Tôi đọc liền một mạch các tập thơ của Thanh Cương, một tác giả mới, hiện đang sống và mưu sinh ở mãi tận Đồng Nai với một cảm giác dễ chịu, xen lẫn sự thích thú, khi mà những cảm xúc tươi rói, chân thành của anh đã hoàn toàn thuyết phục được tôi. Cái gì đã làm nên một hồn thơ Thanh Cương bình dị, dân dã nhưng lại rất thanh thoát, dễ đọc, dễ cảm như vậy?
Thông tin cá nhân: (VanDanViet) Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa.
đã xuất bản 9 tập thơ, 4 tiểu thuyêt, 1 tập ký sự.
Học văn tại Nga. Dịch giả văn học thế giới.
ĐT: 0122.220.69.89
_____
TẢN MẠN VỀ THƠ THANH CƯƠNG
Tôi đọc liền một mạch các tập thơ của Thanh Cương, một tác giả mới, hiện đang sống và mưu sinh ở mãi tận Đồng Nai với một cảm giác dễ chịu, xen lẫn sự thích thú, khi mà những cảm xúc tươi rói, chân thành của anh đã hoàn toàn thuyết phục được tôi. Cái gì đã làm nên một hồn thơ Thanh Cương bình dị, dân dã nhưng lại rất thanh thoát, dễ đọc, dễ cảm như vậy? Không có gì là ghê gớm ở đây cả, bởi thơ anh được viết nên từ một trái tim nhân ái, một tấm lòng hoài niệm nhưng không ủy mị, một cảm khái thiên nhiên, trời đất, dân tộc, đất nước, nguồn cội…tuôn chảy mãnh liệt nơi anh, để cuối cùng nó vỡ òa thành những câu thơ xinh xắn nhưng lắng đọng tình người, lắng đọng hồn quê hương, tình yêu và nỗi nhớ. Với sự đam mê đến cả tin và nhẹ dạ, Thanh Cương đã tặng lại cho đời, cho bạn đọc một chút tình thi nhân đầy đắm say, thao thiết đến tận cùng sâu lắng nghĩa đời, nghĩa người, thân phận và cả những trái ngang của cuộc sống. Dù xuất phát từ góc độ nào của nghệ thuật đi chăng nữa, tôi nghĩ chỉ riêng điều ấy thôi thơ Thanh Cương cũng đã có hơi thở của sự sống, mà đã có hơi thở của sự sống thì thơ anh tự nó sẽ biết tồn tại. Vâng! Sự tồn tại của thơ thì khó lắm! Thi ca có sự ràng buộc khắc nghiệt của nó. Nó dịu dàng nhưng cũng tàn nhẫn với người viết lắm.
Chẳng cần phải đọc tiểu sử, chỉ cần đọc thơ anh người ta cũng dễ dàng nhận biết:
Ngày nhỏ tôi được nghe ba kể
Quê nội tôi xứ Huế, Kim Long
Chạy theo một dải ven sông
Hương Giang thơ mộng như trong câu hò
(Kim Long trong tôi)
Thế là rõ, Thanh Cương sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành ở Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa. Mẹ anh là người Đông Anh, bố anh là người Kim Long xứ Huế. Hai xứ Thanh và Huế đã hun đúc nên hồn thơ Thanh Cương đi suốt năm tháng cuộc đời gió bụi, phong ba đầy thử thách để vươn lên làm người theo đúng nghĩa chân chính của nó. Không phải vô cớ khi viết về mẹ mình, người mẹ của miền quê: “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” đã làm lụng, tảo tần, một nắng hai sương nuôi anh và gia đình trong những năm tháng gian khó, cần lao, anh dũng của quê hương, dân tộc với một thái độ thành kính, biết ơn. Anh có cách nói rất đặc biệt về mẹ mình, một cách nói tôi cho là độc đáo:
Sữa mẹ nuôi hình con lớn
Lời mẹ ru rộng bốn phương trời
Đã cho con biết làm người
Bao la nghĩa mẹ xây đời cho con
“Sữa mẹ nuôi hình con lớn” là cách nói lạ. Thơ cần vươn tới cái lạ, cái mà người đọc giật mình thì mới hay. Làm thơ khó là vậy. Thơ kiệm lời mà hay cũng là vây.
Viết về người cha thân yêu là lúc Thanh Cương nhớ về một nhà sư sớm giác ngộ đi theo cách mạng, theo tiếng gọi của non sông, của Đảng, Bác Hồ ra đất Bắc kháng chiến chống Pháp: “Theo cách mạng trường kỳ kháng chiến/ Xa cửa thiền, bỏ tiếng kinh chiều/ Bao ngày nhung nhớ Huế yêu/ Đành tâm khép lại để theo luật đời/” Nhà sư cũng đứng lên cầm súng giết giặc là chân lý của lẽ phải, là việc làm chính đạo của người yêu nước, thương nòi. Đó cũng là sự vĩ đại của nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt bốn ngàn năm qua để đất nước trường tồn, độc lập. Thanh Cương có quyền tự hào về người cha kính yêu của anh, người mà anh đau đáu biết ơn, kính trọng, yêu thương trong suốt cuộc đời!
Quê hương, bè bạn, người thân, nhân dân nơi anh sinh ra, lớn lên luôn là một mảng đề tài để anh gửi gắm kỷ niệm, nỗi nhớ khôn nguôi, da diết: “Quê hương đẹp những cánh diều/ Tuổi thơ ta gửi thật nhiều mến thương.” Đó là một quê hương đã trải qua những ngày bom Mỹ ác liệt, nhưng đầy hào khí và tinh thần chống Mỹ, cứu nước cùng với quân dân cả nước: “Máy bay gầm rú trên trời/ Bom đạn Mỹ rải khắp nơi quê nhà.” Anh nhớ không khí hào hùng thời cả nước lên đường chống Mỹ nơi xứ Thanh anh hùng: “Nhớ ngày trên khắp hậu phương/ Thanh niên nô nức lên đường tòng quân/ …Người đi với một niềm tin/ Thống nhất đất nước, bình yên biển trời/ Đẹp thay bao những con người/ Đã hiến dâng trọn cuộc đời thanh xuân.” (Quê hương một thời như thế).
Thanh Cương còn có mãi một quê hương êm đềm, một quê hương đã cho anh cái tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Đó là một tuổi thơ sống động nơi miền quê xứ Thanh đẹp như cổ tích, ca dao:
Nơi bóng dừa cứ vấn vương
Lá nghiêng làm lược chải thương mây trời
Dòng sông quê lững lờ trôi
Trưa hè thỏa sức ta bơi vẫy vùng
Triền đê trâu thả thung dung
Nhẩn nha gặm cỏ trên lưng gió lùa
Mênh mang đồng lúa gió lùa
Rộn ràng tiếng hát câu hò ngân nga
(Quê hương)
Quê nội cũng hiện lên vừa mộng vừa mơ, hư hư thực thực. Cái đẹp ấy không thể là nơi khác được mà phải là xứ Huế:
Nhìn bên phải là thành tường nội
Bến Văn Lâu vẫn đợi thuyền rồng
Phượng xanh nghiêng bóng ven sông
Chờ người lãng tử thả lòng câu thơ
(Vấn vương xứ Huế)
Tôi nhận ra thơ Thanh Cương có nhiều bến đợi, bến chờ. Cái đợi, cái chờ của tình yêu đôi lứa đã tạo nên những cái bến của cõi thơ, khi ta đọc và ngâm lên thấy bâng khuâng, xao xuyến đến lạ lùng:
Nhà nàng gần bến Tương Tư
Chiều chiều bến nhuộm tàn dư nắng vàng
Mặt sông lặng lẽ, mơ màng
Chờ người quân tử, thuyền sang đón về
Lặng nhìn trên bến chiều quê
Đã bao ngày tháng nặng nề trôi qua
Tương tư, em đợi người xa
Thuyền vẫn chờ đó, lòng da diết buồn!
(Bến tương tư)
Bài thơ phảng phất buồn, cái buồn của người khao khát yêu đương, đợi chờ, mong ngóng. Tình yêu nhiều khi như cợt như đùa buộc người ta phải dấn thân mới có được tình, được người mà mình đã thầm mong, trộm nhớ. Thơ Thanh Cương không viết nhiều về tình yêu đôi lứa, nhưng nếu có viết thì thường tha thiết, phong tình, đằm thắm, giản dị đến dễ thương và ta không thể không đọc, không thể không để tâm tới những bài thơ ấy. Đó là cái được của anh trong thơ tình yêu.
Cảm thức thời gian, mùa sinh, mùa nở, mùa tàn, mùa đợi…là chuỗi cảm xúc tạo nên những thi hứng lãng mạn dào dạt, tuôn chảy tưởng như không ngừng nghỉ trong thơ Thanh Cương. Người ta sống ở trong trời đất mà có được ý thức, cảm nhận, có được cái ràng buộc như duyên nợ với nhịp điệu thời gian phải là người tự ý thức cao về bản thân, phải đa cảm, đa đoan nhiều lắm. Nếu không đa cảm, đa đoan sao nhận ra được sự run rẩy của mùa; ví như một cái lá rụng lìa cành, một đám mây đổi màu phù vân nơi cuối trời, một buổi sáng mờ sương ở Sapa, con nước phù sa nặng chảy các dòng sông, hay cảm giác miên man của hoa dại nơi rừng sâu suối xa, nơi bờ dậu quê nhà, đất nước:
Cỏ nhú mầm xanh gợn chân trời
Trăm hoa khoe sắc khắp nơi nơi
Hương nồng quện gió mùa xuân đến
Rực rỡ đất trời, xuân thắm tươi!
(Xuân thắm tươi)
Thơ Thanh Cương đậm đặc và lan tỏa bóng hình đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng vĩ, văn hiến, anh hùng. Cảm xúc về đất nước trong thơ anh rất đa dạng, đó là cái đa dạng khi anh biết thổi hồn vào những cái muôn năm, những cảnh trí thiên nhiên bất tử. Có lẽ do đi nhiều đã tạo cho anh có nhiều ký họa ấn tượng về non sông, đất nước qua thơ. Trong những bài thơ viết về thể tài này, Thanh Cương đều xuất phát từ gốc rễ ăn sâu vào ý chí, tâm hồn, tâm thức người Việt; đó là sự giản dị, hồn hậu, niềm lạc quan, yêu đời, chất phác trong cuộc sống, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong tranh đấu mà viết. Thơ anh không làm dáng, làm duyên trước sự bất tử của thiên nhiên, đất nước. Cái đẹp ấy một lần nữa lại tỏa sáng lung linh trong thơ anh:
Suối mơ lá rụng xuống đầy
Cội nguồn về lại đợi ngày lập xuân
Mùa mây, ai đến một lần
Xa rồi lòng lại hẹn thầm mùa sau
(Mùa mây)
Năm 2014 là năm được mùa của thơ Thanh Cương. Anh có cả thảy 3 tập thơ xuất bản: Thơ Thanh Cương; Miên man nỗi nhớ; Việt Nam đất nước tôi. Đây là sự ghi nhận thành quả lao động sáng tác không biết mệt mỏi của anh. Tôi cứ nghĩ, nếu không có nghị lực, không vượt qua được những cám dỗ vật chất đời thường, những toan tính cá nhân thì anh khó có thể làm được điều đó. Xin có lời mừng. Mừng những vần thơ mộc mạc, chân thành, dung dị, gần gũi đối với người đọc của anh. Thơ Thanh Cương là cầu nối giữa các miền quê Việt; mà ở đây cụ thể là Thanh Hóa - Huế - Đồng Nai. Ôi nước non một dải, nơi luôn có tình quê hương, luôn có lòng người con xa xứ hướng về nguồn cội với tình yêu thương nồng nàn, bùng cháy, rạng rỡ lên trong mỗi vần thơ của anh. Một bên là xứ Huế quê nội mộng mơ, êm đềm, một bên là xứ Thanh quê ngoại hào hùng, khí phách - cái nôi của văn minh Đông Sơn, văn minh Núi Đọ, một bên là Đồng Nai nghĩa dũng của Thành đồng Tổ quốc…sẽ là nguồn mạch tuôn chảy nuôi hồn thơ Thanh Cương hôm nay và mai sau.
Đêm xứ Thanh, cuối đông 2014
Nhà thơ – dịch giả văn học
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Thanh Hóa ngày 22.7.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét