Nó buông phịch tấm thân lấm lem mồ hôi bết dính cả bụi bẩn lên chiếc võng mới tinh của chị Tươi rồi lên giọng:
- Tui đã nói bà nhiều lần rồi, mua cái màn về treo trước bàn thờ cho đỡ tội. Ai hổng biết đây là nhà bà mướn, đây hổng phải là bàn thờ ông bà của bà. Nhưng cứ để phông phênh vậy rồi mấy bà “chà lết quết sảm” qua lại trước ban thờ, tội lút đầu luôn! Mần ăn hổng lên nổi đâu!
- Ê… ê… hình như mày là em tao chứ không phải cha tao đâu mà dạy đời nghen Bưởi!
- Em hay cha gì hổng biết, thấy quấy là nói!
- Bưởi à, mày làm dễ kiếm tiền quá nên nói ngon ơ vậy thôi! Cái màn bạc trăm ngàn đó, giỏi cho tiền tao mua đi!
- Tui mua cho bà ba cái cũng được. Nhưng của nào hổng do mình làm ra là mình không biết trọng.. he…he…
- Ê, nói nghe coi, lơ xe hỉ mũi chưa sạch như mày ngày được nhiêu? Chị Tươi vẫn quen giọng xỏ xiên.
- Có nhiêu đâu, ngày ăn uống nghỉ ngơi chủ lo hết. Cho năm bảy chục xài bậy thôi!
- Trời ơi! Hồi đó sanh gần kho đạn hay sao mà nổ dữ vậy ông?
- Không, phải nói là sanh gần lò than nữa mới đúng! Thúy đang đắp mặt nạ cũng góp lời.
- Mấy bà nói chưa chính xác. Phải nói ba tui là kho đạn, má tui là kho than nên tui bây giờ vừa nổ vừa đen như vầy! Hé… hé…
- Nghe hông Thúy, nhờ ba má nó đặc biệt như vậy nên nó hổng biết buồn. Còn mày… cái đồ chồng bỏ mà cũng đi buồn!
- Gì? Bà Thúy chồng bỏ hả? Buồn hả? Ối… tại thằng chả bỏ lần đầu nên bà buồn thôi. Mai này chả lạy lục rước bà về rồi lại bỏ bà bảy, tám bận nữa là bà “chai” luôn, hết buồn!
- Cái miệng mày ăn cơm hay ăn gì vậy Bưởi? Chồng người ta mới bỏ có một lần đã rầu thúi ruột, mày còn trù bỏ bảy, tám lần?
- Là tui nói ngừa vậy. Chứ cái thứ chồng mà đánh đập đuổi bỏ vợ được một lần là mai này quen “nư” nó sẽ bỏ riết hà!
Nó cười he he nhảy lên xe đạp đi tuốt qua nhà khác. Nó. Thằng nhóc mới 17 tuổi nhưng như ông cụ non. Cả xóm lao động này bao nhiêu người không ưa nó là bấy nhiêu người mến nét hồn nhiên của nó. Cha nó không phải là kho đạn đâu. Ừ, mà cha nó chắc là kho đạn thiệt. Đạn… miệng. Nổ riết, tỉ tê riết, hứa hươu hứa vượn riết cho tới chừng nó to bằng trái dưa leo trong bụng mẹ nó thì cái kho đạn… miệng ấy biến mất. Mẹ nó bán cháo gà nuôi nó mươi mấy năm nay. Hồi đó mẹ nó nghèo nên tiết kiệm đến nỗi dù xửng gà luộc tú nụ cũng không dám cắt cho con cái cánh để gặm chơi. Mà luôn bắt nó nhai xương mót của thực khách. Nhai riết nên miệng nó dẻo mà nhiều chuyện vậy. Mà hình như chuyện gì nó nói cũng đúng. Nay không đúng thì mai mốt gì sẽ đúng.
Gần năm nay, nghĩa là khi tròn mười sáu tuổi nó theo mấy anh em trong xóm đi làm lơ xe tải. Mà chắc nó sẽ làm lơ suốt đời chứ không bao giờ lên tài xế được. Vì không biết chữ. Mẹ nó bảo, kệ, không biết chữ cũng không chết “thằng tây nào”, chỉ cần siêng năng lao động, sống bằng mồ hôi nước mắt từ công sức của mình thì không sợ chết đói cũng không lo bị tù tội. Vậy là xong.
Sau một chuyến hàng đi năm ba ngày gì đó, nó về là uỵch ngay xuống tiệm uốn tóc của chị Tươi. Hết mệt thì lê sang nhà chị Tý để nựng nịu, hù dọa thằng con hai tuổi của chị xong rồi mới về nhà tắm táp ăn cơm.
Thúy thấy cuộc sống của thằng Bưởi sao mà vui vẻ quá. Chả bù với mình… dù Thúy hơn nó chỉ 3 tuổi thôi.
Mùi thuốc duỗi hăng và cay quá, Thuý phải nhắm cứng cả hai mắt mà vẫn còn nghe cảm giác cay nóng phả vào tận chân mi. Giọng chị Tươi vẫn đều đều:
- Thuý lúc này chồng bỏ mà coi bộ đẹp ra nhen! Da trắng nè, bớt mụn nè, duỗi tóc thẳng ra, nhuộm thêm line nâu đỏ kiểu sọc dưa nữa là bảo đảm teen chán!
Nhỏ Na châm chọc:
- Coi chừng hổng phải nhờ chồng bỏ mà đẹp ra mà là đẹp ra nên chồng bỏ đó chị Tươi!
Mặc ai nói, Thuý vẫn nhắm nghiền mắt mà dõi về “tổ ấm” của hai năm qua. Mới hai năm thôi mà sao dài đăng đẳng thế, mà sức lực đâu để mình chịu đừng bền bỉ vậy Thuý cũng không biết nữa. Hay tại như người ta nói, yêu nhau rồi thì thứ gì cũng vượt qua? Kể cả không cơm ăn, không nhà ở, không việc làm? Chậc, cái nhà có phòng tắm lộng lẫy như trong phim mà Thuý từng mơ ước ấy, hoá ra lại có thật ngoài đời. Nhà có hai chị em, chị lấy chồng nước ngoài, còn lại mẹ già và tất cả tài sản đều là của chồng Thuý hết. Thuý chịu khó chiều mẹ chồng, người già ấy mà, càng trở tính nhiều thì ngày “đất gọi” đã rất gần. Rồi khi ấy, vợ chồng tha hồ nâng niu, bỡn cợt nhau. Thuý nghe lời chồng như chiếc máy. Bước đầu là bỏ việc ở tiệm may về nhà hầu hạ cơm nước, quần áo cho mẹ chồng. Mà nhà có nhiều việc chi đâu. Nhà vườn ba trăm mét vuông, một ngày bắt đầu từ việc lo bữa sáng cho mẹ chồng rồi kéo ống ra tưới kiểng, bắt sâu cho vuông vườn. Xong vô ném quần áo vào máy giặt rồi xách giỏ đi chợ. Nấu cơm chờ chồng về rồi cùng ăn. Khi mẹ chồng và chồng nghỉ trưa thì mình dành ít phút đi phơi quần áo, sẵn tém dẹp luôn mớ chén bát và bắt nồi chè đậu xanh lên cho mẹ chồng tráng miệng giấc xế. Chiều ủi ít quần áo cho chồng đi làm và mẹ chồng đi đám tiệc chi đó. Rồi lại xách giỏ đi chợ chiều để mua được đồ tươi ngon. Nhà có tủ lạnh nhưng mẹ chồng không cho mua thức ăn cả ngày, nhất là rau cải, vì như thế sẽ kém tươi mà còn chật tủ. Mẹ muốn ăn buổi nào mua buổi đó “Vì chợ sát bên hông nhà. Mà con cả ngày chỉ việc nấu ăn chứ có làm gì mà sợ mất thời gian”. Thuý cấn bầu, thai hành chỉ còn da bọc xương như ngày ngày vẫn làm việc như truớc kia. Mẹ Thuý tới thăm, xót con nên xin chị sui cho rước Thuý về nhà ít hôm. Mẹ chồng ngọt ngào “Ừ thì con chị, dâu tui chứ đi đâu mà mất. Ý chị tốt thì tui biết nhưng tui chỉ sợ bà con láng giềng chê cười tui không nuôi nỗi con dâu thì kỳ lắm. Thôi vầy nha, cứ để con Thuý ở lại đây, nó chỉ việc ăn rồi nằm nghỉ, chuyện gì trong nhà này tui cũng làm hết á”. Vậy là hết hi vọng, kể từ khi lấy chồng niềm hi vọng của Thuý nhỏ bé lắm: được ngủ một bữa thật đã, nắng xỏ lỗ tai rồi mới dậy, rồi vợ chồng chở nhau đi ăn, về nằm xem tivi tới giờ trưa lại ra quán tiếp… Giá mà Thúy được “nuông chiều bản thân” như thế thì nói làm gì.
Thuý sinh khó, phải mổ. Mẹ chồng chì chiết con dâu “không biết đẻ”, dù bác sĩ đã giải thích hết lời rằng khung xương chậu nhỏ, nước ối ít không phải là lỗi của người mẹ. Sinh mổ thì sữa ít, em bé đã quen bú bình mất rồi. Lại thêm nhiều áp lực từ phía mẹ ruột và mẹ chồng nên Thuý mất sữa. Mẹ chồng giành nuôi con dâu, mẹ vợ ngày hai lượt mang gà tần, canh đu đủ hầm giò, bắp non chưng óc heo tới cho con gái những mong vớt vát tí sữa mẹ cho cháu ngoại. Tắm táp em bé là nhiệm vụ của bà nội, giặt giũ áo quần cho hai mẹ con là bổn phận của bà ngoại. Mẹ Thuý mệt phờ người nhưng cũng không mệt bằng cảnh bắt gặp chị sui xì xụp húp canh giò hầm đu đủ còn con gái mình ăn đĩa cá con kho quẹt! Bà lý giải “Đàn bà mới sinh phải ăn khô hạn cho chặt bụng. Hồi đó bà nội sắp nhỏ nuôi tôi cũng vậy mà hai đứa con vẫn mạnh khù. Mấy thứ này bỏ cũng uổng nên tôi ăn giùm nó vậy”. Mẹ Thuý chết sững, một mực đòi rước con gái về. Thì rước. Nhưng chỉ rước mẹ nó thôi, còn cháu nội để lại cho tôi! Thuý và đứa con ngoe ngoe khóc kia thành “chiến lợi phẩm” của hai bà già. Cuối cùng, Thúy chịu không thấu, nằm tại trận.
Mà chồng Thúy có hiếu tệ. Từ ngày con thôi nôi, Thúy nhất quyết không ở nhà chiều mẹ chồng nữa mà đi may lại. May gia công ấy mà, ăn sản phẩm đi sớm về tối làm được nhiều, cuối tháng lãnh lương khá, mua được cho con vài lon sữa, vài bộ đồ mới, dăm ba món đồ chơi trẻ em. Nhưng Thúy về thì không có cơm ăn! Thằng bé con mặt mày lem luốc nằm ngủ vật vạ nơi góc cửa. Chồng Thúy đi làm theo ca, mà anh cũng không quen chuyện chăm con nhỏ. Bà già chồng bảo, nhà bà vô phúc, có con dâu mà cũng như không. Thấy phim “Người đẹp Tây Đô” không? Biết tuồng kịch “Lá sầu riêng” không? Con dâu như vậy mới là con dâu chứ! Còn dâu của bà… Đã vậy thì tự lo cho mình đi, bà không phải “mọi” đâu mà vừa chăm con cho nó, lại nấu sẵn để nó về ăn! Chồng Thúy nghe lời mẹ. Đi làm về là vật ra ngủ. Lương đưa mẹ hết. Ưa ăn gì thì mẹ nấu. Còn hai mẹ con Thúy thì tự lo cho nhau. Bốn thành viên trong nhà mà hai mâm cơm. Thường thì mâm bên kia đầy đặn, mâm bên này là… cơm hộp.
Con mười bốn tháng, Thúy bồng về nhà mẹ ruột.
Hai tháng sau, chồng công khai chở bồ đi qua nhà mẹ vợ. Riêng với hàng xóm, anh bảo rằng sẽ ly hôn Thúy để cưới cô bồ kia.
Bây giờ con mười tám tháng, nghe đâu chồng Thúy sắp cưới cô bồ. Vậy là chồng bỏ Thúy thật rồi (nhưng Thúy vẫn đinh ninh, làm sao mà bỏ được khi hai người vẫn chưa xé giấy kết hôn). Lương thợ may hơn ba triệu, làm ngày mười tiếng đồng hồ. Hôm tăng ca phải làm mười ba tiếng. Tháng tăng năm lần như vậy. Con có ngoại chăm sóc. Có thể nó thiếu vắng một góc tâm hồn nhưng về vật chất thì tròn trịa.
Người ta bảo, tại Thúy xơ xác quá nên chồng bỏ. Thấy con bồ của ảnh không? Mướt rượt luôn! Từ tóc tai, quần, áo, trang sức, dáng vóc… Thứ nào cũng đẹp long lanh như gà luộc lá chanh.
Chị Tươi bảo, duỗi tóc đừng có vội. Càng để tóc thấm thuốc bao nhiêu thì mai mốt tóc đẹp bấy nhiêu. Mà Thúy sốt ruột quá. Ba tiếng đồng hồ rồi còn gì. Chị Tươi lại bảo, ba tiếng mà ăn nhằm gì. Sáu, bảy tiếng là bình thường. Tóc bết dính vào thuốc, không quạt, không sấy gì hết nhé! Cứ để thấm tự nhiên bằng sức nóng của nắng trời tới chừng nở bung như rẻ quạt là gội xả rồi hấp dầu nữa là có ngay mái tóc óng mượt đến nỗi thằn lằn leo cũng trượt chân!
Thúy ra khỏi tiệm chị Tươi lúc chạng vạng. Điện thoại mở nguồn lên thấy mười hai cuộc gọi nhỡ. Toàn số của bà ngoại bé. Chắc về bà chửi cho một mách cái tội ham làm đẹp bỏ con. Mái tóc như dài hơn, mượt mà suôn thẳng đến nỗi Thúy không dám sờ lần thứ hai. Xe đạp cót két qua ngõ nhà thằng Bưởi thấy nó đang “ngự” ngay ngạch cửa với lổn nhổn thau, nồi, chén bát. Nó đang rửa chén phụ bà già, nói xóc óc Thúy:
- Ê bà Thúy! Xong rồi hả? Tóc đẹp quá hén? Hết bảy “xị” phải không? Suôn quá rồi, đẹp quá rồi! Vái ông địa cho thằng chồng bà vì mái tóc này mà hết bỏ vợ! He… he…
Chiều xóm lao động những cơn gió cũng mệt nhoài vạ vật nên không tung hê luôn tít tầng cao. Mà gió cứ rề rà qua từng ngõ ngách xộc lên mùi cá khô nhà ai đó đang chiên. Lại vèo qua thùng cháo cặn của nhà bà Y. dành cho lợn rồi vòng về cuốn mùi nhang trầm của nhà tiệm tạp hóa X…
Hương tóc mới duỗi của Thúy cũng có mùi riêng lắm. Mùi hi vọng.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét