ấy tên là Kim Hoa, cụt một chân đi nạng gỗ hiện giờ đang ở ngoài Lộc An, anh Hai biết không?
Anh Hai gật đầu trầm ngâm nhìn ra khung cửa, ánh nắng ban trưa như dịu lại, một làn gió mát từ ao cá thổi vào thật dễ chịu, con sáo sậu trong lồng treo trước thềm ngoảnh cổ nghiêng nhìn sang con sáo bên ngoài từ trên cành cây bay sà xuống, đậu trên bức tường giậu loét choét tập nói: “Bạn, bạn ơi!”. Con sáo kia bay tới đậu gần hơn, rồi thoắt bay xuống sân mổ vài hạt gạo trông rất tự nhiên và quen thuộc.
- Con sáo đã biết nói. Một người trong bàn hỏi:
- Mình đã nhờ cắt lưỡi cho nó cách đây vài tuần và chỉ tập cho nó nói được vài tiếng.
- Đừng đánh bắt con sáo ngoài để nó đến cho vui.
- Có lúc cả đàn năm sáu con tới, mình còn cho ăn chứ bắt làm chi cho tội, một con nuôi được rồi. Kìa đàn sáo bay tới đậu trên cây bình bát ở cạnh ao bên kia kìa. Sang chỉ đàn sáo ở bên kia hàng giậu cạnh tường rào, bàn tiệc như vui rộn lên nhìn về đàn sáo.
- Còn anh Hai thế nào? Chuyện Phúc nói có thật không anh Hai? Người ngồi cạnh anh Hai hỏi, trầm ngâm một lúc anh Hai nói:
- Ừ chuyện đã qua lâu lắm rồi, kể cũng hơn bốn mươi năm, tôi cứ ngỡ chỉ có hai người tôi và cô ấy biết, còn người lính đi bên cạnh tôi đã mất biệt tăm lâu rồi, tôi chẳng kể với ai bao giờ, vậy mà nay không ngờ có người biết.
Một ký vãng hiện về trong anh, anh Hai tuổi Canh Thìn, năm nay đã bảy mươi bốn tuổi, da mồi, tóc điểm bạc, có nghĩa là ngoài thất thập cổ lai hy rồi, nhưng trông anh rất khỏe mạnh vui tươi và trầm tĩnh, anh sinh ra lớn lên, ăn học ở Bến Tre năm 1960 thi rớt tú tài anh vào học ở trường hạ sĩ quan quân y ở Buôn Mê Thuột, rồi biệt phái xuống đại đội 544 địa phương quân, lính cộng hòa ở Bảo Lộc. Vào một buổi sáng mùa đông năm 1970, sương mù còn dày đặc, đại đội anh hành quân mở đường vào Tân Rai (Bảo Lâm), tới Đồng Rút (tức Minh Rồng) thì chạm súng với tổ công tác chị Hoa, trận đánh bằng bộ binh giao tranh ác liệt chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ, đồng đội anh có mấy người bị thương anh vừa băng bó xong rồi theo đơn vị đi tiếp, vì là lính quân y nên anh luôn đi sau. Đi được một đoạn thì phát hiện trước mặt anh độ hơn chục mét, trong bụi cỏ rậm có một người bị thương nằm quằn quại, anh nhìn thẳng vào, người ấy đang ghì súng chỉa vào phía anh, K’ Biên, người lính đi bên cạnh anh giuơng súng định bóp cò, anh gạt súng hắn ra hét lớn : Không được bắn, và cầm bông băng giơ lên cao nói to với người phía trước: “Đừng bắn để tôi cứu cho”. Rồi anh và người lính vạch cỏ tiến lại gần, chị nhìn anh và người lính bằng đôi mắt rực lửa căm hờn, hàm răng nghiến chặt buông những lời sỉ vả, K’Biên định nhào tới “Trung sĩ để đó em". "Không được, người ta bị thương, chú không được nóng nảy làm càn”. Anh đẩy K’ Biên ra rồi nói với chị: “Cô để tôi băng bó cho”.
Chị vẫn dứt khoát không cho ai đến gần, đụng chạm vào người chị, nhưng anh vẫn dịu dàng nói: “Kìa cái chân cô gãy rồi kìa, máu ra nhiều qúa, cô để tôi băng bó cho, không sao đâu. Chị thấy hai tay anh cầm bông băng, bên hông anh đeo chiếc túi in hình chữ thập đỏ, dáng anh không có gì là ác cả chị mới gật đầu, anh đến ngồi bên cạnh chị, mở túi lấy rượu alcool, thấm bông nhẹ nhàng lau sạch vết thương, cắt tỉa những miếng thị tưa, xịt thuốc cầm máu, xịt thuốc giảm đau, trong lúc đó sự đau đớn hằn lên trên khuôn mặt chị, nhưng chị vẫn can đảm, cắn răng chịu đựng, thật là gan dạ, thật là anh hùng của người lính cách mạng, băng bó xong anh nói với chị:
- Tôi cõng cô lên thảm cỏ trên kia nằm nhé. Chị khoát tay không chịu.
- Chân cô bị thương như thế này làm sao cô đi được, thôi để tôi dìu cô đi.
Anh dìu chị lên thảm cỏ phía trên đồi, đỡ chị ngồi xuống và nằm vật trên thảm cỏ bên nương lúa chín. Sương mù tan dần, trời se se lạnh, tia nắng đầu ngày đã bừng sáng phía chân đồi, mùi máu tanh, mùi dị thảo quyện với hương lúa chín vàng theo làn gió nhẹ thoảng qua. Sau vài phút thuốc đã ngấm, đôi mắt chị như mơ ngủ, hơi thở mệt nhọc, anh nhìn thật lâu, anh nhìn thẳng vào khuôn mặt chị. Trời ạ! Người con gái đẹp như một vầng trăng, một đóa quỳnh, tim anh se thắt, anh vỗ nhẹ vào vai chị:
- Cô nằm đây đợi lát nữa xe cứu thương chở về bệnh viện nhé, tôi phải đi đây. Cô mệt mỏi đưa tay nắm lấy tay anh hàm ý cảm ơn.
Rồi anh cùng người lính đi theo đoàn quân phía trước. Trên đồi sương trắng bàng bạc, lúa chín vàng thoảng mùi hương đồng nội. Đi được vài bước anh ngoảnh nhìn lại, người con gái trở mình rên rỉ, tay bấu vào bụi cỏ chịu đựng với cơn đau se sắt như ôm ghì chặt quê hương mình, đầu anh nặng trĩu lảng vảng chập chờn mấy câu thơ mà anh đã đọc ở đâu đó từ thời trung học:
Hôm qua nghe tin em gục ngã nơi sa trường. Trong vườn anh khóm Tường Vi cũng vô tình nở thêm một đóa. Anh vẫn sống vẫn ăn, vẫn thở, nhưng biết bao giờ, biết bao giờ nói được tiếng yêu em.
Mười năm anh Hai đi lính, hơn bảy năm lăn lóc ngoài chiến trường, anh chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tàn khốc của chiến tranh, những cái chết bi thảm của người lính, có những người bị trúng đạn chỉ kịp kêu lên hai tiếng “mẹ ơi” rồi tắt thở trên vũng máu… Chiến tranh đã đưa con người tới chỗ nhẫn tâm đến độc ác. Đêm ấy anh về ngớ ngẩn như kẻ mộng du, hình ảnh người con gái bị gãy lìa bàn chân trái ám ảnh mãi trong tâm trí anh. Anh dừng lại quán cà phê nơi góc phố bên đường, tiếng hát Khánh Ly réo rắt, vang vọng: Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín. Người con gái ngủ mơ thanh bình, yêu quê hương như đã yêu mình. Em chưa thấy quê hương thanh bình… Em chưa hát ca dao một lần… em chỉ có con tim căm hờn… người con gái chợt ôm tim mình, trên da thơm vết máu loang dần... Em đã đến quê hương một mình, riêng tôi vẫn âu lo đi tìm…
Âm vang bản nhạc cứ vọng đuổi mãi theo anh suốt một đời người không dứt, mỗi lần nghe nhắc đến anh lại thấy nao nao, rưng rức, nhớ người con gái, cô ta ở trong lứa tuổi còn đi học, còn vẻ đẹp nguyên khôi trên khuôn mặt chưa gợn điểm màu son phấn. Nếu không có chiến tranh, thì giờ này cô sẽ thuớt tha trong tà áo trắng cắp sách đến trường, mộng mơ như bao người con gái thị thành khác…. Hơn bốn mươi năm cuộc chiến đi qua, cơn ác mộng đi qua, anh cứ tưởng chuyện cũ cũng cuốn theo năm tháng phai mờ, nhưng hôm nay có người gợi lại lòng anh cảm thấy nao nao. Tôi thấy đôi mắt anh nhìn ra phía trước thỉnh thoảng chớp chớp.
- Còn nữa, anh Hai còn cứu chị Hai Huệ sốt rét ác tính tức chị Châu ở Tứ Quý sau này là chủ tịch xã Lộc An anh Hai nhớ không?
- Ừ mà chú làm gì, ở đâu? mà biết tôi nhiều vậy?
- Sau ngày giải phóng em làm công an của tỉnh, công tác ở bộ phận văn hóa xã và y tế, đã ba lần mang quà tìm anh Hai theo lệnh của Sở, để báo cho anh Hai biết là anh Hai đã có công cứu người cách mạng, vì thấy anh Hai không khai báo mà vẫn đi học tập cải tạo.
- Việc mình làm vì tình người chung chung ngẫu nhiên thôi mà, chứ có công cán gì đâu mà khai báo, hơn nữa giữa chiến trường, họ chẳng biết mình là ai, mà mình cũng chẳng biết họ là ai, gặp nhau một thoáng chốc, rồi đi đâu về đâu, sống chết thế nào làm sao biết được, và rồi biết họ có nhận ra mình không nữa, mình chỉ học tại Đại Bình có sáu tháng rồi về bố trí công tác theo nghề nghiệp của mình ở xã, ân huệ thế là được lắm rồi.
Tôi ngồi cạnh anh Hai, thấy đôi mắt anh thỉnh thoảng chớp chớp nhìn xa xăm như chứa ẩn một nỗi niềm ẩn khuất. Mấy hôm liền tôi bị cám cảnh bởi câu chuyện ấy và nói với anh Hai cùng đến thăm chị Huệ và chị Hoa, ban đầu anh cứ từ chối mãi.
- Không biết bây giờ họ có nhận ra mình không, không khéo họ nói mình đi kể công.
- Bây giờ anh đã 74 tuổi, các chị ấy cũng gần vậy rồi. Hơn nữa giải phóng đã 38 năm, ai nghĩ là anh còn báo công để làm gì?
Cuối cùng rồi anh Hai cũng đồng ý đi với tôi đến thăm chị Huệ và chị Hoa.
Buổi sáng cơn mưa sương vừa tạnh, chúng tôi đến nhà chị Huệ, căn nhà mới xây khang trang nhìn ra khoảng sân rộng còn màu đất đỏ, dọc quốc lộ 20, thôn 2 xã Lộc An. Chị Hai Huệ năm nay đã 73 tuổi, tuổi Tân Tỵ, tóc bạc hoa râm, người gầy ốm, mắt hơi nhòa, chân bước đi chậm chạp, chị già đi trước tuổi khá nhiều, chị không còn nhận ra anh Hai là ai, nhưng khi nói tên thì chị nhớ rõ ràng từng chi tiết ở khoảng thời dĩ vãng như được gặp lại người thân yêu in đậm dấu kỷ niệm một thời đã xa.
- Anh Hai, anh Hai y tá, ở đại đội 544 đóng ở cầu Đại Nga.
Chị cầm tay anh anh Hai rưng rưng cảm động dẫn anh vào nhà, kéo anh Hai ngồi xuống ghế salon cạnh mình, thao thao kể lại một thời trong ký ức đấu tranh cách mạng. Tù đày, gian khổ, bệnh tật, đói nghèo, nỗi cùng khổ đã ập đến với gia đình một cách nghiệt ngã, sau ngày anh Phạm Ngọc Châu, chồng chị bị bắt lính, rồi đào ngũ, bị bắt đi lao công đào binh, chị ra tận Phú Yên chạy cho anh về để vào bưng theo cách mạng kháng chiến chống Mỹ và hy sinh, đó là những năm cuối thập niên 1960, và bốn năm đầu của thập niên 1970, những năm trước ngày miền Nam được giải phóng. Kinh hoàng nhất là đêm 03-11-1969 anh Châu cùng mưới đồng chí của anh về đánh đồn An Lạc và đã hy sinh cách nhà chừng hơn cây số. Đêm ấy là đêm dài xót xa nhất đời chị, tiếng súng đạn đi đoàng xé màn đêm tịch lặng và xé lòng chị suốt quãng đời dài không dứt. Lòng chị thấp thỏm ra vào không an, linh tính cho chị biết có điều gì không lành đang đến, khiến chị đau thắt lo âu, từng khoảnh khắc chờ đợi. Rạng ngày hôm ấy đến bây giờ đã gần bốn mươi bốn năm rồi mà cảnh đời như đứng trước mặt chị, chị nhớ từng hình dáng, khuôn mặt lạnh lùng của tốp lính bước vào nhà chị sáng hôm ấy, trong bọn họ có tên khẽ dí vào lòng bàn tay chị miếng giấy nhỏ báo tin anh chết lúc một giờ sáng trên đồn. Lúc họ đi rồi chị dở ra xem, chị bàng hoàng trời đất chao đảo, nhìn đàn con nheo nhóc bảy đứa, út Lệ mới bốn tuổi chưa biết khóc cha, lúc anh ra đi cháu còn bò xổm, cảnh nào buồn khổ hơn, một gánh đời nặng trĩu đè trên vai người phụ nữ tuổi chưa đầy ba mươi, vừa việc nước, vừa việc nhà. Khi trời nắng bừng lên, tên thiếu úy đại đội phó gọi chị đến chỉ xác anh nằm và bảo chị mang về chôn cất. Trời ạ! Nỗi đau như dao cắt từng khúc ruột, nước mắt chực trào ra chị phải nén lại nuốt vào trong, lặng lẽ đứng nhìn chồng mình cùng mười đồng chí nằm phơi mình giữa nắng ban trưa, chị muốn chạy lại ôm lấy anh, ôm tất cả những người anh hùng quả cảm này và hét to: “Tổ quốc đang còn có các anh”, nhưng một cái gì uất nghẹn, một cảm thức từ trong tim óc trào dâng báo cho chị biết, như lời của anh vang dội vào tai “nén chịu đi em, em còn đàn con thơ dại, còn nhiều nhiệm vụ phía trước, dân Đảng đang chờ….”. Chị đành nuốt đau thương lặng lẽ ra về, chị không dám nhận chồng mình và các đồng chí về mai táng. Vì nếu nhận thì tai hoạ sẽ giáng xuống gia đình chị không biết thế nào lường được. Qua kinh nghiệm của những người đi trước cho chị biết điều đó, chị đành để anh cùng đồng đội ở lại mặc họ làm gì thì làm, mặc đời đến đâu thì đến, rồi xác các anh bị họ gói vào từng tấm áo bằng ni lông vùi dập trong một cái hố bên vệ đường. Y chí nghị lực dù có phi thường đến đâu, nhưng sức người có hạn, nỗi buồn mất chồng, nỗi lo đàn con còn thơ dại, nỗi lo hoạt động cơ sở và đối phó với bọn giặc rình rập ngày đêm, nên chị thường hay ốm đau, cơn bệnh sốt rét kinh niên lại cứ hành hạ thân xác chị vốn đã gầy ốm lại càng xơ xác thêm.
Năm 1971, thấy đoàn lính đi qua, sắp nhỏ dáo dác chạy ra, chạy vào, anh Hai ghé vào nghe tiếng rên hù hụ, hỏi thì chúng bảo mẹ bị ốm sốt, anh vào trong thấy chị nằm đắp chăn run cầm cập, anh chích chi chị mũi thuốc hạ sốt và để lại cho chị một số thuốc uống, vào những ngày sau có cả thuốc bổ dưỡng. Hết bịnh, chị tìm gặp anh Hai nói lời cảm ơn và mời anh về nhà ăn cháo gà, anh Hai nói:
- Thuốc Mỹ mà ơn nghĩa gì, thấy ai bệnh hoạn thì mình giúp thôi mà. Còn về nhà ăn cháo gà thì anh Hai có vẻ ngần ngại.
- Gà ở nhà nuôi chứ có mua bán gì đâu mà anh ngại tốn kém.
Thấy chị thật lòng anh Hai cười bảo:
- Tới đó mấy anh Ba (Quân giải phóng) bắt tôi thì sao? Nếu chị bảo đảm được tính mạng thì tôi đi.
Thời ấy nơi này là vùng lập lờ đôi bên, ban ngày lính cộng hòa đóng giữ, ban đêm quân giải phóng hoạt động, biết chị là người có liên hệ với quân giải phóng nên anh Hai nói vậy, nhưng chị Huệ bảo:
- Không sao đâu tôi bảo đảm cho anh đi đến nơi về đến chốn, có gì tôi chịu.
Đến chiều chập choạng tối, anh Hai rủ hai người lính đi cùng tới nhà chị Huệ ăn uống vui vẻ, khuya mới về, mãi sau này chị mới cho anh biết, ngoài việc cám ơn anh Hai chữa bệnh, chị còn muốn móc nối anh Hai vào cơ sở cách mạng, nhưng vì có hai người lính đi theo nên chị không tiện nói ra. Mấy hôm sau đó anh Hai bị phòng nhì (tức an ninh quân đội) gọi lên, họ tình nghi anh Hai có liên hệ với Việt cộng, nhưng anh quả quyết với họ, vì anh Hai là lính quân y phải giữ lấy lời thề giữa chiến trường gặp ai bị thương cũng phải băng bó, gặp ai bị hoạn nạn phải cứu giúp không phân biệt, “đại úy (tên thẩm vấn anh) cứ điều tra, nếu có gì sai phạm tôi xin chịu hình phạt theo quân pháp”. Đối với anh Hai tình người lấy làm trọng làm trai chẳng may sinh vào thời loạn, bắt lính phải đi thế thôi, chứ nặng nợ bên nào chi cho khổ.
Chuyện chị Huệ tưởng chừng ngần ấy rồi đi qua, nhưng họa vô đơn chí, hai năm sau, năm 1973 sau ngày Hiệp định Paris ký kết, mấy anh chị cơ sở chủ quan đưa chị hai trái lựu đạn, một lá cờ bảo chị đem ra đường treo, kèm theo một lá thư. Các anh vừa quay lưng, trong khoảnh khắc trở tay chưa kịp thì bọn lính ở đâu tới ập vào, chị liền bỏ lá thư vào miệng chưa kịp nhai nuốt, thì bọn chúng đưa giữ tay, đứa bóp cổ, bóp họng móc ra, bắt chị về tiểu khu Bảo Lộc giam cầm tra tấn. Sức người tuy có hạn, nhưng lòng kiên cường vững tin gần như vô hạn, chị cam lòng chịu đựng, và bất khuất trước những trận đòn, ở nhà một đàn con thơ dại nhóc nheo, đói khổ, rét lạnh, ốm đau nhờ mấy anh chị em cơ sở lo liệu, chờ cho đến ngày chị trở về. Ơn trời, thời gian rồi cũng qua đi, ước mơ rồi cũng trở thành hiện thực, ngày đất nước được bình yên đã đến, niềm vui sướng ùa tràn vào lòng chị, lòng mọi người. Những ngày đầu giải phóng, chị được chính quyền cách mạng giao cho làm phó chủ tịch trưởng công an xã Lộc An, rồi lên làm chủ tịch, và bí thư xã, suốt 15 năm công tác cho đến ngày về nghỉ hưu. Và hiện giờ chị sống với Út Lệ, nay gặp lại anh Hai y tá, chị cảm động nhắc lại chuyện cũ mà chị nhớ rất rành rọt, lúc còn làm chủ tịch xã chị có gặp anh Hai một lần, thấy anh Hai nghèo khổ chị bảo anh ra Lộc An chị cấp đất cho làm ăn, nhưng anh Hai không nhận, vì lúc đó anh bận công tác làm trưởng trạm xá xã Lộc Sơn, hơn nữa con cái còn nhỏ nên anh không đi làm xa được. Năm nay chị bảy mươi ba tuổi cũng đã quá tuổi thật thập cổ lai hy rồi, còn chút tình người nào thì qúy chút tình ấy, giữ cho lòng ấm áp, quy luật sinh, lão, bệnh, tử ai mà tránh khỏi, lương hưu chị giờ cũng ngoài ba triệu, nhưng bệnh nhiều quá nên chỉ đắp đổi, mọi việc đều phải trông nhờ vào út Lệ và các con chăm lo. Năm rồi đi bệnh viện Chợ Rẫy đến bốn lần, vì thẻ bảo hiểm không trùng khớp năm sinh với chứng minh nhân dân nên chị phải tự túc lo một trăm phần trăm.
- Mà chú (chị hỏi tôi), nghe sắp tới có chính sách ưu đã cho tù binh cũ phải không? Chú hỏi giùm chị nha!
Chuyện sắp tới làm sao biết được, tôi vẫn phải ừ ừ, dạ dạ để chị yên lòng. Anh Hai y tá ngồi nhấm trà nhìn chị, nhìn tôi:
- Chị Hai biết nhà chị Kim Hoa thương binh ở đâu không?
- Kim Hoa nó ở gần đây thôi, giờ này chắc nó đang lựa chè ở nhà máy Huỳnh Mao ngoài kia, nếu chú muốn gặp để tôi bảo Út Lệ ra chở vào đây chơi. Tội nghiệp nó thân một mình tật nguyền vất vả, trời cho được đứa con gái giống mẹ xinh xắn, nghe đâu làm diễn viên điện ảnh ở thành phố, lâu lâu mới về.
Chị gọi ngay Út Lệ cùng Kim Anh, hội trưởng Hội chữ thập đỏ xã đi chở chị Kim Hoa. Trong một thoáng im lặng, anh Hai đăm chiêu nhìn ra ngoài sân rộng, trời dứt cơn mưa bụi, bầu trời xanh hơn, chị Kim Hoa khó nhọc bước xuống xe, chống chiếc nạng gỗ bước lên bậc thềm tam cấp vào nhà, nét mặt anh Hai đột nhiên biến sắc, đôi mắt chớp chớp nghẹn ngào, anh vội chạy ra nâng dìu chị vào nhà.
- Không sao đâu, em đi được mà .
Việc trong đời có lẽ không ai nghĩ đến và ít ai dám nghĩ đến, một phụ nữ xinh đẹp như vậy mà phải đến nông nỗi này, một bàn chân trái để lại chiến trường, bên nương mùa lúa chín, rộn tiếng chim ca, một khúc cẳng chân ném vào mặt bọn gian thần, tặc tử vô tâm, để nói lên một tấm lòng kiên trung bất khuất của người con gái Việt Nam, một sự hy sinh đáng nể phục. Nhìn chị ai biết ngày còn con gái mảnh mai trắng trẻo lại là một phụ nữ pháo thủ số một bắn súng cối 62 ly của đội nữ pháo binh 8/3, đã từng đối đầu với những binh hùng tướng mạnh, và nhiều lần làm chúng tan tác. Anh Hai uất nghẹn về nhà tâm sự với tôi: “Cô ta chỉ mất một bàn chân trái thôi mà, khúc chân còn lại đáng lẽ ráp chân giả vào đi bình thường chứ, sao lại đến nông nỗi này, phải cưa lên khỏi đầu gối, thật bọn người lang sói tán tận lương tâm”.
Bước vào nhà trong động thái rất tự nhiên thân thiện, anh Hai quàng vào vai chị, như vỗ về một đứa em gái đi xa từ phương trời thăm thẳm lâu ngày tìm gặp lại.
- Cái nét riêng cô vẫn không thay đổi.
- Anh Hai cũng vậy, mới nhìn là em nhận ra anh Hai y tá ngay, chỉ khác là ngày xưa anh trắng và cao gầy hơn, bây giờ anh Hai mập và sạm đen, em nhớ hoài lúc em bị thương anh Hai băng bó xong, đặt nằm trên thảm cỏ, em nói khát nước anh mở bình tông chỉ chế ít nước vào miếng gạc kẹp bông đưa vào miệng bảo em nuốt từ từ thôi, chứ không nên uống, máu ra nhiều nguy hiểm.
- Tôi nghĩ cô không đến nỗi này… Cô chỉ dập nát bàn chân thôi mà. Giọng anh Hai thì thầm và uất nghẹn.
- Em đấu tranh mãi, không khai báo nên họ mới làm vậy, lúc đầu em nghe các bác sĩ trẻ phản đối không chịu cưa chân em, nhưng lệnh của tên thiếu tá bác sĩ trưởng khoa nhiều lần nên họ mới làm, làm xong tên nào nhìn em cũng rơm rớm nước mắt. Thôi chuyện cũ qua rồi năm ấy em mới 18 tuổi, em tuổi Nhâm Thìn, còn anh Hai chắc hơn em vài tuổi.
- Tôi tuổi Canh Thìn hơn cô đúng một giáp, tôi nhớ rõ cô trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan rất xinh đẹp.
- Chỉ có chút gan lì phải không?
- Hơn thế nữa, gan góc một cách anh hùng chứ không hề biết sợ hãi trước quân thù, mặc dù có nhiều khuôn mặt đằng đằng sát khí nhìn chằm chằm vào mình.
- Đến mức vậy rồi sợ gì nữa, chết là cùng, lúc đó nếu súng em còn đạn thì làm sao họ bắt em được, có khi em phải hy sinh như anh Phương và K’Chui.
- Nếu ngã xuống thì chắc chắn là tôi phải ngã trước, vì tôi đứng trước họng súng của cô, như vậy cảm ơn khẩu súng hết đạn để còn có nhau trong cõi đời này.
- …….
Chị nhìn anh, anh nhìn chị rồi nhìn ra phía trước trong ánh mắt sâu thẳm dường như họ còn có gì nợ nhau, chị nợ anh vì lời giận dữ hờn căm ban đầu, anh nợ chị cái khúc xương cẳng chân, vì bổn phận, vì lương tâm chưa làm tròn. Về nhà anh nói với tôi: “Hôm ấy hoặc hôm sau mình thường xuyên ra bệnh viện thăm nom thì cái chân có thể không bị cưa như vậy”. Giờ chị như vầng trăng khuyết lung linh và huyền ảo giữa trời khuya, chị nói về cái quá khứ của chị cũng đầy trắc ẩn. Chị sinh ra trong giai đoạn cuối thời chống Pháp, trong gia đình ông ngoại và ông cậu (em ông ngoại) bị giặc Pháp bắt chém đầu, gia đình hoảng loạn chị bị quăng vào gốc mù u, kiến vàng bu quanh. Đến năm bảy tuổi, luật số 10/59 của Ngô Đình Diệm ban hành, chúng lê máy chém đi khắp nơi truy tìm những người hoạt động cách mạng theo Việt Minh, năm 1960 gia đình phải di dời lên Tứ Quý, An Lạc, Lâm Đồng, nơi này lúc bấy giờ còn là xứ núi rừng thâm u cùng cốc đầy sương mù, giá buốt, thú dữ, muỗi mòng và sốt rét, bắt được đường dây liên lạc với quân kháng chiến. Năm 1966 chị mới 14 tuổi thoát ly theo cách mạng vào khẩu đội pháo binh 8/3, đến rạng sáng ngày 15-11-1970 trên đường đi đánh đồn Tân Rai về, tổ công tác của chị gồm : Chị, anh Nguyễn Hồng Phương và K’Chui bị lính địa phương quân phục kích bắn chị bị thương, còn anh Nguyễn Hồng Phương và K’Chui hy sinh bên mé suối cách chỗ chị nằm chừng hơn chục mét, đối với anh Phương vừa là người đồng chí vừa là một nghĩa huynh, anh luôn xem chị như một đứa em gái. Một sự đau thương mất mát đến với chị không thể nào tả hết. Tháng rồi tìm được hài cốt anh Phương, chị đưa anh về tận quê hương Quảng Ngãi để an táng, gia đình anh cảm động cư xử với chị như người con trong gia đình.
Sau ngày ra viện chị bị bắt làm tù binh chiến tranh giam giữ ở nhà lao Quy Nhơn, khi ra tù năm 1973 chị viết thư xin vào lại căn cứ tiếp tục chiến đấu, nhưng tình hình lúc bấy giờ vô cùng căng thẳng, mặt trận quá sôi động, bản thân chị lại tật nguyền nên Bộ chỉ huy mặt trận trả lời với chị là “Ở đâu cũng làm cách mạng, cũng đấu tranh được”, nên chị ở lại cơ sở địa phương. Sau ngày giải phóng nhờ các chị Sáu An, Bí thư thị xã, chị Sáu Hồng (cùng ở tù với chị tại Quy Nhơn) bảo lãnh giúp đỡ để chị hưởng chế độ thương binh.
Thời gian dần trôi, mọi sự gian truân rồi cũng qua đi, đến năm 1985 chị sinh được một cháu gái xinh đẹp, đó là cháu Ánh Hồng. Ánh Hồng chào đời như một vì sao hôm, hiện lên giữa bầu trời hồn chị. Lớn lên cháu thi đậu vào trường sân khấu điện ảnh, và giờ là diễn viên sáng giá nổi tiếng trong các phim truyền hình, như Ngã Rẽ (trong vai cô Trâm); Đất Năm (vai chính nhân vật Thắm); Trở Về Hai (vai cô Đào); Chuyện Mùa Thu – Hoàng Hôn Ấm Áp… đó là nguồn động viên an ủi cho chị trong tuổi về chiều. Khi hỏi về đời sống, chị ung dung mỉm cười “Đời cho thế là đủ rồi”. Niềm vui dâng tràn, chuyện trò đã qua trưa, chúng tôi tạm biệt, anh Hai đưa chị về nhà./.
Bảo Lộc, tháng 07 năm 2013
T.Q.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét