Trường tôi học suốt nhiều năm có bác lao công cần mẫn tên là bác C. Bác ấy hiền lắm, thậm chí tôi còn chưa có cơ hội để nghe bác nói một câu chuyện gì đó cho dù gặp hàng ngày. Cắm cúi với công đơn điệu lập đi lặp lại: mở đóng cổng, đánh trống thể dục đầu giờ giữa giờ, làm một số việc khác theo phân công của Ban giám hiệu... Hình ảnh của bác gắn liền với ngôi trường như một sự đương nhiên.
Chúng tôi không biết nhà bác ở đâu, gia đình thế nào. Rời mái trường, học lên, vào đời, tôi không có dịp gặp lại bác. Mãi lâu lắm về sau, mấy lần nhác thấy bác lủi thủi đi ngoài đường buồn hiu, hỏi thăm người quen mới biết bác ấy đã nghỉ việc, gia cảnh quá khó khăn, bác quẩn trí đi lang thang! Nghe mà xót lòng... Người ta chỉ cho tôi ngôi nhà lá xập xệ của bác dưới chân cầu đông đúc xe cộ, một ngôi nhà tối tăm, ẩm thấp...
Hè đang đến, mẹ lại bệnh, đói lòng lúc khuya, cầm cà men lang thang rời bệnh viện tìm mua cháo, cuối cùng đến gần chiếc cầu, dưới ánh đèn đường là xe bán cháo của ai đó, tôi mua 10.000 đồng cháo, và nhân tiện hỏi về nhà bác C, cô gái nói nhẹ tênh: “Cha tôi đó anh, đã mất lâu rồi!”, tôi sững người.
Cầm ca men cháo về bệnh viện, thấy mình có lỗi với một con người đã hết lòng với ngôi trường, góp công chấp cánh cho bao học trò quê... Sao chúng tôi không đến thăm bác ấy, dù chỉ một lần? Bác lao công ơi, con xin lỗi!
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét