Tập truyện ngắn Ngọc trong sách (Nxb Hội Nhà văn, 2015) như là một sự sơ kết “muộn” với văn chương, chữ nghĩa của người giáo viên văn học hưu trí Nguyễn Huy (sinh năm 1949, quê Phước Hiệp, Tuy Phước) đã gắn bó cả đời mình với bục giảng và cây bút.
Hẳn nhiên giáo dục, môi trường học đường, tình thầy nghĩa trò là chủ đề được tác giả quan tâm trước hết (Bán chữ, Thấp thoáng thành phố, Chút nghĩa cũ càng); sau đó là chuyện văn nghệ, văn chương mà cũng là chuyện đời (Cà phê Buôn Mê, Người của giấc mơ, Đằng sau vai diễn, Vết chàm, Chuyện nhỏ ở quán nhỏ)…
Còn lại, gần hai phần ba số truyện (của 20 truyện ngắn trong tập) là những câu chuyện tình, với nhiều cung bậc mà ta dễ dàng bắt gặp đâu đó trong đời thực, phảng phất ý tứ từ câu Kiều: Người đâu gặp gỡ làm chi… Thật vậy, đó là “mối tình đầu đã xa, như gió thoảng mây bay” (Duyên tình), là mối tình của một cô sinh viên văn đi sưu tầm văn học dân gian gặp gỡ với người đam mê sưu tập ca dao bị vợ bỏ nên “Dẫu thương cho lắm cũng chồng người ta”(Người sưu tập ca dao); là mối tình của Hậu với cô sinh viên San, sẽ thơ mộng biết bao dưới Màu hoa Mimosatrong sương mờ Đà Lạt, nếu như không có chiến tranh, ly loạn ở miền Nam trước đây!...
Văn của Nguyễn Huy điềm đạm, đằm thắm trong từng câu chữ, tung hoành, tươi trẻ, linh hoạt, bất ngờ trong cách cấu tứ…. Đọc xong Ngọc trong sách lòng bỗng thấy nhẹ nhàng hơn, vì nồng ấm, nhân hậu, dù đó là chuyện tình dang dở, dù đó là chuyện đời nhiều cảnh ngộ éo le…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét