Tự dưng vào buổi hoàng hôn của cuộc đời anh họ tôi lại gặp vận "đỏ tình". Vy- cô gái anh quen, xem bộ là duyên trời định khi anh đang mắt nhắm mắt mở, miệng hô một... hai... ba... thì cô đi ngang qua. Chiếc váy chật bất ngờ bị cánh tay đang đà cầm máy giơ lên của anh hất tung. "Toẹt" một đường. Vy xấu hổ quá, loay hoay chạy về phía xe máy lấy áo khoác thì anh đã vội vàng lấy tấm khăn lông khổ to bọc máy ảnh của mình ra khoác lên vai Vy rồi.
Chuyện tưởng chừng đến thế nhưng tại duyên trời nên không tránh được khi vài lần nữa trong vài tiệc cưới anh và Vy gặp nhau để bây giờ bóng hoàng hôn càng đuổi nà sau lưng...
Anh cười run cả mái tóc dài uốn xoăn luôn thả bồng bềnh sau gáy khi khoe "người tình bé nhỏ". Chậc, Vy mới ba mươi nhé, chưa bằng một nửa tuổi anh đấy. Chồng bỏ bốn năm nay, nuôi hai con và mẹ chồng, lương công nhân vá víu nhọc nhằn tội nghiệp lắm. Nhưng của đáng tội, còn "mướt" lắm em à! Mỗi tuần tụi anh chỉ được gặp nhau từ bảy tới chín giờ tối chủ nhật thôi. Cà phê một tí rồi tìm nhà trọ nào đó mà nằm ôm nhau. Mà khốn khổ, ôm chưa ấm đã phải chia tay. Nhưng mà... em ơi, khuôn ngực đó, làn da đó, cái bắp chân đó... hai con rồi, cơ cực vậy mà sao như có ma ám vậy em à! Vy khiến anh cứ mong một tuần chỉ ba ngày để mau được gặp, được ngắm nhìn... Em không tin phải không, để hôm nào anh giới thiệu em sẽ thấy anh không hề nói dóc.
Người ta gọi anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh bởi dáng ngoài ngộ nghĩnh khác người. Tóc tai thì bù xù, hăng hắc mùi mồ hôi nhưng quần áo lại phẳng phiu đến từng li xếp. Anh hưu hơn năm nay. Công việc của một nhân viên cổ động trực quan trung tâm văn hóa huyện không có gì là to tát. Cũng chẳng quơ quào được phong bì phong bao gì. Tất cả học hành con cái, chi tiêu trong nhà, sắm sanh của cải mấy chục năm nay đều nhờ bà vợ hết. Giờ các con đã lớn, học hành thành đạt quay sang lo lắng cho ba mẹ nên anh càng không phải bận tâm tới tiền bạc. Càng rảnh rang, anh xoay qua học chụp hình, môn nghệ thuật anh mê từ thời trai trẻ nhưng không đào đâu ra tiền để mua chiếc máy phim nên đành để dành nỗi đam mê ấy sau gần nửa thế kỷ mới thực hiện được sau khi vợ sắm cho cái máy kỹ thuật số gần trăm triệu.
Bà vợ giáo viên của anh đẹp như tiên mà dạy môn khô khốc: toán. Bà cũng sắp hưu nên ráng tranh thủ thời gian, ngoài giờ ở trường còn nhận thêm mấy cua, khóa ở nhà. Lịch dạy của bà ken kín như dây tơ hồng Đài Loan bu lòng thòng mớ rễ hồng, rễ xám trước nhà.
Một ngày của anh thảnh thơi đã thành lịch. Thức ăn vợ sắm cả tuần để sẵn trong tủ lạnh. Sáng bà lên lớp sau khi đã lo ăn sáng tại gia cho hai vợ chồng. Anh từ ngày được vợ sắm cho cái máy thì siêng chụp ảnh nghệ thuật lắm. Mà nghệ thuật bây giờ đồng nghĩa với giàu sang đấy. Anh cứ đi rong, thấy ngôi nhà nào, vuông vườn nào đèm đẹp thì a lại tìm vài góc ảnh. Gặp chủ nhà lịch sự còn được bữa trà nước rôm rả. Không thì cũng có vài kiểu ảnh gửi đăng báo mục "góc ảnh nghệ thuật" có vài trăm bỏ túi. Nhưng để "một công đôi việc", anh cũng rửa ngay bức ảnh đó ra khổ to, kèm cả tờ báo vừa đăng tấm hình đó mang tới "tặng" chủ nhà. Mà ai lại đưa tay nhận không bức ảnh to như thế! Vậy là lại được vài trăm nữa. Mang tiếng "ăn hai đầu" nhưng mà túi ấm là được. Nhưng không phải lần nào cũng suôn sẻ thế. Có đôi lần gặp khung nhà nào đó lên ảnh đẹp như mơ, gửi đăng báo xong, rửa tấm ảnh bằng hình dựng cổng của cô dâu chú rể mang tới "tặng" và nhưng người ta không nhận, còn dọa kiện vì tội sử dụng ảnh không được sự đồng ý của chủ nhân. Thế là mất toi vài trăm bạc. Nhưng được bài học cẩn thận hơn.
Đi đâu thì đi nhưng tầm 10 giờ 30 anh phải về bắt giúp vợ nồi cơm, lau cái nhà, lấy rau ra lặt.
Chiều từ 1 giờ 30 tới 9 giờ tối là thời gian "sổ lồng toàn tập" của anh. Cơm nước đã có vợ lo, mà lũ học trò nhao nhao ngần ấy thời gian điếc đầu điếc óc lắm, anh làm sao tập trung tư tưởng mà sáng tác sáng tạo được. Vậy là một chốn bình yên cần phải có. Chốn bình yên đó lâu nay là quán cà phê võng nào đó, hoặc rúc vào phòng ngủ cắt cắt, sửa sửa hàng loạt tấm ảnh vừa chụp. Nhưng từ ba tháng nay thì chốn bình yên ấy là căn nhà mà anh và Vy thuê tháng cùng nhau.
Xứ thiên đường nhãn này lạ lắm. Mở mắt ra là có tiền. Đi bẻ nhãn, tỉa nhãn, chở nhãn, đóng thùng nhãn... Đó là việc của thanh niên nam nữ, mấy ông già già chút thì đi hạ tàn, vô phân, xịt thuốc nhãn cũng dư sống. Thu nhập từ nhãn rất cao nhưng những gia đình trẻ lại không giàu vì ăn xài rất bạo. Như nhà Vy nè, chồng đi chở nhãn ngày hai trăm, vợ tỉa nhãn cũng được 100 ngàn nhưng chưa dư được đồng nào. Chiều chồng mang về thảy cái rột một trăm năm chục ngàn vào tay Vy, đó là cho cơm gạo, năm chục ngàn còn lại anh đổ xăng ngày mai. Vy trăm ngàn tiền riêng thì mua sắm quần áo, giày dép, phấn son... Hễ ra vườn nhãn thì thôi, về nhà hay đi đám tiệc là đàn bà con gái xứ này cứ long lanh thơm nức như trái nhãn sắp đóng thùng. Vậy nên không có dư nhất là khi hai con lần lượt ra đời. Mà nhất là khâu ăn uống mới khiếp. Gia đình trẻ ít khi đỏ lửa nhà bếp. Sáng ra quán ăn cho lẹ để đi làm, trưa có cơm chủ vườn hoặc chủ trại nuôi. Chiều vợ chồng con cái dắt nhau lên thị trấn ăn quán nào đó sang sang để bù lại cả ngày lao động cực nhọc.
Chồng Vy chở nhãn ngày hai, ba trăm ngàn là chuyện bình thường. Mà đừng tưởng chở nhãn là sướng. Xe máy phải đôn dên, xoáy nòng sao cho chạy nhanh nhất, xe mạnh nhất. Mỗi thùng 30kg, mỗi lần chở 12 thùng là chuyện nhỏ. Những cung đường dân chở nhãn đi qua chỉ nghe tiếng máy xe siết ga rú nặng trịch, tưng tức khuôn ngực gầy. Xe chạy lạng lách vòng vèo sao cho về trại nhanh nhất, bảo vệ hàng nguyên lành nhất. Nếu một thùng nhãn mà rơi bể hả? Sẽ đền gấp năm lần giá trị thật.
Nhưng đó là nghề của mấy năm về trước. Bây giờ chồng Vy có dịch vụ internet thuê làm nhân viên quản lý. Việc nhẹ, lương cao nên anh bỏ nghề chở nhãn. Cái nghề gì mà tay ghì cổ xe chặt cứng, bụng rướn lên để chừa hết diện tích pa-ga cho hàng chục cái thùng. Chỗ ngồi cửa người lái to chưa bằng tờ giấy học trò. Vợ anh làm sao biết được, ngày nào đưa vợ từ hai trăm ngàn là đêm đó ruột anh giãn ra đau buốt cơ hồ sắp đứt. Chồng đi, tháng thứ nhất về một tuần. Tháng thứ hai về ba đêm. Tháng ba về một ngày. Tháng thứ tư về một buổi. Tháng thứ sáu thì không về giờ phút nào. Gia đình sống đầy đủ gần chục năm nay. Đầy đủ cả vợ chồng và tiền bạc. Giờ tự dưng chồng đi mất, nghe nói là theo con "yêu nữ" nào đó cũng là một cao thủ “nghề” game. Vy không đi tỉa nhãn nữa. Cảnh đấy người đâu làm lòng Vy đau lắm. Đi làm công nhân, môi trường mới, công việc mới chắc sẽ có nhiều cái mới hơn. Và điều mới ý nghĩa nhất là Vy đã gặp anh, người đàn ông đang vào độ cuối dốc của cuộc đời nhưng thương yêu chiều chuộng và bảo bọc mẹ con Vy nhiều lẽ.
Sáng nay anh bất ngờ gọi tôi cà phê thật sớm. "Để giới thiệu người tình bé nhỏ à? Em không thích quen kiểu đàn bà thế đâu! Chồng con không thôi cũng không ở. Dao Thái rẻ lắm nhưng đừng chơi tay đôi anh à! Nó điên tặng vài cây là anh em mình tự cung hết anh trai ơi!". "Không! Nói chuyện nhà nghe chơi thôi!"
Anh khuấy thủng cả đáy chiếc ly lipton nóng mà vẫn chưa uống giọt nào:
- Cái vụ tao với Vy bí mật lắm sao tụi nhỏ biết được chú ạ! Nói thật, trên đời này trời đánh tao không sợ, đất sụp tao không lo, chỉ sợ con cái quậy mà thôi!
- Dân chơi mà sợ mưa rơi sao anh? Người xưa nói "muốn người đừng biết trừ khi ta đừng làm"!
- Tao muốn nhờ chú mày chỉ cho vài "chiêu" chứ không phải ngồi đó làm cha tao!
- Đòi "cúp lương" tao. Mỗi tháng ba đứa cho tao bốn triệu, giờ cúp cũng kẹt lắm. Nhất là con nhỏ gái út tao cưng nhất, có chồng giám dốc công ty tư nhân thật to, thằng rể coi tao như "thánh sống". Nó hỏi "Nếu chồng con cũng như ba thì con phải làm sao? Ba trả lời suông thì cứ làm theo ý mình". Mà tao... không trả lời được. Tao cưng con gái út lắm, tao không muốn nó buồn.
- Nhưng... tao cũng thương Vy nữa. Tao nói thật, cả đời này ngoài mẹ tao, con gái tao thì tao thương Vy nhất đó!
- Mày toàn hỏi khó! Nhưng mấy ngày nay tao buồn Vy lắm. Tuần trước mới xin tao năm triệu để đóng tiền học thêm cho con. Tuần này lại không chịu gặp tao theo lịch hẹn, điện thoại thì tắt máy, đến cổng xí nghiệp đón thì coi tao như xa lạ...
- Anh về mua cái thang. Loại thang máy bay mới đủ độ dài...
- Bắc lên hỏi ông trời coi lý do tại sao Vy như vậy!
- Bậy bạ! Vy không phải là loại đàn bà đó đâu. Tụi anh đã tính tới chuyện sinh con với nhau rồi. Vy sẽ sinh cho anh một thằng con trai...
- Tính đổ vỏ ốc à? Chồng người ta còn sờ sờ đó!
- Đời thằng đàn ông mà không có đứa con trai là nhục lắm mày không biết à? Muốn biết con mình hay không, bỏ chục triệu đi thử AND là ra ngay!
- Chục triệu mà anh nói như chục ngàn? Vậy lâu nay thằng con trai nào cấp lương cho anh?
- Thôi, em nói thật. Anh đi lạc đường mấy tháng nay như thế là đủ lắm rồi. Tuổi của anh, sinh con làm sao đủ sức nuôi nó lớn khôn? Mà còn chưa chắc đó là con anh. Hãy dừng lại trước khi quá muộn đi anh!
- Mày nói y như vợ tao vậy! Chị em mày tâm đầu ý hợp dữ há!
Anh đập bàn bỏ về. Ly lipton sánh vàng sắc trà chảy tràn xuống nền quán chốc sau đã thành màu nâu đỏ như nước mắt người vợ hiền của anh đang rịn chảy.
Một tháng rồi, anh không gọi cho tôi. Để "làm lành" với anh, đám cưới thằng em vợ, tôi nhờ anh chụp ảnh. Anh em hể hả cà phê cười đùa xong anh quyết định chỉ tính giá ảnh cho tôi bằng tám mươi phần trăm người khác.
Cũng chả mới mẻ gì, thằng em cưới vợ lần hai, tiệc tùng gọn gàng bà con thân tộc và bè bạn thật thân thiết chứ không xênh xang như hồi "tập một". Mười hai bàn tiệc, tôi "đặt" anh chụp 100 ảnh, xem như vừa vặn
Nhưng... anh khiến tôi "bội chi" đến một trăm hai mươi phần trăm. Mà ngặt nỗi, ảnh lại không sắc sảo, kiểu làm của người tâm tư đang bị xáo trộn nặng nề. Nhìn xem... tiết mục "giỡ mâm trầu" mà anh chụp những tám kiểu. Cô dâu chú rể vừa đặt tay lên mâm là một kiểu, hé mâm là kiểu thứ hai, giỡ hết mâm, bốc trầu, bốc cau bỏ vô dĩa là ba kiểu tiếp theo. Trầu cau đã bốc xong là kiểu thứ sáu, đặt lên bàn thờ là kiểu thứ bảy, xá ông bà dâng trầu cau là kiểu thứ tám.
Cảnh ông sui gái nhận đôi đèn nhà trai mang đến cúng ông bà cũng được thợ ảnh "nhá" cho những bốn tấm. Này ông nhạc mở hộp đèn, kiểu thứ hai ông châm đèn vào lửa, kiểu thứ ba ông xá trước ban thờ, kiểu thứ tư ông run run trèo lên ghế cắm đôi đèn mà tà áo the thâm vểnh ngược... Chán nhất là cảnh vợ chồng tôi nhận rượu tân hôn của cô dâu chú rể. Vừa bước vào đã được chụp một kiểu, đưa tay cầm ly rượu là tất nhiên phải chụp. Rượu hồng rót vào miệng là kiểu thứ ba, trả lại cặp ly là kiểu thứ tư và kiểu cuối cùng là hai cái lưng nhễ nhại mồ hôi đang quay ra khỏi khu vực "lễ đài".
Còn rất rất nhiều "thuật ảnh cưới" mà anh chụp nhưng người nhận không thể nào từ chối vì đều có hai nhân vật chính. Ví như cô dâu chú rể vừa chụp với cha mẹ hai bên xong. Kiểu trước cha mẹ cô dâu đứng bên trái, kiểu sau vui lòng sang bên phải. Nào... cô dâu chú rể ơi, kéo rốc đám bạn ra đầu xe hoa làm một kiểu cho nó oai. Một... hai... ba... bạn bè xong rồi, cho anh "nhờ tí". Ngay cảnh này nhé, nhưng là chụp với đứa bé con cháu gì đó của em gái áo đỏ với anh trai áo tím đi. Cô dâu chú rể cười tươi lên, đấy... ngày vui mà... cô dâu chú rể phải cười lên. Mệt cách mấy cũng phải cười. Rồi... kiểu trước bé trai đứng bên phải, bây giờ đổ lại bé gái đứng bên trái. Có nếp có tẻ, cầu chúc cô dâu chú rể năm trước sinh con gái, năm sau kiếm một cục con trai cho vui cửa vui nhà.
Anh giao tập ảnh cưới, nhìn tờ giấy chiết tính vợ tôi... run bần bật. Tăng hơn hai lần so với dự kiến. Cô ấy bắt bẻ: Úy... mà ảnh nhiều vậy sao không có đĩa CD lưu? Ảnh tặng khổ A4 ghép cảnh ở đâu mà nhòe nhoẹt lạ hoắc hoằn hoặc thế này? Trời ạ, ghép làm chi cho cực, tụi nó đi đông đi tây như đi chợ, để tự chụp ảnh thật phải tốt hơn không
Còn đây, cô dâu mặc chiếc xoa-rê trắng tinh khôi vậy, anh đổ màu xanh lơ lem sang bộ vét đen chú rể khiến tấm ảnh 3D quá anh à! Anh cười hề hề, đời người có một lần mà, ngày mai ngày kia làm sao có thể tự mặc áo cô dâu chụp ảnh được.
Tôi bảo, thôi biết vậy. Nhưng chỉ chuẩn bị tiền đủ 100 ảnh. Cho trả trước, số còn lại "để mai tính". Anh nói "Nếu em không đủ tiền thì để anh gặp chú rể anh lấy". Vợ tôi la làng: Úy trời! Hôm bữa trước hai họ, vợ chồng em đã nói tặng cô dâu chú rể bộ ảnh cưới, giờ anh lại gặp tụi nó lấy tiền để em họ hàng hai bên biết được em ê mặt à?
Tôi chưa kịp chuẩn bị tiền trả cho anh 100 kiểu ảnh thừa thì chị gọi, nói anh lúc này "quậy" dữ lắm. Vì Vy đã có bầu 3 tháng, anh đòi chị đưa 20 triệu để đi thử ADN. Các con "về phe" mẹ. Anh mắng chúng một tăng "đồ bất hiếu" rồi đòi chị chia tài sản. Hai chiếc xe tay ga đứng tên anh, anh lấy hết. Nhà và đất, tiết kiệm ngân hàng, tivi, tủ lạnh, máy giặt, cả cái nồi, cái chén... trong nhà cũng phải chia đôi! Mà anh đòi chia tài sản thôi chứ không có ly hôn em ạ. Để anh mang số tài sản đó đi lo cho mẹ con Vy. Mà khốn khổ cho chị, chồng Vy lại lên nhà gửi cho chị cả xấp hình anh ấy và Vy đi du lịch chung. Chồng Vy đòi chị, nếu không muốn chuyện này ra chính quyền thì phải nộp 50 triệu cho hắn "ngậm miệng".
Tôi đến nhà anh, để gửi hết số tiền "phát sinh" của 100 kiểu ảnh. Nhưng vợ tôi thật chi li đàn bà, cô ấy nhất quyết: tiền anh trả mặc anh, nhưng ảnh "rác" thì em không nhận. Lồng vô allbum người ta cười cho thúi mũi. Em phải gửi lại cho ổng "rút kinh nghiệm".
Anh cầm triệu bạc tôi đưa xong thì vung nắm ảnh lên ném vào tường văng "bực" tung tóe khắp nhà. Vợ anh từ nhà sau đang xách bình thủy bước lên cũng bị vài tấm ảnh văng trúng. Miệng anh hét:
- Tôi cầm máy ba năm nay, chụp bao nhiêu là đám, chưa từng thấy đám nào kiểu này. Đây này, hình lên đèn vầy mà em trả, hình cô dâu chú rể cụng ly tréo tay uống ruợu vầy mà em trả là sao? Hả? Hả?
Thú thật là anh làm tôi hơi sợ. Nỗi sợ sệt chán ngán chứ không phải là sợ hãi. Anh chỉ vào buổi hoàng hôn của đời người, lẽ nào cũng cuốn theo xế chiều của nghề nghiệp? Áo bỏ vào quần phẳng phiu gọn ghẽ, mái tóc nghệ sĩ uốn xoăn dài qua vai cứ run rẩy theo từng tiếng hét của anh.
- Thôi anh... thôi anh... tiền em đã thanh toán hết. Chỉ tại con vợ em nó đàn bà nhiều chuyện quá. Mà em đặt có 100 tấm, anh chụp chi hơn 200 làm sao nó không xót? Tôi dịu giọng.
- Tôi không biết! Tôi là thợ, khách kêu chụp bao nhiêu là tôi chụp bấy nhiêu! Không lẽ khách bảo chụp mà tôi nói "hết chụp rồi" để mang tiếng tôi à?
- Khách kêu là một chuyện, nhưng anh phải biết là vợ chồng em đã thỏa thuận với anh trước rồi. - Vợ tôi đanh giọng.
- Thôi! Mày đừng nói nhiều! Tiền tao lấy rồi! Biến! Tao không muốn thấy mặt vợ chồng mày nữa!
Lâu nay tôi không gặp anh dù mỗi ngày đều đi làm ngang qua nhà anh. Lớp toán ngoài giờ của vợ anh đã dẹp tự khi nào. Chị điện thoại về nói hiện giờ chị đang ở rất ra nhà, để tìm sự bình yên cho tâm hồn. Hôm trước anh bảo chị chia tài sản không được thì vừa qua đã gom hết tiền bạc trong nhà, vác túi máy ảnh đã leo rào bỏ nhà đi, nói sẽ "chết bờ chết bụi" cho chị vừa lòng.
Tôi thở dài khuyên chị, đời người ai cũng có những đoạn dốc lên xuống như thế. Nhưng chị hãy tin rằng, người xưa nói không sai đâu “đỏ tình đen bạc”, nay mai anh hết tiền cô ta sẽ “đá” văng ra cửa rồi sẽ lếch về với chị thôi.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét