Trong giấc mơ của tôi vẫn thường thoang thoảng đâu đó mùi hương hoa cau một đêm hè quê nghèo vọng về từ cái thuở đầu trần chân đất. Nơi ấy còn lưu giữ một khu vườn quê với hàng rào rậm rạp. Và xung quanh, trong những vườn nhà hàng xóm, ngọn cau cao vút lên trong đêm trăng rằm, với những đứa trẻ quê chơi trò đuổi bắt, trốn tìm. Hương hoa cau đã thấm vào đời tôi, vào hồn tôi, để rồi chảy tràn ra, mỗi khi dòng ký ức chạm vào một hàng cau nào đó, trên đường tôi qua, một ngày chớm hè.
Tôi thương cau không chỉ vì hương hoa thoảng góc vườn quê. Mà có lẽ, thương như một mảnh hồn lưu lạc của mình, mà khi lớn lên rồi tôi mới biết là phải tìm về với nó. Ngày ấu thơ, tôi nào biết quý những miếng cau khô bà nội phơi trước hiên nhà; nào biết thương quạt mo tàu cau ba quạt khi trưa hè nóng bức, sau buổi làm đồng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Tôi vô tư trôi đi trong hồn nhiên, trong sự đổi thay của làng cảnh, trong sự mất đi dần của những điều thân thuộc mà quý giá vô cùng.
Muộn màng một chút luyến lưu, tôi tìm về với hương hoa cau, với những cây cau quê còn sót lại tận sau những ngày mỏi mệt, khi cuộc mưu sinh không đem lại kết quả nhưng mình mong muốn. Tôi đã rong ruổi trên biết bao nhiêu miền quê, biết bao nhiêu hàng cau, và chỉ muốn về lại xem những cây cau, những tàu cau, những mo cau nơi quê mình. Cau trên những làng quê Thái Nguyên, cau nghiêm trang góc vườn Vỹ Dạ, nhưng chẳng cau nào cho tôi niềm cảm xúc lâng lâng như quê nghèo này. Và, một đêm như đêm nay, tôi lang thang khắp vườn nhà, khắp xóm, mong tìm trong gió chút hương cau còn sót lại, cũng là tìm cho riêng mình một mảnh ghép hồn quê lưu tán đã lâu rồi.
Cau thân nhỏ, cao nhưng không dễ gì ngã gãy trước biết bao cơn bão nơi miền Trung quê tôi. Bao lần tôi dõi theo những thân người hái cau đu thon thót trên thân cau, vậy mà vẫn không làm gãy loài cây đầy sức chịu đựng ấy. Sau này, tôi càng hiểu hơn, khi ngược lên những vùng quê miền trung du. Nơi ấy, người ta làm đòn tay trên mái nhà toàn bằng gỗ cau mà thôi. Sau khi tận hiến cho đời những mùa trái, cau lại đảm đương chức phận gánh vác mái ngói mái tranh cho từng ngôi nhà quê xứ. Điều ấy càng làm tôi thương hơn thân cau, thương hơn sự gắn bó của loài cây này với làng quê, với người quê.
Mùa hè quê cũ cùng dội về trong tôi những trưa bẫy nhông bằng một phần cắt ra từ mo cau. Đó là thú vui của những đứa trẻ nghèo. Nhưng cũng là cuộc mưu sinh tìm cái ăn ngay từ khi còn bé. Những con vật ngoài gò, ngoài đồng, dưới ruộng mỗi mùa đều là nguồn thức ăn cho những gia đình nhà quê chúng tôi. Mùa mưa thù có cá, dế; mùa nắng thì có nhông, chim cút và những loài chim di trú theo hàng rào rậm rạp. Lưới, ná thun, bẫy thô sơ tự tạo là những món đồ mà con nhà nghèo thường bày nhau làm hoặc kiếm về. Và có lẽ thú nhất là bẫy nhông. Chúng tôi cắt lấy mo cau những đoạn ngắn, quấn thành ống, sau đó để vào một cần tre vót sẵn. Với sợi dây cước và thêm một cái chốt tre nhỏ nữa là xong một cái bẫy nhông. Trưa nào, tôi cũng chạy bạt mạng trên đám gò cát bỏng để đi thăm bẫy, đi tìm những hang nhông mới đào chui lên. Niềm vui nho nhỏ ấy còn in sâu trong trí nhớ tôi cho đến tận bây giờ.
Mẹ tôi không ăn trầu như bà nội hay bà ngoại. Cau trong vườn và các vườn nhà hàng xóm cũng chặt hết. Chỉ còn duy nhất một cây đứng góc rào. Đôi khi vô tâm đến độ đến lúc những trái cau chín đỏ rơi đầy gốc, mới biết rằng mùa cau đã vừa đi qua. Giờ cũng chẳng còn ai dùng đến mo cau nữa. Quạt máy đã thịnh hành và không đến nỗi đắt tiền. Lũ trẻ giờ cắm đầu vào game, vào những máy tính, iphone mà ba mẹ mua cho, không còn mơ về những ngày bẫy nhông bằng mo cau cắt ra nữa. Đời sống người quê cũng dần dần thay da đổi thịt. Muốn tìm lại chút hương hoa cau mùa xưa cũng khó đến nao lòng.
Bạn bè tôi bôn ba nơi các thành phố lớn, nên vợ nên chồng, hiếm khi về lại quê. Tôi vẫn chọn cho mình một góc lòng, một góc rất quê kiểng để đi về. Khác với những đứa bạn đang bay dần ra khỏi quê, tôi giờ về đây tạm thời trú ngụ, cho lòng bình yên, sau những chặng đường lang bạt, sau những mưu cầu hầu hết không như ý. Và, mùa đã đến, cau nơi góc vườn nhà tôi cũng trổ buồng ra hoa. Rồi đêm nay, hương hoa cau lại xoáy vào hồn tôi, như một lời nhắc nhở, một khúc lòng quê chân thành và tha thiết. Tôi thấy mình bước ra cuối góc vườn như một bản năng...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét