Chiều nay chủ nhật con trai chở mẹ lên phố. Phố đã lên đèn. Những ngọn đèn tròn như những cái tô đầy ánh sáng vàng úp ngược. Qua cầu Chữ Y mát rượi. Người qua cầu đông đúc. Mình đi người ta cũng đi mà. Con trai cực kỳ lịch sự. Thứ bảy hoặc chủ nhật nào cũng một lần chở mẹ lòng vòng lên phố, kể từ ngày mẹ không còn tự chạy xe được như xưa vì cơn đột quỵ. Đi thư giãn thôi. Chẳng có việc gì quá cần thiết hay gấp gáp. Ngang qua trụ sở của nhóm P. ngày xưa, mẹ đột ngột kêu lên:
Con trai ngơ ngác, nhưng cũng dừng.
- Má kêu dừng ở đây làm gì?
- Má nhìn cái này một chút.
Thực ra là nhìn-lại-nơi-này một chút. Hoài đã đi ngang đây biết bao nhiêu lần. Những lần vội vàng và những lần thong thả. Biết bao nhiêu lần trong bốn mươi năm chia lìa. Những lần đầu ngay sau ngày vật-đổi-sao-dời, đau đớn, tiếc nhớ quặn thắt một nơi chốn đi về bè bạn có nhau. Những lần càng về sau lòng lắng đọng hơn, chỉ mông lung nỗi nhớ. Nhưng dạo gần đây thì bỗng da diết nhớ nhiều thứ trong đời. Có lẽ tuổi về hưu cho người ta có nhiều thời gian hồi tưởng hơn. Cơm áo gạo tiền cũng không còn là một bức bách thúc giục.
Ngày z tháng 4 năm 1975. Chuyến cứu trợ ở trại tạm cư Cát Lái đã không còn tiếp tục. Hoài quẹo xe vô trụ sở nhóm P. Gần 9g. Cứ tưởng rằng giờ này nếu không đủ mặt thì cũng có ít nhất vài ba mạng. Nhưng buồn thay… Và hạnh phúc thay, ở P. chỉ còn một mình Hoài!
Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi. (VL)
Không phải là “chưa đủ”, phải nói là “không còn ai”. Hoài với lá vàng khô. Hoài với tiếng chim hót trên ngọn cây si. Hoài với không gian không bao la nhưng riêng tư thân thiết. Có phải là đã đến lúc phải ly tán rồi không? Hoài ngậm ngùi với riêng Hoài, với những điều đẹp đẽ còn giữ gìn trong lòng. Hai câu thơ của Viên Linh cứ mơ hồ âm vang trong đầu Hoài. Có lẽ gần 10 giờ. Một số bạn đến. Nhưng vẫn cứ là chưa đủ. Làm sao đủ mặt được trong những ngày thấp thỏm này? Một tuần lễ trôi qua. Những buổi học cứu thương ở cư xá sinh viên Phục Hưng. Những hình ảnh, tin tức trên báo, đài phát thanh, đài truyền hình. Những lời đồn đãi truyền miệng. Hoài chóng mặt với mọi thứ vây quanh đời sống. Sách vở có những hôm đành để mốc meo. Sách vở có những lúc trở thành vô nghĩa, dù không thừa thãi. Cổ nhân ba ngày không đọc sách soi gương thấy mặt mũi khó coi. Hoài có khi cả tuần vẫn lật đi lật lại những quyển sách mà không thấy gì ngoài tăm tối. Sách vở thì ích gì cho buổi ấy? Hoài hỏi Hoài hàng chục hàng trăm lần như vậy mỗi lần ngồi trước sách. Hoài vẫn sống từ lâu coi đời như ảnh ảo, như cơn mộng du dài với cảm giác mọi sự của đời, dù khổ đau hay hạnh phúc, rồi chỉ là “rác rến nổi lều bều” trên mặt nổi của đời sống. Vậy mà cớ sao, lúc này đây, lòng Hoài cứ quắt quay một sự gì không tả được! Hoài vẫn ngồi đây, dựa lưng vào bờ tường vàng ố trong sân P. Bạn bè mấy người ngồi hát trong phòng. “Người sẽ thấy Việt Nam bình minh. Người sẽ thấy Việt Nam hòa bình”.
Buổi chiều chập choạng. Cây si cổ thụ cao ngất ở sân sau vẫn còn, in một khối đen kỳ bí lên nền trời mờ tối lô nhô những mái nhà xung quanh. Đứng ngoài bức tường cao vẫn thấy nó vươn lên trời bên trong. Thuở Hoài sinh hoạt ở nhóm P., nó chưa cao như vậy. Ôi cây si của bọn Hoài, bốn mươi năm nó vẫn đứng trầm mặc nhìn thế sự bể dâu. Người ta đã biến toàn bộ Viện KHGD ngày xưa, nơi có trụ sở sinh hoạt của bọn Hoài, thành một nơi kinh doanh. Khoảng sân rộng trong viện bị tận dụng tối đa, xây nhà ngang dãy dọc làm kho chứa, làm cửa hàng. Và tất nhiên người ta đã đốn ngã gốc trạng nguyên lá hai màu xanh đỏ và những hoa lá khác trong sân trước. Cây si còn đó có lẽ vì nó đứng khiêm tốn một góc ở sân sau. Sư huynh giám đốc viện đã đi xa ở phương trời khác. Các frère trợ lý cũng tản mác về đâu đó. Với tuổi tác ấy, có lẽ ít người còn lại với đời. Hoài chưa bao giờ trở lại bước vào nơi này, kể từ biến cố bốn mươi năm trước. Hoài không còn tư cách gì để trở lại nơi này khi chủ nhân là những người xa lạ và nó không còn là một cơ sở giáo dục nữa. Và những thành viên của nhóm P. đã tan tác muôn phương. Con trai nói, má ơi, đứng hoài ở đây sao? Hoài nói, ừ, thôi mình đi, con. Con trai lại nhẫn nại chở mẹ lòng vòng lang thang.
Những ngày tháng xa trước tháng 4 năm 1975. 8 giờ là thời điểm tất cả mọi thành viên của nhóm P. phải có mặt. Những buổi đầu có các frère hướng dẫn. Về sau sư huynh giám đốc để cả nhóm tự sinh hoạt tự đề ra chương trình hoạt động. Đôi khi là một buổi học tu thân với các frère hoặc một nhân vật uy tín tiếng tăm nào đó. Đôi khi là một ngày cắm trại ở đâu đó. Đôi khi là một ngày đi công tác xã hội ở một viện cô nhi. Đôi khi chỉ là gặp nhau hát hò chơi đùa và “trình làng” cho nhau các bài thơ bài văn bài nhạc mới sáng tác. Có khi chia nhóm nhỏ tổ chức thi nấu ăn. Mùa hè tổ chức chương trình “Đường Vào Đại Học”, nhiều buổi hướng dẫn và cung cấp thông tin về từng trường đại học cho các cô cậu Tú mới toanh sắp vào đại học. Mùa Tết làm báo quay ronéo. Trời ơi, nhớ quá những mùa Tết quây quần bên nhau làm báo. Năm nào nhóm cũng ra một tờ báo đầy đủ thơ văn nhạc họa. Chỉ là cây nhà lá vườn, đánh máy, vẽ và trình bày trên những tờ stencil rồi quay ronéo và đóng thành tập. Bài vở đủ thể loại đủ giọng điệu vì các tác giả, thành viên của nhóm, là sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau, như Đạt học Toán Sư Phạm và Trần học Y nhưng sáng tác nhạc rất cừ, như Nghiệm học Triết Vạn Hạnh và Vũ học Toán Sư Phạm nhưng vẽ và trình bày không thua kém ai, như Chi xuất thân trường Tây nhưng dàn dựng kịch rất có nghề, như Tuyết học Văn Khoa, Xuân học Khoa Học, Dung và Anh học Kỹ Thuật Phú Thọ nhưng múa rất dẻo. Chỉ có Hoài là không có khả năng gì đặc biệt nên, như một sự tất nhiên, học Văn Khoa thì chỉ biết tập tành viết tùy bút và thơ thôi. Và làm diễn viên quần chúng làm khán giả độc giả làm bưng bê phục vụ bữa ăn thì tất cả mấy mươi thành viên của nhóm đều làm rất tuyệt.
Đường phố chiều cuối tuần rất đông xe đông người. Con trai nói, má ơi đi ăn chưa, con đói bụng rồi đây. Đi ăn, có nghĩa là trạm cuối của cuộc rong chơi trước khi về nhà. Đôi khi là quán bánh cuốn. Đôi khi tiệm mì Quảng. Đôi khi quán món Huế. Đôi khi tiệm mì Tàu. Đôi khi quán bánh xèo. Đôi khi nhà hàng Tây. Có khi quầy cơm tấm lề đường. Không nhớ hết những nơi nào hai mẹ con đã đến ăn sau những chiều rong chơi. Con trai đã đi làm và luôn luôn hào phóng với mẹ, cho đến khi cháy túi vào cuối tháng lại mượn tiền của mẹ. Mẹ cho mượn và không bao giờ đòi lại. Trong tiệm ăn, mẹ con thường nói-chuyện-tâm-tình không đầu không đuôi với nhau. Như có một lần:
- Con có bạn gái chưa? Sao không thấy dẫn về giới thiệu?
- Bạn gái con toàn là “chiến hữu” má ơi. Má đừng nóng ruột. Từ từ sẽ có.
- Má sợ con ngốc nghếch, bị con gái “xỏ mũi”! Mấy đứa con gái quá quắt ấy.
- Vậy ngày xưa má có “xỏ mũi” ai không?
Có phải làm mẹ thì lòng vẫn luôn muốn bảo bọc con dù con bao nhiêu tuổi! Con luôn hồn nhiên dù biết đủ chuyện đông tây kim cổ vì dành nhiều thời gian lướt web và là chuyên viên phần cứng máy tính. Con theo dõi thời sự và bày tỏ chính kiến nhưng không đầy trăn trở như mẹ ngày xưa. Có thể vì con sinh ra trong thời bình, không hề biết thế nào là chiến tranh là sống giữa hai làn đạn như mẹ đã biết.
Ngày y tháng 4 năm 1975. Lúc này tôi thèm được nói chuyện với một ai đó vô cùng. Nhưng còn ai, như cô dạy Triết ngày nào nói chuyện yêu thương, chuyện tình người dưới mái trường trung học thân yêu xưa? Còn ai như cô để nói chuyện giọt nước nhỏ nhoi muốn thấm nhuần một đại dương lửa đỏ hận thù của quê hương? Còn ai như cậu Trường và bài học làm người đứng thẳng như thông khi sống khi chết? Còn ai như thầy Đỗ, biểu tượng cho sĩ khí một thời thầy trò chung vai làm việc? Tôi nhớ đến anh Ngô, mắt sáng quắc cương nghị ghé thăm tôi tuần trước. Anh mất biệt ở đâu đó trên rừng trong một thời gian dài. Tôi nhớ những điều chúng tôi nói với nhau, chuyện xưa, chuyện hôm nay, chuyện ngày mai. Người anh cả của những ngày tranh đấu đòi lẽ phải cho kẻ thế cô của thời trung học ấy, anh cũng còn nhiều lý tưởng như tôi như bạn bè tôi vậy. Nhưng còn biết phải làm sao? Sáng nay Trần đi công tác cứu trợ ở Long Thành. Tuần trước Lan đã đi quyên tiền cứu trợ. Ít nhất bạn bè nhóm P. của tôi cũng không đến nỗi ngoảnh mặt làm ngơ trước những đau khổ quanh mình, dù ít dù nhiều. Tôi ao ước bạn bè tôi và tôi làm hết sức mình những gì còn có thể làm được. Tôi cũng đã cố gắng ở riêng phần tôi. Như những ngày xa xưa đã nói chuyện với cô dạy triết, nếu mình có làm được gì cho người khác, thực ra tự bản chất cũng chỉ là làm cho mình - cho sự lớn lên của giọt nước yêu thương trong lòng mình. Tôi cảm thấy tuyệt vọng và vô dụng. Tôi cảm thấy cần có ai đó bên cạnh hiểu mình.
Khi về con chở mẹ đi ngang nơi ngày xưa là Bánh Mì Nguyễn Ngọ trên đường Trần Hưng Đạo. Có phải ngày xưa Vũ hay chở Hoài đến đây mua cả bao bánh mì gà cho nhóm P. ăn trưa không? Vũ là người đầu tiên giới thiệu bánh mì gà Nguyễn Ngọ với con bé nhà quê là Hoài, bằng cách mua cho Hoài một ổ khi hai đứa bắt đầu thân thiết nhau. Vũ nói Vũ thích chè Hoài nấu. Ừ, món-ruột Hoài hay nấu cho nhóm P. là chè bánh lọt Bà Ba rặt miền Nam mà. Ngày xưa Hoài đi học đi sinh hoạt bằng xe đạp, chiếc xe đạp mini hiệu Lucia của Pháp bé xíu như Hoài. Mỗi lần nấu nướng Vũ phải chạy honda tới nhà chở Hoài và cái nồi chè to đùng vào trụ sở nhóm. Sau đó lại chở Hoài và cái nồi không về nhà. Rồi có khi không nấu nướng gì Vũ cũng hay đưa đón để Hoài không phải cực nhọc đạp xe. Những xế chiều, Hoài đứng trên lan can lầu hai Văn Khoa sau buổi học ở giảng đường II, nhìn xuống đường thấy Vũ ngồi trên xe đợi ở cổng trường. Trong giỏ xe có một ổ bánh mì gà cho Hoài. Cho đến ngày Vũ ra trường nhận nhiệm sở phương xa… Đã bốn mươi ba năm. Bánh mì Nguyễn Ngọ cũng không còn sau ngày bãi-biển-hóa-nương-dâu ấy. Con trai không hiểu gì cả khi mẹ nhắc bánh mì gà Nguyễn Ngọ. Nhưng mẹ thì cứ nhìn mãi nơi ấy ngày xưa…
Ngày x tháng 4 năm 1975. Tôi đã cùng người bạn thiết bao lần mơ những chuyến tàu xuyên Việt về thăm Hà Nội, quê hương của bạn, một ngày đất nước thanh bình. Những giấc mơ của thời nhỏ dại đẹp và thánh thiện vô cùng. Nhưng bây giờ đây, ước mơ ấy cũng quá xa vời vợi, trở thành không tưởng. Huế, Đà nẵng, Nha Trang… rồi đã trở thành chỉ những tên gọi suông quá xa vời. Thì sá chi Hà Nội, cũng đã là một nơi chốn mơ hồ! Mùng 8 tết, sinh nhật bạn 23 tuổi, tôi nói tháng 6 thi xong sẽ lên Đà Lạt thăm bạn. Đà Lạt của bạn, của “những buổi sáng trời lạnh đi lên sân Cù nhìn xuống hồ Xuân Hương để thấy nhớ trà cúc vô cùng”, của những chiều mưa bạn nhìn lên đồi thông có cảm tưởng “mình như một nấm mồ”. Một buổi mai thức dậy, biết mình không còn dịp nào tháng 6 lên đồi rong chơi cùng Vũ, tôi ngỡ ngàng biết mấy! Hà Nội đã không, rồi Đà Lạt cũng không. Năm kia, 1973, bữa cơm tiễn Thủy vào Trung tâm 3, hứa với nhau sẽ có ngày ra Đại Lãnh. Một lũ bạn bè. Một đoàn du mục. Ba lô trên lưng đàn trên vai. Tiếng hát sẽ hòa cùng tiếng biển. Cho hết những ngày hè mơ ước. Nhưng đã không bao giờ nữa rồi, Đại Lãnh. Và cũng sẽ không bao giờ còn nữa, Nha trang, với biển thênh thang cho một mùa hè 72 ra chơi của cô học trò vừa rời trung học…
Hai mẹ còn về nhà đã là đêm. Ánh đèn vàng dọc những con đường trên phố luôn luôn làm Hoài buồn dù có bao nhiêu ngọn chiếu rực rỡ đến đâu. Hay vì bản tính Hoài hay buồn hay nhớ! Cảnh vật Sài Gòn thay đổi từng ngày, nhưng cảm giác trong Hoài những ngày sắp Tết chớm lạnh hình như bao năm vẫn vậy. Đã nhiều năm Hoài không uống cà-phê vì trái tim loạn nhịp của mình. Nhưng đêm nay bỗng dưng Hoài muốn rủ rê con trai cùng thức khuya một chút, bày cà phê ra hiên nhà uống một chút. Và lại cùng con nói chuyện tâm tình. Cũng một chút thôi.
N.B (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét