Tôi đọc “Tinh Sương” và “Đại Mộng” của nhà thơ Võ Chân Cửu ngay tại Quy Nhơn sau 30-4-1975. Ngày ấy, vừa ở rừng ra, thơ của ông đem lại cho tôi cảm giác rất lạ: u ẩn, bảng lảng… Sau đó nghe nói ông đã chuyển vô Sài Gòn làm báo. Im lặng khá lâu, phải đến 15 năm, ông mới ra tập thơ thứ ba: “Ngã Tư Vầng Trăng”. Tác phẩm in đẹp, nhưng về tổng thể thì vẫn là cách nhìn, cách cảm của Võ Chân Cửu ngày trước… Rồi lại cách quãng…
Mãi gần đây (năm 2014) tôi bất ngờ nhận được hai cuốn sách của ông - một đã in và một sắp in - nhưng lần này không phải thơ mà là văn xuôi: “22 Tản Mạn” và “Theo Dấu Nhà Thơ”. Định dạng thể loại, Võ Chân Cửu gọi hai tác phẩm của mình là tản văn, nhàn đàm, còn nếu ai đó bảo du ký, chân dung nhân vật cũng chẳng sao…Riêng tôi đọc sách trong tâm thế tò mò như thể lần theo từng bước đi của tác giả.
“22 Tản Mạn” là cuốn sách ghi lan man những cuộc “gặp gỡ” của người viết với các nhà thơ (cùng tác phẩm của họ) ở miền Nam trước năm 1975, đó có thể coi là phần còn lại của mảng thơ ca mà theo một nhà phê bình miền Bắc có lần phát biểu trên Tạp chí Văn học vào tháng 1-1994: “Phê bình đã bỏ quên thơ miền Nam sau 1954 - đây là mảng rất quan trọng”. Qua sách, chẳng phải tự ái hay cố thổi phồng gì, bằng hồi ức của người trong cuộc, Võ Chân Cửu cố gắng xâu chuỗi lại những thực thể thơ ca của một thời đang phiêu dạt cùng khắp ở phần đất phía Nam Việt Nam. Và khi đã ít nhiều tự tin, ông quyết định làm chuyến du lịch “điền dã” qua Mỹ nhằm bổ sung cho những gì còn thiếu, theo cách “ở miền Nam trước kia, người làm văn nghệ đi chốn nào xa cũng đều được các “văn thi hữu” sẵn sàng đón tiếp để hàn huyên”. Thế là “Theo Dấu Nhà Thơ” ra đời từ chuyến đi ấy. Trong cuốn sách này, Võ Chân Cửu cho người đọc tiếp cận với thế giới của người làm thơ miền Namở hải ngoại, cho biết quan niệm và lối “hành” thơ của riêng họ, dù ở xứ người ai cũng có nghề nghiệp ngoài thơ để nuôi sống bản thân. Tôi đồng cảm khi tác giả nói về “sinh cảnh” đem lại cảm xúc thơ bằng hình ảnh con bìm bịp quen thuộc không còn về đậu ở cành ngang ngoài lùm bụi ven suối nữa, nói rằng môi trường thay đổi sẽ “hệ lụy” tới người cầm bút như thế nào. Trong thế giới thực vật, cây muốn sống được trong sinh cảnh mới phải chịu “thuần hóa”; nhưng với nhà thơ thì việc ấy không dễ… “Về đi thôi” - tên một bài thơ của Nguyễn Đức Sơn - bây giờ trở thành điệp khúc mang ý nghĩa trở về với bản ngã của chính mình. Đây là lời chúc Tết của một bạn hữu bên nhà: “Chúc các ông sẽ viết được nhiều nữa. Nhưng làm sao viết cho thế hệ trẻ mai sau và lớp trẻ hôm nay đọc được. Chứ đừng cứ than vãn hay hoài niệm mãi. Mong thay!”.
Không bị “ám” bởi các thứ lý luận văn chương đã qua hay thời thượng, Võ Chân Cửu cứ “người thực việc thực” mà ghi nhận và đưa ra nhận xét của mình. Đôi khi nói lại vấn đề đã nhiều người nói nhưng ông biết làm “mới” bằng các dẫn chứng sát sườn, chẳng hạn như với thơ lục bát. Ấy là thứ thơ mang hình thức “cổ điển” gần như đã định hình, khó thay đổi. Nhưng khi đi vào “bếp núc” của thể loại thơ này, Võ Chân Cửu chỉ ra cách “biến tấu” thông thái của một số nhà thơ, như “Lục bát ba câu” của Nguyễn Tôn Nhan và “Lục bát hai câu rưỡi” của Nguyễn Lương Vỵ; trường hợp đầu có tìm tòi sáng tạo, còn trường hợp thứ hai chỉ là “giỡn thơ” cho vui mà thôi. Hoặc khi nói về sức mạnh của chữ, ông cũng có những vinh danh xác đáng… Tuy nhiên trong khi vẽ ra đường hướng, Võ Chân Cửu “đứng hẳn về một phía” để tin chắc vào sự chân thực, giản dị của thơ, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “cảm xúc thực” do các bài thơ mang lại. Ông phản bác ý kiến của một số người cho rằng “thơ không để cảm mà để hiểu”. Thực ra vấn đề còn nằm ở chỗ: cảm xúc sẽ dẫn đến cái “hiểu”. Nếu thơ chỉ để hiểu đơn thuần thì người đọc có thể nhầm thơ với xã luận…
Rồi có ngày người ta sẽ nói: Ở mọi cấp bậc, Võ Chân Cửu góp phần làm sáng lại gương mặt các nhà thơ miền Namtrước 1975.
C.D.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét