Nghiệp – theo cách nghĩ thông thường, là “cái luôn đeo bám lấy mình không chịu buông bỏ”, từ rất lâu xa. Hiểu theo nghĩa của Đạo Phật là “kết quả của mọi hành động có dụng tâm, từ quá khứ, nên thân phải thọ nghiệp và tâm thọ nghiệp”; nhà thơ Võ Chân Cửu đến với Thơ, yêu quý Thơ, gần như suốt đời “ăn nằm” với Thơ, cho đến nay đã ngoài tuổi sáu mươi, vẫn còn “theo dấu nhà thơ” dù trong hoàn cảnh không được “thoải mái” cho lắm; tôi nghĩ đó cũng là một “cái nghiệp” phải trả!
Tập tản văn “Theo Dấu Nhà Thơ” của Võ Chân Cửu sau nhiều tháng mong chờ để có dịp chia sẻ cùng thân hữu, bạn đọc, sau cùng đã được Cty sách Phương Nam liên kết với Nhà XB Hội Nhà văn ấn hành vào quý II năm 2015. Tập sách gồm 30 bài “theo dấu nhà thơ”, dày 260 trang, khổ 13x 20,5.
Ba mươi bài viết với 30 cái tên gọi riêng nhưng có cùng chung một sự thể (hay thể tính) là nói về Thơ và người làm thơ – nhất là trước 1975 trong và ngoài nước! Giai đọan tiếp nối của dòng Thơ sau 75 chỉ là sự điểm xuyết, khơi gợi “một đôi điều” cần thiết cho Thơ (và người làm thơ) mà thôi.
Võ Chân Cửu trưởng thành trước 75 với tập thơ “Tinh Sương” được xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn, năm anh hai mươi tuổi, đang theo học ở Đại học Vạn Hạnh! Tuy sinh trưởng ở Bình Định, nhưng Võ Chân Cửu đã rời quê vào Sài Gòn rất sớm, nên anh có dịp quan hệ, gặp gỡ với nhiều bạn văn & thơ nơi “cái nôi” của văn học miền Nam thời bấy giờ. Anh cũng có dịp đọc, theo dõi sinh hoạt văn học ở miền Nam một thời vàng son, đổi mới; nên những “ghi nhận” của anh là một thể hiện đáng được quan tâm…
Tôi có thể xem “Theo dấu nhà thơ” của Võ Chân Cửu là một tổng hợp các sự kiện, kinh nghiệm, kỷ niệm và nhất là quan điểm về Thơ, đã từng được anh suy ngẫm, trăn trở, cũng như ước mong được sẻ chia với tất cả - như những lời tâm sự! Người đọc có thể nghĩ, trong vài chương, đó là một sự “hồi tưởng” da diết, một vài chương khác là một “tiểu luận” sắc bén, quyết liệt, hay là những trang “tùy bút” phơi phới thơ mộng, những “ký sự” nóng bỏng…Nhưng, ngoài hình thức - tôi đọc “Theo dấu nhà thơ” chỉ với hy vọng sẽ bắt gặp được những “dấu chân” mới lạ, những giãi bày thiết thân với dòng thơ hôm qua, và cả hôm nay, của một người đã “nặng nghiệp” với thơ hơn 40 năm như tác giả …
Trong “Theo dấu nhà thơ” Võ Chân Cửu đã ghi lại một chặng đường Thơ miền Nam trong 20 năm; thời gian cho một sự hình thành các khuynh hướng Thơ không dài, nhưng đã có nhiều dòng thơ, nhiều cuộc chuyển mình sáng tạo, và thử nghiệm, đáng được trân trọng (…). Theo cách ghi nhận chủ quan, và rất giới hạn của tác giả, nhưng cũng cho thấy một phần những biến đổi phong phú trong 20 năm (1954 – 1975), cùng những nỗ lực sáng tạo làm mới thơ trong 2 thập niên 60 và 70 của nhiều nhà thơ miền Nam…
Với số trang khiêm tốn và sự trước tác đơn lẻ, trong một hoàn cảnh chưa được thuận lợi - một mình tác giả chưa thể “theo dấu nhà thơ” trên vạn nẻo đường (từ trong nước đến nước ngoài) một cách đầy đủ, để phản ảnh chân xác được; đó dường như cũng là một điều đương nhiên! Nhưng, có một điều Võ Chân Cửu đã làm được là anh đã mạnh dạn nêu lên những vấn đề về Thơ (và liên quan đến thơ, cũng như các tác giả) rất nhạy cảm, gai góc, mà từ trước ít người làm được. Tôi rất đồng cảm với tác giả ở những chương như “Ai nuôi nhà thơ”, “Lại “Về đi thôi”, “Những nụ hoa cô độc”, cho đến “Con chữ nhạt phai” và “Mặt tiền nghệ thuật” (…) đó là những điều tâm huyết mà một người yêu quý Thơ, sống cho sự trưởng thành tốt đẹp của Thơ, hôm nay và ngày mai, không thể làm ngơ được!
Với tôi, nhà thơ dù đang ở đâu, trong bất kỳ vị trí, hoàn cảnh nào, đang theo đuổi “trường phái” hiện đại nào, thì “dấu nhà thơ” luôn luôn phải lưu lại cho nhân loại bằng chính hơi thở, nước mắt, và máu thịt của mình – như lời tâm sự của một nhà văn từng đoạt giải Nobel Văn học “(…) nghệ sĩ không được quyền sống lẻ loi với những mơ mộng riêng của mình, mà phải hòa mình vào đời sống thực tế phũ phàng chung quanh với mọi ngươi. Người nghệ sĩ nào diễn tả những nỗi khổ nhục cùng niềm hạnh phúc thông thường; họ sẽ được mọi người hiểu biết.(…) Bí quyết của một kiệt tác là làm cho bộ mặt của nhân loại thêm phong phú và khả kính hơn (…)”. Gần đây, nhà thơ Adonis (Syria) cũng đã nhắc lại: “Sứ mệnh của Thơ Ca, trước sau vẫn là “Thơ Ca luôn làm cho cuộc sống trên trái đất nầy tốt đẹp hơn, bớt phù phiếm, bớt khổ đau hơn!”.
Với “Theo dấu nhà thơ” Võ Chân Cửu dù chưa nói hết, nói đủ, bởi còn tùy thuộc nhiều vào “cái duyên” gặp gỡ (giới hạn); nhưng đã là một nỗ lực đóng góp cho Thơ “không là thứ tư tưởng không chân thật, là thứ nghệ thuật trang trí vô ích cho nhân loại” (Alexandre Mercerau) đang làm hoen ố bầu trời Thơ VN!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét