Nhà văn Nguyên Cẩn
Tin thầy Đoàn lăng nhăng với vợ lão Thiên truyền đi khắp trường. Cái ngôi trường êm ả lờ đờ bỗng như lên cơn sốt. Khu tập thể giáo viên ngày thường mang dáng vẻ uể oải khật khừ của cái anh trí thức lắm chữ nghĩa nghèo tiền bạc kênh kiệu đấy mà cũng đầy mặc cảm nay lao xao hẳn lên. Khắp căng – tin, quán café quốc doanh trước cổng trường, các bà bán bánh mì bán chè góc phố đều lao xao xì xào; trong các khoa, phòng đều râm ran bàn tán. Thôi thì lời ong tiếng ve không xao xiết kể. Có người còn quả quyết đã biết chuyện này cả năm trước.
Chuyện lẽ ra không ầm ĩ đến thế nhưng chẳng là vì hai nhân vật đều thuộc loại chức sắc trong một ngôi trường mà sự mô phạm được đề cao như là lý tưởng . Chả gì thầy Đoàn cũng là Khoa trưởng khoa Văn còn cô Vân cũng là Thư ký Công đoàn, lại kiêm chức phu nhân của trưởng phòng giáo vụ Đặng Văn Thiên.
Không đẹp trai , nhưng rắn rỏi, gương mặt có phần ngang ngạnh, lì lợm đúng với tác phong một sĩ quan trinh sát thừa can đảm ngoài chiến trường. Ăn to nói lớn, hay cười, và pha trò, cái con người thầy giáo Nguyễn Kết Đoàn hình như đã là như thế từ lúc sinh ra. Giờ học của thầy luôn ồn ào những tiếng cười vì những cách nói ngoa ngữ, thậm xưng của một anh giáo có tác phong nhà binh.
Câu nói nổi tiếng của thầy mà thầy hay trích dẫn của một nhà văn nước ngoài nào đó mà lũ học trò hay truyền tụng là “Cứ mỗi phụ nữ tạo ra một kẻ ngu ngốc từ một người đàn ông, lại có một phụ nữ tạo ra một người đàn ông từ một kẻ ngu ngốc.”
Và thầy ví dụ hàng loạt danh nhân, thi sĩ trong lịch sử thành danh nhờ vợ hay như câu nói nổi tiếng mà thầy rất thích những khi uống café với đám giáo viên trẻ chúng tôi: "Đằng sau sự nghiệp thành công của mỗi người đàn ông luôn có một người phụ nữ.” Tụi bay phải tìm cho mình một ý trung nhân ưng ý mới lên cơ nghiệp được.”
Thế nhưng đàng sau câu chuyện mà thầy đang là nhân vật chính lại cũng có bóng dáng một người phụ nữ.
Người phụ nữ ấy chính là cô Vân. Trắng trẻo, khá xinh gái, ăn nói nhỏ nhẹ, cô Vân có thừa sức hấp dẫn đối với cánh đàn ông. Còn chuyện tin đồn thì thoạt nghe những người hiền lành trong cái trường này không ai tin vì họ đều là những người đáng kính.
Thế nhưng cái sự vụ ông Thiên bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ lại li kì như chuyện trinh thám Sherlock Hommes khiến nhiều người đổ xô tìm hiểu vì ít khi lại được nghe phim “cấm trẻ em dưới 18 tuổi" mô tả chi tiết đến thế.
Bỗng nhiên mọi người tỏ ra thân thiện với nhau trong những câu tâm sự như những đại biểu cho “những người đạo đức".
“Này, anh biết không , chuyện này tớ biết từ lâu lắm dzồi . Ngày nào cũng thấy mụ ta liếc ngang liếc dọc với lão Đoàn mà mụ biết lão ấy sắp lên Phó hiệu trưởng nên lại càng o bế tợn. Bề gì cũng là đương kim Khoa trưởng khoa Văn lại kiêm nhiệm hai ba chức khác.” Ông Phó phòng Hành chính phán đoán.
“Anh biết thằng cha Thiên bị cái bệnh sáu giờ rưỡi không?” Bệnh gì? Tôi gặng hỏi thằng Danh, sinh viên giữ lại trướng phụ trách sinh hoạt thanh niên, “ Bệnh trên bảo dưới không nghe ấy?” hắn cười khoái trá.”. Nên bà Vân mới cho lão gài số de."
Thật lòng mà nói , cô Vân xinh xắn chỉ phải cái gò má xương xương nên số phải chịu cực. Còn ông Thiên, tướng hơi nhỏ con, ăn nói dịu dàng, khuôn phép, viết chữ trên bảng rất đẹp. Các thầy trong Ban Giám hiệu rất thích anh chàng này – dễ bảo, ngoan ngoãn phục tùng, cẩn trọng, chu đáo hết mực. Thường trang trí các lễ lộc, lại có khiếu làm M.C dù không thực sự sáng tạo và hoạt bát. Tuy nhiên trong cái thời buổi mà sự vâng lời và dễ bảo là tiêu chuẩn hàng đầu trong công tác nhân sự thì Thiên Bảo lại trở thành “đắc địa". Cặp đôi Vân -Thiên luôn được xem là xứng đào xứng kép. Cả anh lẫn chị đều nhỏ nhẹ dịu dàng nền nã – con nhà gia giáo gốc Hà Nội . Tiếng nói của cả hai như luồn vào óc người nghe thấm đến tận tim gan . Chả trách một người cứng cỏi từng trải vào sanh ra tử trong chiến trường , lăn lóc bao nhiêu giảng đường như thầy Đoàn carré phải đổ .Gọi là thầy Đoàn carré vì tóc thầy lúc nào cũng rất “gương mẫu" chỉn chu bốn góc vừa đủ làm cho cánh nam sinh phải noi theo vì hồi ây mốt ăn chơi vẫn còn là để tóc dài chứ không cạo trọc như bây giờ.
Câu chuyện thần tiên ấy ai có ngờ lại vỡ tan trong một đêm xuân không mộng. Thế mà mộng lại cứ vỡ như một cái chết bất ngờ không báo trước, ít ra với một người. Mà người ấy chính là thầy Đoàn.
Hôm ấy, theo lịch phân công hàng tuần, thầy Thiên nói với cô Vân là đêm nay phải trực hành chính ở trường. Cơm nước xong, thầy nhẹ nhàng nói: "Thôi, anh vào trừơng đây. Em liệu đi ngủ sớm, giữ sức khoẻ.”
Cô thì nhẹ nhàng lấy áo lạnh cho thầy, dặn dò quấn khăn vào cổ, coi chừng cảm đấy.
Họ chia tay đầy quyến luyến như những đôi vợ chồng son phải tạm xa nhau. Dù chỉ một đêm.
Định mệnh có những nước cờ oái oăm đầy bất trắc như cái định mệnh đổ ụp xuống cuộc đời thầy Đoàn đêm hôm ấy. Như thường lệ (hay là không thường lệ vì là lần đầu hẹn hò tại nhà như lời thầy nói sau này), thầy được thông tin là có thể đến nhà sau 9 giờ tối. Thầy đã nói dối vợ từ sớm là vào họp với sinh viên trong Khoa bàn về lịch công tác thực tập Sư phạm và có thể liên hoan nhẹ về hơi trễ.
Và thầy lò mò đến tìm người tình đã hò hẹn lâu nay kể từ ngày hai bên cùng nằm trong ban tổ chức Đại hội Công nhân Viên chức. Lần đầu, khi trao đổi công việc với Vân, thầy phát hiện người phụ nữ này đầy ma lực, lôi cuốn từ đầu mày cuối mắt. Tiếng sét giữa trời không mưa ấy mang đầy chất lãng mạn ây, khốn nạn thay lại đến với thầy khá trễ đến gần 20 năm, sau khi lấy vợ, một cô giáo, dạy sử trong trường, một phụ nữ nhàn nhạt về mọi mặt từ nhan sắc đến cá tính .
Thế rồi họ mời nhau ra quán café quốc doanh ngoài cổng trường uống chút gì cho vui. Sau vài hớp bia hơi, những ánh mắt hoá nồng nàn, cái nhìn đâm ra bạo dạn hơn, và những câu nói bớt rào giậu ngăn sân, “xem trong âu yếm có phần lả lơi". Như những hư chiêu được tung ra trước khi len lỏi vào tâm hồn nhau, cô Vân bắt đầu ca ngợi vợ thầy Đoàn nào là cô của thầy giỏi chuyên môn, đảm việc nhà, xinh đẹp, nói như André Malraux, “Khi một người phụ nữ khen ngợi sắc đẹp của một người phụ nữ khác thì kẻ xấu số nhất sẽ là các ông chồng.”, và quả thực là thầy Đoàn khó nuốt nổi những lời khen ấy khi vợ thầy hoàn toàn không đẹp lại chẳng khéo léo gì cho cam. Người đàn bà ấy ăn to nói lớn vụt chạc và có phần vụng về trong cư xử nên thầy đâm ra lúng túng không biết ứng đối thế nào. Nhưng có lẽ do tác động của men bia nên thầy cũng đâm ra hoạt bát: "So với Vân sao bì được. Anh Thiên nhà ta đúng là có phước.” Khen nhau mãi thì cũng nhàm nên bắt đầu nói đến chuyện khó khăn trong cuộc sống riêng và những nỗi lòng không hay là chưa ai hiểu. Cô Vân nói về nỗi buồn tìm một mụn con ẵm bồng nhưng khó quá. Thầy Đoàn nói về công việc và những ưu tư thiếu người chia sẻ. Cứ thế câu chuyện trôi dần vào những điểm đồng cảm mà hai người đều thấy ở người kia những điều tâm đắc không ngờ. Cái bất hạnh lớn nhất của con người là sau khi mua hàng lại phát hiện ra mình mua hớ hay mua nhầm và cả hai đều cảm thấy cuộc hôn nhân thứ nhất của mình có những điều na ná như thế.
Vậy mà mãi đến hàng tuần sau, họ mới có dịp gặp lại trong đêm hội diễn văn nghệ, cô Vân cũng góp vui trong một tiết mục múa của văn phòng Đoàn trường. Người đã xinh, lại khéo hoá trang nên lại thêm phần quyến rũ. Cô mặc áo tứ thân, quấn khăn mỏ quạ, thướt tha trên sân khấu. Phía sau hậu trường cô gặp thầy Đoàn đang dặn dò gì đó cho tiết mục của sinh viên khoa Văn. Nhác trông thây cô, thầy buộc miệng khen: “Sao đêm nay em xinh thế? Cả khoa tôi chăng có ai bì nổi?" “Gớm, anh quá lời rồi! Khoa cùa anh thì thiếu gì cô vào hàng hoa khôi ấy chứ!”. Nói thì nói thế thôi chứ mặt cô đỏ ửng lên vì sung sướng. Rõ tay này biết thưởng lãm hoa đẹp hơn cái ông chồng công chức mẫn cán và thiếu "testostérone" của mình nhiều. Lão này bỗ bã , xí trai nhưng đầy nam tính. Ồn ào, khen chê thẳng, lão có vẻ khí phách đấy.
Cuối buổi, đi ngang phòng Đoàn thanh niên, thấy cô còn đang lui cui dọn dẹp, thầy gợi ý: "Thôi, xin mời đồng chí Vân ngưng tay đi ăn chè khuya"
Phía trước trường là một quán chè bán rất khuya do một cô gái lớn tuổi chưa chồng mà bọn giáo sinh hay gọi là bà Tính “Thôi Oanh Oanh" vì hàm răng vẩu của bà lúc nào cũng chìa ra như Mái Tây Hiên. Có đứa độc mồm còn bảo: "Trời mưa, chúng mày quên áo mưa cứ núp dưới răng bà Tính là bảo đảm có bão cũng chẳng sao. “
Câu chuyện của đôi tài tử giai nhân bắt đầu có lẽ từ đêm đó khi cô Vân không về nhà bằng con đường tắt ngay sau khi ăn chè lại đi vòng ra phía con đường chạy theo mé biển để về xa hơn, theo lời cô nói là đi ra biển một tí cho nó mát. Điều này được Tính Thôi Oanh Oanh sau này xác nhận là đã thấy kỳ kỳ thế nào ấy khi một người con gái có chồng bỗng dưng sinh ra lãng mạn bất ngờ. “Tui biết là có vấn đề.”
Nhưng đêm hôm nay, thầy Đoàn như mở cờ trong bụng khi được mời sang nhà người yêu khi tên bảo vệ trung thành đi vắng. Thầy khe khẽ gõ cửa. Sau khi xác minh danh tính cho câu hỏi: "Ai đấy?”, thầy rón rén vào nhà. Khung cảnh huyền ảo, chỉ có đèn ngủ và Vân đứng đấy trong bộ áo mỏng manh. Cô khẽ nói, em sợ vợ lão Đông cứ hay rình trộm. Lão Đông làm tổ chức nên vợ lão cũng lây máu an ninh nội chính hay dòm ngó từng nhà xem có ai có khách hay mua sắm gì mới không?
Mặc, đã đến đây rồi thì còn ngán chi ai vả chăng ai dám nghĩ thầy và cô Vân, những tấm gương sống hàng ngày trên bục lại có thể dan díu với nhau .
Thầy toan ôm lấy Vân bỗng cô ấy nhắc: "Gượm đã anh, để em gài cửa lại.”. Người Vân hừng hực, mắt long lên. Bỗng nhiên thầy thấy vừa sợ vừa liều. Thầy khẽ vuốt tóc nàng và lại vồ vập sấn đến hôn tới tấp như mọi khi. Thầy ẵm nàng lên trong tiếng thở hổn hển, van xin của nàng: "Anh ơi, từ từ thôi. Em ngộp thở quá!”. Và họ yêu nhau như những đứa trẻ mới biết hương vị tình yêu lần đầu. Trong cơn say đắm ấy, thầy bỗng nghe tiếng thở dài của cô Vân.
- Sao em buồn vậy ?
- Không có gì đâu anh, cô chống chế và lại tiếp tục ghì lấy Đoàn trong đôi tay run rẩy. Cô không còn trấn tĩnh nữa .
- Em sợ gì vậy Vân? Thầy Đoàn cảm thấy lạ.
- Em đang say anh ạ!
Cô khẽ xô Đoàn ra không cho quá giới hạn như mọi khi dù có lúc lại kéo Đoàn tới.
Cuộc vui đang ở khúc dạo đầu cuồng nhiệt thì thầy Đoàn sững người chết điếng khi nghe một giọng nói gấp gáp vang lên ngoài cửa như phát súng lệnh bắn vào màng tang thầy: "Vân ơi, mở cửa, anh vào lấy thêm cái áo lạnh."
Vân run lên thì thầm: “Thôi chết, chúng mình tiêu rồi anh ơi!” . Chưa bao giờ kể cả trong những năm tháng ngoài chiến trường, thầy Đoàn lại thấy căng thẳng như bây giờ. Giá mà bắn nhau mình cũng không sợ, đàng này… Trong cơn nguy khốn, thầy nhìn Vân cầu cứu: "Sao đây em?”. Người phụ nữ vào những lúc hiểm nghèo, có khi lại sáng suốt gấp vạn lần cánh mày râu. Nàng ra lệnh: "Anh chạy ngay vào phòng vệ sinh cho em. Moi việc để em lo.”. Không còn cách nào khác, tù nhân phải liều mình theo con đường cứu rỗi duy nhất. Thầy Đoàn chạy vào toilet. Nín thở. Có tiếng lão Thiên ở ngoài: "Em chưa đi ngủ sao?". Tiếng cô Vân líu ríu: "Dạ, chưa anh, em còn xem nốt mấy bài báo tường". Hú vía. Nhưng mà sao lão này không đi ngay cho lại lần khần lục tìm gì đấy. Hồi lâu thấy lão rống lên như hô khẩu hiệu: "Dép ai thế này? Sao lại có dép đàn ông mà không phải của anh trong cái nhà này?” Tiếng cô Vân ngượng nghiụ: “Của anh Đoàn sang chơi hồi nãy, chắc lại xỏ nhầm dép em về rồi" "Sao lại thế, à mà em đang mang dép em mà!”. Tiếng lão gào to lên: "Cô trả lời ngay cho tôi. Nó đâu, thằng Đoàn đâu?” Có tiếng Vân lắp bắp: "Anh ấy chỉ sang chơi thôi mà!” “Có nghĩa là nó còn trong nhà này phải không? Để tôi đi mời ông Chương, ông Đông vào đây.” Thầy Đoàn nhớ đến Lang rận . Giá mà lúc ấy có một sợi giây. Khốn nạn. Chân thầy như hóa đá. Thầy xô cửa nhưng ai đã khoá bên ngoài. Chết thật! Thầy nói khẽ: "Vân ơi, cứu anh .mở cửa ra đi Vân.”. Nhưng không ai trả lời.
Một lúc sau nghe lao xao ngoài cửa.Tiếng thầy Chương hiệu trưởng: "Sao lại là anh Đoàn được nhỉ?”. Tiếng lão Đông phòng tổ chức: "Tôi đề nghị lập biên bản". Rồi thì có người mở cửa phòng vệ sinh cho thầy Đoàn ra. Thầy muốn xỉu khi ánh sáng bên ngoài loà cả mắt .
Cái điều kinh hãi nhất đã xảy ra trong giờ phút tồi tệ nhất của đời thầy: lãnh đạo cơ quan , thầy Chương, lão Đông, lão Song phòng Giáo vụ, lão Chí phòng Hành Chính và ghê rợn hơn là có cả vợ thầy, người đàn bà ngày thường thô lỗ nhưng luôn thần tượng thầy. Thế là hết!!!
Hãy thử tưởng tượng Từ Hải chết đứng ra sao thì thầy Đoàn cũng bàng hoàng như vậy. Tiếc là khí thiêng lại chẳng lìa trần mà cứ đứng chần dần ra đấy. Giá mà độn thổ đựợc như Đậu Nhất Hổ thì cũng đã làm .
Rồi thì biên bản được quí ngài "đạo đức" lập ra – những con người mà thầy vẫn xem thường hàng ngày như một lũ mọt giấy vô tích sự – lão Đông chăm chỉ kém sáng tạo, lão Song xảo quyệt trưởng phòng Hành chính chuyên ăn xén bớt nhu yếu phẩm của công nhân viên và giáo sinh trong trường mà chuyện tình cảm của lão nào có trong sáng gì hơn thầy, lão cũng đang thậm thụt với con Tuyết thư ký có biệt danh tư lệnh phó bộ đội phòng không vì đã quá 35 mà vẫn chưa chồng vì lúc nào cũng mặt xanh nanh vàng, nhất là với lũ giáo sinh mỗi khi lãnh gạo.
Rồi thì kể từ đêm hôm ấy, thầy mất đi tất cả. Nào là cảnh cáo trong Đảng, nhưng cho tạm giữ chức trưởng Khoa Văn, nhưng tất cả mọi việc theo yêu cầu của thầy Chương hiệu trưởng – một con người khá mực thước và sống có tình người là kỷ luật chỉ phổ biến trong nội bộ lãnh đạo, còn thì vẫn giữ những cương vị ấy tạm cho đến hết năm học, tuy có bổ sung người phụ tá.
Sự đời hễ cái gì càng bí mật, càng yêu cầu giữ kín thì người ta lại càng thích rêu rao. Y như một bộ phim ghi bảng cấm trẻ em dưới 18 tuổi thì lại chỉ thấy các em dưới 18 lũ lượt đi xem. Chuyện kín là thế mà vẫn lan nhanh còn hơn lửa cháy, ban đầu là cháy ngầm sau là cháy ngùn ngụt. Cả trường kể từ sáng hôm sau, cái tin bắt đầu loan ra từ khu nhà tập thể giáo viên ấy ồn ào náo động còn hơn cả trận động đất 10 độ Rich-te. Người ta thấy cuộc đời bỗng dưng có ý nghĩa hơn khi cái ngày thường buồn bã lờ đờ bỗng dưng có chuyện để nói để bàn để bịa để tưởng tượng. Và người ta thấy mình cao thượng, đạo đức làm sao ấy khi hơn hẳn cái gã đang có danh có vọng lại đổ uỳnh xuống như một tượng đài bị giật sập.
Thôi thì trong lớp ngoài quán những câu chuyện thậm chí có khi còn ly kỳ hơn cả câu chuyện thật được thêu dệt đủ kiểu lúc xì xào khi rôm rả. Nào là họ đã yêu nhau cả năm trời, có người còn thấy anh chị quấn lấy nhau trên bãi biển đến tận nửa đêm, có kẻ còn quả quyết là thấy hai anh chị hôm đi lao động ở Suối Cái đi kiểm tra sản xuất rất khuya vào tận khu trồng mía.
Những ngày ấy, thầy Đoàn như người bị điện giật, lơ lơ láo láo. Không nhìn ai và cũng chẳng nói với ai. Yên lặng là phương thức chống trả hay nhất khi bị bủa vây bằng những lời cay nghiệt. Cô Vân thì xin nghỉ hẳn một tháng về thăm mẹ ốm.
Thầy Thiên thì chỉ có một câu: "Vợ tôi không có lỗi. Hắn ta mới là kẽ đốn mạt. Hắn hứa đứng ra bảo lãnh cô ấy vào Ban Tuyên huấn của trường.”
Tối hôm ấy, Thiên và Vân đèo nhau lòng vòng trong khu tập thể sau khi ra phố mua sắm ít đồ cho Vân về quê thăm mẹ, tiện thể, chứng minh cho mọi người thấy chuyện vừa qua là một sự hiểu lầm ghê gớm về lòng chung thuỷ khi bị thử thách bởi một kẻ liều lĩnh ở cương vị cao. Và đức hạnh không phải là món quà cứ lẻn vào là lấy được.
Thế còn cớ sự sao thầy lại trở về bất ưng như thế thì được giải thích là do đã mấy lần Vân kể cho Thiên nghe thầy Đoàn có thái độ cợt nhả quấy rối với cô nên khi thấy thầy Đoàn lò mò đến trong đêm khuya khoắt, cô đã chủ động nhờ người nhắn thầy Thiên về.
Chuyện nghe như một bộ phim bố cục hơi lỏng lẻo vì chằng ai hiểu vì sao thầy Thiên lại về nhanh đến thế và nhân vật đi gọi thầy về là ai nhưng trong lúc mà phần đoạn kết còn quá ly kỳ hấp dẫn chẳng ai hơi đâu mà thắc mắc.
Những ngày ấy, tôi cũng ít nói chuyện với thầy Đoàn vì nói gì bây giờ khi những viên đá dư luận đang dồn dập ném vào người đàn ông từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, dạn dày là thế mà khi gặp cay đắng thì cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi.
Câu chuyện tạm lắng sau khi nhân vật chính gần như đã chết .
Bẵng đi một dạo, một chiều trong buổi Đại hội Công nhân Viên chức, tình cờ tôi lại ngồi kế thầy Đoàn. Khi không còn danh vọng, không còn gì phải vươn lên phía trước hay ngó lại phía sau, người ta bỗng dễ gần nhau. Thầy hỏi tôi về công việc trong Khoa và nói: "Cậu cũng hay, dám sống, chịu chơi, nhậu với học trò giữa sân cờ, phụ đạo miễn phí cho giáo sinh. Tớ nghe kể về cậu cũng nhiều từ cái xấu đến cái tốt. Tóm lại cậu là thằng có bản lĩnh đấy!”
Nghe một nhân vật từng lên voi xuống chó khen mình, tôi cũng vui vì hiểu anh ta đang nói thực cái suy nghĩ của lòng anh dù đúng dù sai.
Chúng tôi đi uống café sau bữa liên hoan.
Sau một loạt các câu chuyện linh tinh về nhiều đề tài, một thoáng trầm ngâm, thầy nói: "Chắc cậu thắc mắc về cái chuyện của tớ chứ gì?" “Không", tôi vội chống chế, “Em hiểu anh cũng là con người mà, có lúc này lúc khác chứ.” Tôi sợ chạm vào vết thương lòng sâu hoẵm mà người ta đang muốn quên mà mình lại gợi ra. Quá tàn nhẫn!
“Tớ nói cậu nghe chuyện này nhé, tin hay không tuỳ cậu. Toàn bộ câu chuyện này là một âm mưu của hai vợ chồng chúng nó. Tớ không chỉ mất uy tín và danh dự, thân tàn ma dại mà còn mất tiền nữa.” “Sao, anh nói mất tiền à, vào việc gì?". Tôi gặng hỏi vì tò mò. Chậm rãi như một người đã quá chán chường mọi sự, thầy Đoàn lặng lẽ nói: "Con Vân nó mượn tớ hai cây vàng trong thời gian nó gạ gẫm mình, nói là lo cho anh nó vào Sài Gòn làm rồi chúng nó dựng câu chuyện này lên để chôn mình xuống bùn luôn. Mặt mũi nào mà tớ đòi lại vàng nữa dù đấy là gia tài tích cóp của gần một đời mình đấy. Cậu tin không?”
Bỗng dưng tôi cảm thấy miệng đắng ngắt dù người đang ngậm quả ấy không phải là mình. Chúng tôi chia tay. Bên ngoài, trời đã sẫm lại và bắt đầu mưa. Tôi nhìn theo dáng thầy Đoàn lặng lẽ bước đi, khuất dần trong mưa. Có cái gì nặng trĩu trên vai con người dạn dày ấy khi phía sau anh không còn bóng người phụ nữ nào nữa ngoài một khoảng không tối ám. Có cái gì tối hơn lòng người khi ta chưa thăm dò tận đáy!
N.C (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét