- Bong bóng đê…. ê…
- Bóng cho bé đi dì…
- …
Những chiếc bóng bay bơm lâu đã bắt đầu “đi” bớt hơi khiến chúng không còn căng bóng và vút cao lên trời nữa. Chúng là đà ngang đầu thằng bé tuổi mười bốn và còn hứa hẹn sẽ xuống thấp nữa.
- Bong bóng đê… đê… ê…
Tiếng rao của thằng Dũng “sình” khản đặc. Có lẽ nó chưa ăn gì. Tám giờ tối rồi chứ ít ỏi đâu. Từ chiều tới giờ bán có gần chục cái bóng bóng, hơn hai mươi ngàn đồng, tiền vốn là… tiền lời là… Làm sao dám ăn gì chứ, đĩa cơm lùm lùm cũng hết mười hai ngàn, cái bánh bao sượng ngắt “chọi chó chó chết” cũng mất năm ngàn. Thế là nhịn, về nhà ăn cơm vậy.
Dũng “sình” không ưa đi bán bong bóng đâu. Nó chỉ thích ngày một buổi đi học, buổi còn lại vô vườn đùa giỡn với mấy đứa em, vườn rộng lắm, tha hồ lượm củi khô, hái dừa, hái mận… Nhưng đó là hồi nó còn nhỏ kìa, hồi đó nhà nhỏ mà vườn rộng, bây giờ nhà lớn nhưng vườn nhỏ, nhỏ xíu hà, chỉ còn đủ cất cái nhà và vuông sân cho “đòan quân” anh em nó lúp xúp đứng ngồi là hết chứ không có chỗ chạy nhảy gì cả.
Đời có nhiều sự tếu táo đến đau lòng. Như người nọ tên Thăng thì được (hay bị) người ta thêm vào hai chữ “Hội đồng”, tên Bằng thì thêm vào từ “Cò”, tên Dũng thì “sình”. Như vậy cũng chưa đủ sốc nếu biết rằng ba thằng Dũng tên Thiệu và người đời gắn vào hai từ “Tổng thống”.
Nhà “tổng thống” đông “quân” lắm. Những tám thằng con trai. Thằng Dũng lớn nhất mười bốn tuổi, đứa em gái út hơn một tuổi còn rúc vú mẹ, mỗi khi bà đi chợ đều bồng nó theo, bà ngồi lựa đồ thì nó dựa vào lưng mẹ và nhai bầu “dải mướp”. Cũng tại “tổng thống” cả, hồi đó nhà nhỏ thì đất lớn, ham con gái quá, biểu vợ đẻ hòai, kiếm chừng nào có đứa con gái thì thôi. Vậy nên “vượt chỉ tiêu” đến sáu trăm phần trăm. Đất phải bán bớt, bán dần để nuôi bầy gà, vịt, cút… rồi phải cất nhà cho chúng ở chứ hổng lẽ ở “chuồng” hòai? Thành ra bây giờ nhà lớn nhưng đất nhỏ.
“Tổng thống” biểu thằng con trai lớn:
- Nghỉ học nghen con, học lớp 3, biết… đếm tiền là được rồi, ở nhà đi bán bong bóng phụ tao nuôi bầy em. Mấy cha con mình sáu chiếc xe “bao vây” tám cửa chợ là không giang hồ nào lọt hết con à!
“Biểu” có nghĩa là phải vâng lời. Không được cãi, không được ý kiến ý cò gì hết. Dù mê đi học lắm, nhất là môn vẽ, thằng Dũng vẽ rất có nét, nhiều bức tranh bằng bút màu sáp thôi nhưng “có thần” như ma nhập. Thì kìa, hôm tết nhà nó được bà con cho cặp cúc (mua lúc chợ hoa ế), vậy là nó bỏ vào hai chiếc chậu sành, nhưng chậu men trắng đơn điệu quá, nó lấy bút phóng ào ào vài tranh rồi sơn phết và cắt dán lên thân chậu. Khách đến ai cũng phải trầm trồ. Vậy mà nó phải nghỉ học, lời ba nó vừa “phán” xong là đám em đã “chia gia tài” những sách, vở, tập, bút… của nó rồi.
Xe bóng bóng của thằng Dũng chỉ lèo tèo vài cái, “chỉ tiêu” ba nó đưa ra là mỗi buổi bán hai mươi cái, ngày hai buổi thu về hơn năm chục ngàn là đạt “doanh số” rồi. Bình bơm cũng nhỏ xíu như dáng nó vậy. Thường thì người ta mua bình gas (loại bình 13 kg) rồi về nhờ thợ hàn cắt, sửa sao cho hai chiếc bình liền nhau, có ống thông nhau, bên này để khí đá, bên kia chứa hơi. Một cặp bình như thế nặng gần ba mươi ký. Còn bình của thằng Dũng chỉ độc một cái, nhỏ như chiếc gối ôm. Đó là bình hơi của xe tải, chừng hơn năm ký. Là vì thằng Dũng không tài nào chở nổi cặp bình kia nên sau khi đốt hơi bên bình lớn, ba nó lại “bơm” vào bình nhỏ này. Khi bán nó chỉ cần kê miệng bong bóng vào là có sẵn hơi ngay, không cần bận tâm chuyện “hết nhiên liệu” như bình lớn.
Ngày hai buổi gồng mình đỡ chiếc xe bong bóng tránh những cơn gió ngược và nhiều đợt gió xóay của không gian thông thốc trống khiến thằng Dũng mệt lắm. Chợ không có một tàn cây chắn gió, chỉ ngập tràn những rừng ăng ten và nhà cao tầng, vậy nên gió cứ tha hồ trườn qua mọi thứ, đến chiếc xe bé bỏng của Dũng thì nghịch ngợm cuốn phăng một phút là đổ nhào. Những tiếng “bụp… bụp…” tan nhanh vào không gian cũng là lúc thằng Dũng mặt méo xẹo đi nhặt lại từng mẫu bóng vỡ. Vậy nên nó phải gồng mình đỡ xe mỗi khi gió đến.
Nó chỉ muốn được ngủ thôi. Sáng cũng như tối. Sáng đi tới trưa về “nộp” tiền cho má xong thì lăn ra ngủ, ngủ đến khi nào con bé út lấy núm bình sữa to sầm cứng ngắt chọc vào mũi thì dậy. Ăn tô cơm rồi chuẩn bị cho buổi chiều bằng những công việc không biết gọi tên, cũng không từng có trong trí tưởng. Tối về lại nuốt nhanh tô cơm nguội cùng tô canh lạnh rồi lăn ra ngủ trên chiếc giường tre hẹp lép cạnh ba đứa em đã nằm sẵn. Thế là xong một ngày.
Vậy mà đêm nay nó vẫn chưa được về bởi những chiếc bong bóng còn ế ẩm. Không biết ai mở hàng mà ế thế này? Dù đã hai lần “đốt phong long”, rồi lại “thắt gút dây” như thế ném đi nhưng xui xẻo không mong muốn nhưng xe bong bóng của Dũng vẫn ế như chưa từng được ế. Bán gần chục cái bóng, có nghĩa là hơn chục cái vẫn còn treo nhùng nhằng kia. Gió đêm bắt đầu thổi dữ, cũng là bóng càng bay lọan xạ, có chiếc đã bắt đầu rơi xuống chân sào nhưng Dũng cứ mong bán được đồng nào hay đồng nấy. Bóng này mới bơm giá bốn - năm ngàn, bây giờ khuya rồi, ai mua ba ngàn cũng bán… ừ mà hai ngàn cũng bán luôn... nếu có người từ tâm mua hết thì một ngàn cũng bán.
- Ê bóng bay! Nhưng hết bay rồi! Bán cho cháu bà một cái coi! Tự dưng đang ngủ giật mình đòi mua bong bóng hà! Cũng may nhà gần công viên chứ xa thì làm sao? Bao nhiêu?
- Dạ… ba… ngàn.
- Gì ba ngàn? Cho hổng ai thèm lấy tại cháu bà khóc quá nên phải mua! Một ngàn nghen?
Hỏi vậy nhưng bà đã ném một ngàn vào giỏ xe và quày quả cầm bóng về phía bên kia đường. Chiếc giỏ xe thủng đáy khiến đồng xu rơi “cạch” xuống nền công viên. Thằng Dũng tay vịn xe, tay dò dẫm tìm đồng tiền vừa rớt.
- Ê bóng! Còn bi nhiêu bán “mão” bao nhiêu?
- Dạ… mười ba cái… hai anh cho em xin ba mươi chín ngàn thôi.
- Gì Bưởi? Bóng mới nóng hổi giá bốn ngàn, giờ bóng nguội ngắt mà ba ngàn hả?
- Sao hai anh không mua giùm em lúc bóng mới bơm?
- Lúc đó không cần! Bây giờ Bao Tự của tao đòi nghe tiếng bong bóng nổ mới chịu cười nên tao làm phước cho mày đó! Mừơi ba ngàn, chịu thì rút hết đưa đây!
- Dạ… cám ơn hai anh nhiều lắm.
Thằng Dũng đưa xâu bóng cho hai thanh niên khi tiếng xe máy của họ vẫn nỗ giòn và lao đi vun vút. Cầm mười ba ngàn nó mừng như bắt được vàng. Tiền mới quá, thơm quá, tuy là dân buôn bán nhưng từ trước tới giờ nó chỉ nhận những đồng tiền cũ rách thôi. Có lẽ người ta nghĩ, những chiếc bóng mua xong rồi nổ thế này thì trả bằng tiền sờn rách là “phước” cho người bán lắm rồi. Bây giờ cầm được mấy tờ tiền mới còn thẳng băng lại thơm nồng mùi mực hỏi sao nó không vui như mở hội. Ơ… nhưng sao chỉ có hai tờ mệnh giá một nghìn, hai nghìn là có hình Bác Hồ, còn tờ mười nghìn thì hình ông nào lạ hoắc? Trong ánh đèn đường chuệnh chọang, thằng con trai mười bốn tuổi với học vấn lớp ba đánh vần mãi mới đọc được dòng chữ “Ngân hàng địa phủ”.
Gió lại nổi lên. Những cơn gió ồn ào vật vã hun hút vào màn đêm chỉ để lại sau lưng những vệt trắng của bụi bặm, bọc ni lông, giấy vụn… vừa tung hê sau cuộc viễn du.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét