Buổi chiều Nhi trở về căn phòng từ lán trại phía sau đồi. Đường đi vàng rực những bông dã quỳ, nghe gió se lạnh trời Lạc Dương tháng 10. Ba tháng rồi đắm chìm trong công việc, hôm nay Nhi mới có dịp ngắm cảnh vật xung quanh, mới hiểu sao anh Tư lại yêu Đà Lạt đến thế. Một tháng ở trên này gần 20 ngày rồi lại về Sài Gòn không tới 10 ngày tất tả chạy lên, mà ảnh có việc gì làm cụ thể đâu; coi 2 quán café, một quán dành cho những kẻ mê cờ tướng; một quán chuyên bán thư pháp. Quán trước thì đông nhưng anh đã “khoán” cho người khác trông coi rồi; quán thứ hai năm thì mười họa có khách vãng lai mua tranh thư pháp, chủ yếu để hàn huyên, tán gẫu bạn bè, nên tháng nào cũng phải lấy tiền từ quán mì vịt tiềm dưới Sài Gòn bù lỗ. Ra trường, với mảnh bằng kỹ sư nông học được nhận việc vùng cao, Nhi hăm hở đi ngay. Thân gái dặm trường, khi đi mẹ xót xa lo lắng nhưng Nhi trấn an “Ôi má lo gì, người ta đi hà rầm. Có ai sốt rét ngã nước gì đâu? Chuyện đó xưa rồi. Mà con ở cách Đà Lạt có 25 km chứ mấy. Thứ bảy ghé chơi thăm anh Tư được mà. Nghe anh Tư má tạm yên lòng vì dù sao anh cũng là con dì Hai, má Nhi là thứ mười một lận. Ngày mai Duy lên thăm nàng. Không hiểu sao mình lại yêu một chàng trai lãng mạn như vậy? Làm thơ, viết văn, chơi đàn hay, giọng hát ngọt như mía. Mẫu con trai hấp dẫn phái nữ. Không hiểu sao lại chơi với Nhi, khá thân dù vậy Duy vẫn ý tứ, vẫn không vồ vập yêu kiểu chụp giựt như mấy thằng con trai “quậy” trong lớp Nhi. Duy học khoa văn trường Tổng hợp nên tính tình hơi nhu mì, bẽn lẽn. Chả bù với Nhi, con gái mà vụt chạc bị má la hoài. Bà nói mày là con trai đúng hơn, không ý tứ gì hết… ăn nói ào ào đầu sóng, ngọn gió. Nhi cười chắc đám nông nghiệp tụi con dzậy đó má ơi! Ở gần nông dân riết cũng xởi lởi, ruột gan bày biện hết ra ngoài, kín đáo giấu giếm chi bắt mệt!
“Nè, mai chàng của bà lên hả?” Nghe tiếng Mãnh nói vọng từ ngoài hàng rào. Mãnh ở phòng kế bên Nhi. Chàng trai làm vườn, to khỏe, vạm vỡ, cười khoe hàm răng trắng đều. Con trai mà có nét đẹp theo lời mấy đứa bên nông trường là chuẩn “men”. “Ông Mãnh ơi, mai cho tui gửi bạn nhen.” Mãnh cười: “Hai ông bà ở chung đi ngại gì. Thời buổi này sinh viên tụi nó sống thử mấy năm rồi mới ra trường. Còn lấy nhau không thì không biết ạ!” - “Quỷ nè! má tui mà biết la chết ông ơi. Chưa cưới hỏi gì hết trơn! Còn đang trong thời gian hẹn hò mà ông. Cứu bồ đi!”
Tính Mãnh dễ thương. Nói vậy chứ chịu liền. Mấy cô bên trại để ý hắn, thậm chí có cô chủ động tấn công nhưng hắn cứ trơ trơ đến nỗi có người giận quá nói liều: “Chắc nó có vợ con ở đâu rồi mới lên trên này sông trốn gia đình.” Hắn nghe, cười lảng.
Duy mang không khí thành phố lên cao nguyên. Lán trại rộn ràng. Mọi người bày rượu bia chè chén chào người thành phố, đàn hát rôm rả mấy tối liền. Không ngờ Mãnh hát khá hay, chẳng thua Duy bao nhiêu. Tiếng đàn của Duy quyến rũ lạ kỳ trong khuya vắng. Nhi dù không cảm hết vẫn thấy hay thế nào ấy. Có lẽ cái lạnh của núi rừng, cái hoang sơ của cảnh vật, nỗi cô đơn xa nhà, tất cả hòa quyện kết nối những tâm hồn xa xứ kẻ Bắc người Nam không còn phân biệt, ngồi sát nhau uống chút rượu cần. Con gái má ửng hồng, con trai mắt sáng rực, tạm nguôi quên những nhọc nhằn ban ngày, nỗi nhớ nhà mà cùng nhau hát múa. Vui quá xá! Nhi ngồi bên Duy và Mãnh, cùng hàn huyên như thể quen nhau từ lâu lắm rồi mới gặp lại. Nhi sợ Duy hiểu lầm quan hệ giữa mình và Mãnh nên có ý tứ ngồi gần Duy hơn, lâu lâu lại nắm tay vỗ vỗ… Mãnh tỉnh rụi: “Thôi hai người ở chung phòng đi cho dzui. Sợ gì? Ba má có điện lên tui nói hai ông bà ở riêng, lo chi? Nhi giãy nảy: “Thôi đi ông tướng. Ba má không điện lên thì tui phải lo thân tui chớ! Biết người ta có lấy mình không mà ở chung?” Duy cũng không chịu: “Nói vậy chớ để tui chung phòng với ông cho thiên hạ khỏi nói xấu bả, mai mốt lấy chồng cũng dễ.”
Đêm thứ ba mọi người cũng mệt. Nói chuyện tào lao chơi thôi. Mãnh đố Nhi đủ thứ chuyện về cây cỏ trên đời, lan man đố trong sinh học biết con gì mà giống đực yêu nhau không? Nhi ngớ ra vì hồi giờ có nghiên cứu đâu mà biết. Mãnh bình thản giải thích đó là loài hươu cao cổ.
Hươu cao cổ sống trong những nhóm toàn con đực, và chúng chỉ quan hệ với hươu cái nhằm mục đích sinh sản. Khoảng 80% quan hệ giữa các chú hươu cao cổ đực quan hệ với nhau. Đặc biệt, các loài linh trưởng có những mối quan hệ đồng giới rất phức tạp. Còn chim thì là loài hồng hạc cũng nổi tiếng chuyện này. Nhi thắc mắc sao ông rành vậy? Mãnh bình thản mình lúc trước có thời gian làm ở vườn Sinh học Đà lạt nên nghiên cứu mấy chuyện đó cho đỡ buồn, để đố thiên hạ kiếm bia uống cho vui. Nhi nói ông hay quá rảnh quá nên tìm hiểu chi ba thứ linh tinh mất thì giờ. Câu chuyện lan man chẳng đâu vào đâu vậy mà nói riết tới khuya…
Duy ở lại Đà Lạt cũng hơn một tuần rồi về, hứa hẹn 10 ngày sau lên lại. Nhi ngạc nhiên vì chàng làm biếng đi lại lắm sao kỳ này siêng ghê về lên liền. Hay chàng muốn tiến tới với mình cho nhanh như kiểu ông bà hay nói: Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha?
Ngày ở đây dài quá. Nhịp sống dường như chậm lại. Chả bù với Sài Gòn hối hả, lúc nào cũng vội. Tự nhiên Nhi mong Duy lên sớm. Mình nhớ chàng vì ở đây buồn quá, hay vì nhớ không khí những đêm hàn huyên, tán gẫu bên hũ rượu cần, mấy bình bia hơi… Một thứ cảm xúc lẫn lộn, không hình hài, mơ hồ như sương mù quyện cùng khói thuốc… Hèn chi thằng Thông lớp mình nó xin lên Daklak theo con Cầm. Con nhỏ không ưa nó chút xíu nào, gặp mặt là muốn cà khịa rồi, xáp vô là kê tủ đứng vô trong họng liền. Đúng ra thì con nhỏ không chịu chứ Thông ta thì muốn tấn công lâu rồi nhưng làm bộ dửng dưng, chờ cơ hội nhưng hễ tới gần thì nhỏ Cầm “xù lông nhím” làm anh chàng tẽn tò mấy lần rôi. Cầm nhận công việc trên Daklak vì có nhà ông anh trên đó. Thông lẳng lặng gặp Phòng tổ chức xin lên Daklak. Mới đây Nhi nghe Thông điện thoại thông báo hai đứa nó thằnh một cặp chim trời xa xứ rồi, chắc cuối năm làm đám cưới! Chắc khung cảnh cao nguyên hoang sơ của xứ “buồn muôn thưở” (BMT) khiến hai tâm hồn cô đơn dễ tìm sự đồng cảm và như ông bà nói lửa gần rơm thì cháy thôi! Nghe tức cười “Ghét của nào trời trao của ấy”! Nhi tự nhủ còn bà đó nhen bà, nói người ta rồi chàng về Sài Gòn mấy bữa thấy nhớ rồi! Vậy mà cứ nói con gái kỹ sư tâm hồn nó khô như ngói hoài.
Duy trở lên. Nhi thấy vui lạ. Lăng xăng đi chợ dù ai cũng cản vì chợ khá xa. Nhưng Nhi muốn chứng tỏ mình cũng đảm đang lắm chứ bộ! Rồi những đêm vui lại bắt đầu khi Nhi và Mãnh từ nông trại về. Đêm nào cũng gần bảy tám đứa xoay quần ở khoảng sân trước phòng trọ. Hát hò, kể chuyện cười, đố vui… tới khoảng 10 giờ bị chú Sáu bảo vệ la mới vô ngủ. Nhi vẫn ý tứ, ở một mình, sợ thiên hạ đàm tiếu. Không nghe Mãnh nhắc sao hai ông bà không ở chung phòng như lần trước. Chắc hắn biết mình hổng dám mà Duy cũng chỉ ôm mình rồi hôn phớt lên má thôi. Chàng cũng ý tứ quá so với đám con trai cùng lứa.
Duy trễ phép quá 3 ngày nhưng bất chấp dưới Sài Gòn cơ quan gọi lên, sếp cằn nhằn trên điện thoại. Nhi cũng xúi Duy về vì không muốn mang tiếng vì mình mà Duy không chịu về. Đó là tình yêu sao? Tình yêu mà sao thấy Duy rất mực thước, chỉn chu, kín kẽ với mình. Chàng chỉ thật sự vui khi tối đến, quây quần cả đám rồi hát hò, nhất là khi đêm đàn cho Mãnh hát. Chàng là một nho sĩ ngày xưa hay một gã trai hiện đại. Chàng mang hai khuôn mặt, ngày và đêm. Ngày nhu mì lầm lỳ khép kín và đêm ồn ào cợt nhã buông thả… theo cảm xúc. Đàn ông sao khó hiểu quá, Nhi nghĩ.
Đêm cuối cùng sau mười ngày ở lại, cả nhóm lại tề tựu hát hò. Đêm rằm. Trăng tròn. To và rõ sáng trên cao soi tỏ đốm lửa bập bùng trước mặt. Duy tuyên bố đêm nay phải say, không say không về phòng. Mà say thật, say khướt. Nhi cũng say mất rồi dù dự tính đêm nay sẽ tâm sự thật lòng cùng Duy, yêu cầu chàng tiến tới luôn, đừng lửng lơ tình ái mà dang dở đời hai đứa, nhất là Nhi, phận con gái vốn không nhiều thời gian chờ đợi. Đêm rất khuya, mọi người về phòng hết rồi vì mai mới thứ sáu còn phải làm việc. Còn ba đứa trên sân. Nhi chóng mặt, hoa mắt, leo lên cái võng mắc giữa hai cột nằm đu đưa. Tính nói: “Thôi hai ông cũng đi ngủ đi nhen, tui nằm một chút tui vô.” Mà có nói được đâu. miệng níu lại, mắt nhắm nghiền. Thôi chết, xỉn quá rồi. Nhưng đi vô phòng không nổi. Nghe tiếng đàn của Duy ngọt lịm trong đêm, hòa với tiếng hát của Mãnh sao nghe bay bổng quá. “… bay đi cánh chim biển hiền lành, chẳng còn giấc mơ nào để giữ đôi chân em…”
Đang thiu thiu, Nhi thấy nhói trên môi. Một con kiến bò lên mặt Nhi cắn đau điếng. Nhi quờ tay chụp nó thẩy xuống sân. Không nghe tiếng hát. Nhi hé mắt nhìn xung quanh. Lửa giữa sân cũng đã tắt. Trăng vẫn sáng trên cao. Nhi lờ mờ thấy hai bóng đen đang quấn lấy nhau. Một người phía gần Nhi, nhìn sau lưng hình như là Mãnh. Họ hôn nhau say đắm. Đúng là nụ hôn của những kẻ yêu nhau. Ông Mãnh này ghê thiệt, có bồ mà ủ kỹ quá! Họ lại tiếp tục hôn nhau, nụ hôn chừng như bất tận, như thể ngày mai không còn gặp lại… Nhi nín thở, mở mắt lớn hơn. Mai ông biết tui. Tui la khắp cái nông trại này cho ông bỏ cái tật hay giấu đi nhen. Ánh trăng hắt qua gương mặt người yêu của Mãnh. Nhi suýt té xuống đất. Bàng hoàng. Gương mặt ấy là của Duy. Một cảm giác khó tả chạy qua người Nhi như bị điện giật. Có ai đó vừa giáng một nhát rìu xuống đầu nàng. Tàn nhẫn đến lạnh lùng. Sượng sần đến gai người. Sao ngột ngạt quá dù đêm sương xuống, gió thổi qua rừng vẫn lạnh. Không thể nào. Duy là như thế sao? Cảm xúc lẫn lộn. Buồn chán. Ghê tởm. Họ vẫn quấn lấy nhau bằng một nụ hôn dài miên man trong tình yêu của loài hươu cao cổ… Phải chi trời nổi bão ngay giờ phút này hay mặt đất trên ngọn đồi này bỗng dưng lở ra cuốn tất cả chúng ta vào trong đấy, chôn đi những buồn đau, ngang trái của số phận, xóa đi những trò mèo của tạo hóa. Tiếng cành cây gẫy nghe khô khốc. Nghe đâu đây có tiếng cú mèo. Ai chết giờ này hay ngày mai. Có gì sụp đổ ghê gớm lắm trong Nhi, hình như là nỗi thất vọng mưng lên thành mủ trong tâm hồn.
Ánh trăng khuất dần trong mây. Trời đất chìm trong bóng tối. Đêm nay sẽ rất dài... Nhi nhắm mắt lại. Hai giọt lệ đột nhiên ứa ra, nóng hổi trên má. Chắc mai xin về Sài Gòn mấy bữa bất chấp nông trường còn đăng đăng đê đê công việc! Mình cũng đang u u mê mê trong tình yêu bạc bẽo quá chừng!
N.C (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét