Năm 9 tuổi, tôi được bố mẹ gửi về sống với ông bà ngoại và cậu út. Từ một đứa trẻ thành phố, tôi phải học cách quen với cuộc sống đi trên nền đường đất đỏ, có tiếng gà gáy mỗi sáng.
Quê ngoại tôi ở vùng đồi núi của Bắc bộ. Ông bà tôi làm nghề nông, trong nhà có nuôi một đàn lợn con, hai con trâu và rất nhiều gà vịt. Ngày nghỉ, tôi theo bà đi chăn trâu. Đồng lúa bát ngát trước mặt khiến tôi choáng ngợp với màu xanh trải dài tít tắp.
Trong nhà, ông ngoại là người chìu tôi nhất. Ông tôi là cựu chiến binh đánh Mỹ. Mỗi buổi tối, ông bà và tôi hay ngồi ở hiên hóng mát. Ông kể cho tôi nghe chuyện ở chiến trường năm xưa, chuyện ông cứu đồng đội như thế nào, rồi truyền thuyết về loài chim bói cá, về con rết. Những chuyện ấy, ông kể đi kể lại mà tôi vẫn luôn thấy chúng hấp dẫn, thú vị. Hôm nào, ông quên kể chuyện là tôi phải đòi ông kể mới đi ngủ được.
Ở quê tôi, người ta không xây tường gạch làm hàng rào mà trồng cây dứa dại, cây xương rồng làm ranh giới, rào chắn. Bao quanh vườn nhà ngoại là hàng dứa dại tốt um tùm. Khi cây dứa to, ông ngoại mang dao đi phạt bớt cho tàu lá khỏi lan ra vườn. Những lúc như thế, ông tìm chiếc lá nào to, dài, đẹp rồi ông tước hết gai, kết thành chiếc chong chóng cho tôi chơi. Chiếc chong chóng có 4 cánh, ông xiên thêm chiếc cành nhỏ vào giữa làm trục cầm. Có lần, tôi xin ông làm cho 5 cái chong chóng. Tôi mang đi khoe và phát cho bọn trẻ trong xóm. Cả lũ í ới, chạy đua xem của ai quay tít và lâu bị tuột hơn. Bước chân chạy huỳnh huỵch cả xóm. Con đường đất đỏ mùa khô bị tụi trẻ quậy khiến bụi tung mù mịt, đỏ ngầu quần áo. Mỗi bận lên rừng về ông giắt đầy quả làm quà cho tôi. Chẳng ai biết thứ quả ấy tên gì chỉ biết là chim ăn được thì người cũng ăn được.
Ở đầu sân nhà có một cây mít to. Ông lấy một phiến gỗ dày, buộc thừng ở hai đầu rồi treo lên cây. Từ ngày có cái đu, bọn trẻ trong làng hay đến nhà tôi chơi. Chúng rất thích cái đu này.
Ông tôi là người khéo tay trong làng. Người trong làng thường đến nhờ ông đan cho cái giọ bắt cua, cái rổ, cái rá, có người còn nhờ ông đan cho cả nôi cho em bé nằm. Tôi cùng mấy đứa em cứ lăng xăng chạy quanh sân xem ông đan lát. Ông ra bài toán đố xem ai giải được ông sẽ đan tặng cái rổ con con. Ôi, trẻ con ai chẳng thích mấy thứ ấy.
Ngày ấy, ông đã dạy tôi ăn một món ăn đặc sản khiến tôi nhớ mãi. Buổi tối, hai ông cháu cầm khoảng hai chục cái bẫy ra vườn. Tôi soi đèn cho ông đặt bẫy. Ông tìm chỗ nào có lối mòn nhẵn, hơi ẩm để đặt bẫy. Sáng hôm sau, y như rằng có một dây dài những con chuột bị dính bẫy. Ông cùng cậu út đốt rơm thui và lột da chuột. Bữa cơm trưa, ông bày lên mâm những cái đùi chuột xinh xinh rán giòn, vàng xộm, ngậy mỡ và thơm lừng. Tôi không dám ăn nhưng ông và cậu cứ gắp vào bát giục tôi ăn. Tôi đánh bạo ăn thử, không ngờ thịt chuột ngon đến thế. Từ đó thành ra tôi lại mê món thịt chuột.
Nhớ có năm mất mùa, trong nhà còn ít gạo mà bố mẹ tôi vẫn chưa gửi tiền về. Bắt đầu vào bữa cơm, tôi phụng phịu vì trong mâm chỉ có mấy miếng thịt mỡ, nồi cũng ít cơm. Ông nhìn tôi hiền hậu: “Không dỗi con nhé, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều nha”. Nghe ông nói, tôi ngoan ngoan ăn mà không dám mè nheo nữa. Câu nói ấy, in sâu mãi trong tôi, như một hành trang trong cuộc sống sau này.
… Ông tôi đã mất được gần 5 năm. Thi thoảng có thời gian rảnh tôi cùng bố mẹ vẫn về thăm bà và cậu mợ, rồi ra đồi thắp nén nhang lên phần mộ của ông. Tôi thầm nói: “Ông ơi, con nhớ ông lắm”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét