Chị My thả phịch hai chồng sách đã cũ mèm trên tay, ôm chầm lấy tôi đang lao tới. Anh Kiên đứng nhìn hai chị em tôi, cười nụ cười nhẹ bâng như vừa trút đầy vơi lòng mình xuống đất. Tôi mấp máy, muốn nói với chị, một lời, nhiều lời mà sao cứ nghẹn ứ lại nơi trái tim đang đập những nhịp đập rất khác. Hình như tôi đau – nỗi đau thành hình từ những bề bộn yêu và ghét, sớm và muộn, thành hình từ những chuỗi cảm xúc cứ đầy ứ lên mà không tìm ra tên gọi bao giờ. Ánh đèn vàng hai bên đường vô tình làm vỡ nát những giọt nước mắt hờn tủi của tôi, yêu thương của chị, muộn màng của tôi, mênh mông lòng chị. Những con ve cứ vô tâm gọi hè, râm ran trên những tán lá xanh rì bỗng rung rinh trong gió mới, an nhiên, mà bây giờ tôi mới giật mình nghe thấy…
***
- Năm chục nghe “em” – bà cười, phô hàm răng đều màu đen tuyền rất đẹp.
- Dạ…
Tôi nghe tiếng mình lí rí trong họng, đứng nhìn bà thu mua ve chai cho tất cả đống sách cũ và giấy loại vào bị rồi chất lên xe. Bà vừa làm vừa nói gì đó với tôi nhưng lời nói và cả hình ảnh của bà cứ mờ nhạt và thoảng bay cùng cơn gió trước mắt tôi, với bao cảm xúc lẫn lộn…
Bà là người thu mua ve chai lớn tuổi nhất mà tôi từng gặp, chắc phải ngoài bảy mươi. Nhưng từng cử chỉ của bà rất nhanh nhẹn, có khi, còn gọn ghẽ hơn cả tôi. Trước đó, thi thoảng tôi thấy bà trong những tối lang thang ngoài đường, miệng nhỏm nhẻm nhai trầu, tay nhặt nhạnh trong những bao rác ngoài đường những vỏ chai, bìa carton, và những mớ cơm thiu người ta bỏ đi trong bịch bóng. Hình ảnh của nội ẩn hiện trong hình ảnh của bà lúc đó – sự nhanh nhẹn, miệng nhỏm nhẻm và đỏ hồng màu nước trầu, và… cái dáng lom khom như cõng cả sự nhọc nhằn và mưa nắng trên lưng.
- Bà nhìn “em” quen quen. Hình như gặp “em” ở đâu rồi? – Bà nhíu mày, bàn tay đấm hì hụi sau lưng cho đỡ mỏi.
- Dạ, cháu hay gặp bà trên đường mỗi tối, thấy bà thường đi lụm ve chai và cơm nguội.
- À, à… nhớ rồi. Hèn chi thấy quen ghê.
Bà lại cười, cái nụ cười lếnh loáng màu đen tuyền của hàm răng nhuộm bằng nước trầu. Nội tôi cũng có hàm răng đẹp, và hay cười nụ cười lếnh loáng như thế. Có một điều rất lạ nữa, nội cũng gọi tôi là “em”, nên khi nghe bà gọi, tôi thoáng giật mình. Chất giọng miền Trung của bà khiến nỗi nhớ nhà mơ hồ len lỏi trong tôi. Ký ức như dòng chảy lội ngược về, vẫn vẹn nguyên như ngày tôi rời quê hương ra đi, làm người xa xứ nơi thành phố phồn hoa, chẳng khi nào thôi ồn ã này.
Chiếc xe đạp cũ kỹ chẳng còn nhận ra màu sơn như oằn xuống vì đống sách cũ – gia tài có cả mồ hôi và nước mắt của tôi. Dáng người bà như bé lại khi loay hoay bên chiếc xe ấy. Nhiều vậy, bà có chở hết được không, tôi hỏi. Bà lại cười, nụ cười quen thuộc quen thuộc của nội. Con bé ni, mi khinh bà quá. Bà còn chở được gấp đôi, gấp ba chừng ni ấy chứ, có nhiêu đây, nhằm nhò chi - lại là cái giọng nằng nặng mà ấm nồng, lại là những câu từ đậm chất miền Trung ấy, khiến tôi cảm thấy gần gũi, thấy thương, và nao nao trong lòng.
Tôi giúp bà đẩy chiếc xe cồng kềnh ra khỏi cổng, lòng không khỏi ngậm ngùi. Lặng nhìn bà đẩy chiếc xe đi, lẩn khuất trong dòng người xuôi ngược trên đường, tôi khóc… Lòng chẫng hẫng như vừa mất đi một cái gì đó quen thuộc hàng ngày. Đống sách cũ – những người bạn giúp tôi đốt thời gian một cách hữu ích, giúp tôi khóc – cười với những cuộc đời ngoài kia, giúp tôi nhận ra nhiều bài học đáng trân trọng trong cuộc sống, và giúp tôi buồn vui với đời – đã rời tôi và đi cùng người khác. Rồi đây, số phận của chúng sẽ ra sao? Có may mắn được một chủ nhân nào đó yêu chữ, xếp ngay ngắn lên chiếc giá sách đẹp đẽ và sang trọng hơn chiếc giá cũ kỹ của tôi. Hay sẽ xui rủi bị cắt nhỏ, tái tạo lại trong một hình dạng khác? Hay xót xa hơn, sẽ bị đối xử một cách vô tâm nhất của con người?...
***
Ngồi bên cuốn nhật ký, lòng vẫn buồn và ngổn ngang những cảm xúc chẳng thể nào tìm ra tên gọi. Tôi không viết nổi một chữ cho riêng mình. Buồn lắm, mà không viết được. Đau lắm, mà không bật lên được thành lời. Nhìn giá sách dày thêm những khoảng trống, lòng tôi thắt lại. Sự xót xa, tiếc nuối không lấp được đầy chiếc giá sách giờ đã trống huơ trống hoác ấy. Những người bạn chân thành của tôi, đã rời tôi mà ra đi. Tôi biết, và tin rằng chúng cũng buồn, cũng mang nặng một cảm giác man mác như tôi. Tôi nghĩ mình không hề hão huyền khi tin rằng, đồ vật – những thứ người ta vẫn gọi là vô tri vô giác – đều có tâm hồn. Tôi tin một cái cây tưởng như bất động đó, vẫn thích nghe tiếng hát nhẹ nhàng, thích nghe những lời nói dịu dàng của ai đó hơn là những bản nhạc ồn ào và tiếng cãi vã, chua chát của con người. Tôi tin, khi bị bẻ đôi, một cây hoa dại ven đường cũng biết đau, biết chảy máu. Và tôi cũng tin, những cuốn sách của tôi, tuy cũ kỹ, nhưng cũng sẽ buồn lắm khi phải rời xa người luôn xem chúng là bạn, là một cái gì đó, thiêng liêng hơn nhiều những gì mình có thể nói ra, viết ra. Trong cuộc sống, vẫn luôn có những tình cảm không tên gọi, vẫn luôn có những cảm xúc chẳng cần diễn đạt bằng lời vẫn có thể cảm nhận – sâu sắc hơn những gì có thể thốt lên bằng âm thanh và ngôn ngữ. Cuộc sống, luôn có những huyền diệu mà người ta nghiễm nhiên chấp nhận, không cần lý giải làm gì.
Tôi bị ghiền mua sách. Có những hôm, đi qua vài tiệm sách cũ, lại chấp nhận nhịn cơm trưa vì không cưỡng lại được sự quyến rũ muôn đời của chữ nghĩa được người viết sắp đặt để làm đẹp cho đời. Tôi vẫn thường nhận ra tôi, mập mờ dưới những con chữ buồn vui ấy. Có những hôm mang chúng về, bắt gặp ánh nhìn lạnh tanh và moi móc của chị, lòng tôi se thắt lại. Sách đâu ra đó – giọng chị giống khảo cung hơn là một câu hỏi bình thường. Không giám nhìn thẳng vào mắt chị, tôi ấp úng: con bạn chuyển phòng… nhiều đồ cồng kềnh quá, không mang được, nên nó cho. Mắt chị sẽ bám lấy tôi bằng ánh nhìn hoài nghi cho tới khi những cuốn sách nằm yên vị trên giá. Rồi xẵng giọng, chị nói với sắc điệu vừa quan tâm vừa trách móc: đã cận còn đọc cho lắm sách vào, có ngày nổ mắt đó nghe. Bạn bè thì nhẹ nhàng và tâm lý hơn. Tụi nó vẫn tặng sách cho tôi trong dịp sinh nhật hoặc lễ lạt gì đó, nhưng vẫn kèm theo vài ba câu ca thán. Hoặc là mọt sách vừa thôi, cho người nó lớn với. Hoặc là, tao lạy mày, rời khỏi mấy cuốn sách và ra ngoài đi cho tao nhờ. Có những cuốn sách và đứa bạn như thế, tôi ấm lòng nhiều khi xa gia đình, thấy vững chãi nhiều hơn khi phải vừa đi làm vừa đi học, và thấy vững tin nhiều khi mỗi ngày có một bài học hay điều gì đó trân quý để ghi lại vào cuốn sổ nhỏ mang theo bên mình.
Chị My và tôi khác nhau nhiều lắm. Đôi khi, bạn bè đùa rằng nước và lửa không hiểu sao lại ở được cùng nhau. Nhưng mà “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, có mấy người giống nhau đâu. Chị My là thợ may, làm việc cho một công ty nước ngoài nào đó. Trái ngược với tôi, chị hay nói hay cười, thích đám đông và sự vui nhộn. Tôi và chị như tấm gương phản nghịch, soi người này để biết những điều ngược lại của người kia.
Hình như, chị My ghét những cuốn sách của tôi hơn thứ gì có thể ghét được. Cứ mỗi lần đi làm về, nhìn thấy giá sách chình ình trước mặt, không dưng chị cau có. Nhiều khi thấy mình không có lỗi, mà chị vẫn tìm ra lý do để trút hờn. Tôi là đứa giỏi cam chịu, hoặc là đã chai lỳ với những đòn roi bằng tay và ngôn ngữ. Nhớ có lần chị My kể, hồi nhỏ tôi lỳ, suốt ngày bị đánh vì cứ rúc trong thùng phi, dọi chiếc đèn pin đọc sách, không chịu làm gì. Có hôm nấu cơm thì mải mê với những trang sách, làm cơm cạn nước cháy khê. Mỗi lần vậy, mẹ và chị bực lắm. Đánh tôi chán chê mà không thay đổi được gì, chị chuyển sang vứt những cuốn sách của tôi xuống hồ. Mẹ thì lấy chúng nhen lửa. Có khi, tôi bắt gặp những trang sách của mình vương vãi trong nhà cầu. Thấy lòng mình như bị xé vụn, đau nỗi đau chẳng ai thấu hiểu bao giờ. Tôi trầm mặc hẳn từ đó, không chắc vì lý do nào cả.
Từ ngày quen anh Kiên, chị My lại có thêm lý do để ghét những cuốn sách của tôi nhiều hơn nữa. Cứ mỗi lần tới phòng chơi, anh Kiên lại lục tung những cuốn sách của tôi lên, chẳng biết để tìm gì trong đó. Có những lúc, vô tình, tôi bắt gặp cái nhìn đau đau, cái chau mày khổ sở, hi hữu có giọt nước đặc quánh nơi vành mi khi anh đọc một cuốn sách nào đó trong giá của tôi. Những lúc ấy, tôi trầm mình trong những suy nghĩ của riêng mình, còn chị My lại ném cho anh cái nguýt dài uất ức và hờn tủi. Chị nhõng nhẽo, đòi ăn hết cái này cái kia, hoặc đòi đi hết nơi này nơi kia, để mong kéo anh ra khỏi những tranh sách – tôi nghĩ thế. Nhưng anh hoặc dửng dưng, hoặc bảo để lúc khác. Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, thể nào tôi cũng bị những câu đe dọa hoặc bóng gió về những cuốn sách của chị làm nghẹn tim, cảm tưởng như không thở được bình thường.
Có lần, anh Kiên tới, và lại ôm lấy cuốn “Không gia đình” của nhà văn người Pháp Hector Malot mà đọc ngấu nghiến. Không dưng, tôi thấy lòng reo vui. Nhưng rồi, tôi sa sầm mặt khi thấy anh gập đôi trang sách của tôi lại theo kiểu để ghi nhớ số trang đã đọc, rồi anh lấy bút ghi gì đó vào trang vừa đọc. Tôi trân trân nhìn anh, vừa giận vừa đau. Tôi khóc, không chắc lắm, nhưng vài giọt nước mằn mặn đã chảy tràn qua miệng. Cuốn sách trên tay anh Kiên cũng chảy nước mắt, hình như thế. Tôi lại tin thêm rằng, anh không biết đọc sách. Anh làm nó đau như thế, có nghĩa là không tôn trọng nó, và có nghĩa là anh không biết đọc. Thà cứ như chị My, đừng bao giờ chạm vào nó, có phải hơn không? Mà cũng tại anh đụng tới nó, nên chị My mới bắt tôi thanh lý, để mua lại khoảng trống rỗng rễnh trên chiếc giá nằm im lìm sát trong vách tường, để tìm kiếm ánh nhìn của anh Kiên hun hút về phía chị. Làm sao chị My hiểu được giá trị và ý nghĩa của những cuốn sách đối với tôi? Và có lẽ, tôi cũng chưa đủ sâu để hiểu được tầm quan trọng của một ánh nhìn của người mình yêu thương. Thôi, tôi không đủ khỏe để rạch ròi ra ai là người có lỗi. Có trách, thì trách cái duyên của tôi và những cuốn sách không còn. Nhưng… tôi luôn gìn giữ nó, luôn trân quý nó, sao sợi dây ấy lại mỏng manh và vỡ đứt? Không! Đừng cắt đi sợi dây gắn kết tôi với những buồn vui cuộc đời mà xung quanh mình chưa chắc đã có, hoặc có mà chưa chắc mình đã nhận ra. Giá như, chỉ là một giấc mơ – một cơn ác mộng, và khi tỉnh dậy, dù phải hổn hển thở, nhưng thấy lòng an nhiên khi những cuốn sách vẫn yên vị trên chiếc giá kia.
***
Những tia nắng cuối ngày ghé ngang cửa sổ rồi lụi tàn. Tôi không kịp nhận ra bóng đêm đã đổ ập xuống. Câu hỏi của chị như dội vào người say một gáo nước lạnh: Cơm nước xong chưa mà ngồi chụ ụ một đống đó?
- Chị về sớm thế? Em… đi nấu liền – tôi ấp úng và luống cuống đứng dậy.
- Sớm cái đầu mày – chị trừng mắt - Tối nay tao còn đi sinh nhật nữa đó – hình như, giọng chị dịu hẳn xuống khi nhìn thấy những khoảng trống trên giá sách đã rỗng rễnh như chị mong muốn.
- Bán ve chai rồi hả? Được nhiêu? – Giọng chị như một câu hát hân hoan.
- Dạ, năm chục – tôi rút tờ năm chục gấp tư từ trong túi quần đưa cho chị.
- Nhiều thế mà được có năm chục. Mày có trả giá không đấy?
Tôi nghe cánh đồng muối đang xao xác trong lòng, mặn, và rát. Không và chưa bao giờ nghĩ rằng, vài đồng ve chai ít ỏi cũng phải đong đếm, ngả giá lên xuống như vẫn thường bắt gặp trong những phiên chợ. Tôi không quen với việc kỳ kèo trả giá. Không phải tôi giàu có gì, cũng không phải không tiếc những đồng tiền mình làm ra. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, có thêm chút tiền ấy, mình không giàu thêm ra, và mất đi chút tiền ấy, mình cũng chẳng nghèo đi. Đổi lại, mình thấy lòng bình an, đổi lại, mình thấy thoải mái. Không phải, thế là đủ rồi ư? Tôi không tranh cãi với chị, chị lầm lũi đi nấu cơm, và bẫng hẫng khi vô tình chạm vào những khoảng trống trên giá sách, giờ khuyết đi những gì thân quen mỗi ngày.
Cánh cửa đóng lại khi chị My bước ra ngoài. Tiếng trống kèn của một đám ma nào đó, và cả tiếng khóc vọng lại, nghe rất gần. Anh Kiên đến khi chị vừa đi, tôi vẫn nghĩ rằng anh chị gặp nhau trên đường mà không kịp nhận ra nhau, vì một lý do nào đó. Anh đến bất ngờ, và tôi không kịp gom lại những mảnh sành của con heo đất vừa vỡ nát dưới sàn nhà. Mặc anh đứng đó, tôi nhặt những tờ tiền lẻ, xếp chồng lên nhau và đếm. Được tất cả trăm rưỡi. Tôi sẽ đi chuộc lại những cuốn sách ấy, sẽ gửi ở nhà đứa bạn, và sẽ mang chúng về một cách đàng hoàng, sẽ cho chúng một danh phận hẳn hoi - khi có thể.
Không biết anh Kiên có đánh rơi ánh nhìn trên những khoảng trống rỗng rễnh ấy không, hình như, có chút thoáng buồn rớt ngang ánh nhìn ấy. Không cần tôi nói gì, anh đã hiểu chuyện xẩy ra, vì anh hiểu chị My, có lẽ thế. Anh nắm lấy tay tôi – cái nắm thật chặt, và ấm.
- Đi!
- Đi đâu? – Bàn tay tôi cựa quậy trong tay anh.
- Đi tới nơi em đang muốn tới và làm điều em đang muốn làm.
Anh nói, rồi kéo tôi đi, quả quyết và chân thành. Tôi nghĩ mình đủ hiểu những gì anh nghĩ và muốn làm cùng tôi. Hình như, tôi tin thêm rằng, anh cũng yêu sách, nhưng tình yêu ấy, không đong đầy và mãnh liệt bằng tôi.
Cũng là đoạn đường ấy, sao bỗng dưng cứ thấy nó dài rộng hơn những ngày thường. Tôi đi như chạy, chỉ mong nhìn thấy ngôi nhà của bà mua ve chai hiện lên trước mắt, lòng không thôi nghĩ tới những người bạn mà chút nữa thôi, sẽ lại rước chúng về.
- Em ghét anh lắm phải không? – anh Kiên nhìn sang tôi, bước đi vẫn gấp gáp.
Tôi khựng lại nhìn anh, rồi lại vội vàng bước. Tôi không chối, mà gật đầu thừa nhận, không quên thẩy cho anh câu hờn trách: anh không biết đọc sách. Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh Kiên thẩy lại: thế sao không phản ứng? Chửi chẳng hạn, hoặc là chạy lại, giật lấy cuốn sách từ tay anh, rồi hét lên: anh không được đối xử với sách em như thế. Ủa, em có quyền mà, sao thinh lặng vậy? Sao lại để cho người ta có cái quyền làm điều đó? Muốn nói gì đó, mà sự lặng thinh cứ vỡ òa. Ừ. Tôi đã không dám phản ứng, không dám cho mình và cho những quyển sách của mình cái quyền được phản ứng lại những gì mình cho rằng không đúng. Hình như, tôi như thế từ nhỏ. Hình như, sự chịu đựng đã ngấm vào máu tôi từ bao giờ. Mạnh mẽ lên em à - lời anh Kiên như thủ thỉ - đừng để cho người ta bắt nạt mình. Con người ta, ai cũng cố tạo cho mình một vỏ bọc, để che giấu đi phần nào con người thực sự bên trong. Hình như, anh thở dài, rất khẽ. Nhìn chị My vậy, nhưng không hoàn toàn phải vậy đâu. Chị yếu đuối và đáng thương lắm em. Chị mà yếu đuối? – tôi chợt nghĩ – vậy thì anh chẳng hiểu gì về chị My cả.
- Đã bao giờ em nghĩ, mình yêu những cuốn sách hơn, hay yêu chị My hơn chưa, Yên? – Câu hỏi của anh làm tôi ngột ngạt và có gì đó vỡ òa. Tôi chưa từng hỏi mình và chưa từng nghĩ tới điều đó. Phải, thời gian tôi dành cho những quyển sách luôn nhiều hơn thời gian dành cho chị, nhiều hơn nhiều lắm. Hiếm khi tôi trải lòng mình hoặc khỏa thân tâm trạng trước chị. Cũng hiếm khi tôi thử để ý xem chị tôi thích gì, hay sơn móng tay màu gì và cầm đũa bằng tay phải hay trái. Tôi giật mình, giật mình thật sự. Anh Kiên vẫn nhỏ nhẹ, nhưng những lời anh nói, như rót mùa đông vào lòng tôi, lạnh toát. Em không bước vào thế giới của chị My, và cũng không cho chị bước vào thế giới của em. Từ nhỏ, em được nuông chiều hơn chị. Sự dịu dàng và giỏi giang của em chiếm hết tình cảm của mọi người. Còn chị My… là một mảnh vỡ cô đơn trong vẻ bề ngoài đanh đá, chanh chua. Đôi khi, đó cũng là một cách để chị níu kéo sự chú ý và quan tâm của mọi người. Anh yêu chị em, có lẽ cũng vì thế…
Tôi khóc…
Những giọt nước mắt ân hận, không biết đã muộn màng chưa, chảy tràn xuống má và vỡ nát dưới lòng đường hăng hắc mùi khói bụi. Anh khuấy vào lòng tôi những sự thật hiển nhiên mà tôi vô tình để nó trôi tuột không níu giữ, không kiếm tìm. Lòng tôi không đủ rộng mở để nhận ra chị My còn quan trọng hơn những cuốn sách rất nhiều. Những ngày trở gió, tôi lay lắt trên giường bệnh không dưng ùa về. Người lo lắng, chăm sóc tôi, không là những cuốn sách, mà là chị My. Người đút cho tôi từng thìa cháo, lấy cho tôi từng viên thuốc, và ngày ngày thay khăn chườm trán, đổ dung dịch vệ sinh không ai khác ngoài chị My. Hình như, người lặng lẽ bỏ vào cặp tôi cây dù trong những ngày oi trời cũng là chị, mà giờ tôi mới sực nhớ ra. Chị chính là gia đình, khi mà tôi phải rời xa bố mẹ ngoài quê. Thiếu chút nữa, tôi đã không nhận ra bao nhiêu điều giản dị và thân thuộc bên mình và vô tình hoặc hữu ý tôi đã lãng quên. Tôi giật mình nhớ ra, vì sao cả đời không thấy chị dùng mỹ phẩm, giật mình nhớ ra vì sao chị là con gái mà lại ít mua sắm, làm đẹp cho mình. Yên ơi! Sao mà vô tâm một cách tàn nhẫn đến thế! Yên chỉ biết đến sách, sách và sách, mà vô tình quên đi mình đã ích kỷ đến nhường nào. Yên chưa bao giờ nói với chị My một lời yêu thương, và cũng không cho chị My cơ hội làm điều đó. Yên vô tư và vô tâm để cho vỏ bọc bên ngoài của chị My đánh lừa. Đọc nhiều sách để rồi Yên quên mất thế giới thật bên mình, còn đáng được ghi vào cuốn sổ nhỏ nhiều hơn những gì Yên ghi được từ những cuốn sách ấy. Đừng, Yên ạ. Yên không cấm Yên thôi yêu những cuốn sách, nhưng đừng yêu quá và yêu hơn chị My và cuộc sống xung quanh mình, nghe Yên.
Bàn chân tôi khựng lại, mọi suy nghĩ vỡ òa khi trước mắt tôi, ngôi nhà của bà mua ve chai đã lù lù xuất hiện. Lòng tôi nhói lên, khi từ cánh cổng nhà bà, chị My khệ mệ bước ra với hai chồng sách cũ xách hai bên kéo người chị xuống. Tôi không kịp nhìn thấy ánh mắt của anh Kiên có nụ cười ở khoảng giữa tôi và chị My. Nước mắt tôi rệu rạo vì sự ấm áp và hạnh phúc cứ tràn đầy lên trong lòng. Chị My bối rối nhìn tôi, rồi nhìn xuống hai chồng sách cũ chị đang xách. Tôi thấy lòng mình xước, những vết xước nông sâu găm dày. Tôi đau – nỗi đau ngọt ngào! Lạ lắm, mà giờ tôi mới vỡ òa nhận ra.
Tôi ùa chạy về phía ấy.
Hai chồng sách trên tay chị rơi vội vàng xuống đất…
N.T.N (TP. HCM
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét