Mỗi khi “Quê hương” vang lên dung dị và gần gũi, ý thức cội nguồn lại rưng rưng trong trái tim mỗi người, dù ít ai tường tận về cuộc đời ngắn ngủi của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch – tác giả đã viết lên những giai điệu mộc mạc và chân tình ấy! Công chúng chắc chắn sẽ ngậm ngùi nếu biết rằng, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chưa bao giờ được chứng kiến bài hát “Quê hương” xuất hiện trên sân khấu hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông đã qua đời tháng 10/1984 bởi một cơn sốt rét ác tính, ở tuổi 33.
Xã An Sơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vẫn giữ được vẻ yên bình của một vùng nông thôn nằm ven sông Sài Gòn. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch sinh ra và lớn lên ở đó. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch gắn bó phong trào văn nghệ quần chúng. Cảm hứng sáng tác của Giáp Văn Thạch là những chuyến đi dài ngày cùng ăn cùng ở với những người dân làm kinh tế mới, những thanh niên xung phong ở các nông trường Bến Cát, Bình Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Tân Uyên...
Từ những lán trại đơn sơ, Giáp Văn Thạch đã viết những ca khúc đầu tay Những dòng nhựa trắng thân thương, Con thuyền ngược thác, Tiếng gọi rừng Đắc Ơ, Niềm vui cô gái ngành vật liệu chất đốt... và tự ôm đàn hát giữa những tấm lưng nhễ nhại mồ hôi trong cái nắng gay gắt miền Đông Nam Bộ.
Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch là một người rất yêu thơ. Trong di cảo của ông, có thể tìm thấy nhiều tình khúc phổ thơ của nhiều nhà thơ như Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Từ Nguyên Thạch… Hồi đó để tìm một tập thơ không dễ, nên nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chủ yếu tìm đọc thơ trên các trang báo.
Trong một buổi cà phê văn nghệ tại Thủ Dầu Một cuối năm 1983, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nhìn thấy một người bạn cầm tờ Khăn Quàng Đỏ liền hỏi: “Có thơ không?”. Người bạn trả lời rằng tờ báo này mua cho con gái, chỉ có thơ thiếu nhi thôi. Mặc kệ, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch vẫn mở báo ra đọc. Đó là số báo ra ngày 5/12/1983, có in bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân. Chăm chú đọc rồi hí hoáy chép lại, về nhà nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã viết thành ca khúc cùng tên.
Xin được nói rõ hơn một chút. Bài thơ Quê hương ban đầu có tên là “Bài học đầu cho con” gồm 7 khổ, được nhà thơ Đỗ Trung Quân sáng tác để tặng cho con gái Quỳnh Anh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Biên tập viên báo Khăn Quàng Đỏ lúc ấy là nhà báo Việt Nga – con gái của nhà thơ Lê Giang, đã bỏ bớt hai đoạn và đổi tên thành Quê hương.
Tháng 10/1984, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch được ngành văn hóa tỉnh Sông Bé cử tham dự lớp tập huấn ngắn hạn về dân ca tại Phan Rang, rồi ông đột ngột ra đi trong một đêm trở lạnh ở miền gió Tháp Chàm. Bà quả phụ Phạm Thị Vui nhớ lại: “Cái chết của chồng khiến tui choáng váng. Lúc đó, tui vừa thương mình vừa thương ba đứa con thơ dại, đứa con gái lớn nhất 5 tuổi, đứa con trai giữa 3 tuổi còn đứa con gái út chỉ mới 5 tháng!”.
|
Bút tích của Giáp Văn Thạch phác thảo ca khúc “Quê hương”. |
Là người phụ nữ của xứ trái cây Lái Thiêu, Phạm Thị Vui quen và cưới Giáp Văn Thạch khi cả hai tham gia cộng tác với Đoàn văn công tỉnh Sông Bé. Tính tình hồn hậu, bà Phạm Thị Vui xởi lởi: “Khó khăn dzậy mà cũng qua. Ngoài công việc hành chính ở cơ quan, tui nhận quần áo về làm gia công để có tiền nuôi con ăn học. Lúc còn sống chồng tui cũng không có gì, ngay cả cái đàn ghita để viết nhạc cũng do người khác cho mượn!”.
Một mình nuôi ba đứa con, và nuôi cả người mẹ chồng già yếu, bà Phạm Thị Vui chỉ có một niềm an ủi duy nhất: tác phẩm của chồng để lại cho đời. Bà lưu giữ đầy đủ các sáng tác của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch và những ký ức không phai về người chồng tài hoa đoản mệnh: “Chồng tui viết được hơn 50 ca khúc. Ổng mê sáng tác lắm. Cứ đi suốt ngày, về nhà là ngồi trên cái giường tre cặm cụi viết. Mà tội nghiệp lắm, ổng gửi bài hát đi khắp nơi nhưng người ta đâu có chịu biểu diễn. Lúc đó người ta tẩy chay nhạc vàng mà, người ta bảo nhạc của chồng tui giống nhạc vàng! Ổng buồn, nhưng không nản lòng. Đài không chịu phát bài hát của ổng, thì ổng tự đi hát cho công nhân nghe!”.
Chính những ngày “tự đi hát cho công nhân nghe” đã giúp âm nhạc của Giáp Văn Thạch có cơ hội tồn tại với cuộc sống. Bài hát Quê hương là ví dụ tiêu biểu. Nhờ từng được nghe Giáp Văn Thạch hát, một cô thợ cạo mủ của công ty cao su Dầu Tiếng đã mang Quê hương tham dự cuộc thi ca nhạc dành cho người lao động Tết Ất Sửu 1985. Ca sĩ Ngọc Yến kể lại: “Tôi tình cờ đi xem chương trình ấy. Cô thợ kia hát không hay, nhưng bài ca rất xúc động. Tôi vội vàng gặp cô thợ và xin chép lại bài hát. Tháng 4/1985, tôi thu Quê hương ở Đài truyền hình TP HCM và bất ngờ về sức lan tỏa của bài hát!”.
Bà Phạm Thị Vui thật thà chia sẻ: “Tui là dân cổ nhạc, đâu có hát được nhạc của chồng tui. Còn chồng tui thì ổng hát dở lắm. Khi ổng ca Quê hương cho tui nghe, tui thấy bình thường thôi, nhưng khi Ngọc Yến ca thì thấy nó hay thật!”. Không chỉ phổ cập trong nước, ca khúc Quê hương nhanh chóng được hát ở nước ngoài. Đài truyền hình NHK của Nhật đã trao số tiền thưởng 1000 USD để vinh danh Quê hương là bài hát nước ngoài được yêu cầu phát sóng nhiều nhất trên kênh này trong suốt 10 năm từ 1986 đến 1996.
Bà Phạm Thị Vui cũng không giấu giếm di sản của chồng mình: “Tác giả lời ca là nhà thơ Đỗ Trung Quân ủy quyền cho tui toàn bộ tác quyền, nên mấy năm qua tui có thêm thu nhập. Năm 2014, tác quyền Quê hương mà tui nhận được là 25 triệu đồng!”.
Linh hồn nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chắc cũng được an ủi vì hôm nay cuộc sống gia đình của ông đã thay đổi. Di ảnh của Giáp Văn Thạch cùng mẹ ruột được người vợ tảo tần thờ phụng ở một gian riêng trong căn nhà khá khang trang trên đường Thích Quảng Đức, thành phố Thủ Dầu Một. Ba đứa con của ông cũng đã trưởng thành, con gái út Minh Lâm làm chủ một tiệm vi tính, con trai giữa Phú Sơn làm cán bộ ở Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Dương, còn con gái lớn Minh Thủy từng là ca sĩ hát dân ca nổi tiếng Bình Dương đã theo chồng ra Hà Nội lập nghiệp ở Đoàn văn công Quân khu Thủ đô.
Về góc độ nghệ thuật, bài hát Quê hương không có gì xuất sắc cả giai điệu lẫn ca từ. Thế nhưng, Quê hương đánh thức tình cảm thầm kín nhất trong trái tim người Việt đối với nơi chôn nhau cắt rốn. Bây giờ thật khó thống kê, suốt 30 năm qua, Quê hương đã được hát mấy triệu lần trên môi người Việt ở trong nước lẫn ở hải ngoại.
Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch không có phần phúc được nghe thấy bài hát Quê hươngcủa mình được hát đi hát lại trên các sân khấu lớn nhỏ, hát vang lên ở quảng trường hoành tráng hoặc hát thầm thì ở mái tranh quạnh hiu. Thế nhưng, tấm lòng mà ông ký thác trong Quê hương thì công chúng hoàn toàn cảm nhận được. Ngôi mộ của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch ở quê nhà An Sơn thỉnh thoảnh lại có những đoàn khách xa lạ viếng thăm, họ là những người thưởng thức Quê hương và đến bái vọng tác giả để tri ân!
Ngoài ca khúc Quê hương, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch còn có rất nhiều bài hát mang âm hưởng dân ca. Đáng tiếc, ông không còn trên cõi nhân gian để tự đi tiếp thị cho tác phẩm của mình. Nếu in tuyển tập nhạc Giáp Văn Thạch hoặc ấn hành album nhạc Giáp Văn Thạch, chắc chắn đời sống âm nhạc Việt Nam sẽ có thêm nhiều chấm phá thú vị với những bài hát chưa từng công bố như Hát về người chiến sĩ công an hay Con đường tình yêu.
Đi trên đường sá của Thủ Dầu Một hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận ra loại cây dầu được trồng thẳng tắp hai bên phố. Trồng lại loại cây đã hình thành nên tên đất Thủ Dầu Một cũng chính là tâm nguyện ngày nào của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Bởi lẽ, lúc sinh thời nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã gửi gắm trong ca khúc Cánh hoa bay ước mơ cháy bỏng: “Cánh hoa dầu bừng nở trong tim, hoa dầu bay - cây nảy lá đâm chồi... Rừng từ tay người hôm nay vừa đến, để ngày mai này thêm bao hạnh phúc, mang hương rừng từ những cánh hoa bay”.
L.T.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét