Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang
Phương bảo Duy rằng có những con người cả đời lầm lũi lẫn vào trong phố. Kể từ lúc nhập cư cho đến lúc ly khai khỏi thành phố này vẫn cứ lặng lẽ mà bước đi, đơn độc như chưa từng yêu thương chưa từng luyến tiếc. Một vài ngôi nhà sẽ đóng cửa chờ đợi một bàn tay khác đến mở ra. Hoa trên balcon sẽ thay cho hợp với sở thích người chủ mới. Bộ bàn trà được xếp gọn nhường chỗ để đặt chiếc máy tập thể dục mới cóng. Mấy cái lồng chim cũ dọn sạch vứt chổng chơ ngoài cửa chờ cô thu gom rác đi qua, chỗ trống đó được treo vài chiếc chuông gió khua leng keng vui nhộn như thể chưa từng buồn vì vừa phải xa vắng một con người. Bóng cố nhân chỉ còn vương trong lòng người ở lại, trong những câu chuyện chắp vá lúc sum họp bữa cơm chiều. Người trẻ nhắc từng có một cụ già ngày nào cũng tản bộ qua cổng nhà mình vào giờ này, mặt mũi luôn đắm chìm nghĩ suy không một gợn vui. Người già kêu nhớ tiếng mấy con chim cu gáy, nhớ mùi hoa thiên lý mọc khắp sân bên ấy, thỉnh thoảng còn được gọi cửa cho một vốc hoa đủ nấu bát canh cua. Lũ nhỏ hỏi bâng quơ “Ủa! Ông cụ hay cho kẹo tụi con sao đi vắng lâu vậy ạ?” Người lớn định nói dối điều gì đó. Rồi thôi…
Phương là hàng xóm của cụ già đó, sống cạnh nhau bao lâu mà không biết tên nhau. Gặp nhau thì cúi đầu chào, thỉnh thoảng muốn kiếm câu chuyện làm quà để được nấn ná lâu hơn nhưng bỗng ngại người già, sợ tuổi trẻ của mình dễ nói lời bồng bột. Nên cái tình hàng xóm chỉ thấy được khi Phương đang ở công ty thì nhận được tin nhà bị chập điện khói um khét lẹt. Lao ra đường, luồn lách về được đến nơi thì đám cháy đã được dập, cầu dao điện được ngắt, ông cụ chui ra khỏi đám khói mắt mũi lem nhem cười nói “ổn rồi”. Hôm sau là chủ nhật, ông cụ gõ cửa bảo “để tôi vào thay mấy cái ổ điện hoen gỉ đi, để thế dễ gây chập cháy, nguy hiểm lắm”. Phương pha sẵn trà ngồi đợi, chờ ông xong việc mới có cơ hội chuyện trò. Ông cụ bảo:
- Những người sống một mình thường không mấy chu đáo với bản thân. Hoa cỏ quanh nhà thì xanh tốt nhưng tâm hồn con người thì dường như đang héo úa đi. Cô nên chăm sóc bản thân mình thật tốt ngay từ khi còn trẻ đừng để đến lúc về già như tôi mới ngồi trách than cơ thể mình. Lúc ấy mới tiếc thương, chao ôi chúng ta từng trẻ lắm cơ mà! Cô ơi, người ta nói đời người như bóng câu qua cửa sổ là như vậy đấy. Mà thứ lỗi cho cụ già lẩm cẩm này nhưng hôm qua nhờ vào bếp cứu ấm thuốc nam bị chập cháy mà tôi thấy bếp núc nhà cô lạnh ngắt.
- Cháu chỉ không biết nếu cứ sống một mình đến già thì sẽ thế nào ông nhỉ?
- Cũng quen dần thôi cô. Tức là quen tỉnh dậy một mình. Ăn cơm một mình. Lúc vui vẻ hay ốm đau cũng chỉ biết thủ thỉ một mình. Chứ tuổi trẻ hay cái sự già yếu đều không tránh khỏi cảm giác cô đơn.
- Biết vậy mà tại sao suốt nhiều năm qua ông lại chỉ sống có một mình?
- Vậy chứ cô thì sao?
Rồi họ im lặng. Hai mái đầu già trẻ mải miết nghĩ suy. Phương đoán chắc hẳn cuộc đời ông chứa nhiều ẩn ức. Những người già thường vậy, sống cả một đời yêu thương đọng lại như đáy suối, nhấp nhô những sỏi. Soi vào ông cụ để thấy mình của mấy mươi năm sau đủ hiểu thời gian khắc nghiệt đến chừng nào. Tại sao Phương sống một mình ư? Tại vì Phương vẫn đang chờ đợi, nhưng là chờ đợi một thứ không rõ nghĩa. Như cứ thấy ngày hôm qua nhàn nhạt, ngày hôm nay vẫn đơn điệu một màu nên cứ nghĩ hoa thắm, nắng vàng còn ở đâu đó rất gần. Như những người đàn ông từng bước qua cuộc đời chưa bao giờ đủ nồng nàn tha thiết để khiến Phương yêu và nghĩ đến chuyện tương lai. Nên mỗi sáng thức dậy đều nghĩ hôm nay là một ngày đặc biệt, chắc sẽ gặp chàng trai của đời mình trên đường đến cơ quan, trong quán ăn trưa, bãi gửi xe, thậm chí là va nhau ở lối rẽ vào nhà vệ sinh trong siêu thị. Thì cũng có sao đâu, chỉ khổ nỗi người dưng quá nhiều mà người thương thì ít. Cứ vu vơ như thế nên biết phải trả lời ông cụ ra sao, bao nhiêu bồng bột dại khờ chắc cũng đổ cả vào sự chờ đợi ấy.
Im lặng hồi lâu rồi ông cụ bảo nếu tốt số thì con ông chắc cũng trạc tuổi Phương, giờ hẳn nhiên là có cháu bế cháu bồng. Phương nghe mà len lén thở dài…
* * *
Bẵng đi một thời gian dài, Phương do đảm nhận chức vụ mới trong công ty bận bịu triền miên hết họp hành lại đi công tác nên không có chuyện gì về ông cụ để kể với Duy. Phương hay thấy nhớ ông cụ như nhớ một người bạn. Thỉnh thoảng trở về nhà lúc đã khuya Phương nghe thấy những cơn ho kéo dài từ nhà bên ấy lòng cũng chợt xót xa, nhất là khi trời chuyển mùa đột ngột. Ông cụ dường như yếu hơn, ít ra ngoài, Phương thì đi sớm về khuya nên chẳng mấy khi hai người hàng xóm nhìn thấy nhau để mà cười. Đồ điện giờ đã có Duy sửa, bếp núc vẫn nguội lạnh thế thôi nhưng trong một vài ngày nghỉ hiếm hoi nó cũng ấm lên đôi bận. Duy nấu ăn khéo chứ không giống như Phương thường đi chợ mua ngẫu hứng còn về nhà thì nấu theo cảm hứng. Có bao nhiêu nguyên liệu Phương trộn nó lại với nhau cho món ăn đỡ buồn, cho môi người đỡ lạnh. Giờ Duy đến, việc gì cũng bảo để đó anh làm.
Duy khoái ông cụ nhà bên dù chưa một lần gặp mặt. Khoái qua những câu chuyện của Phương kể, qua tiếng mấy con chim cu gáy làm mềm phố xá, qua giàn hoa thiên lý rợp sân, qua nhiều chiều đứng nhìn bóng ông lầm lũi ra vào trong ngôi nhà nhỏ. Như là khoái nhân vật trong cuốn sách mà thỉnh thoảng lại lật giở một trang, thú vị và đầy bí ẩn. Duy nghĩ nhất định một ngày nào đó sẽ qua thăm rủ ông ngồi uống trà, đánh cờ và chuyện trò về những chú chim. Nhưng Duy cứ lần khất mãi, thấy cánh cổng tường quá cao, thấy góc sân quá kín, thấy chủ nhà có vẻ như thích ở một mình. Bao nhiêu cái hồ nghi, băn khoăn ghìm chân khiến Duy cứ lần nữa mãi. Rồi thì ông cụ ốm, Phương đoán vậy vì nghe tiếng ho cứ đuội dần, bầy chim cu gục đầu ủ rũ ngoài balcon, mấy chậu hoa cũng héo đi vì thiếu bàn tay người chăm tưới. Đến lúc này Duy mới vội vã bấm chuông, chỉ mong thấy dáng ông cụ ra mở cổng. Nhưng nhà cửa nguội lạnh, im lìm…
Ông cụ ốm đã lâu, người đuội đi vì sốt, khu phố nháo nhào đến hỏi thăm, ông cụ khẽ gật đầu cười. Phương xuống bếp nấu cháo cho ông, suýt nữa thì làm cháy nồi cháo chỉ vì mải ngắm người đàn bà trong ảnh. Một vẻ đẹp đằm thắm, hiền hậu nhưng buồn. Cũng vẫn là bức ảnh đó nhưng được ông đặt ở khắp nơi trong nhà, trên cửa sổ phòng ngủ, phòng khách, cầu thang. Phương đi giặt đồ hộ ông cũng bắt gặp nụ cười người đàn bà ấy e ấp bên chậu hoa trên sân thượng. Phương có hỏi thì ông bảo:
- Tôi già rồi cô ơi. Lẩm cẩm lắm, cứ lúc nhớ lúc quên. Quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên mặt mình cũng không sao, nhưng tôi không muốn quên bà ấy.
- Thì ra đây là người mà cụ chờ đợi bấy lâu?
- Chúng tôi xa nhau từ năm tôi còn trai trẻ và bà ấy còn thanh xuân lắm. Giờ thì lại sắp được gặp lại nhau rồi. Tôi để bà ấy chờ tôi cũng đã lâu, sợ lâu quá bà ấy sẽ quên tôi mất.
Phương biết họ sẽ gặp nhau ở đâu. Cầu Ô Thước ở một thế giới khác, hẳn là rất đẹp. Ông ốm nhưng thần sắc tươi vui, có lẽ là vì ông chuẩn bị cho cuộc hò hẹn này đã từ rất lâu rồi. Duy không chịu đựng được không khí yên lặng nên đứng dậy bước ra ngoài. Phương nhìn theo cảm giác như nghe thấy cả luồng gió lạnh thổi lướt qua gáy Duy. Gần bảy năm quen nhau hiếm khi Phương nhìn Duy từ đằng sau như thế. Thường thì lúc nào Phương cũng là người đi trước bỏ mặc Duy đứng lại nhìn theo. Nên đã có lần Duy bảo mãi mãi sau này dù có được nhìn thấy nhau hàng ngày nữa hay không thì hình ảnh mà anh nhớ nhất về Phương bao giờ cũng là cái gáy. Không phải là vì gáy Phương trắng, đẹp và đầy gợi cảm như những người đàn ông khác vẫn tỏ bày, Duy nói nhìn gáy mà thương người lầm lũi, nhỏ nhoi. Phương đã bước qua bao nhiêu cuộc tình, đã từng bị bỏ lại sau lưng đơn độc. Nhưng Phương chỉ biết đứng nhìn theo, chẳng bao giờ quay lại phía sau nên không biết mình đã bỏ quên một thứ. Bảy năm, hun hút một ánh nhìn…
Hôm ông cụ về quê, có gửi gắm lũ chim lại cho Duy và dán tờ rơi bán nhà từ đầu ngõ. Phương biết lần trở về này mãi mãi cô không còn được gặp lại ông. Hàng xóm ngạc nhiên khi thấy ông còn có một chốn quê nhà bởi vì từ khi họ đến đây chưa bao giờ thấy ông rời phố mà đi, kể cả chỉ là một chuyến đi rong chơi ngắn ngủi. Ông cụ bảo với Phương rằng quê nhà là nơi chứa tất cả những kí ức đẹp đẽ nhất về bà. Kể từ khi hai người còn là những đứa trẻ nghèo hồn nhiên sống và thương yêu tất thảy mọi thứ xung quanh, cho đến khi bà đi lấy chồng. Phương cứ nghĩ họ đã mất nhau vì một một lý do nào đó, nhưng ông cụ quả quyết lắm, ông bảo chưa khi nào thấy tuột mất bà.
- Mãi sau này khi thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên bà ấy mới thương tôi, vậy thì không thể trách bà ấy được rồi.
- Ông ơi, vậy sao hai ông bà không đến với nhau khi còn trẻ để đến nỗi về già ngồi nhớ nhung tiếc nuối?
- Thì lúc đó tôi cũng đã lập gia đình. Ngay cả sau này khi tôi đã ly hôn với vợ thì tôi và bà ấy vẫn như cá nước chim trời. Cuộc đời lắt léo lắm cô ơi, không phải mình muốn đi lối nào là đi được đâu. Nhiều khi cũng chẳng phải ai ngăn sông cấm chợ mà tự trong lòng mình trắc trở. Người ta khổ bởi yêu thương không đúng cách cũng là vì thế đấy cô.
- Nói vậy thì thành phố có gì để mà ông phải chờ đợi bấy lâu?
- Tôi có chờ đợi gì ở đây đâu cô. Đấy là mọi người cứ tưởng thế thôi. Bến đợi là ở trong lòng. Sở dĩ suốt bấy nhiêu năm tôi không về quê cũng là vì chuẩn bị cho lần trở về sau cùng này. Bao nhiêu vui buồn tôi sẽ bỏ lại ở đây để về nằm cạnh bà ấy trong nghĩa trang quê nhà. Mà cô có biết khu chôn cất ở quê tôi như thế nào không? Giữa một cánh rừng rộng lớn, chúng tôi sẽ nằm với hoa cỏ may, mây trời và xào xạc lá. Ở đấy chắc là lạnh lắm, nhưng thôi, không nên nhắc đến những chuyện buồn, về với thế giới bên kia rồi tôi sẽ chỉ mang theo những điều tốt đẹp. Mà cô gái ơi, hạnh phúc không phải là những thứ ở xa vời…
Phương không nghe thấy câu cuối cùng ông cụ nói với mình, vì lúc ấy lũ chim bỗng gáy loạn lên rồi phá phách như muốn sổ lồng. Ông cụ đi được mấy hôm thì chủ nhà mới chở đồ đạc đến. Duy thả lũ chim cu gáy ra vì bầu trời đang chờ đợi chúng. Khi ấy là cuối thu, lòng người đơn lẻ thường nghĩ vẩn vơ về những điều không thực. Người bạn già có lẽ đã đi rất xa rồi, Phương ở lại bỗng thấy thèm một tình yêu đẹp như cổ tích. Phương vẫn chờ đợi ngày của hoa thơm, nắng ấm. Chờ đợi thứ hạnh phúc mơ hồ ở nơi nào xa lắm. Còn Duy vẫn đứng lại nhìn gáy người thương. Rồi bẵng đi mấy hôm không thấy Duy đến thăm nhà cũng không liên lạc được. Phương dò hỏi khắp nơi thì thấy bảo Duy đã rời bỏ phố. Sao đến tận lúc này Phương mới chịu nhìn lại phía sau, khi đã không còn gáy người thương ở đó…
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét