Vừa ăn Tết xong, tác giả trẻ Vĩnh Thông (An Giang) háo hức thông báo với tôi đã hoàn thành xong bộ 3 tác phẩm: tập truyện ngắn “Trở về và chào nhau”, tập thơ “Trạng thái yêu” và tập biên khảo, du lịch “An Giang núi rộng sông dài”. Nhận được sách, tôi cũng đọc với tâm thế háo hức không kém bởi chàng trai sinh năm 1996 lại có những trang viết và cảm xúc cuốn hút đến lạ. Tôi gọi, đó là cảm xúc tuổi 20.
Tôi quen Vĩnh Thông khi em còn là học sinh lớp 10. Khi ấy, em đã có thơ, truyện ngắn đăng báo. Giờ đọc “Trở về và chào nhau”, cảm giác quen mà lạ cứ đan xen. Quen là bởi tôi bắt gặp đâu đó những hình ảnh về mái trường bên dòng sông Hậu, ký ức mái đình rêu phong ở cù lao Bình Thủy… Nhưng lạ bởi giọng văn già dặn, trải nghiệm và bút pháp sắc sảo hơn.
10 truyện ngắn là 10 cảm xúc, không phải bất chợt mà dường như Vĩnh Thông đã nuôi nấng rất lâu, đúc kết bằng những nhân vật rất đời, rất người. Có thể tìm thấy trong “Trở về và chào nhau” những phận đời đau khổ, bất hạnh nhưng không thôi khát khao hạnh phúc. Đó là cô gái tên Nghi trong truyện “Trở về và chào nhau”, như trong “Vì ta cần có nhau” với nỗi đau về người đồng tính nhọc nhằn đi tìm tình yêu. Hay đó là tâm trạng khó diễn giải bằng lời của 5 người con trong truyện “Đón ba về”: Họ bị ba bỏ từ lúc chưa quen mặt nay phải đón ba về trong tình cảnh đã qua đời, bị nhân tình trả về “hộ khẩu cũ”. Họ đón ba về là đón cả tình thâm, nối lại sợi dây thân ái tưởng đã đứt không còn mối nối…
Cách kể chuyện của Vĩnh Thông không lên gân, lạm dụng câu chữ. Thông cho nhân vật này xuất hiện, nhân vật khác kể chuyện để rồi khi kết thúc câu chuyện, độc giả mới nhận ra rằng, họ chỉ là cầu nối để một nhân vật khác - đáng đồng cảm và sẻ chia hơn - tỏa sáng. Một cô gái trú mưa trên triền dốc khi đang du lịch, một người đàn ông trung niên với vẻ ngoài bí ẩn vẫn chưa là chìa khóa cho “Bức tranh lời nguyền”. Mà đó lại là chàng trai kém trí tuệ, thốt lên những tiếng “Má… Má…” khi bị lũ trẻ làm rách chiếc áo vốn đã nhàu cũ. Đó là khát khao tình thương của một đứa con bị mẹ coi là “sao chổi” và ghẻ lạnh.
Mỗi nhân vật trong các truyện ngắn của Vĩnh Thông đều mang đến những ám ảnh cho người đọc. Đó có thể là sự cảm thông, sự phẫn nộ và đôi khi là sự quen thuộc bởi đã từng nghe, từng gặp. Thế nhưng, Vĩnh Thông không hề lên án, kết tội mà tự để độc giả tự nghiền ngẫm, khám phá và đúc kết. Chính nhờ cách xây dựng nhân vật đa chiều như thế mà Vĩnh Thông đã xác lập được nhiều trạng thái, nhiều cách nhìn không ranh giới và giới hạn trong lòng độc giả.
Gấp “Trở về và chào nhau” để đi tìm “Trạng thái yêu”, độc giả sẽ bất ngờ trước những trạng thái không dồn nén, không mãnh liệt mà phiêu du, tự tại, nhuốm chút bất cần. “Trạng thái yêu” là thơ tình, sau tập thơ “đời” - “Và quá khứ thấy ta” đã ra mắt trước đó của Vĩnh Thông. Thế nhưng, sẽ là thất vọng cho những ai tìm kiếm trong 40 bài thơ này sự mộng mơ, lãng mạn hay nồng nàn của tuổi 20 vào yêu. Tôi mường tượng một người đàn ông luống tuổi vẻ ngoài phong phanh, bụi bặm rong ruổi cuộc đời, để lắng nghe tình yêu và được yêu chứ không phải chàng trai sinh viên năm nhất Vĩnh Thông.
Và đôi khi, trong cảm xúc tuổi đôi mươi, hành trang quý báu lại là nỗi buồn. Buồn để cảm nhận, để thương yêu và còn buồn để thấy đời còn đáng sống:
“Đành dọn nỗi buồn về góc lặng riêng ta
Chúng in bóng người, không đành bán
Mang về dành những ngày đông lạnh
Chỉ một mình”
(“Rao bán nỗi buồn”)
Với bài thơ “Mai ta về”, đó là tâm trạng bồn chồn quy hương sau bao ngày ly hương. Cái cảm giác “Giật mình đạp đất đồng khô” được Vĩnh Thông dùng rất đắt. “Giật mình” là tâm trạng lo âu, sợ hãi, có tội… với quê hương của “Đôi chân trần bao ngày rong ruổi”.
Và để trả nợ quê hương, Vĩnh Thông đã ghi dấu những chuyến xê dịch của mình bằng tập biên khảo “An Giang núi rộng sông dài”.
Đó là một công trình không dày nhưng đủ để đọc về một vùng đất mà tiền nhân gọi là “mầu nhiệm”. Vĩnh Thông lần lượt điểm qua những dấu mốc lịch sử, địa danh, con người, sự kiện, danh lam thắng cảnh An Giang bằng sự tìm tòi, khám phá của người trẻ. Đó là công trình mà nếu thiếu sự trải nghiệm, mày mò hẳn sẽ khó thành phẩm. Thế nhưng, trong lời bạt cho quyển sách, em lại khiêm tốn mà rằng: “Chặng đường mà người viết giới thiệu sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin bổ ích, khái quát được phần nào về địa phương. Công việc còn lại là bạn tự trải nghiệm về An Giang”. Thật thông minh và làm vừa lòng độc giả.
Cầm 3 cuốn sách trong tay, nghiền ngẫm đến vài ba lần, tôi đọc được cái gọi là cảm xúc tuổi 20, trong trẻo, nhân hậu nhưng cũng đầy cá tính của Vĩnh Thông. Đó là thứ cảm xúc tưởng phức tạp lắm: “Tuổi 20 đầy rẫy muộn phiền, biết bao phập phồng, lắm điều trăn trở. Bao bấp bênh, bao dập duềnh đến rồi đi, ít khi thấy bình yên vẫn chưa có nhiều lo toan cho cuộc sống” (truyện “Trở về và chào nhau”) nhưng hóa ra lại đơn giản, xuề xòa:
“Khi đó ta và người cùng hát
Để thế giới biết tuổi 20 ta sống
Rất đỗi bình thường”.
(“Nếu không có những điều bình thường”)
Đ.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét