Sau nhiều năm trời ấp ủ, cuối cùng, Nụ hôn muộn - tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Hữu Duyên – đã chính thức ra mắt độc giả mới đây. Cuốn sách do Nxb Hội Nhà văn ấn hành vào cuối tháng 3 năm 2015, tập hợp 13 truyện ngắn được tác giả sáng tác trong thời gian dài, là thành quả lao động miệt mài của một người có nhiều duyên nợ với thơ văn, như tên của tác giả, Nguyễn Hữu Duyên, dù anh đến với văn chương khá muộn.
Đọc 13 truyện ngắn trong tác phẩm, ấn tượng đầu tiên của độc giả là những trang viết sôi nổi về một thời của tuổi trẻ và tình yêu say mê, dù người viết đã ngoài tuổi tri thiên mệnh. Bên cạnh đó, tập truyện còn là những trăn trở về cuộc sống với những Chuyện của muôn đời đã đi qua hơn nửa thế kỉ với bao nhiêu biến động thăng trầm, là tấc lòng đau đáu đối với quê nhà của người con bao năm phiêu bạt nơi đất khách.
Có thể thấy, tập truyện không viết về đề tài quê hương, chủ yếu trong tác phẩm là đề tài tình yêu, thoảng có đôi truyện viết về đề tài thế sự. Thế nhưng bóng dáng quê hương vẫn luôn thường trực trong truyện của Nguyễn Hữu Duyên, như là một mặc cảm tha hương với ám ảnh tuổi thơ, quê nhà luôn luôn đồng vọng. Nguyễn Hữu Duyên là một người con của xứ Nẫu, dù ở nơi nào thì bản chất con người Bình Định vẫn đậm đà trong anh, để lại dấu ấn rõ nét trong từng câu chuyện anh viết. Quê nhà Bình Định vì thế luôn in dấu xuyên suốt trong 13 truyện của tập sách. Điều đặc biệt hơn, dù biểu hiện trực tiếp hay chỉ gián tiếp thoáng hiện qua kí ức, kỉ niệm thì quê nhà Bình Định vẫn được tác giả nâng niu, trân trọng và thể hiện một cách yêu mến nhất.
Truyện của Nguyễn Hữu Duyên rất đậm chất tự truyện, đúng như nhận định của nhà văn Mang Viên Long trong bài tựa ở đầu tập sách: “Nguyễn Hữu Duyên đã “viết về mình” rất chân thành, không giấu giếm, không cường điệu”. Nhiều chi tiết trong tác phẩm, trong đó có bối cảnh câu chuyện, đều gắn liền với cuộc đời thực của tác giả. Chủ yếu trong truyện của anh là ba không gian: Quê nhà Bình Định gắn với tuổi thơ và những năm trung học, Đà Lạt với những năm tháng của thời sinh viên và phương Nam (Sài Gòn, Bình Dương) gắn với những tháng ngày mưu sinh, lưu lạc. Có một điều dễ nhận ra, là dù bối cảnh của truyện ở đâu thì vẫn luôn có một sự liên lạc đi về giữa thực tại và quá khứ gắn liền với hình ảnh quê nhà. Đặc biệt, bao trùm cả tác phẩm, được thể hiện một cách chân thực, cảm động nhất chính là không gian quê nhà Bình Định với cảm thức hoài hương, ngóng đợi thường trực, khắc khoải.
Nguyễn Hữu Duyên là người yêu quê nhà tha thiết (anh là chủ bút của một trang văn nghệ được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây cũng mang tên Hương Quê Nhà), dường như hình bóng quê nhà suốt đời râm mát con người nhiều năm xa xứ đã bước sang tuổi lục thập này và tỏa bóng xuống mỗi trang văn anh viết. 13 câu chuyện ngắn gọn, chủ yếu không hướng đến đề tài quê hương, trong dung lượng vừa phải của một tác phẩm đầu tay nhưng hình ảnh quê nhà Bình Định lại được nhắc đến thường xuyên, có vai trò quan trọng trong tổ chức câu chuyện của nhiều truyện đã nói lên điều này. Có thể nói, ít có tác phẩm nào mà quê hương Bình Định được nói đến một cách khá đầy đủ, bằng niềm tự hào, yêu quý nhất, trở thành một ám ảnh nghệ thuật như Nụ hôn muộn của Nguyễn Hữu Duyên.
Trong tập truyện của Nguyễn Hữu Duyên, quê nhà Bình Định được hiện lên một cách khá trọn vẹn với những địa danh nổi tiếng như: con sông Trường Định (Chữ tình, Mùa xuân đang đến gần), sông Côn, đập Thạnh Hòa, khúc sông Trường Thi, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, Cây Bông, An Thái, Tân Dân (Hoa Ngọc Anh), nhà hát tuồng Đào Tấn (Lan man), sân bay Phù Cát (Mùa xuân đang đến gần), bãi biển Quy Nhơn (Chỉ có một tình yêu); với những nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ (Lan man, Chuyện về cái truyện không được đăng báo), Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết (Lan man), nhà thơ Yến Lan (Hoa Ngọc Anh); với những đặc sản xứ Nẫu như: Nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá (Mơ ước bên đời); với cả những giá trị văn hóa do con người nơi đây làm ra như: Võ Bình Định (Như một dòng sông), vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh (trong truyện Lan man), bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan (Hoa Ngọc Anh)…
Đối với một người, tên quê hương, xứ sở, dân tộc bao giờ cũng là tên gọi thiêng liêng nhất. Đối với một người con xa nhà luôn khắc khoải một tấc lòng quê như Nguyễn Hữu Duyên, tên gọi chung cho quê mình bao giờ cũng được nhắc đến bằng một thái độ trân trọng, tự hào đầy cảm động: Xứ Nẫu, xứ Bàu Đá (trong Như một dòng sông), Bình Định (Như một dòng sông, Xin gởi đến em một lời xin lỗi)…
Thậm chí ngay cả khi quê nhà không được thể hiện trực tiếp, chỉ là một cái cớ, một móc xích trong mạch truyện nhiều lúc không cần bận tâm đến, tác giả cũng nhắc về quê nhà một cách kín đáo. Đó là trường hợp truyện Chuyện của hắn. Ở truyện này, ngay đầu tác phẩm, quê quán nhân vật “hắn” được giới thiệu một cách gắn gọn: “Quê hắn cách Sài Gòn một đêm nằm ngủ trên xe là sáng đến nơi”. Đây là cách nói phiếm định, không thể xác định cụ thể địa điểm “quê hắn”. Nhưng với người Bình Định, ai cũng biết điều này. Người dân ở đây vào Sài Gòn chủ yếu đi tuyến 18h tối vì khoảng 6h sáng hôm sau là tới nơi. Chuyện của hắn gần như là một tác phẩm tự truyện, tác giả hóa thân thành “hắn” để tự bạch lại một phần cuộc đời mình. Đây cũng là một cơ sở để ta tin chắc “quê hắn” chính là Bình Định.
Không chỉ có những đặc thù về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, con người Bình Định với những nét tính cách đặc thù cũng nhiều lần được nói đến trong truyện của Nguyễn Hữu Duyên. Trong truyện của anh, motif chàng trai Bình Định (miền Trung) đến thành phố (Sài Gòn, Đà Lạt) học tập, lập nghiệp, sau đó quen biết, có tình cảm với cô gái nơi đây thường xuyên xuất hiện. Và trong motif này, hầu như ấn tượng của các cô gái về người yêu đều có một điểm chung: Đó là những chàng trai thật thà, chất phác, có duyên. Chẳng hạn như trong Như một dòng sông, cô bí thư chi đoàn Thủy trong bữa đầu gặp mặt đã nhận xét về Tâm mới vào Sài Gòn như sau: “Em nghe người ta nói con trai Bình Định thiệt thà, chất phác, bữa nay em mới thấy đó nha”. Hay như trong Chữ tình, nhân vật cô gái Sài thành tên Hạ khi đang cùng thầy giáo trẻ Năm (quê ở gần sông Trường Định) đi chơi ở miệt vườn Lái Thiêu đã làm nũng một cách đáng yêu: “Em nghe người ta nói, con trai miền Trung thật thà, chất phác, mà anh lại đang xạo với em đó nghen!”. Có thể thấy, bằng cách để cho các nhân vật nữ là người không phải ở Bình Định (mà ở thành phố lớn) nhận xét về con trai Bình Định, tác giả đã khéo léo thể hiện một phần những nét tính cách của con người đất võ. Bởi những nhận xét này khách quan, do đó chính xác hơn. (Dĩ nhiên, cái nhìn của các nhân vật nữ về con người quê người mình yêu vẫn phần nào thiên về cảm tính. Nhưng điều đó sẽ làm cho câu chuyện thi vị hơn).
Cùng với tính cách con người, tiếng nói người Bình Định cũng được tác giả chú ý thể hiện trong tác phẩm của mình, tiêu biểu nhất là truyện Hoa Ngọc Anh. Đây là một trong những truyện đặc sắc nhất, cũng là truyện đậm đà dấu ấn quê nhà Bình Định nhất trong số 13 truyện. Truyện đã xây dựng thành công mối tình lãng mạn, trong sáng của hai bạn trẻ người Bình Định. Mối tình ấy chớm nở, lớn lên nhưng rồi không thể đơm hoa kết trái, tất cả đều diễn ra ở một miền quê yên bình của đất Bình Định. Trong truyện, Diệp – cô bé lớp 10 hồn nhiên, mơ mộng và xinh đẹp được xây dựng rất thành công, đậm chất người xứ Nẫu, nhất là trong lời nói. Có lẽ độc giả sẽ khó quên câu nói ngây thơ, đáng yêu của cô gái yêu hoa Ngọc Anh này: “Tại anh hết đó, đâu phải một mình anh… Ghét nẫu thiệt! Người đâu mà…”. Nẫu (đại từ nhân xưng ngôi ba, cả số ít lần số nhiều) là một “đặc sản” của phương ngữ Bình Định-Phú Yên. Người Bình Định tự hào khi gọi quê mình là “xứ Nẫu”. Chỉ với một chữ “nẫu” thôi, phương ngữ Bình Định đã được thể hiện một cách tiêu biểu trong truyện của Nguyễn Hữu Duyên.
Có một điều đặc biệt là, hình ảnh quê nhà Bình Định trong tất cả các truyện, dù được thể hiện trực tiếp hay gián tiếp, đều hiện lên qua kí ức và gắn với những kỉ niệm đẹp. Đó là con sông Trường Định gắn với tuổi thơ sông nước khó nghèo nhưng bình yên của nhân vật Năm: “Năm là đứa con duy nhất của một gia đình làm nghề chài lưới quanh năm sống với chiếc sõng câu trên sông Trường Định, con sông chảy ngang qua cái xóm nghèo của gia đình Năm. Hồi còn học phổ thông, nhất là mấy năm cấp hai, ngoài thời gian đi học, anh thường theo ba thả lưới, cắm câu, bỏ ống trúm… được bao nhiêu chạy ra chợ bán, mua gạo mua mắm” (Chữ tình). Hay đó là xóm nhỏ ven sông Trường Định nơi An và Thi đã có những tháng ngày mới lớn êm đềm bên nhau: “Nhà An và Thi gần nhau, chỉ cách khoảng gần trăm mét. Chiều chiều, hai đứa thường ra bờ sông mót củi tre, thỉnh thoảng luồn trong đám bắp bẻ trộm; có lúc cũng không quan tâm đến chuyện con gái con trai, hai đứa nắm tay nhau nhảy ùm xuống sông tắm và đùa giỡn thỏa thích mới thôi” (Mùa xuân đang đến gần); là khúc sông Trường Thi thơ mộng nơi chớm nở tình đầu của “tôi” và Diệp: “Một buổi sáng chủ nhật cuối đông, tôi và Diệp đến với khúc sông được gọi là Trường Thi. Dòng nước trong xanh, lấp lánh dưới ánh nắng vàng. Gió se lạnh. Tiếng lá tre ngân reo trong gió” (Hoa Ngọc Anh)… Phải chăng quê nhà trong tâm thức của một người con nhiều năm xa quê (Nguyễn Hữu Duyên sáng tác tập truyện Nụ hôn muộn khi anh còn ở Bình Dương, hiện nay tác giả đã chuyển về sống tại quê nhà – Thị xã An Nhơn, Bình Định) luôn hiện về, ám ảnh trong tâm khảm với những gì đẹp nhất thuộc về kí ức. Phải chăng có một quê nhà Bình Định của tuổi đôi mươi tươi đẹp, yên bình, cất giữ nhiều kỉ niệm đẹp vẫn đi cũng Nguyễn Hữu Duyên trong suốt mấy chục năm phiêu bạt mưu sinh xứ người, lặng lẽ đi vào văn anh một cách tự nhiên, giản dị mà chân thành, đằm thắm để rồi kết tinh thành những hình tượng đẹp đẽ, lung linh.
Có thể nói, quê nhà Bình Định gắn với những kí ức đẹp đẽ của một thời thanh xuân in dấu đậm nét trong Nụ hôn muộn của Nguyễn Hữu Duyên. Đây là tập truyện đầu tay nhưng khá chững chạc trong nhiều phương diện, trong đó lồng ghép tình cảm quê hương trong những chuyện tình yêu, thế sự. Bởi nó được viết trong những năm tháng tác giả sống tha hương, hình bóng quê nhà vẫn luôn hiện về khắc khoải. Khép lại 13 truyện của tập sách, nhiều dư vị đọng lại với từng người. Có thể đó là một thời yêu đương say mê sống lại, là những tình đầu đẹp nhưng không trọn vẹn để lại nhiều xót xa, là những năm tháng của tuổi trẻ nhiệt thành sôi nổi, là những chuyện đời muôn năm cũ đôi khi khiến ai đó chạnh lòng. Cũng có thể đó còn là tình yêu với quê hương được thể hiện một cách chân thành, nhiều khi day dứt. Đọc Nụ hôn muộn vì thế, qua những câu chuyện rất đời thường, qua những trang văn dung dị, ta vẫn có thể nhận ra nhiều điều của giá trị cuộc đời mà đôi lúc hờ hững ta vô tình lãng quên…
Quy Nhơn, 4/3/2015
P.T.V
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét