Trong cái hữu hạn không định trước của một kiếp nhân sinh, dù đi bằng hai chân hay đi bằng gậy, đôi lúc có thể phải lăn lê bò toài…để tồn tại và đứng lên, người ta dù thân phận thế nào cũng phải đi qua cái hành trình không thể chối bỏ, không thể lảng tránh của đời người. Đinh Ngọc Diệp cũng có một hành trình như thế. Anh chìa tay ra đón nó, dũng cảm chấp nhận sự thách thức của thiên mệnh đã định sẵn trước ma trận muôn hình vạn trạng của đời sống.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
_____
HÀNH TRÌNH QUA NHỮNG LÁT CẮT CỦA ĐỜI SỐNG
(Thơ Đinh Ngọc Diệp-Nxb HNV 2015)
Trong cái hữu hạn không định trước của một kiếp nhân sinh, dù đi bằng hai chân hay đi bằng gậy, đôi lúc có thể phải lăn lê bò toài…để tồn tại và đứng lên, người ta dù thân phận thế nào cũng phải đi qua cái hành trình không thể chối bỏ, không thể lảng tránh của đời người. Đinh Ngọc Diệp cũng có một hành trình như thế. Anh chìa tay ra đón nó, dũng cảm chấp nhận sự thách thức của thiên mệnh đã định sẵn trước ma trận muôn hình vạn trạng của đời sống. Có điều đó là một hành trình thơ, một hành trình nhọc nhằn được thể hiện qua những ghi nhận, suy ngẫm và cảm thán.Phải vậy chăng, mà tập thơ đầu sau hàng chục năm làm thơ, anh lấy tên là Hành Trình (NXB Văn học, Hà Nội -2015). Đinh Ngọc Diệp đã bộc lộ rất rõ cái nhạy cảm của mình khi chứng kiến những đổi thay ghê gớm của đời sống. Lịch sử bao cấp tù đọng và kinh tế thị trường mở, là cú hích mỹ học tạo nên diện mạo và tinh thần mới cho thơ. Hành trìnhcũng không là một ngoại lệ. Trong dòng chảy của thời đại, đây đó có sự bịp bợm trắng đen lẫn lộn, may thay Đinh Ngọc Diệp đã có một giọng thơ riêng không hòa lẫn. Đó là giọng thơ săm soi vào hiện thực, nhưng phải là thứ hiện thực biết nói, hoàn toàn không ngộ nhận, ngụy biện, suy đồi.
Mạo hiểm là một nửa vui thú, người làm thơ nhiều khi phải có cái mạo hiểm của thơ. Hiện thực đôi lúc diễn ra thái quá, buông tuồng như một tấn trò đời, dễ dẫn tới sự cô đơn của tâm hồn và cảm xúc. Khi ấy người ta lại cầu cứu những cách tân mạo hiểm, những câu thơ mạo hiểm. Sự khác biệt nhiều khi trong thơ là chỗ mạo hiểm này. Nhiều câu thơ của Hành trình có được cái hồn vía ấy. Câu chữ cứ quấn lấy nhau, dồn nén, tranh luận, cãi nhau với hiện thực: Nước lờ trôi, bờ lững thững/ Sông đi/ Cành vươn trời, rễ đâm vào đất/ Cây đi/ Đêm Nô-en có một người không lỡ hẹn/ Ngày đi/ Con đội khăn lùi, dẫn cha xuống huyệt/ Người đi/ (Đám tang). Một cuộc chia tay có hậu. Câu thơ hụt hẫng nỗi luyến tiếc đa thanh, đa điệu. Té ra con người không cô đơn, anh ta là bạn đồng hành với thời gian, thiên nhiên, là bạn của cả cái không thể nữa. Rõ ràng Đám tang không chỉ có con người, có sự mặc niệm không hẹn trước của tự nhiên và trời đất. Vào một chớp mắt khác, Đinh Ngọc Diệp đồng dao với trăng khuyết, với ao cạn, với Lý Bạch mò trăng, giỡn trăng mà chết. Một cái chết đẹp của thi nhân: Bao nhiêu trăng khuyết/ Trên hồ gương đầy/ Bao nhiêu ao cạn/ Trăng tròn đầu cây/ Chết khô lòng đĩa/ Ngày sau ai vớt/ Lý Bạch ôm trăng/ Bàn tay san hô/ Cào lên quả đất/ (Đồng dao). Tôi cứ nghĩ dại và lại càng không thể không động lòng, cái động lòng rờn rợn của câu thơ: Ngày mai ai vớtcủa Diệp. Cô độc và mong manh cái phận mình, phận người quá thể. Đọc xong thấy toát mồ hôi và giật mình. Qua hình dáng và vẻ đẹp của con thiên nga, anh nhận ra cái còn thiếu của con người, thật ra là Diệp mượn thiên nga để nói người đó thôi: Là quạ, chưa khoác áo đen/ Là thiên nga bỏ quên áo trắng/…Không mảy may lòng dạ tối đen/ Trong toàn vẹn trái tim trong trắng/ Nhưng tôi vướng chút e lệ, yếu hèn/ ở bộ áo ngoài không trắng, không đen/ (Là thiên nga). Nhận về mình những vết xước, mơ hồ và nghi hoặc cái vô thường, anh tỉnh thức với câu thơ thân phận, đau đáu tâm can, nỗi niềm: Tỉnh giấc triệu năm sau nữa/ Em chẳng là em, dù trả giá ngần nào/ Em ra khỏi lòng nôi của đá/ Triệu đời hoa tìm huyệt chui vào/ (Tỉnh thức). Tâm thức ấy cũng có thể là sự day dứt, ngại ngần vô cảm của đời sống: Những cái hôn có khi thành mỏi mệt/ Ngại tìm nhau trong cõi vô cùng/ (Em và biển), Mạt giá hoa tươi - hụt hẫng con đường/…Em quẳng vào tim anh vết xước/ (Vết xước). Viết về biển, Đinh Ngọc Diệp có nhiều bài: Em và biển, Biển xanh cánh buồm, Tổ quốc ở Trường Sa, Bến cá chiều, Lạch Bạng đêm, Gặp biển, một mình ở biển…Biển xanh cánh buồm là bài thơ đẹp, ý tình chan chứa: Bơi giữa màu xanh vỗ sóng trên đầu/ Khiến mặt biển sôi lên vì khát vọng/ Tôi ngỡ hóa một chút gì của sóng/ Một chút gì mơ mộng của trời xanh/. Trong bài Bến cá chiều anh đặc tả bức tranh làng biển sống động và đầy xúc cảm: Những con tàu chưa về bến cảng/ Nhà bên sông đã vội lên đèn/ Xâm xẩm nửa vòm trời phía biển/ Trời tím nhạt nhòa ở phía nguồn sông/. Trong bức tranh hiện thực không hòa lẫn ấy, phải tinh tế lắm, nhạy cảm lắm mới nhận ra: Không đổ bóng, nước chẳng buồn gợn sóng/ Bến lao xao, tiếng dội xuống con thuyền/. Nước buồn hay người buồn, cái ấy chỉ có thơ mới biết. Đủ thấy cái tài tình của con chữ một khi nó hớp được hồn của thi sĩ trong một trạng huống nhập thân. Đến Lạch Bạng, Đinh Ngọc Diệp không chỉ say rượu với người quê biển, mà còn say tình, say nghĩa, say cái giang hồ của thi nhân: Lạch Bạng chờ đón tôi vào đêm/…Ta thập thững những con thuyền ngư phủ/…Cốc rượu đầy bốc núi nhắm thành thơ/ (Lạch Bạng, đêm).Người ta nổ mìn phá đá để nung vôi, làm móng nhà, làm đường…Đinh Ngọc Diệp quả là đã trở thành thánh rượu khi dám bốc núi để nhắm, để “…ngật ngưỡng đến khi nào rượu hả”, rồi “đắp trăng nằm ngủ” trong vô can trời đất. Hai câu thơ kết: Anh với con đò đắp trăng nằm ngủ/Tiễn mình tôi về bến cuối cùng– thật ra chẳng có ma nào tiễn nhau ở đây cả và không biết cái bến cuối cùng kia là cái bến nào, có giống như bến My Lăng trong thơ Yến Lan? Phải chăng con người ta sinh ra là đã đánh mất cái bản thể, lăn lộn trong tha nhân, nhận lấy cái cô đơn dằng dặc giữa cuộc thế bể dâu. Dễ nhận ra biển của Diệp là biển đa đời sống, đa cung bậc, đa đoan như phận người gió bụi. Ấy là thứ biển không bao giờ chết, mãnh liệt và dữ dội, không đầu hàng, dịu dàng như thể không dịu dàng hơn được nữa.
Biển, sóng, trăng. Cái bộ ba chân kiềng này trong Hành trình rất có duyên với Đinh Ngọc Diệp. Có phải do anh ở gần biển, mấy bước chân là tới biển, nên anh luôn có biển ở bên mình, luôn nghe thấy tiếng sóng và nôn nao cùng với sóng với biển mỗi khi đợi trăng lên. Biển của anh là biển đa khuôn mặt, đa thanh, đa đời sống. Nào là “Biển sôi lên vì khát vọng”. Lúc khác biển lại: “Biển lặng se nhưng gió sắp điên cuồng”. Với sóng, Đinh Ngọc Diệp vẽ ra cả một không gian tinh thần bao la, rộn ràng với bao sắc thái: Sóng vô tư; Sóng hồn nhiên; Sóng ca hát; Sóng xôn xao; Sóng tiến lui nghìn thuở. Sóng cũng có số phận, một số phận gắn kết cái vô cùng của trời đất với cái xù xì, xô bồ, rên xiết của thực tại. Trăng của Đinh Ngọc Diệp không phải là trăng của thi sĩ họ Hàn, càng không phải là trăng của thánh Đổ Phủ, thánh Lý Bạch. Anh hội ngộ với trăng qua những tình thế của xúc cảm. Đó là lúc nhà thơ ủy mị nhất, đa đoan nhất, dễ bị khuất phục nhất. Đơn giản trăng vừa là đích đến của khát vọng, vừa là nơi neo đậu những ngẫu hứng bất thường, những ngẫu hứng không được báo trước của Đinh Ngọc Diệp: Cát biển mặn, trăng gió lùa qua tóc/ Sướng cùng ai trăng gợn u hoài/…Trăng vung vãi ánh vàng như mỗi lúc/ Bịt mắt người che hết kiếp mồ côi/ (Một mình ở biển).
Những lát cắt đời sống trong Hành trìnhlà những va đập mà Diệp ngộ ra, rồi cầm lòng mặc cho thơ dẫn lối. Cũng có lúc Diệp rơi vào trạng thái quẫn bách, bất bình, hét to lên trước hiện thực. Đấy cũng là lúc lương tâm nhà thơ lên tiếng, bênh vực lẽ phải, phê phán cái bất công, cái tục vô lối của đời sống. Thật bất ngờ, anh nhìn ngọn núi như một nhà tu hành đã tu thành chính quả, thành giá trị tâm linh vĩnh hằng, bất diệt trên chín tầng trời; những kẻ nổ mìn hủy hoại môi sinh chỉ chuốc lấy tiếng nổ vào giữa mặt mình: …Núi biến hình đi, dành tiếng nổ cho người/ (Ban mai). Với bài Trở về, Đinh Ngọc Diệp thẳng thừng phơi bày sự chông chênh của sứ mệnh người nghệ sỹ trước thách thức của đời sống thường nhật. Cho dù nghệ thuật, cái thiên chức nghệ sỹ cuối cùng đã thắng, có khi lại dẫn đến cái bi kịch đời sống của người nghệ sỹ lồng trong hình tượng bi tráng của chính lịch sử mà anh ta thể hiện. Ai nhận ra anh buổi sáng hôm sau/ Đếm trứng trao tay giữa trời thật, giả/ Nghĩa sỹ đêm quan phút xuất thần rực rỡ/ Một đi không trở lại bao giờ?/ Thơ Đinh Ngọc Diệp nhuần thắm sự tha thứ. Khi đã biết tha thứ thơ chắc là cười nhiều hơn khóc, biết cảm nhận sâu sắc và dễ cảm thông với người khác. Đinh Ngọc Diệp không trói chặt nỗi sợ hãi trước những nghịch cảnh éo le, cạm bẫy của đời sống, ngược lại thơ anh mạnh dạn lột trần bản chất của những éo le, cạm bẫy ấy trong một cái nhìn chính trực, khoáng đạt, có lý có tình. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để tạo ra lối thoát cho chính mình và cho cả thơ. Đinh Ngọc Diệp không phải lúc nào cũng cho mình là người có lý và chỉ duy nhất anh là người có lý. Nếu như vậy, Hành trình không tránh khỏi bị người ta lên án là thứ thơ xác ướp, là thứ thơ độc tài. Anh cân bằng âm dương bằng lời thơ, khí thơ có nhiều món của cuộc sống hơn, do đó Hành trìnhgần gủi và dễ kết thân với đông đảo đối tượng người đọc. Tiêu biểu là bài Hành trình, trên một toa tàu chen chúc, bẩn thỉu, người ta vẫn còn đó sự cảm thông, chia sẻ với cô gái bán dừa có giấc ngủ hớ hênh:..Cô bán dừa thiếp ngủ/ Ngồi chán lại nằm, choán giữa chiếc bì gai/ Đôi người mỉm cười quay đi chỗ khác/ Toa đen bỗng chốc hóa toa nằm/ Một chút hớ hênh để tạm quên đời thường mệt nhọc/ Ngẫm lại mình, có lúc thế này chăng?/ Nếu chỉ có sự đua tranh vô cảm mà không có sự cảm thông để tồn tại một triết lý sống đẹp thuận theo quy luật sinh tồn, có lẽ toa tàu ấy (giống như một xã hội đang vận hành) đã nổ tung cùng với trái đất này!
Hành trình ôm chứa những câu thơ Diệp viết về tình yêu nồng nàn, chân thật và biết ơn đến ngạc nhiên: Trái tim cân những xô lệch đời thường/ Vì em đập rộn yêu thương cuồng nộ/ Trong đời thực có em ngày bão tố/ Tâm bình yên mượn gió để thăng bằng/ (Nói với em). Hoa cúc vàng mùa thu là một bài thơ tình mơn man, đẹp lung linh: Em không về. Mùa lặng lẽ hương say/ Mùa rong ruổi heo may vàng lối cỏ/ Mùa nghiệt ngã bứt đi từng chiếc lá/ Mùa sinh sôi hoa thắm thủy tinh vàng…/. Diệp viết vào thời kỳ đầu, khi ấy anh hãy còn trẻ lắm. Nhạc và lời, tình và ý hòa vào nhau, tan chảy, hát lên những giai điệu của tình yêu tuổi trẻ nôn nao, dào dạt:
Không được cùng em đi mỗi bước đường
Nhưng hoa cúc…hoa cúc vàng cứ nở
Chỉ mình anh với tim mình để ngỏ
Khắc nghiệt, dịu dàng
thu ấy cứ đầy lên!
Có lúc anh nhận ra cái bi kịch hai mặt của tình yêu và nỗi nhớ. Ta yêu nàng nhưng nàng đâu có dễ hiểu lòng ta: Nỗi nhớ vót thành gai/ Em bước qua thẳng lối/…Bọt xà phòng em gội/ Là tình anh tan trôi/ (Yêu).Thấp thoáng câu thơ đã thấy cái hiện sinh, cái đời thường ló mặt. Bọt xà phòng em gội, có người bảo sao Diệp viết ác thế. Câu thơ vừa như trách móc, vừa như bị người ta phản bội, vừa ngây ngây ngất ngất cái mùi da thịt. Đùng một cái, liền sau đó anh trở về đúng nghĩa là kẻ si tình, van tình qua những câu thơ bao dung, nhường nhịn: Mai có người đón rước/ Chỉ mình anh u hoài/ Nếu được tan thành đất/ Đợi bàn chân em thôi/ Người nỡ làm em khóc/ Em hãy thương lấy người!/ Yêu là con dao sắc/ Khi đã ôm trong đời/. Đấy là cái bi tráng của cuộc tình trong xô đẩy khó cưỡng của hiện thực. Yêu là con dao sắc, khó có thể coi là một minh triết. Có điều con dao tình ấy nào đâu có dễ để được ôm! Cái có lý và cái vô lý của tình yêu là như thế. Không có nụ hôn mà chỉ có con dao tình. Một phát hiện mới của Diệp chăng? Ở một lúc khác, trong cái cuồng thường trực của loài thi sĩ, Diệp hân hoan nổi hứng: Có em là cây bút cháy hồn thơ /(Bất chợt), Có em mài đung đưa/ (Mùa xuân xa). Đong đưa đã quá đi rồi, đã lên đồng cái lã lơi, ma quái, dễ dìm chết người lắm. Thế mà Đinh Ngọc Diệp còn vót thêm, giũa thêm bằng một động từ mài ông cụ ông kị của họ nhà dao búa, tạo nên khí sắc câu thơ linh diệu, vượt ra ngoài không gian tồn tại của nó, bập vào căn vía, thức tỉnh và lưu giữ trong tâm người ta là vậy.
Với cha sinh Đinh Ngọc Diệp có Chút đắng cho mùa xuân. Chút đắng là hương vị thuốc nam mà cha anh đến cuối cuộc đời vẫn dồn tâm, dồn chút lực tàn ngọn bấc chữa bệnh cứu người. Cái vị đắng thảo thơm của một nhấn cách, bậc sinh thành ra anh: Đến tuổi già, càng sống thật niềm vui/ Thuốc vẫn đắng cho mùa xuân dịu ngọt/ Trước xuân nay, ai thấy lòng đắng đót/ Cùng góp thêm vị thuốc cho đời/.(Chút đắng cho mùa xuân. Với mẹ, thơ Đinh Ngọc Diệp ngân lên những câu thơ biết ơn, nhân nghĩa đầy cảm động. Diệp mượn hình ảnh, nỗi lòng, tình yêu của anh đối với mẹ để nói về quê hương, về những làng Mau, làng Kè, hồ Cỗ, những Hộ Thôn, những Tân Trào trứng nước của xứ Thanh. Vóc dáng và khuôn mặt quê hương trong thơ Đinh Ngọc Diệp thật đẹp mà cũng thật tình:
Một dải sông Chu vòng lượn đất quê mình
Nôi cách mạng năm nào mẹ nhớ
Để con về hôm nay còn nguyên nợ
Với tiếng à ơi lắng đọng ở trong hồn…
(Với quê hương)
Quê hương sẽ bất tử và lưu lại mãi nơi hình tượng người mẹ một nắng hai sương, một đời hy sinh dâng tặng: Ngực mẹ teo gầy khi đòng đòng ngậm sữa/ Đất đai này cho lúa đến sinh sôi/…Lưỡi liềm ấy như vầng trăng soi tỏ/ Trăng sẽ tròn, bông lúa trỗ thần tiên/ (Với quê hương).
Phải chất ngất cái hồn quê đời đời kiếp kiếp sâu nặng và thấm đẫm đến mức nào mới mong có được những câu thơ lay động lòng người đến thế.
Tôi cứ nghĩ khi Đinh Ngọc Diệp dấn thân trên đường đời, chắc số phận mách bảo cho anh ta biết cái giới hạn của anh ta nằm ở đâu. Và ở đâu anh ta có thể trú ngụ lâu dài nhất. Tôi cầm chắc, với Đinh Ngọc Diệp đó là thơ. Mặc nhiên không thể khác được! Tôi lại nghĩ, cái ảo vọng cuối cùng của ta là tin rằng mình không còn ảo vọng gì nữa. Với Đinh Ngọc Diệp thơ là cái ảo vọng cuối cùng của anh ta chăng? Không. Thơ đối với Đinh Ngọc Diệp đó là sinh mệnh sống. Một lá số đã chờ và định sẵn. Một lá số thơ mà Diệp không thể chối bỏ trong tử vi, bát tự. Đinh Ngọc Diệp từ khi còn tuổi trẻ cho đến hôm nay mỗi khi có điều kiện, không gian là anh đọc thơ như người lên đồng: Cốc rượu đầy bốc núi nhắm thành thơ/(Lạch Bạng, đêm), Không làm thơ anh là người giả dối?/ Không làm thơ sống thật nỗi đau hờ/…(Xuân không mùa). Theo anh, ngay cả khi ta chết đi thì thơ vẫn sống, bởi thơ là tri âm, tri kỷ không có tuổi: Muốn hay hãy làm người thiên cổ/ Cho câu thơ trẻ mãi đến không ngờ/ (Bão và thơ). Yêu và tự tin vào thơ đến thế là cùng. Ở đời phàm người nhát gan, ươn hèn khó có thơ đọc được. Ta có thể bắt gặp nhiều câu thơ gan góc, can đảm xen lẫn niềm cảm khái về cuộc đời, quan niệm về cuộc sống của Đinh Ngọc Diệp trong Hành trình:
Thơ chảy ngược vào trong lệ ứa ra ngoài
…
Đau hơn thế, tôi chẳng làm thơ nữa?
Sống giữa người chỉ nhập nhoạng bóng thôi
Đau hơn thế, nếu thơ tôi giả dối
Câu xạm đen, nham nhở máu cuộc đời
(Là mình)
“Xin mượn chén thi nhân rót biển.” Không phải là cách nói cuồng ngôn, ngoa ngôn, mà chính là hồn phách của người thơ đó thôi. Chỉ có thơ mới có cách nói ấy. Bởi biển thì rót thế quái nào được. Phải say và chung tình với thơ tha thiết lắm mới có cái trạng huống như thế. Biến cái không thể thành cái có thể. Đó chính là sự huyền diệu của thơ, đến tiên thánh, quỷ thần cũng phải bái phục. Thạch Qùy có câu: Tiếng ngoài lời, thơ ở ngoài thơ là lời điệp cho câu thơ trên của Diệp. Trong hoan ca sinh nở, cái diệu kỳ mà Đinh Ngọc Diệp ngộ ra không phải là một cứu cánh phi hiện thực, một cảm xúc trống rỗng mà là nhịp đập và hơi thở của cuộc sống. Qủa trứng thơ của Đinh Ngọc Diệp chỉ còn có cách duy nhất là quyên sinh để dâng tặng chủ nhân của cuộc sống này: Thanh thản trứng quyên sinh khi nứt vỏ/ Mà thơ bay đập cánh ở tim người/. (Qủa trứng thơ). Đinh Ngọc Diệp là một trong số ít các nhà thơ đương đại Việt Nam có nhiều tuyên ngôn về thơ. Những câu thơ vắt kiệt sinh lực và gan ruột nhất hình như Diệp cũng biết để dành và chăm chút cho nó. Đơn giản Diệp coi thơ là người tình tri kỷ trọn kiếp. Nói đến phát chẩn, người ta nghĩ ngay đến một cái gì đó được cho theo kiểu “Tình cho không, biếu không”. Với Đinh Ngọc Diệp, nghiệp thơ gặp muôn sự lạ, khi thơ được thù lao, được tưởng thưởng xứng đáng khiến bao bậc trí giả, tao nhân mặc khách trong thiên hạ cũng nhỏ giải phát thèm:
Thơ anh như hàng phát chẩn
Phải nhờ bạn mở cửa kho
Giá thơ mời rượu làm khách
Say thơ, rượu ủ ngực mềm
Vì em, thơ bày đĩa ngọc
Vì thơ, trời phát chẩn em
(Phát chẩn)
Một kiểu tiếu ngạo giang hồ không gươm không súng. Một dấu chấm than to tướng đến phong tình gió bụi cũng chào thua.
Các bài thơ trong Hành trình phần đa là có kết cấu ngắn. Cách thả câu rất tự nhiên. Con chữ đa nghĩa trong nhiều bài được anh sử dụng một cách tối đa. Người ta nói, thơ giống tính tình con người là thế chăng? Ngoài đời Đinh Ngọc Diệp ít nói, khi bắt buộc phải nói thì thường là người khác không thể nói hơn được nữa. Thi tài của nhà thơ thường biểu hiện rõ nét nhất ở lối đi riêng của mình. Người ta nhận ra Đinh Ngọc Diệp có cuộc sống thơ không xa lạ, với những sóng ngôn ngữ cô đọng, va đập và xô đẩy ào ạt, nâng thơ lên tới đỉnh của ý tưởng, rồi lan tỏa, bắt chết những câu thơ chốt ở cuối bài. Thơ Đinh Ngọc Diệp những câu kết bài thường đạt tới cái đắc địa nên hay là thế. Trong trình ý và diễn nghĩa, Đinh Ngọc Diệp thường luyện công cho thơ ngắn lại, loại bỏ không thương tiếc lối mòn sáo, những mỹ từ không có cánh. Nói tóm lại, anh biết cách giải quyết những cám dỗ của ngôn ngữ thơ. Tuy nhiên, sự hoàn chỉnh thái quá nhiều khi là cái chết của thơ. May mắn thay, Hành trình không vướng vào cái chết oan ấy. Nhiều bài thơ của anh người đọc có quyền suy diễn và viết thêm. Thơ Đinh Ngọc Diệp không lan man, không dài dòng mà vẫn mở là vậy. Đinh Ngọc Diệp sẽ còn phải đi tiếp hành trình của mình, bởi thống khổ, sung sướng, thành danh và cả bóng tối của tâm hồn nữa là sự kéo dài tưởng như hết kiếp của một đời người, một đời thơ.
Gấp Hành trình lại, tôi nghĩ về một lát cát phẳng, ở đó đã hội đủ vô vàn ý niệm, những định lý, định đề, những va đập không thể cưỡng được của đời sống và cả sự nhầm lẫn, ngộ nhận của con người. Thơ Đinh Ngọc Diệp cũng không tránh khỏi mâu thuẫn bắt buộc này qua sự vật vã đau đớn.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 18.7.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại. _______________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét