(Đọc tiểu thuyết Thám tử yêu của Bùi Anh Tấn)
Trải một kiếp người, ai cũng có cho riêng mình một hành trình kiếm tìm người bạn đời để cùng nhau chia sớt ngọt bùi cay đắng. Hành trình ấy có khi dễ dàng như cảnh ánh nắng sớm mai tìm thấy đóa hoa xinh trong vườn nhà. Nhưng nhiều hơn, hành trình ấy thường khiến người trong cuộc phải kiệt sức mệt nhoài vượt qua bão tố mưa sa hòng tìm đến bến bờ hạnh phúc. Với Thám tử yêu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2014), nhà văn Bùi Anh Tấn dẫn dắt người đọc đến với cả hai kiểu hành trình như thế.
Bắt đầu bằng một nhan đề gây sự tò mò, từng trang tiểu thuyết Thám tử yêulà từng trang những chi tiết bí ẩn dần được hé mở trong sự hồi hộp của độc giả. Hành trình chàng thám tử trẻ Nguyễn Nguyên đi tìm tung tích về một chàng trai xa lạ nào đó tên Minh Mẫn, ngạc nhiên thay, người đọc lại có cảm giác chính là hành trình của Nguyên đang tìm về một bí ẩn rất mơ hồ có liên quan mật thiết đến anh. Cùng một giọng văn mơ hồ ấy, tình cảm của Nguyên và nàng Tuyết Lan luôn phủ đầy cảm giác mong manh. Song song đó, các nhân vật Bạch Vân, Bạch Hổ, Yang Cheng có liên quan gì đến Nguyễn Nguyên? Và Vũ Hiệp là ai? Như thể đang tìm nhau thêm lần nữa trong chốn tình trường mê mải khi tạo hóa trớ trêu đã một lần chia cắt phận duyên, liệu khi bức màn sự thật được phơi bày, các nhân vật có được hạnh ngộ đoàn viên?
Nếu như nhiếp ảnh có Yêu là yêu của Maika gây tiếng vang, sân khấu có đại diện là kịch hình thể của đạo diễn Như Lai, thì Bùi Anh Tấn có lẽ là nhà văn được nhắc đến nhiều nhất trong văn học đồng tính. Được mệnh danh là “nhà văn của người đồng tính”, Bùi Anh Tấn tỏ ra chắc tay hơn với Thám tử yêu, từ xây dựng cốt truyện đến tạo dựng nhân vật. Suốt 400 trang sách, nhà văn đã làm chủ được câu chuyện khi liên tục… “thắt nút gỡ nút”. Độc giả chưa kịp hả hê khi hiểu ra chi tiết này thì đã vướng vào sự khó hiểu của chi tiết kia. Chính lối kể truyện lồng truyện, hiện tại quá khứ xen lẫn hoán đổi đã tăng thêm sự hấp dẫn cho tác phẩm. Đó là quả ngọt cho những ngày dày công chăm bón. Với tâm niệm viết không đơn giản chỉ là thỏa mãn cái tôi, mà tác phẩm phải có chiều sâu nhân văn, phải có thông điệp gửi đến xã hội, người đọc, Bùi Anh Tấn luôn ý thức trau dồi kiến thức nền, chọn lọc bút pháp đột phá và trau chuốt ngôn từ. Thám tử yêu, vì vậy, trước hết đã thành công chính nhờ tấm lòng tâm huyết với nghề của người cầm bút.
X.T (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét