|
Nhà văn trẻ Ngô Thúy Nga |
1. Ả về làm dâu nhà này tính đến nay là bao lâu ả cũng không nhớ rõ, chỉ biết con gái nhớn của ả đã học lớp tám, còn thằng cu con đã thập thò vào lớp một. Về làm dâu chưa đầy một năm thì ả được bố mẹ chồng cho ra riêng với một căn nhà mới toanh, hoành tráng gấp đôi nhà của bố mẹ. Ả mừng rơn, cười thầm trong bụng. Phận làm dâu, mấy ai thích ở chung với bố mẹ chồng bao giờ.
Căn nhà của vợ chồng ả ngay sát vách nhà bố mẹ. Trước đây, nó vốn là mảnh vườn duy nhất của gia đình này. Nó được trồng đủ thứ nào rau, nào hành, nào chanh, ổi, khế và cả sắn dây cho thỏ ăn lá nữa. Mấy đứa em chồng của ả vẫn thường kéo nhau ra đào củ sắn dây vào luộc ăn. Củ sắn dây thơm lắm, vị bùi bùi, lại mát. Mà ả lại ghét nó kinh khủng, ghét nó, như ả từng ghét mấy đứa em chồng vậy. Hôm ông bố phá vườn làm nhà cho vợ chồng ả, mấy đứa con khóc rấm rứt cả buổi, tay còn cầm mấy củ sắn dây đen thùi lùi. Ả nguýt dài, miệng làu bàu, làm ơn đừng ám tui nữa. Sao mà ả ghét mấy đứa nhỏ ghê gớm! Mấy đứa con nhà hàng xóm, coi ra còn dễ thương hơn. Mà thế thật. Mỗi lần có cái gì ngon ngon, nếu có cho, ả cũng cho mấy đứa trẻ nhà hàng xóm, chứ chẳng đời nào ả cho mấy đứa em đáng ghét ấy. Sao mà cứ thấy mặt bọn chúng là cái máu trong người ả lại sôi lên. Lắm khi ả thật muốn chạy lại mà cho ngay một cái bạt tai, dù chúng không làm gì ả. Sao mà con mắt ả nhìn thế nào cũng thấy mặt chúng cứ câng câng như thể đang cố tình trêu ngươi mình. Nay được ra riêng, khỏi ngày nào cũng đụng mặt chúng nó. Mà có phải ít đâu, đến tám đứa cơ. Đứa nào cũng đáng ghét. Ả thì ả phục bà mẹ chồng sát đất. Đẻ gì mà đẻ lắm thế, đúng là các cụ ngày xưa!
2. Hình như ả ghét đời. Ả ghét tất cả những gì liên quan đến ả. Ả ghét cả người sinh ra mình. Ả mất cha từ lúc còn nhỏ. Cha ả là một liệt sĩ. Cả nhà ả sống nhờ vào mấy đồng lương ít ỏi trợ cấp chế độ của cha. Ả không phải con cả, cũng chẳng là con út. Ả ghét luôn cả bà mẹ già và mấy chị em nhà ả. Lúc nào ả cũng cau có, mặt cứ như đang sẵn sàng cãi nhau với bất cứ người nào. Phải thừa nhận một điều là ả rất đẹp. Hôm ả mặc áo cưới, đi một đoạn đường từ nhà ả về nhà chồng, mà ai cũng trầm trồ. Một vài thằng con trai xuýt xoa. Gương mặt ả bầu bầu, da trắng mịn. Ả có đôi mắt đen láy, to tròn, lông mi dài và dày, cong cong hình lưỡi liềm hay bông lúa uốn câu gì đó. Và một điều nữa là ả rất hay liếc ngang. Con mắt nào vô tình bị ả liếc qua, lại chớp chớp và trằn trọc. Trời phú cho ả cái miệng rất xinh và có duyên. Hai cái lúm đồng tiền sâu hoắm hai bên má. Nhờ nhiều người khen, ả tự tin là mình đẹp. Mỗi lần đi ngoài đường, gặp đàn bà con gái thì ả hất ngược mặt lên mà bước, còn gặp đàn ông con trai, ả sẽ giả vờ làm rơi cái gì đó, ả cúi xuống nhặt và mặt đỏ hồng thẹn thùng, hai má lúm đồng tiền lại lõm xuống. Thằng nào nhìn ả mà không ngây người ra, ắt hẳn có vấn đề. Và… hoặc là họ cười với ả, hoặc là giúp ả nhặt món đồ vừa đánh rơi, hoặc tìm một lý do nào đó lấy cớ bắt chuyện với ả. Ả chỉ chờ có thế. Ả cong môi lên, hai tay xắn quần lên, ả chửi. Chửi tới tấp vào mặt người ta. Rồi ả khóc lóc. Người ta chưa chồng chưa con mà cứ sàm sỡ người ta như thế… Ả khóc òa lên. Mấy người kia lúng túng, cuống cuồng lên, sợ ai đi ngang qua thấy lại tưởng thật. Nhất là mấy ông đã có vợ, mà vợ hay ghen hay đanh đá gì đó. Rồi thì như một phản xạ tự nhiên, họ móc trong túi, có bao nhiêu dúi hết vào tay cho ả, bảo ả nín rồi đi thẳng, không dám ngoái đầu nhìn lại. Ả cười khan, liếc ngang mấy đồng tiền trong tay rồi đội nón, lủng lẳng đi.
Tối tối, mấy thanh niên chưa vợ và mấy ông ham chơi lại tụ tập đánh bài và uống rượu. Khi đã ngà ngà say, họ lại lôi chuyện ả ra nói. Người nào cũng phải đưa tiền cho ả ít nhất là một lần, vì cái tội “sàm sỡ gái chưa chồng”. Có người phải đưa cho ả đến lần thứ ba, vậy mà vẫn bị ả “liếc”, hắn khật khưỡng: Tao biết thế chó nào được. Rõ ràng từ xa tao đã thấy em nó, tự bảo lần này nhất định sẽ cúi mặt đi qua. Ấy thế mà em nó vừa cười cái, tao ứ còn biết gì nữa.
Đàn bà con gái trong làng ai cũng ghét ả. Họ lại gọi ả là con cáo già. Phần vì ghen tỵ với sắc đẹp trời phú của ả, phần vì… ả quyến rũ chồng hoặc bạn trai của họ. Không ít lần mẹ chửi ả. Chửi không được thì quay ra van xin, con đừng làm mất mặt mẹ và mấy chị em con nữa, người ta cười vô mặt. Ả cũng cười. Cười mẹ và cười cả mình. Thế cả đời bà có cho tui lấy một xu không? Rồi những hôm bà ốm, con nào mua thuốc cho bà? Ả quay lưng, bỏ lại tiếng thút thít của mẹ đằng sau. Mỗi lần như thế, ả chạy ra bờ hồ, nhảy bùm một cái làm nước bắn tung tóe. Mấy con vịt “cạp cạp” thảng thốt rồi đập đập cánh chạy nháo nhào lên bờ. Ả vùng vẫy trong nước, hụp xuống rồi lại trồi lên thở. Ả cười, vẫn cái nụ cười khan không thành tiếng. Mắt ả đỏ hoe vì nước hồ chui vào, chảy ròng xuống mũi. Ả lại ngửa mặt lên trời và cười khan. Bờ vai ả run run trong cơn gió giữa trưa hè oi ả.
3. Chợ Tết tấp nập. Ả chen vào sạp áo quần đổ đống ngay gần bãi giữ xe. Sau một hồi cò kè với anh bán hàng, ả mua được hai cái áo cho hai đứa con và hai cuộn len đan khăn. Anh bán hàng mời chào, bảo nàng lấy cái khăn cho rồi, mua len về làm gì ngồi lụ khụ đan khổ chết mẹ. Câu nói ấy rót từ tai bên này qua tai bên kia của ả, rơi vãi xuống cả mớ áo quần đổ đống. Ả không thèm cười, cũng chẳng thèm liếc. Từ ngày lấy chồng, ả bỏ hẳn thói quen liếc ngang ngày xưa. Ra đường, ả đội cụp cái nón và cứ thế đi thẳng, thấy đàn ông cũng như đàn bà. Ả không chào sa sả, cũng không cười, không liếc, cứ như thể họ không tồn tại trước mặt ả. Mấy thằng con trai lại ngớ người không hiểu vì sao. Đàn bà con gái thì hả lòng hả dạ, từ nay hết phải lo mất chồng mất bồ. Được bố mẹ chồng cho hai sào đất ruộng, ả nuôi thêm hai con bò và một con heo nái. Chồng ả làm thợ mộc, suốt ngày đục đục gõ gõ ở cái ốt sau chái nhà. Trời nắng cũng như trời mưa, thời gian gã ở ngoài ốt nhiều hơn trong nhà. Ả lại một mình lủi thủi ra đồng, trưa về lủi thủi trong bếp bắc nồi cơm. Tối tối, mùa đông thì ả tranh thủ đan cái khăn, móc cái mũ và đôi tất tay cho con. Mùa hè ả lại nhận vỏ bao xi măng về khâu bì cho mấy người buôn lạc. Những ngày mùa, ả tranh thủ làm xong của nhà rồi đi làm thuê cho hàng xóm, hôm thì bẻ khoai, hôm ngắt lạc, hôm thì tuốt lúa. Được cái ả khéo tay và cũng chịu khó. Việc gì cũng làm được. Việc đồng, từ cày đất, bừa cỏ đến tát nước, sẻ bờ gì đều một tay ả làm hết. Việc nhà, từ đan cái rổ, tết cái chổi hay chẻ củi ả cũng làm. Chồng ả chỉ có một công việc duy nhất là đục đục gõ gõ sau cái ốt nhỏ.
Thi thoảng, chi hội trưởng hội phụ nữ của thôn lại đến rủ ả đi tập văn nghệ để chuẩn bị đón xã anh hùng, nhưng ả không đi. Ngày trước, lúc còn đi học, ả là một cây văn nghệ của trường và của xã. Ả múa dẻo, hát hay, lại xinh. Ả đã từng mơ được làm một vũ công đi múa khắp nơi và được lên ti vi, khi lần đầu tiên ả tham gia văn nghệ và cô giáo nói ả có một khả năng diệu kỳ. Đến giờ, ả vẫn thích múa. Nhưng mà, hôm ăn cơm, chồng ả chỉ thẳng vào mặt ả và dằn từng tiếng: mày mà bước chân khỏi nhà, tao chém… Ai chứ chồng ả thì không nói chơi bao giờ. Ngày trước, một lần ả bị chồng đốt sạch áo quần và đuổi đi vì cái tội đi buôn rau không xin phép. Ả chị lẳng lặng đội nón và quảy quang gánh lên đồng. Tối về thì thấy chồng nằm lăn giữa nhà mà ngủ, áo quần hôi hám, sặc mùi rượu và thuốc lá. Ả cũng muốn bỏ đi, nhưng biết đi đâu bây giờ? Ả đã thề rằng sẽ không bao giờ nhìn mặt mẹ với chị em gái của ả trong một lần cãi nhau. Vì thế, chi bằng cứ đi một ngày cho khuất mắt chồng, mà nơi đi tốt nhất là lên đồng, làm cỏ lúa, luôn tiện cắt cỏ cho bò. Chồng ả được cái không bao giờ giận dai. Có khi chỉ điên lên lúc thôi, rồi lại đâu vào đó. Trải qua nhiều lần, giờ ả cũng mặt dày mày dạn rồi, không còn sợ tái mặt như lần đầu nữa.
Ngày thường, chồng ả hiền khô, chỉ biết cắm cúi với đống gỗ và sơn mài. Nhưng gã đốt thuốc như điên, và khi say rượu cũng hay điên lắm. Có lần ả định tử tự. Ả cầm trong tay be thuốc sâu, chuẩn bị uống thì gã từ đằng sau nhào tới hất lọ thuốc khỏi tay ả, rơi xuống nền nhà vỡ toang. Từ đó, chồng ả có vẻ thương và quan tâm ả hơn. Cũng đôi lần ả được chồng làm thỏa mãn cơn thèm muốn vợ chồng. Ả mệt, nhưng hài lòng, mặc dù không được những cái vuốt ve, mơn trớn tiếp theo, chồng ả đã ngủ vùi như một con cún bên cạnh. Cũng không ít lần ả dịu dàng, cố tình mặc chiếc ảo mỏng khêu gợi nhưng bị chồng phớt lờ. Ả bực lắm. Nếu là em út, hẳn ả đã giáng một cái bạt tai cho hả dạ. Đằng này, dù ít hơn một tuổi nhưng gã vẫn là chồng ả, và còn rất nóng tính nữa. Ả đành nuốt cục tức vào bụng, ấm ức. Rồi cục tức bục vỡ thành tiếng trở mình và thở dài rấm rứt mỗi đêm.
4. Ngày ả về nhà chồng, mẹ ả chỉ mua cho ả được vẻn vẻn một cái nón che đầu. Chị em ả không ai cho ả cái gì. Còn đằng trai đeo cho ả cái nhẫn vàng chỉ rưỡi và một đôi bông tai năm phân. Thế là ả mãn nguyện lắm rồi. Từ nhỏ đến lớn, đúng hôm cưới ả mới được đeo vàng lần đầu tiên. Mắt ả sáng lên, long lanh như giọt sương ban sớm đang chùng chình, sắp rời khỏi mút lá để chạm đất. Ả lấy chồng ở cái tuổi mười bảy. Cái tuổi ả mộng mơ, xây cho mình biết bao dự định, khổng lồ và cũng mong manh như một lâu đài bằng cát. Rồi con sóng bị gió xô mạnh ào lên, cuốn phăng cái lâu đài nguy nga của ả. Khi chồng ả cùng bố mẹ và họ hàng đến xin bỏ trầu, ả ngủng ngoẳng bỏ vào trong. Ả không muốn lấy người ít tuổi hơn mình. Nhưng mẹ ả van xin chảy cả nước mắt, mấy chị gái của ả cũng van xin, cũng nước mắt chảy ròng. Ả được trời phú cho gương mặt đẹp như trăng rằm. Mẹ ả không thích ả, trong mắt bà, ả cướp hết dung nhan của mấy chị em. Chị gái ả, người thì sứt môi, người thì mắt lé. Con em ả thì đi lặc. Có mỗi ả là vẹn toàn, lại còn là hoa khôi của làng, của xã. Mẹ ả van ả đi lấy chồng cho hai chị ả còn tính chuyện chồng con. Chứ ả còn ở nhà, mỗi lần ai có ý định đến tán tỉnh hai chị, đều bị ả “liếc”. Mà ả đâu có cố tình. Thấy khách vào thì ả rót nước, thấy người ta cười thì ả cũng cười lại, phô hai lúm đồng tiền chết người.
Đến nước này thì ả cũng ừ đại, lấy đại. Rồi ả khăng khăng cho đó là duyên phận. Ả tin vào duyên số trời định, định từ kiếp trước. Thế nên ả yên tâm rằng “lửa gần rơm thì lâu ngày cũng bén” mà về nhà chồng.
Bố mẹ chồng ả cũng hiền khô, cái kiểu khù khờ như người quê lên tỉnh. Họ không ghét ả, không gây hấn gì với ả, nhưng ả vẫn không ưng được. Những hôm trời mưa bão, cả nhà lại chật cứng người. Bố mẹ, hai vợ chồng ả, cùng tám đứa em nữa là mười hai người, trong một ngôi nhà không phải là rộng rãi gì. Ả sưng sẩy mặt mày. Sao mà bước tới đâu cũng đụng phải người, toàn những người ả ghét. Mấy lần ả xúi chồng xin bố mẹ ra riêng, chồng ả chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Ả sôi máu lên, muốn chửi lắm, nhưng rồi lại thôi, sợ chọc vào cái tính tam bành của chồng. Sau một năm, khi bố mẹ xây nhà xong và cho vợ chồng ả ra riêng, ả mới thấy “thở được”. Ả hả hê lắm. Nhưng ả không hiểu sao lửa gần rơm lâu ngày rồi mà chưa bén. Ả vẫn không yêu chồng được.
Nhiều đêm ả trằn trọc, và hình bóng của hắn xoạc ngang trí nhớ. Hắn đẹp trai, hiền lành, con nhà giàu có nức làng. Một hôm ả đi cấy thuê cho người ta và đụng trán với hắn. Ả ngây người như vừa bị sét đánh. Mãi đến khi hắn cùng một cô gái mắt xanh mỏ đỏ mất hút cùng chiếc xe hạng sang mà ả vẫn cứ đơ thêm một lúc. Ả lắc lắc đầu rồi đội nón bước đi.
Lần đầu tiên ả thấy buồn kiểu này, một cảm giác gì đó không rõ ràng mơn man trong ả. Ngày cưới, ả khóc. Mấy bà hàng xóm xôn xao vỗ vỗ vào vai ả kêu lâu lâu lại về thăm mẹ, khóc gì. Ả càng khóc, bỏ ngoài tai những lời xì xào của người ta. Hơn một năm sau, hình bóng hắn thi thoảng vẫn lởn vỡn trong đầu ả, thấp thoáng, mập mờ, rồi mất hút. Bờ vai ả lại run run như những con sóng nhấp nhô dưới ánh trăng nhờ nhờ hắt ngang cửa sổ nơi giường ả nằm. Chồng ả vẫn lụ khụ ho cùng tiếng đục đục gõ gõ sau chái nhà, tạo thành một mớ âm thanh lậc khậc, não nề trong đêm.
5. Ả ốm. Những cơn sốt mê man làm đọng lại những giọt mồ hôi li ti trên trán ả. Ngoài trời, gió thổi thốc như dao cứa vào mặt. Mùa đông năm nay lạnh hơn gấp mấy lần năm ngoái. Ông mặt trời ngủ nướng, cả tháng rồi không thấy ló mặt ra ngoài một lần. Người ả nóng ran như lửa đốt. Không biết ả đang nóng hay đang lạnh, chỉ thấy tấm thân ả vẫn run run nơi chiếc chăn bông dày cộm. Ả thò bàn chân ra ngoài. Hai bàn chân trần, gót nứt nẻ và có vết máu. Nhìn bàn chân sần sùi và đen nhẻm của ả, cứ như cả tháng không rửa ráy. Móng chân ả màu vàng khè pha chút đen đen, dư âm của nước phèn đồng ruộng, trông như người ở bẩn.
Ả rên hờ hờ. Ả nói gì đó luôn miệng. Người ả giật giật. Ả hét. Ả hoảng loạn bật dậy rồi lại nằm xuống như người vừa mộng du. Chồng ả cuống cuồng nắm lấy tay ả áp vào mặt. Mắt gã đỏ hoe, ầng ậc nước. Rồi bát nước đầy rệu rạo ra ngoài. Hai đứa con của gã cũng đứng bên cạnh, bíu chặt lấy áo gã thút thít. Đứa nhỏ nép vào lòng đứa nhớn, sợ hãi nhìn mẹ đang giãy liên hồi trên giường. Cơn gió thốc ngược qua cửa sổ làm mấy sợi tóc rối rắm của ả bay bay. Ả không giãy nữa, mà nằm bất động. Tay ả nằm gọn lỏn trong tay chồng. Rồi ả từ từ mở mắt. Mọi thứ đều mờ nhòe, thấp thoáng như bóng ma trong đêm tối. Ả thoáng rùng mình, cố lắc lắc đầu như để tỉnh táo. Hai đứa con ả thấy ả mở mắt thì ào lại. Con chị vẫn thút thít, còn đứa em vừa cười hi hí vừa đưa tay quệt ngang mũi. Thứ nước nhầy nhầy dính lên tay đứa nhỏ, trông gớm ghiếc. Ả cười. Hai lúm đồng tiền lại lõm xuống trên gương mặt nhợt nhạt đã in hằn đôi nếp nhăn. Trông ả vẫn đẹp, một vẻ đẹp hoang sơ và mờ nhạt. Nhìn ả, giống như một bông hoa dại sau cơn giông. Có gì đó tan tác, nhưng cái mỏng manh vẫn quyến rũ và để lại cái gì đó xốn xang. Ả đưa tay chạm nhẹ vào má thằng nhỏ, rồi hướng nhìn chuyển sang gương mặt hốc hác, hai mắt ráo hoảnh và trũng sâu của chồng. Lòng ả chộn rộn, có gì đó như xót xa nhói lên nơi lồng ngực. Ả vẫn không rời mắt khỏi gương mặt ấy. Lần đầu tiên ả nhìn chồng như thế. Lần đầu tiên ả nhận thấy chồng ả thanh tú và gương mặt buồn buồn. Ả muốn được áp bàn tay ả lên đó. Muốn lấy ngón tay cái gạt đi dòng nước nhòa nhòa trên hai gò má ướt nhẹp của chồng. Ả lại đảo mắt về phía hai đứa con. Sao thằng nhỏ giống chồng quá! Cũng cái vẻ thanh tú và có gì đó buồn buồn, như rập khuôn bố nó. Còn con bé, chắc hẳn là giống mẹ nó. Ả bất giác bật cười, nụ cười yếu ớt nhưng tự nhiên và có hồn, không giống những nụ cười ngày xưa cùng cái liếc ngang của ả.
Ông mặt trời uể oải vươn vai và ngáp dài. Mùa đông năm nay có nắng…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét